Đã có dấu hiệu theo lối mòn

Thứ Hai, 08/10/2018, 08:18
Một yêu cầu của phim nhiều tập là sự cuốn hút. Mà muốn có được sự cuốn hút một cách liên tục thì phải làm cho câu chuyện hấp dẫn và sự phát triển tính  cách cũng như nội tâm của nhân vật. Càng phong phú đa dạng bao nhiêu, chiều sâu nội tâm càng khai thác được bao nhiêu càng hấp dẫn bấy nhiêu...


Từ năm ngoái đến nay, trong "khung giờ vàng" chiếu phim trên VTV1 và VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, ít nhất đã có 3 bộ phim nhiều tập đề cập đến nội dung mẹ chồng - nàng dâu. Đó là phim "Sống chung với mẹ chồng", để lại trong công chúng nhiều ấn tượng và suy ngẫm. Tiếp đến là phim "Cả một đời ân oán" mà tập cuối cùng đã chiếu vào đêm 23 tháng 8 vừa qua. Và phim hiện đang trình chiếu là "Hạnh phúc không có ở cuối con đường".

Chuyện về mẹ chồng - nàng dâu là một chuyện muôn thuở, phong phú, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Việc khai thác phản ánh đề tài đó trong sáng tạo nghệ thuật là điều rất cần thiết và luôn là sự mong đợi của công chúng. Các phim nói trên phần nào đã đáp ứng sự mong mỏi đó của công chúng. Có những thước phim đã thể hiện sự thăng hoa trong diễn xuất, tạo nên điểm sáng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, công chúng cảm tưởng đã có sự na ná nhau trong cách thể hiện ở các phim trên.

Trước hết là nhìn vào phác họa hình tượng mẹ chồng. Một mẹ chồng mang tính cổ hủ, cực đoan, nặng định kiến, áp đặt, bênh con trai, nghi kị, ghét bỏ con dâu và luôn là nguồn gốc của mọi sự căng thẳng, rạn nứt trong gia đình. Một nàng dâu tốt nhưng bị sức ép của những oan trái nên sinh ra thế này thế nọ…

Một cảnh trong phim “Sống chung với mẹ chồng”.

Có thể nói, xem qua các phim trên, dẫu là mẹ chồng, nàng dâu ở trong mỗi hoàn cảnh gia đình cụ thể khác nhau nhưng đều toát ra cái hình thái, dáng dấp như thế, khiến người xem có lúc cảm thấy như là đã biết điều ấy rồi. Lại có lúc người xem như đã đoán nhận ra tình huống tiếp theo là thế nào? Nội dung tập sau là ra sao? Và ngay câu nói của mẹ chồng hoặc nàng dâu sắp tới  là thế nào?...

Từ ánh mắt đến điệu bộ, từ cách nói lúc thì cay nghiệt, lúc thì mỉa mai, cạnh khóe hoặc ngọt ngào, tình cảm… nhiều khi khiến cho công chúng có cái cảm giác nhận ra sự na ná ấy. Điều đó nói lên phải chăng những hình ảnh của mẹ chồng và nàng dâu được thể hiện như thế, nó đã đi vào "lối mòn" trong tư duy hình tượng của công chúng

Một yêu cầu của phim nhiều tập là sự cuốn hút. Mà muốn có được sự cuốn hút một cách liên tục thì phải làm cho câu chuyện hấp dẫn và sự phát triển tính  cách cũng như nội tâm của nhân vật. Càng phong phú đa dạng bao nhiêu, chiều sâu nội tâm càng khai thác được bao nhiêu càng hấp dẫn bấy nhiêu. Trong các phim trên, ta thấy có lúc yếu tố này được duy trì xuyên suốt nhưng cũng có những lúc không duy trì được. Nó dẫn đến tình trạng hụt hẫng.

Có thể nhận biết điều này ở chỗ có phim công chúng chỉ hứng thú xem những tập đầu, còn những tập sau thì không còn hứng thú nữa, bởi thấy nó cứ nhạt dần, thậm chí càng xuôi về những tập sau càng có cảm giác phim kéo quá dài.

Mỗi tập phim là một tình huống khác nhau, nhưng hình như đó lại là từng mảng sống đơn thuần ghép lại. Thiếu đi một điểm nhấn, một sự khám phá và sự phát triển tính cách nhân vật chưa thật rõ nét. Cho nên, tuy mỗi tập là mỗi sự việc khác nhau, nhưng lại giống nhau ở chỗ là sự cãi cọ, tức giận, làm mình làm mẩy… giữa mẹ chồng với nàng dâu. Có lúc người xem nghĩ rằng cứ tiếp diễn như thế thì phim kéo dài đến bao nhiêu?

Những bà mẹ được phản ánh trong các bộ phim trên, có mẹ sống trong thời kì bao cấp bắt đầu chuyển sang thời kì đổi mới (phim"Hạnh phúc không có ở cuối con đường"), còn mẹ chồng ở hai phim "Sống chung với mẹ chồng" và phim "Cả một đời ân oán" là ở thời kì đổi mới, cơ chế thị trường mở ra, bởi từ cách ăn mặc, sử dụng điện thoại di động hay con người đã có ôtô riêng… đã nói lên điều đó. Tuy khác nhau ở mỗi hoàn cảnh, nhưng người xem dễ nhận ra ở các nhân vật này lại được thể hiện nhiều nét giống nhau.

Đã lên chức "mẹ chồng" rồi thì từ mái tóc đều   điểm bạc, ăn mặc, tác phong, cách sống cũng như lời ăn tiếng nói, lập luận về con người và cuộc sống quy củ, nền nếp, mang dáng dấp của lớp người của thời trước, xem ra hơi cứng.

Cái nét "xế chiều" nổi trội, khiến cho cái chất già - trẻ trong  quan hệ mẹ chồng - nàng dâu chênh nhau quá. Nặng về tính giáo dục hơn là tính truyền cảm, thiếu hấp dẫn. Đó là sự khắc họa, thể hiện đúng. Nhưng chỉ đúng thôi  chưa đủ, hình ảnh mẹ chồng thể hiện sự khuôn phép mà thiếu đi cái sinh động như nó vốn có của cuộc sống thời đổi mới. Và cứ theo đà này thì không khéo hình ảnh những người mẹ chồng cũng xuôi về theo lối mòn.

Nói tới điều này xin nhớ lại một câu chuyện xôn xao cách đây vài năm. Đó là chuyện cô giáo ra đề văn cho các em học sinh phổ thông hãy tả bà nội. Một học sinh tả bà nội em tuy đã về hưu nhưng tóc bà vẫn đen nhánh, hằng ngày bà vẫn đi xe máy SH, mặc quần áo mốt, đi giày thể thao tham gia hoạt động ở câu lạc bộ. Cô giáo cho điểm thấp. Theo cô gợi ý, đã "lên chức" bà nội thì tóc phải bạc trắng, mắt phải đeo kính và lúc nào cũng lim dim ngồi xâu kim và kể chuyện cổ tích cho em nghe. Rõ ràng là người ta kể chuyện này ra để phê phán cô giáo vẫn đem cách nhìn cũ của thời vất vả, khó nhọc ngày xưa để tả bà nội.

Cuộc sống thời nay đã được nâng cao, văn minh công nghiệp đang đẩy lùi cái lạc hậu của quá khứ, tạo nên diện mạo, sắc thái mới. Con người không những trẻ trung hơn về dáng dấp, hình thức mà chất trí tuệ, nếp sống và tính cách cũng đã có nhiều nét rất mới. Và chính từ cuộc sống ấy, quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu, bên cạnh những cái còn mang lề thói cũ thì đã có nhiều nét mới mẻ cần được đi sâu khám phá.

Phạm Văn Thạch
.
.