Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017:

Cuộc đua "nội bộ" của các nhà hát công lập?

Thứ Hai, 12/06/2017, 08:02
Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017 do Cục Nghệ thuật Biểu diễn tổ chức vừa khép lại sau 5 ngày tranh tài tại thành phố Nam Định. Từ 35 tiết mục dự thi đã được dàn dựng với sự tham gia của 37 diễn viên đến từ 7 đơn vị nghệ thuật kịch nói, Ban tổ chức đã trao  5 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc cho các diễn viên trẻ.


Sau mỗi cuộc thi đều có những niềm vui vỡ òa và những nỗi buồn lắng lại, nhưng quả thực cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017, có nhiều câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ...

Cuộc đua "nội bộ" của các nhà hát công lập phía Bắc?

Mặc dù được gọi là "Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017" nhưng thực tế chỉ có 7 đơn vị nghệ thuật tham gia. Trong đó, có 5 đơn vị nghệ thuật đến từ Thủ đô là Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Đoàn kịch nói Công an nhân dân, Nhà hát Tuổi trẻ và 2 đơn vị nghệ thuật địa phương là Đoàn Kịch nói Nam Định và  Nhà hát Ca múa nhạc Lam Sơn Thanh Hoá, trong đó Đoàn Kịch nói Nam Định là... chủ nhà.

Và cũng không còn là câu chuyện lạ với nhiều kỳ liên hoan - hội diễn sân khấu, thêm một lần nữa không có một đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập hay tư nhân nào của miền Nam tham gia cuộc thi có quy mô toàn quốc này.

Nếu là 10 năm trở về trước, ở bất cứ một kỳ liên hoan - hội diễn sân khấu nào cũng "lác đác" có mặt các đơn vị nghệ thuật phía Nam, trong đó chủ yếu là TP Hồ Chí Minh. Nhưng sau đó, cứ thưa dần và bây giờ là bặt tăm, không còn thấy gương mặt nào đến từ địa phương có hoạt động sân khấu sôi động nhất cả nước tham gia nữa.

Việc các đơn vị nghệ thuật công lập phía Bắc "đóng cửa thi với nhau" đã khiến cuộc đua tài năng kém đi sắc màu, sự cọ sát và tính hấp dẫn của nói. Bởi lẽ, nếu cứ nhìn vào cuộc thi vừa diễn ra, sẽ thấy rất dễ dàng để nhận ra những khoảng cách đáng kể giữa tính chuyên nghiệp của các đơn vị nghệ thuật đến từ Trung ương với các đơn vị nghệ thuật đến từ địa phương mà mất đi tính cọ sát vẫn luôn cần thiết giữa hai đầu cầu sân khấu kịch miền Nam - miền Bắc.

Các giải thưởng cao của cuộc thi hầu hết được trao cho nghệ sĩ đến từ các Nhà hát công lập trên địa bàn Hà Nội.

Trong số 16 Huy chương Vàng - Bạc được trao, chỉ có 2 Huy chương Bạc được trao cho 2 nghệ sĩ trẻ của 2 đơn vị nghệ thuật địa phương, đó là Nguyễn Thị Thùy Linh (vai Diệu, trích đoạn trong vở "Thời con gái đã xa" - Đoàn Kịch nói Nam Định) và Lê Thanh Tùng (Vai Cường, trích đoạn trong vở "Nước mắt của thời gian" - Nhà hát Ca múa nhạc Lam Sơn Thanh Hóa).

Còn lại, 14 giải thưởng khác đã thuộc về 5 đơn vị nghệ thuật đến từ Hà Nội: mỗi nhà hát đều có ít nhất 2 giải thưởng. Các Huy chương Vàng lần lượt thuộc về: Nguyễn Thị Kim Dung (Nhà hát Kịch nói Quân đội, vai Diệu trong trích đoạn vở "Thời con gái đã xa"); Nguyễn Thanh Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội, vai Đát Kỷ, trong trích đoạn vở "Khát vọng Đát Kỷ"); Đào Chí Nhân (Nhà hát Kịch Hà Nội, vai Hamlet trong trích đoạn vở "Hamlet"); Vũ Hồng Lê (Đoàn Kịch nói Công an nhân dân, vai Đát Kỷ, trong trích đoạn vở "Khát vọng Đát Kỷ"); Nguyễn Thị Duyên (Nhà hát Kịch Việt Nam, vai Mê Đê trong trích đoạn vở "Mê Đê").

Đề cập đến vấn đề bất cập này, trong đêm bế mạc cuộc thi, NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỏ ra lo ngại: "Qua cuộc thi lần này, chúng ta thấy rõ sự chênh lệch khá lớn về thanh, sắc cũng như kỹ năng chuyên môn của các diễn viên trẻ giữa các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội và các địa phương.

Việc diễn viên trẻ ở các địa phương khác, diễn viên trẻ không thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập, kể cả ở thành phố Hồ Chí Minh không tham gia là một vấn đề mà các nhà quản lý và các nghệ sĩ đáng phải quan tâm. Sự tồn tại và phát triển của nghệ thuật sân khấu nói chung, của nghệ thuật Kịch nói nói riêng trông chờ vào tài năng của thế hệ các nghệ sỹ trẻ...".

Vì sao sân khấu TP. Hồ Chí Minh luôn đứng... ngoài cuộc?

Trở lại với câu chuyện vì sao lâu nay các nhà hát - đơn vị nghệ thuật phía Nam không còn mặn mà với việc thi thố, theo tìm hiểu của phóng viên thì câu trả lời "Tiền đâu để mà đi thi?" đã trở nên quen thuộc đối với các câu hỏi vì sao trong các cuộc thi thố liên hoan về sân khấu lại liên tục vắng bóng các đơn vị nghệ thuật tư nhân và bây giờ là cả công lập ở phía Nam.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc đầu tư để cho một diễn viên đem một trích đoạn đi dự thi tài năng chiếm kinh phí không tốn kém nhiều như đối với các kỳ liên hoan dự thi các vở diễn lớn, có số lượng diễn viên và người phụ trợ đông đảo.

Thế nhưng, các nhà hát, các nghệ sĩ phía Nam vẫn không mấy mặn mà và thường xuyên lựa chọn cách... "đứng ngoài cuộc". Trong khi đó, đã thành truyền thống, các đơn vị nghệ thuật phía Bắc lại tỏ ra hào hứng với các cuộc thi và các Huy chương Vàng - Bạc mà diễn viên của họ giành được trong các cuộc thi vẫn trở thành niềm vui, niềm tự hào chung của đơn vị.

Việc quan tâm, đầu tư cho thế hệ trẻ là một việc làm cần thiết và cần được làm liên tục. Vẫn là câu chuyện cũ, đó là đội ngũ kế cận của các nhà hát kịch nói riêng và sân khấu nói chung vẫn là câu chuyện đáng báo động khi ngày càng có ít sinh viên tham gia thi tuyển vào các trường nghệ thuật.

Diễn viên trẻ Mai Duyên (trái) trong trích đoạn "Mê Đê" (Huy chương Vàng).

Đã đến lúc, việc thực hiện các cơ chế ưu tiên, "đặc thù" để đầu tư cho lực lượng trẻ bằng cách hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị nghệ thuật tư nhân để họ có thể đầu tư cho diễn viên, hoặc là cho việc dàn dựng tác phẩm là điều cần thiết.

Tham gia một sân chơi bổ ích như các cuộc thi tài năng, chắc hẳn là điều cá nhân mỗi nghệ sĩ đều quan tâm, mong muốn. Song nhiều khi cũng "lực bất tòng tâm", không mấy ai dám mạo hiểm bỏ ra một số tiền có thể lên tới vài chục triệu đồng mà không biết chắc có thể "giật cái giải gì hay không"? Cùng là nghệ sĩ nhưng cách đối xử khác nhau giữa diễn viên thuộc nhà hát công lập với diễn viên thuộc đơn vị nghệ thuật tư nhân của Ban tổ chức các cuộc thi luôn khiến họ phải suy nghĩ, thậm chí chạnh lòng.

Có thể nói, tương lai sân khấu, phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ kế cận, trong đó diễn viên là một trong số các thành tố quan trọng bậc nhất. Gần đây, sâu khấu kịch tư nhân ở TP Hồ Chí Minh hoạt động rất khó khăn, có những sân khấu như "đèn treo trước gió", đứng trước nguy cơ giải thể, cũng có lẽ bởi sau nhiều năm làm ăn theo kiểu "mùa vụ", đậm tính thương mại, chạy theo thị hiếu mà không những có đầu tư, quy hoạch dài hơi... đến nay đã thể hiện sự "xuống dốc không phanh" từng được dự báo trước.

Vì thế, trong những kỳ cuộc như "Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2017" cũng là cơ hội để các cơ quan quản lý về văn hóa quan tâm đến sự sống còn của sân khấu kịch tư nhân - các đơn vị đã góp phần quan trọng làm nên bộ mặt, sự sống còn của sân khấu kịch nói TP Hồ Chí Minh suốt gần 2 thập kỷ qua. Trong đó, việc đầu tư cho nhân tố con người cần phải được đặt lên hàng đầu.

Nguyệt Hà
.
.