Cùng Thi Hoàng "ngưỡng mộ hoa sen"

Thứ Ba, 03/01/2012, 08:00
Bùn non ngoan ngoãn
Và đờ đẫn và im lìm và nhuần nhuyễn
Nước trong sáng cứ muốn vùng vằng mà không dám
Bởi hương sen quá đỗi dịu dàng.

Hoa sen không định thơm
Không định thơm thì mới thơm như thế
Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ
Mẹ quá xa rồi!
Để ta thành con cái của làn hương.
Ta ra điên hay trời bỗng khác thường
Không có hương sen thì trời sẽ sập
Không có hương sen thì ta thối nát
Song, đấy là điều không dễ có ai tin.
           

Chu Thần Cao Bá Quát ở thế kỷ XIX để lại câu thơ mà người đời vẫn nhắc: "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" (Một đời ta chỉ cúi đầu sùng bái hoa mai). Đó là thái độ tình cảm đặc biệt với loài hoa biểu trưng cho sự thanh cao. Nay, Thi Hoàng có bài thơ "Ngưỡng mộ hoa sen". Nhưng không chỉ nói tới hoa sen với tấm lòng ngưỡng mộ mà còn gợi ra những liên tưởng sâu xa bằng tư duy và bút pháp độc đáo.

Hoa sen đẹp, hoa sen thơm vươn lên giữa bùn nhơ, biểu tượng cho tâm hồn thanh cao trong sạch - đã có bài ca dao nổi tiếng để ca ngợi. Lẽ sống còn của nghệ thuật, của thi ca là không được phép lặp lại. Vậy Thi Hoàng đã bằng cách nào để thực hiện nguyên tắc cốt tử đó, đem đến tiếng thơ mới lạ?

Khởi điểm tư duy thơ ở đây là chắt lọc lấy cái phần tinh tuý nhất của một loài hoa: làn hương - hương sen. Nhắc đến hương sen dìu dịu phảng phất trong gió đầm hay nơi ban thờ thiêng liêng là ta đã thấy dịu lòng. Cả bài thơ không có một chữ nào tả sen ở vẻ đẹp ngoại hình, chỉ láy đi láy lại hương thơm của nó (xuất hiện ba lần chữ hương sen, ba lần chữ thơm và một lần chữ làn hương). Mọi suy tưởng được triển khai, mở rộng trong toàn bài thơ đều xoay quanh tâm điểm là làn hương thơm ấy. Mặc dầu bài thơ không chia khổ nhưng dễ dàng nhận thấy trật tự lôgic của ba ý thơ. Bốn câu đầu: đặc sắc của hương sen, năm câu tiếp: hương sen - tình mẹ, bốn câu cuối: giá trị của hương sen.

Trong bốn câu thơ đầu có ba "nhân vật" cùng xuất hiện, như nhắc nhở chúng ta đừng quên nguồn gốc, quê hương của sen. Không có "bùn" và "nước", sen không sống nổi. Bùn mang nét tĩnh của thổ, nước có tính động của thủy theo minh triết phương Đông. Trong trường nhân cách hoá những vật vô tri, hương sen từ lúc đầu xuất hiện trong bài thơ đã gợi ra linh hồn, hình bóng của một con người; nó như sự chuẩn bị cho liên tưởng tiếp sau.

Lối nói trùng điệp tầng tầng lớp lớp: "không định thơm/ không định thơm thì mới thơm như thế" khẳng định tận cùng vẻ đẹp của hoa sen chính là hương thơm nguyên sơ, không chủ định. Một cách diễn đạt mới. Rồi ngay sau đó là câu thơ với trật tự cú pháp khá "Tây": "Rất tự nhiên là ta nhớ mẹ". Hương sen khiến nhà thơ liên tưởng đến Mẹ, một liên tưởng độc đáo mà có lý. Mẹ với hương sen cùng lớn lên từ bùn đất, từ lam lũ làng quê mà toả ngát hương dịu dàng, trong sạch, khiêm nhường.

Thoáng chút xót xa từ cảnh ngộ "Mẹ quá xa rồi!", ngay sau đó là niềm an ủi, thấm thía tự hào: "Để ta thành con cái của làn hương". Hai dòng thơ tạo sự bất ngờ với ý nghĩa lớn lao. Bất ngờ bởi vì, theo lôgic thông thường: Mẹ quá xa rồi (mẹ mất lâu rồi) để ta thành mồ côi; nhưng Thi Hoàng đâu chịu thế, anh đột ngột bẻ quặt lôgic đó: Mẹ tuy xa mà không mất vì tâm hồn cao đẹp của mẹ được tiếp nối trong ta. Lấy cái "ảo", cái mỏng manh không hình nét là "làn hương" để nói cái thực của hồn người, ngòi bút giàu sức khám phá của tác giả đã đốn ngộ chân lí: Hương sen là biểu trưng cho tâm hồn người Mẹ, tâm hồn bất diệt! Còn gì sung sướng và hãnh diện hơn, khi ta là con của người mẹ ấy.

Bốn câu thơ kết là bình luận mở rộng. Bằng cách nói cường điệu, với những tính từ chỉ trạng thái bất thường: "điên", "khác thường", "sập", "thối nát", nhà thơ nhấn mạnh và nâng lên tầm cao mới giá trị của hương sen - tình mẹ. Hương sen - từ một giá trị tự nhiên đã bước sang phạm trù xã hội. Người ta quên lãng "hương sen" như mải mê vụ lợi mà quên chăm chút, nuôi dưỡng, duy trì những gì thanh cao, tốt đẹp - căn cốt của cuộc sống này. Câu thơ đóng lại bài thơ là một nhận xét cùng với tâm trạng ít nhiều chua chát, đượm trong một tiếng thở dài: "Song, đấy là điều không dễ có ai tin"

Nguyễn Nguyên Tản (Trường Cao đẳng Sư phạm Hưng Yên).
.
.