Của chung - của riêng

Thứ Hai, 28/12/2015, 08:00
Mấy ngày trước, từ một website về ẩm thực của tỉnh Quảng Nam, một nguồn tin bỗng dưng được phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, thậm chí còn tạo ra cả những phân tích thực hư từ các tờ báo, liên quan đến chuyện “bắt được nàng tiên cá nặng 48kg”. Thực sự, nhìn vào ảnh, những người bình thường nhất cũng có thể nhận ra rằng đó là một dạng tin vịt. Chẳng có nàng tiên cá nào mà lại son phấn kỹ càng đến thế cả. Vậy mà rất lạ là nó tạo nên dư luận, khiến cơ quan chức năng phải vào cuộc, rất mất thời gian và tốn cả công sức, tiền của một cách vô ích cho một thứ thông tin tào lao vô bổ.

Thực tế, cô gái bị cho là “nàng tiên cá” đó chỉ là một người phụ nữ bình thường chuẩn bị lên xe hoa, và bộ ảnh nàng tiên cá đó là bộ ảnh cưới của vợ chồng cô, nhưng bằng một cách nào đó, nó trở thành cái gọi là “tư liệu báo chí”.

Trước vụ nàng tiên cá ấy chưa lâu, chỉ vài ngày, trên facebook có nhiều người chia sẻ một bộ ảnh khác, được chú thích rõ là ảnh cưới, với hình ảnh cô dâu mặc trang phục cảnh sát, còn chú rể mặc trang phục phạm nhân, với hàm ý “lấy vợ như đi tù” (!).

Bộ ảnh cảnh sát - phạm nhân ấy có thể dẫn tới có đối tượng bị xử lý được không? Có, chắc chắn là có, khi nó phát tán rộng rãi trong công chúng. Sẽ có người bảo rằng “Xử lý thế là cứng nhắc, thiếu dân chủ, vì ở nước ngoài người ta làm như thế là bình thường”. Đó chỉ là một thứ ngụy biện thiếu kiến thức. Đơn giản, sống ở nước nào thì phải tuân thủ pháp luật nước đó. Và ở Việt Nam, bộ quân phục của cảnh sát, an ninh, quân đội là thứ không thể mang ra làm trò đùa, làm thứ bỡn cợt, giễu nhại. Khi bạn xúc phạm một bộ quân phục, điều đó đồng nghĩa bạn xúc phạm một ngành.

Bộ ảnh cảnh sát - phạm nhân chỉ không dẫn đến chuyện sẽ có đối tượng bị xử lý nếu như chủ nhân của nó giấu kín, lưu giữ như một kỷ niệm riêng tư của gia đình nhỏ và không để nó lọt lưới ra ngoài công chúng và bị phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Và tất nhiên, đối tượng bị xử lý trước nhất sẽ là người trực tiếp lan truyền nó ra công chúng, rồi sau đó mới là những người đã có hành vi xúc phạm quân phục của một lực lượng chuyên biệt của nhà nước.

Nhưng khoan hãy nói đến chuyện xử lý hay không xử lý mà nói đến ý thức của chung - của riêng của mỗi người bình thường hiện nay, trong thời đại kỹ thuật số và truyền thông rộng mở, tốc độ. Chúng ta chắc còn nhớ vụ tranh chấp bản quyền ầm ĩ hồi năm ngoái, liên quan đến một bộ ảnh cưới của một nhiếp ảnh gia thực hiện cho một đôi vợ chồng, phục dựng lại cảnh Hà Nội thời thập niên 70, đã bị mang ra làm triển lãm dưới tiêu đề “Đời sống Hà Nội thời bao cấp”. Cái nực cười của sự vụ ấy cũng giống như câu chuyện nàng tiên cá, cảnh sát - phạm nhân hôm nay ở chỗ: “Rất nhiều người không hiểu rằng cái của riêng là thứ cần được lưu giữ riêng tư chứ không phải mang ra phơi cho thiên hạ xem, chia sẻ và sử dụng như một nguồn công cộng”.

Tất nhiên, tốt đẹp thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại, ai có cái gì vui, hay ho, đẹp đẽ cũng đều muốn khoe với bạn bè, người thân hết cả mà bỏ qua rủi ro sẽ bị mang đi chia sẻ lại. Nhưng liệu trước khi khoe, chúng ta có giật mình nghĩ rằng “thứ mình khoe có thể gây hậu quả cho chính mình” hay không?

Rất nhiều người bây giờ thích khoe con trên facebook, nhưng họ cẩn trọng ở mức độ chỉ có bạn bè ở giới hạn nào đó mới có thể được xem thấy hình ảnh của con họ mà thôi. Đơn giản, họ đã nhận được nhiều cảnh báo về chuyện khoe con ở chế độ “công cộng” (public) sẽ có nguy cơ mang lại tác hại cho chính gia đình mình bởi cái “công cộng” đó cũng ẩn chứa những đối tượng hoàn toàn có thể là tội phạm. Đó chính là những người ý thức tốt về cái gọi là “của chung - của riêng” nhưng cũng chưa thể nói là tốt nhất. Có những người thậm chí chẳng bao giờ đưa hình ảnh, thông tin gì riêng tư lên mạng xã hội. Đơn giản, họ cảnh giác tuyệt đối.

Cái của chung - của riêng ấy cũng rất gần với chuyện nhiều người nổi tiếng “mắng mỏ” truyền thông trích dẫn những chia sẻ của mình trên facebook với lý lẽ “đây là nhà của tôi, tôi muốn nói gì thì nói, muốn khai thác phải xin phép”. Thực tế, nếu chia sẻ của họ đặt ở chế độ riêng tư, họ có quyền trách mắng những ai vi phạm. Nhưng nếu họ đặt ở chế độ “công cộng”, họ không có quyền trách mắng như thế. Chế độ công cộng ấy không khác gì bạn đang ở trong nhà của mình, nhưng bắc loa chửi khắp láng giềng. Mâu thuẫn xảy ra, bạn làm sao có thể nói với cái lý rằng: “Tôi ở trong nhà tôi, tôi muốn nói gì thì nói”. Bản thân facebook cũng không phải là một “mảnh đất” mà bạn được sở hữu, bạn cũng đang ở trên một lãnh địa rộng thuộc về người khác, một cách miễn phí. Thế thì bạn cần nhất là một thái độ văn minh, hiểu biết, và thận trọng.

Nhưng ở ngoài đời sống hiện nay, có mấy ai đang hiểu về sự khác biệt “của chung-của riêng” này. Và nguy hại hơn nữa, đã và đang có những người lợi dụng cái nhập nhèm giữa nhận biết về của riêng - của chung để chia sẻ, phát tán chỉ để nhằm thu hút sự chú ý từ đám đông vốn dĩ rất tò mò. 

Nguyên Anh
.
.