Công nghệ “cắt ghép”…

Thứ Năm, 28/06/2018, 08:14
Vấn nạn cố tình cắt ghép có chủ đích, cắt ghép ác ý các phát biểu của những nhân vật có uy tín trong xã hội đã tồn tại từ rất lâu rồi. Nạn nhân của nó ở tất cả các giới, từ chính trị gia cho tới doanh nhân, từ văn nghệ sỹ nổi tiếng cho tới các học giả, trí thức...


Mấy ngày vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền một câu nói được cho là của Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, đại ý rằng "tôi tuy nói giọng Bắc nhưng là người Nam". Kèm theo là những bình luận ác ý, theo hướng kỳ thị vùng miền.

Thực chất, trong buổi tiếp xúc đồng bào Thủ Thiêm, quận 2, cùng với các lãnh đạo Thành ủy, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã nói rất gần gũi, chân thành rằng: "Chúng tôi mỗi người một góc trời, tôi nói tiếng Bắc nhưng sinh ở trong này, đi tập kết ngoài Bắc, đi bộ đội ngoài Bắc nhưng mà dân miền Nam, mấy anh chị này cũng người trong này nên dù ở đâu làm gì, bây giờ về với thành phố, mình chỉ vui khi mà bà con vui, khi bà con khổ, bà con buồn chúng tôi không vui".

Tâm sự ấy của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trong bối cảnh cuộc gặp những bà con vốn bức xúc lâu ngày về chuyện đất đai thực tế như một sự chia sẻ với mong muốn gây dựng niềm tin trong đồng bào, cho thấy quyết tâm của Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong việc giải quyết dứt điểm khiếu kiện. Trong bối cảnh bà con đang băn khoăn, trăn trở, thậm chí còn nghi ngại, việc tạo một sợi dây đồng cảm, thấu hiểu là vô cùng quý giá và quan trọng. Nhưng khi bị cắt ra khỏi bối cảnh ấy, khỏi văn cảnh của toàn văn bài nói chuyện của Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, bị dàn dựng trong những bài viết đậm màu sắc chống phá tiêu cực, nó đã mang một ngữ nghĩa vô cùng khác.

Đó là một trong những ví dụ điển hình nhất, mới nhất, nóng hổi nhất về vấn nạn cố tình cắt ghép có chủ đích, cắt ghép ác ý các phát biểu của những nhân vật có uy tín trong xã hội. Vấn nạn này đã tồn tại từ rất lâu rồi. Nạn nhân của nó ở tất cả các giới, từ chính trị gia cho tới doanh nhân, từ văn nghệ sỹ nổi tiếng cho tới các học giả, trí thức.

Và tất nhiên, một nạn nhân khác không thể không kể đến chính là cộng đồng, những người đọc vốn dĩ cả tin. Khốn khổ thay, chính những độc giả cả tin đến hồn nhiên kia lại thiếu suy nghĩ khi tiếp tục lan truyền những thông tin độc hại kể trên để thứ dối trá được lặp lại nhiều lần, bỗng dưng được khoác áo "sự thật".

Cắt ghép ác ý, có chủ đích thực sự phải bị liệt vào loại tung tin giả, tin vịt, tin thất thiệt gây hỗn loạn xã hội. Cần phải xác định rất rõ rằng, khi một ai đó tung tin thất thiệt được cắt ghép dàn dựng lại có chủ đích, người ấy luôn xác định rất cụ thể đối tượng bị hại mà họ nhắm tới là ai. Cần nhận thức rằng việc cắt ghép ác ý này thậm chí còn nguy hiểm hơn việc tung 1 tin vịt đơn thuần. Dễ hiểu, khi đã có bàn tay dàn dựng với dã tâm, tức là khi đó đã tồn tại một âm mưu thôi thúc.

Một ví dụ khác, câu chuyện liên quan đến World Cup. Gõ từ khóa "MC mặc bikini trên sóng truyền hình", chúng ta sẽ thấy một loạt kết quả công kích một kênh truyền hình về việc đưa MC mặc bikini lên sóng. Nhưng thực chất, đó là một show dự đoán kết quả bóng đá mang tính giải trí mà "nhà tiên tri" là những chú cá heo hoặc hải cẩu.

Nữ MC, khi tương tác với "nhân vật chính", buộc phải xuống hồ bơi. Không lẽ MC mặc áo dài truyền thống và xuống bơi với hải cẩu, cá heo sao? Không thể trách cứ hình ảnh ấy nếu xem trọn vẹn cả show. Nhưng ta sẽ thấy nó  phản cảm nếu chỉ nhìn ảnh cắt lại được đưa lên mạng. Tách rời câu nói, hình ảnh khỏi văn cảnh toàn diện của nó, người làm việc ấy đủ có một phương tiện để chuyển tải thông điệp khác. Thực tế, chương trình này nếu đáng trách thì chỉ nên trách người sáng tạo nội dung. Tại sao lại phải là cá heo và hải cẩu trong khi có thể chọn phương án là voi, chó hay mèo?

Tất nhiên, lựa chọn một "diễn viên" nào đó, người làm chương trình đã có sẵn dụng ý. Nhưng việc cắt lại hình ảnh để công kích thì lại là việc làm không thể chấp nhận được. Lựa chọn sai có thể bị chỉ trích, nhưng là theo cách khác chứ không thể bị dàn dựng để làm to chuyện lên thành kênh truyền hình vi phạm thuần phong mỹ tục hay xúc phạm khán giả.

Thời đại thông tin mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, thận trọng tiếp nhận, kiểm chứng thông tin là việc rất cần mỗi cá nhân phải tự có ý thức. Mỗi người đều cần xây dựng cơ chế kiểm duyệt tự thân cho riêng mình. Bởi đơn giản, trong cơn hỗn loạn thông tin chưa thể kiểm soát nổi kia, mỗi một mắt xích thiếu tỉnh táo hoàn toàn có thể trở thành một công cụ truyền tin độc hại một cách đắc lực.

Văn Đoàn
.
.