Công chúng là chủ hay là khách của văn học, nghệ thuật?

Thứ Hai, 12/06/2006, 14:00

Coi công chúng là chủ, là người đặt hàng với nhiều đơn vị nghệ thuật thời gian qua đã không khỏi lúng túng giữa việc chiều theo công chúng một thời với việc giữ vững các tiêu chuẩn nghệ thuật, tiêu chuẩn thẩm mỹ mà mình đã đặt ra.

Trong một hội nghị về lý luận, phê bình văn học và nghệ thuật, có một ý kiến cho rằng, công chúng của văn nghệ hôm nay đã khác rất nhiều so với công chúng của mấy chục năm về trước. Nếu trước đây, công chúng chỉ có một giải tần (thuật ngữ của phát thanh và truyền hình, được hiểu là kênh tiếp nhận) thì nay họ còn rất nhiều giải tần. Giải tần nào cũng phải được phục vụ. Cũng trong hội nghị ấy, một nhà quản lý văn hóa lại bổ sung thêm rằng, công chúng bây giờ không chỉ có nhiều giải tần khác nhau mà công chúng còn có tính liên quốc gia.

Nhắc đến những điều này tôi lại nhớ, lâu lắm rồi, đạo diễn sân khấu nổi tiếng - ông Nguyễn Đình Nghi kể lại câu chuyện về lời khuyên của cha ông, nhà thơ, nhà viết kịch Thế Lữ. Ấy là lần Nguyễn Đình Nghi tốt nghiệp khóa đạo diễn ở Liên Xô mới về nước. Khi Nguyễn Đình Nghi xin cha một lời khuyên trước lúc bắt tay vào việc dựng vở thì Thế Lữ cười bảo: “Bây giờ thì anh đầy đủ cả rồi. Làm sân khấu thế nào thì tùy, nhưng hãy cố gắng bán cho được nhiều vé”.

Phải nói thêm rằng lời khuyên ấy được đưa ra từ thời bao cấp. Hồi ấy, các đơn vị nghệ thuật không bàn đến doanh thu. Các tác giả không bàn đến nhuận bút. Tất cả sản phẩm của văn học và nghệ thuật là để phục vụ. Về mặt cảm xúc, công chúng và văn nghệ sĩ là một mạch liền. Khi ấy, việc nghiên cứu công chúng là việc tìm sự khác biệt từ sự khác biệt về lứa tuổi, về nghề nghiệp, về vùng miền, về trình độ văn hóa,… Ngày nay, có thể là như vậy, nhưng việc tìm hiểu người đọc, người nghe, người xem phải bắt đầu từ một câu hỏi bao trùm: Công chúng là chủ thể hay là khách thể của văn học nghệ thuật?

Trước hết, công chúng là chủ, là người đặt hàng.

Chính công chúng là người quyết định quyển sách ấy phải được in số lượng bao nhiêu chứ không phải người viết. Vở kịch ấy được diễn ở đâu, bao nhiêu đêm, cũng do công chúng quyết định.

Vậy công chúng bây giờ là ai, họ khó tính hay dễ tính?

Để trả lời câu hỏi trên thì phải trả lời câu hỏi: văn học nghệ thuật thời chiến khác nhau thế nào với văn học thời bình. Theo tôi, văn nghệ thời chiến của đất nước chúng ta lại như một bàn tay năm ngón nắm lại, mỗi ngón phải tự quên mình đi để trở thành nắm đấm. Văn nghệ thời bình vẫn là bàn tay ấy xòe ra, mỗi ngón lại trở thành mình. Nếu nhận xét ấy là đúng thì hàng loạt vấn đề nảy sinh cũng từ việc chuyển đổi từ “bàn tay nắm” sang “bàn tay xòe”.

Chẳng hạn vấn đề thân phận cá nhân và mối quan hệ cá nhân với cộng đồng. Đây là việc muôn thời, nhưng trong chiến tranh thì nó trở nên nhỏ bé mà thời bình lại trở nên lớn. Đây là việc có thể cắt nghĩa tại sao các bộ phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc lại được rất nhiều người Việt thích thú. Một điều đáng nói nữa là sự bị phá vỡ của các khuôn thước thẩm mỹ. Một thời, cái gốc của thẩm mỹ là cái cao thượng, cái cao cả. Âm nhạc thính phòng bộc lộ cái cao cả là nét lớn nhất của các ca khúc cách mạng và kháng chiến. Ngày nay, một bộ phận không nhỏ của công chúng thanh niên đòi hỏi âm nhạc giải trí, sân khấu giải trí; đòi hỏi các “cảm giác mạnh” trên các sàn diễn… Phải nói thêm rằng các khuôn thước thẩm mỹ chỉ chuyển đổi ở từng bộ phận công chúng và ngay chính bộ phận công chúng ấy cũng không ổn định, như một vòng xoáy trôn ốc, ngỡ tưởng vòng lại mà vẫn đi lên.

Bản thân những gì gọi là khuôn thước trong thẩm mỹ cũng là khả biến. Dù sao đi nữa thì công chúng cũng đang quyết định hay góp phần quyết định sự thành công hay thất bại về mặt tài chính đối với các nhà xuất bản, các nhà hát và các khu vực khác của đời sống văn hóa văn nghệ. Có người đã có lúc cho rằng “đầu nậu” sách điều khiển cả nhà xuất bản, điều khiển cả nhà văn đã đúng không phải chỉ vài ba trường hợp. Bởi “đầu nậu” là phát hành tư nhân, nắm bắt thị hiếu (kể cả thị hiếu thương mại) của độc giả một cách cập nhật.

Coi công chúng là chủ, là người đặt hàng với nhiều đơn vị nghệ thuật thời gian qua đã không khỏi lúng túng giữa việc chiều theo công chúng một thời với việc giữ vững các tiêu chuẩn nghệ thuật, tiêu chuẩn thẩm mỹ mà mình đã đặt ra. Hãy nhìn vào công chúng la hét cuồng nhiệt trong các chương trình ca nhạc sôi động kết hợp với thời trang ở các quảng trường. Họ nhuộm tóc đỏ, tóc vàng như thể người nước ngoài. Hầu hết họ là thanh niên đường phố, không phải thanh niên trí thức và người lao động trẻ. Nhìn vào họ mà sớm khái quát là công chúng thời nay thì e lầm lạc.

Công chúng của thời gian dài bao giờ cũng đúng, nhưng đám đông một lúc không phải như vậy. Với tư cách là các chiến sĩ của Đảng trên mặt trận văn hóa văn nghệ, các văn nghệ sĩ không thể thoái thác nhiệm vụ làm cơn gió mát thổi trong cộng đồng, nâng cao lòng yêu người, yêu nước cho mỗi người dân, nâng cao thẩm mỹ cho công chúng. Công chúng là chủ, là người đặt hàng. Đúng. Nhưng điều quan trọng hơn nữa, công chúng còn là khách, là đối tượng mà văn học nhắm tới bởi các mục tiêu nhân văn và phát triển

Phạm Tiến Duật
.
.