Con cóc có là… cậu ông giời!

Thứ Bảy, 16/05/2020, 07:20
Tại sao một con vật nhỏ bé xấu xí, sần sùi đúng nghĩa “cóc cáy” thường sống nơi xó bếp ẩm thấp hay nơi tối tăm hôi hám hoặc bụi cây gốc dứa ngoài vườn... lại được kính trọng là “cậu ông giời”? Đấy là trong thần thoại, truyền thuyết nửa hư nửa thực. Nhưng cả trong nghệ thuật hội họa sang trọng, hàn lâm (tranh Đông Hồ) cũng có một hình tượng chú bé xinh xắn, dĩnh ngộ ôm con cóc tía?

Trong tín ngưỡng thì con cóc còn được coi là biểu tượng của sự giàu có, vương giả khi nhiều gia đình, nhất là những hiệu buôn có tượng con cóc thật to ngậm đồng tiền và gọi một cách kính trọng là “Thiềm thừ”. Lại có người còn kính cẩn thắp hương trước tượng cóc! Hình tượng cóc còn có trên nắp thạp đồng Đào Thịnh, trống đồng Đông Sơn, trên những bức chạm gỗ ở những ngôi chùa cổ...

Còn trong đời sống tâm linh, nhiều nơi có tục “yểm” một con cóc còn sống xuống mộ người mới chết. Ông thầy cúng này bảo để cóc đưa linh hồn người chết lên với... giời, vì “cóc là cậu ông giời”. “Giời” mà không nhận hoặc rẻ rúng “hồn”, cóc sẽ cắn một phát là “giời” chết tươi!

Ông thầy cúng kia bảo có cóc thì “ma cũ” sợ không dám bắt nạt “ma mới”. Vì “giời” còn phải sợ cóc cơ mà!... Chả biết ông nào đúng nhưng người nhà cứ phải tìm bằng được một con cóc, dù sợ hãi hoặc khó tìm. Biết được điều ấy thầy cúng dặn trước đừng nói với ai là tìm bắt cóc còn đã nói ra mồm thì rất khó tìm. Quả đúng thế thật!

Tranh “Nhân Nghĩa”.

Nhưng ngay ở thành phố văn minh hôm nay người ta vẫn nghe thấy tiếng rao bán cóc. Có nhiều người mua về làm “ruốc” cho trẻ con ăn. Cũng chẳng phiền toái gì vì người bán làm luôn tại nhà. Quả thực, không biết có phải vì được ăn “ruốc” cóc hay không mà có đứa vốn đang sài đẹn mà phổng phao hẳn lên...

Thì ra con cóc không chỉ là một mã văn hóa mà còn là món ăn bổ. Nhưng trước hết nó là bạn của nhà nông, gần gũi với nông dân, ăn sâu bọ hại cây trồng giúp nông dân. Lam lũ như nông dân. Trẻ con nhà quê thời trước đều thấy đang cơn mưa rào như trút nước thì những chú cóc, đủ cỡ to có nhỏ có, có cả những con cóc cụ lặc lè nhảy ra vồ mối để ăn. Hiền lành, lương thiện như nông dân.

Chẳng bao giờ thấy cóc bắt nạt con nào, cứ nhẫn nhịn một mình lang thang. Con vật khác chẳng sợ nhưng cũng có gì đấy tỏ ra kính trọng cóc, dù đó là chú gà trống oai vệ, là chú chó tinh ranh... Chưa đủ dữ liệu để khái quát cóc là biểu tượng cho người nông dân nhưng rõ ràng đây là con vật khá đặc biệt trong đời sống thôn quê thuở xưa.

Lại có thành ngữ “Gan cóc tía” chỉ sự gan góc, lì lợm, dám đương đầu với thế lực lớn hơn. Thành ngữ này là sự minh họa cho một truyện ngụ ngôn cùng tên. Truyện rằng có chú cóc tía nọ rất ghét cọp hay bắt nạt kẻ khác bèn nghĩ kế trị cọp. Một hôm gặp cọp, cóc bảo “Tao là cậu ông giời. Mi phải nghe tao nếu không tao bảo giời quật chết".

Cọp hồ nghi đòi thử tài chạy nhanh. Khi bắt đầu chạy cóc ngoạm chặt vào đuôi cọp, đến đích cọp vẫy đuôi thì cóc đã ở trước mặt. Cọp kinh ngạc bỏ chạy. Gặp khỉ, cọp kể sự tình. Khỉ bảo cột khỉ lên lưng cọp cùng đến chỗ cóc. Thấy thế cóc bèn quát lên sao mang mồi đến chậm đến nỗi phải vừa ăn thịt một con cọp khác. Nói xong cóc rẩu miệng vẫn còn một túm lông cọp. Kinh sợ tột độ, cọp bỏ chạy thục mạng đến nỗi khỉ chết nhăn răng trên lưng. Từ đấy cọp và khỉ rất sợ cóc...

Tại sao con cóc phong thủy (thiềm thừ) lại chỉ có ba chân. Truyện “Sự tích con thiềm thừ” khá thú vị: Có con cóc tu luyện ngàn năm đã thành tinh, phép thuật cao cường thường quấy nhiễu, làm hại dân lành. Triều đình sai binh hùng tướng mạnh diệt trừ tinh cóc nhưng bị nó hoá phép làm trời nghiêng đất lở, cây đổ rừng cháy, âm binh từ dưới đất kéo lên đông như kiến. Tinh cóc còn kéo quân về tận kinh đô uy hiếp triều đình. Vua vội lập đàn khẩn cầu Ngọc Hoàng cứu giúp.

Ngọc Hoàng sai tiên ông Lưu Hải xuống trần hàng phục yêu quái. Tiên ông tung sợi dây ngũ sắc trói chặt bốn chân tinh cóc. Nó giẫy giụa nên bị sợi dây thít chặt đến nỗi một chân bị đứt lìa. Tinh cóc đành cúi đầu xin hàng rồi trở thành đệ tử của tiên ông thành tâm sám hối chuộc tội. Từ đó nó làm nhiệm vụ giải trừ hung khí, biến nguy thành an, cứu giúp dân lành.

Dần dần cóc trở thành biểu tượng Lưỡng Nghi, lưng cõng chòm sao Bắc Đẩu, miệng ngậm đồng tiền, hai bên mình có hai xâu tiền, chân đạp trên lớp tiền hoặc bao tiền với ý nghĩa mang lại tài lộc, bình an, may mắn cho gia chủ. Dân gian gọi là “thiềm thừ” và đặt tại ban thờ Thần Tài, Thổ Địa, để cầu mong tài lộc.

Vì lấy vợ rất tốn kém và quá khó khăn nên học trò nghèo ngày xưa rất thích đọc truyện cổ tích “Lấy vợ cóc”. Cũng không loại trừ truyện này do chính các chàng viết ra hoặc nhuận sắc thêm cho ly kỳ. Truyện kể chàng học trò gặp cóc vốn là con gái vợ chồng phú ông rồi mê mà lấy cóc làm vợ. Đám học trò chế giễu bằng cách tổ chức cuộc thi mỗi trò phải để vợ dọn mâm cỗ cho thầy chấm. Chỉ trong chớp mắt, cóc mời các cô tiên làm hộ với bao món sơn hào hải vị thơm phưng phức.

Minh họa truyện cổ tích “Cóc kiện trời”.

Thua cuộc, đám trò bàn nghĩ ra kế thi may quần áo cho thầy. Cóc bèn biến thành một con ruồi bay theo chồng bám vào cổ áo thầy để lấy số đo... Cuối cùng là thi vợ đẹp. Lúc này cóc phải hiện nguyên hình là cô tiên... Đám học trò chỉ còn biết nuốt nước bọt mà thầm ghen tỵ với người bạn nghèo!

Môtip người đội lốt vật hay lấy vợ là con vật vốn rất phổ biến trong cổ tích châu Á. Vì đơn giản đó là những con vật gần gũi, thân thuộc nên dân gian mượn chúng làm hình tượng văn chương để gửi gắm khát vọng của mình về tình thương loài vật, nhắn nhủ ở hiền gặp lành, con người phải biết thương yêu, tôn trọng, trân trọng các chúng sinh.

Hơn nữa con vật còn dự báo thời tiết cho người nông dân như ếch, nhái, cóc nghiến răng hay kêu ran là sắp mưa... Mà làm ruộng, nhất là lúa nước rất cần nước nên các con vật ấy trở thành vật linh để rồi bước vào thế giới tín ngưỡng của con người thành một chủ đề riêng: tín ngưỡng thờ động vật. Ngày nay “phê bình sinh thái” (xuất xứ từ phương Tây đã và đang “nhập cảng” vào Việt Nam) kêu gọi con người quay trở về với thiên nhiên thân thuộc với muôn loài... Thực ra thì những điều ấy đã có trong tín ngưỡng cổ xưa này!

Tất nhiên phải kể đến câu chuyện “Cóc kiện trời” ai cũng biết. Con cóc ở đây có đầy đủ phẩm chất cần thiết của một “trang nam nhi” làm cuộc “cách mạng”: khả năng tập hợp lực lượng (cọp, cua, gấu, sói...); có ý chí (lên tận giời); có tấm lòng nhân hậu thủy chung (thương người vì không có mưa để làm ăn); có năng lực chỉ huy (tổ chức dàn quân đâu ra đấy); dũng cảm (dám chống lại “giời”); thông minh (tìm ra điểm yếu của đối phương)... Đúng như một thành ngữ người Việt “Oai như cóc”! Đến đây ta hiểu thêm vì sao trong tranh Đông Hồ bức tranh đứa trẻ ôm cóc lại được tên là “Nhân Nghĩa”. Đó là lời cầu chúc, là khát vọng, là ước mơ mong sao đứa trẻ có được những phẩm chất như... cóc! 

Nhìn ra các nước thì tùy vào điều kiện canh tác, sản xuất mà mỗi nơi loại nhân vật này là con cóc, là con ếch hoặc nhái như Miến-điện (Myanmar) có truyện “Nàng Nhái”. Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan, Ác-mê-nia… thì chung mô tip nhân vật Hoàng tử hoặc công tử con nhà giàu lấy vợ nhái. Đức có truyện “Hoàng tử lấy cóc”. Nước Nga có truyện “Công chúa ếch” nổi tiếng với nhân vật Hoàng tử cưới ếch làm vợ... Hầu hết các truyện đều có cốt giống nhau với các tình huống gặp gỡ, thử thách và cuối cùng sống hạnh phúc, giàu sang, phú quý.

Có hai nhóm ý nghĩa rất đáng lưu ý là chi tiết “đội lốt” và trở thành người vợ đẹp. Tại sao phải đội lốt con vật xấu xí, nhỏ bé, đáng thương như ếch, nhái, cóc... mà không phải các con vật đẹp đẽ khác. Trước hết đây là nguyên tắc kết cấu rất phổ biến của cổ tích là phân cực đối lập. Nhân vật cũng thường được xây dựng như vậy: cực tốt (Thạch Sanh, cô Tấm...), cực ác (Lý Thông, Cám); cực hiền lành tử tế (người em), cực tham lam (người anh – truyện “Cây khế”).

Trong loại hình nhân vật “đội lốt” này thì trước cực xấu, hèn hạ sau cực đẹp, vương giả. Đây còn là một quan niệm mỹ học: Không phải cứ xấu là đáng khinh, đáng chê, mà có khi đấy là ngọc là ngà... Thứ nữa là rất đề cao vai trò của hôn nhân, chỉ qua hôn nhân cóc nhái mới trở thành người đích thực, đúng nghĩa. Hôn nhân như cái cửa bằng vàng để nhân vật mở ra bước vào cuộc sống hạnh phúc mới! Cố nhiên, đấy là quan niệm của cổ tích!

Nguyễn Thanh Tú
.
.