Có một Tây Nguyên méo mó trong tiểu thuyết “Pơthi”

Thứ Bảy, 21/11/2015, 08:00
Ở Tây Nguyên, nhắc đến Pơthi, người ta hiểu đó là lễ bỏ mả, là những ngày vui nhất trong năm, có thể được xem như tết của người bản địa. Pơthi chính là khoảng thời gian lí tưởng để nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ dân gian được thể hiện một cách tự giác.

Lấy bối cảnh một làng Jrai cách đây khoảng vài ba chục năm, "Pơthi" (tác giả Thu Loan, NXB Đà Nẵng năm 2014) kể về những biến đổi liên quan đến số phận con người và cộng đồng. Từ chỗ đang sống chan hòa với thiên nhiên, muông thú, con người bỗng chốc tiếp xúc với thế giới văn minh rồi sau đó, để định canh định cư, họ bị nhấc ra chỗ ở của mình.

Rừng bị tàn phá không thương tiếc, phong tục tập quán dần mất, con người trở nên hoang mang, mất phương hướng. Sau những thất vọng, buồn đau, những người Jrai bé nhỏ và tội nghiệp tạm đặt niềm tin vào việc trồng cao su như một cách vá víu lại màu xanh đã mất của rừng. 

Lẽ dĩ nhiên, tiểu thuyết này không viết về Pơthi với ý nghĩa như đã nêu trên. Người viết bài cũng không nhìn nhận cuốn sách như một công trình nghiên cứu, mà chỉ xem nó như một văn liệu có liên quan đến văn hóa Jrai. Từ đó, bước đầu tìm hiểu xem đời sống của cộng đồng đã được tác giả mô tả trong đó ra sao, có hợp lí và gần với thực tế hay không.

Tiểu thuyết “Pơthi” của tác giả Thu Loan. NXB Đà Nẵng năm 2014.

Mặc dù đã trải qua hai cuộc kháng chiến hứng chịu nhiều bom đạn, cộng thêm những biến đổi mạnh mẽ và toàn diện sau năm 1975, nhưng trong tác phẩm này, khung cảnh núi rừng thuộc khu vực làng Chan, nơi "có hơn ba chục nóc nhà" Jrai sinh sống đẹp lạ lùng. Thực vật còn nguyên vẹn, động vật đông đúc, đa dạng và thân thiện đến độ con người có thể gần gũi với chúng như vật nuôi. Thú nhiều vô kể, voi về dòng suối gần làng tắm táp, thậm chí làng còn có cả đội thợ săn đi bẫy voi về thuần phục…

Mọi thứ thật hiền hòa, chẳng hạn đây là một số động vật hoang dã xuất hiện dọc đường trở về làng của hai đứa trẻ mới lớn vào rừng chặt cây: "Bầy khỉ ngó nghiêng nhìn cảnh tượng này. Mấy chú nai tròn xoe mắt trông. Con công đực đang khoe từng chiếc lông đuôi rực rỡ sắc màu liền khép lại, ngơ ngẩn ngó theo. Một đàn châu chấu bật tanh tách, nhảy dạt ra hai bên nhường đường"… (tr. 107).

Ở một đoạn khác, nam nhân vật rời làng, lang thang vào rừng, và thế là: "Thú rừng xem Đih như đồng loại thân quen. Đàn nai nhìn Đih lững thững giẫm trên thảm lá khô. Lũ gà thơ thẩn tìm mồi. Con báo gấm hờ hững dòm Đih rồi tiếp tục ngủ ngon lành trong gốc cây"... (tr. 148).

Bỏ qua những chi tiết vô lí đến hài hước, độc giả có quyền đặt câu hỏi: liệu cách nay khoảng vài ba chục năm, ở đâu đó trên Tây Nguyên vẫn còn cảnh núi rừng, muông thú "kì thú" (chữ của tiểu thuyết) đến như vậy chăng? Chúng tôi nghĩ là không, thậm chí trước đó hàng trăm năm, những cảnh, vật ấy cũng rất khó có thể xảy ra. Những đoạn viết như vừa nêu khá nhiều, có lẽ chúng chỉ hợp với truyện cổ tích dành cho trẻ nhỏ, chứ nhất định không thể là tiểu thuyết viết về một vùng đất nhiều biến động Tây Nguyên.

Nếu xem làng Chan nguyên thủy là hình ảnh của một Tây Nguyên thu nhỏ cách nay 20, 30 năm, thì nhiều khả năng, đó là một vùng đất "vô chính phủ" dưới nhãn quan của người viết. Nói một cách chính xác thì, theo những gì mà tiểu thuyết này mô tả, tại đây chính quyền chưa được thiết lập.

Trong bối cảnh hoang sơ như đã nêu trên, ngày nọ, khi dân làng đang đi cắt cỏ tranh thì tác giả cho "năm con voi như năm quả núi đang lừng lững đi tới". Trong chốc lát, nhân vật Mên bị voi giết. Chết, đem về chôn. Thế là xong. Đương nhiên, tác giả có quyền cắt lấy một mảng, đoạn của câu chuyện, không nhất thiết phải thế này thế khác, nhưng viết như thế đồng nghĩa với việc khẳng định nơi này vẫn còn là vùng đất hoang? Cái chết của người này có thể minh họa cho ý tưởng của tác giả, rằng dân làng đang được sống trong một môi trường cổ xưa, chưa có chính quyền? 

Thiếu vắng chính quyền, làng Chan không hề có điện thắp sáng (điều này có thể từng xảy ra), không có đường liên làng liên xã (từ làng ra đường cái vào mùa mưa mất hơn hai ngày đi bộ) và đương nhiên cũng không có trạm xá hay trường học. Đau ốm tự lo, trẻ con thì chơi bời loanh quanh trong làng hoặc lên rẫy, vào rừng chứ chưa từng biết đến lớp học là gì (nhưng có người không học mà vẫn biết đọc, thậm chí có người chưa từng học lớp 1, lớp 2, lại vẫn có thể lên tỉnh học trường y). Không hề có chính quyền cấp cơ sở, mọi hoạt động của làng được điều hành bởi một "hội đồng già làng" (chữ của tiểu thuyết)…

Một ngày ông Duang đi tham quan theo tiêu chuẩn "già làng trưởng bản tiêu biểu" bằng ôtô, từ huyện trở về, kể: "Chô cha! Lũ tui được ngồi trong những hộp sắt. Nó to như con voi". Ông Duang cũng là người đã lặp lại cách diễn đạt được cho là của một nhân vật trong lịch sử nước ta hồi thế kỉ 19, khi nói về bóng điện: "Ngoài huyện có nhiều thứ lạ lắm. Ngọn đèn để ngược cũng sáng. Mưa to, gió mạnh cũng không tắt. Quạt có ba tai to như tai voi. Mỗi lần quay là sinh ra gió. Mình không phải làm gì hết". Ở một đoạn khác, khi được cháu trai trả lời rằng việc khai thác gỗ là quyền của nhà nước, già làng Duch đã hỏi: "Nhà nước ở đâu to thế?" (tr. 193) v.v...

Có lẽ tác giả đã vội quên rằng, suốt hai cuộc kháng chiến vừa qua, Tây Nguyên vừa là địa bàn chiến lược, là tiền tuyến, cũng lại vừa là hậu phương của các lực lượng vũ trang cách mạng. Có thể nói mà không sợ sai rằng, không có một buôn làng nào đứng ngoài các cuộc chiến đó. Tắm mình trong chiến tranh, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên biết đến nhiều loại vũ khí, máy bay, xe tăng, thiết giáp, tiếp xúc với rất nhiều người Kinh (bộ đội, cán bộ), thậm chí là cả người Pháp và người Mỹ trong một số trường hợp, chứ không phải như nhà văn viết, rằng đến thời điểm đó vẫn chưa ai trong làng Chan biết ôtô, xe đạp là gì. Cần nhớ rằng, từ những năm 20 của thế kỉ trước, ông Nay Der đã là nhà giáo, đi theo cách mạng rồi trở thành một trong những trí thức tiêu biểu của dân tộc Jrai ở miền đất này; từ 1955, Núp đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Cả hai ông đều là đại biểu quốc hội từ rất sớm.

Cố gắng tạo dựng hình ảnh một cộng đồng truyền thống nguyên bản, cho dù vô tình hay cố ý, người viết cũng đã thực sự vượt quá giới hạn của sức tưởng tượng, vô lí đến mức khó có thể chấp nhận.

Cuốn sách này có một số đoạn liên quan đến phong tục tập quán cổ truyền của người Jrai. Nhân vật bị voi quật chết, được đưa lên nhà sàn "cả gia đình ngồi quanh bên nhau, cạnh thi thể bà Mên (…) Mọi người hối hả chuẩn bị bữa cơm cuối cùng cho người chết (…) Lời khấn dứt, mọi người đứng dậy, chậm rãi đi quanh thi thể bà Mên. Mỗi người cầm một nắm cơm nhỏ, chấm vào môi người chết. Họ như ăn chính miếng cơm người chết đã ăn, như để nhớ và lưu giữ mãi mùi da thịt người đó. Nhớ và lưu giữ thật lâu trong kí ức" (tr. 54, 55, 56).

Người Jrai truyền thống (như làng Chan trong sách) dù có thương xót đến mấy cũng không bao giờ cho phép đưa thi thể của những người chết vì rắn cắn, hổ vồ, cây đè,… hoặc như trường hợp này là voi quật chết, vào nhà. Bà con gọi đó là những cái chết bất thường, họ có cách ứng xử riêng rất nhân văn nhưng nhất định là không giống như những gì nhà văn đã viết. Việc chấm cơm vào miệng người chết "để nhớ và lưu giữ mãi mùi da thịt người đó" vì vậy, đương nhiên cũng không thể xảy ra, như đã dẫn.

Cảnh đâm trâu trong lễ cầu mưa: "Giữa tiếng cồng chiêng thúc giục rộn rã, tiếng dân làng hò reo nghiêng trời dậy đất già Duch xuất hiện như một tráng sỹ oai phong. Già cầm cây lao nhọn hoắt, ánh thép sáng quắc (…) nhá thử, nhá thử mấy lần rồi bất thình lình, nhoằng một cái, mũi lao cắm đúng ngực con vật. Trâu lảo đảo, máu tuôn ra nóng hổi (…). Tốp thanh niên cởi trần, đóng khố (…) đã thủ sẵn lao, mác phóng vào trâu tới tấp. Các mũi lao thi nhau xuyên qua cổ, dính trên lưng, giắt dưới bụng, găm trên đầu… Thực ra, mũi lao đầu tiên của già Duch đã lấy đi cuộc sống của trâu rồi. Phần còn lại để các chàng trai thể hiện sức mạnh và luyện tập sự chính xác mà thôi"…

Người viết gọi việc đâm, chém thêm kể trên là để "thể hiện sức mạnh và luyện tập" hay "chiến công chói lọi", chúng tôi không bàn. Chỉ xin nhắc rằng, trong nghi lễ đâm trâu truyền thống, người Jrai xưa không có thói đâm thêm chém bồi loạn xạ như vậy, sau khi mũi giáo chính xác đầu tiên đã được thực hiện. Vì lẽ đó mà người đâm trâu giỏi là người chỉ đâm một nhát và luôn được cộng đồng quý trọng. Và còn rất nhiều những chi tiết tập tục vô lý đến hài hước trong tiểu thuyết “Pơthi” nhưng do khuôn khổ của một bài báo mà chúng tôi chưa thể liệt kê ra hết được.

Độc giả tin tác giả Thu Loan là người yêu quý văn hóa Tây Nguyên, ít nhất trong 380 trang của cuốn sách này. Nhưng cách yêu của chị không đúng, hoặc chính xác hơn là chị đã không đủ khả năng để làm cho người khác tin và yêu theo mình. Đó có thể xem là điều chưa thành công của cuốn sách này. Sự viết không đúng nhiều sự việc, chi tiết ấy đương nhiên bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết, chủ quan và nhất là viết liều về một lĩnh vực mà bản thân không am tường. Thành ra, không những không làm được cái điều bản thân mình mong muốn là giữ gìn những nét đẹp riêng có cho vùng đất ấy, mà dường như Thu Loan còn góp phần làm cho nó méo mó thêm trong mắt người đọc, nhất là những người chưa từng biết đến Tây Nguyên. Khép lại bài viết ngắn này, với tư cách là một người có nhiều chục năm sống tại Tây Nguyên, chúng tôi thực sự bày tỏ sự thất vọng về cuốn sách.

Nguyễn Quang Tuệ
.
.