Có một “Nỗi buồn kiêu” mang tên Nguyễn Trọng Tạo

Thứ Hai, 01/10/2018, 07:18
Một bài thơ lục bát ngôn từ như văn nói vậy mà tôi đọc một lần, đọc lần nữa rồi buồn bã cả buổi chiều. Định cầm bút viết một cái gì đó lại thôi. Nỗi buồn của anh đã lây sang tôi, khiến người ta chỉ biết chùng và chùng xuống. Nỗi buồn tận đáy nỗi buồn...


Một ngày người bán rẻ ta
Ta thành đồ vật giữa nhà người dưng
Một ngày người đến rưng rưng
Mua gì vô giá xin đừng mua ta.

(Bài “Nỗi buồn kiêu” - Thơ Nguyễn Trọng Tạo)

Tôi biết một Nguyễn Trọng Tạo trán cao miệng rộng lúc nào cũng cười vui rạng rỡ bên bạn bè. Có anh ở đâu ở đó là có cuộc vui, vậy mà sau khi đóng lại cánh cửa nhà mình, anh lại một mình với nỗi buồn cô đơn đằng đẵng. Nỗi buồn cố hữu của một thi nhân. Thì trong cuộc đời ai chả có lúc buồn lúc vui, cứ gì Nguyễn Trọng Tạo, nhưng đọc bài thơ này mới biết mỗi người có những nỗi buồn rất khác nhau. Tôi biết thêm một nỗi buồn mang tên Nguyễn Trọng Tạo - nỗi buồn kiêu.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong ngày thơ tại Văn Miếu, Quốc Tử  Giám.

Một bài thơ lục bát ngôn từ như văn nói vậy mà tôi đọc một lần, đọc lần nữa rồi buồn bã cả buổi chiều. Định cầm bút viết một cái gì đó lại thôi. Nỗi buồn của anh đã lây sang tôi, khiến người ta chỉ biết chùng và chùng xuống. Nỗi buồn tận đáy nỗi buồn.

Một ngày người “bán rẻ” ta, để ta thành “đồ vật” vô tri vô giác ở “giữa nhà người dưng” thì còn gì để mà buồn hơn được nữa. Nỗi buồn ở đây không có nước mắt, nỗi buồn ngơ ngác lặn vào tim. Đã thành đồ vật mà còn ở “giữa nhà người dưng” thì tôi ơi, còn gì là tôi nữa đây?

Một ngày người đến rưng rưng
Mua gì vô giá xin đừng mua ta.

Rồi có một ngày người trở lại. Chỉ có một cặp từ “rưng rưng” thôi mà ta biết rằng người “bán rẻ ta” đã hối hận, đã quay về và muốn bằng mọi giá để có được ta. Đáng lẽ phải giận dữ, đáng lẽ phải đập phá, hận thù thì Nguyễn Trọng Tạo chỉ “xin đừng mua ta”. Vậy là trái tim anh đã đủ tha thứ, đã đủ bao dung cho người “bán rẻ” mình nhưng chỉ xin người đừng đụng vào tôi thêm một lần nữa, đừng đụng vào nỗi buồn của tôi. Nỗi buồn lớn quá đè nặng suốt cả cuộc đời mà chỉ cần chạm nhẹ sẽ vỡ oà đau đớn.

Tôi như đọc được trong từng câu chữ nghẹn ngào nén xuống một thông điệp: "Người ơi, nỗi đau của tôi đã lớn quá rồi, tôi không muốn bị “bán rẻ “ thêm một lần nào nữa. Tôi đã bị người rẻ rúng, đến mức chẳng còn gì để mà kiêu hãnh nữa chỉ còn lại nỗi buồn kiêu xin người đừng lấy nốt của tôi".

Chỉ có bốn câu lục bát mà sao tôi không gấp nổi bài thơ lại, vì nếu ai có một lần bị “bán rẻ” thì quá hiểu điều này. Tôi cũng không thể nói lời sẻ chia vì nỗi buồn của anh quá lớn với tôi. Ngôn từ của bài thơ rất dung dị, chỉ có cách dùng hai cặp từ “bán rẻ” và “rưng rưng” quá tài hoa để chuyển tải một nỗi buồn nhân thế tê tái mà cao sang. Nỗi buồn đẹp và kiêu - nỗi buồn mang tên Nguyễn Trọng Tạo.

Cuộc đời một nhạc sỹ đa tài như anh - những gì còn và mất. Niềm vui ồn ào rồi qua đi rất nhanh, chỉ có nỗi buồn lắng xuống mỗi ngày. Vẫn thấy anh ào ạt giữa bạn bè, vẫn yêu vẫn sống vẫn đa đoan và có lẽ cũng vẫn buồn. Người phụ nữ nào yêu anh chắc cũng khó có thể san lấp được nỗi buồn kiêu đắng đót đi theo anh suốt cuộc đời. Trong mắt tôi, anh là người đàng hoàng trong cả cái "tài" và cái "tật" của mình. Và trong chiều man mác thu bay, tôi một mình ngồi đây với nỗi buồn của anh - nỗi buồn kiêu - nỗi buồn mang tên Nguyễn Trọng Tạo.

Nguyệt Vũ
.
.