Có hai bài thơ "Trấn thủ lưu đồn"?

Thứ Sáu, 29/07/2011, 08:10

Chắc nhiều bạn đọc còn nhớ bài thơ "Trấn thủ lưu đồn" - một tác phẩm thơ khuyết danh có trong chương trình Văn học trích giảng cấp III (những năm 60 -70 của thế kỷ trước ở miền Bắc và các trường ở miền Nam trước năm 1975). Trước đó nữa, bài thơ được in trong Quốc văn giáo khoa thư, chương trình giáo dục của nhà nước bảo hộ thời Pháp thuộc:

Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn
Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng.

(từ đây xin gọi bản này là bản A)

Trong dân gian không thiếu gì các bà mẹ ru con bằng bài thơ này, kèm thêm mấy câu mở đầu:

Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...

Bài thơ được bình giảng đây là nỗi buồn thảm của anh lính thú chia tay gia đình vợ con để đi đồn trú ở vùng biên viễn với kỳ hạn ba năm. Trong thời gian ấy, biết bao nhiêu điều bất ưng, tai họa đang chờ đợi, rình rập anh ta. Nào là ma thiêng nước độc, lam sơn chướng khí... Nào là hùm beo rắn rết, giặc giã... Nào là lao dịch (chém tre, đẵn gỗ, canh điếm, việc quan...). Không biết có còn sống mà trở về được nữa hay không. Vì thế mà cả kẻ ở lẫn người đi đều "...nước mắt như mưa", chia tay trong tiếng trống ngũ liên giục giã. Câu thơ cuối cùng "Nước giếng trong con cá nó vẫy vùng" được cho là khát vọng tự do của những người lính thú...

Bài thơ học thế biết thế, chứ ngoài ra nào mấy ai được biết gì hơn? Kể cả các thầy cô giáo lên lớp giảng cho học sinh cũng chỉ phân tích về nội dung thôi. Văn học dân gian truyền miệng mà.

Giữa năm 2010, tôi có một chuyến điền dã về thôn Lưu Đồn, xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Sau khi hoàn thành chương trình làm việc, trong lúc chờ đợi anh chị em tập trung đủ để lên xe về Hà Nội, tôi lang thang, tản bộ quanh khu vực đình làng. Thấy có một "cụ Rùa" đắp bằng xi măng, cõng trên lưng một tấm bia đá lớn, đặt ở bên trái sân đình, tôi tò mò đến xem.

Chữ Nho tôi biết không nhiều, chỉ lõm bõm được dăm ba chữ. Đọc đến phần dịch ra chữ Quốc ngữ, tôi ngỡ ngàng vì đây chính là bài "Trấn thủ lưu đồn" vừa nói ở trên, chỉ khác nhau ở câu đầu tiên:

Bài kia là "Ba năm trấn thủ lưu đồn". Bài này là "Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn".

Đang băn khoăn suy nghĩ, định tìm người hỏi thì có một cụ già chừng trên dưới tám mươi tuổi đi qua. Tôi lễ phép chào cụ và hỏi xem cụ có thể giúp tôi đọc phần chữ Nho kia không.

Cụ gật đầu, chậm rãi chỉ vào từng dòng, từng chữ đọc cho tôi ghi:

Tam thập niên trấn thủ Lưu Đồn (cụ còn nhắc cả hai chữ Lưu Đồn viết hoa):

Nhật tuần điếm, dạ hành sự quan
Trảm trúc, cứ mộc thượng lâm
Hữu thân, hữu khổ bình đàm đồng ai
Khẩu thực duẩn trúc, duẩn mai
Chư mai, chư trúc dĩ ai hữu bằng
Thủy tỉnh trạm ngư đắc cung thân thượng hạ hoành.

Bài dịch ra chữ Quốc ngữ, khắc ở phần dưới tấm bia là giống y chang bài thơ mà tôi thuộc lòng từ hồi còn đi học (chỉ khác mấy chữ "ba mươi năm" như đã nói ở trên. Xin gọi bản này là bản B).

Đang định khơi gợi để hỏi cụ thêm nhiều điều nữa thì tiếng còi xe giục giã. Tôi đành phải chia tay cụ, lên xe với những ngổn ngang suy nghĩ:

- Tại sao bài thơ về anh lính thú đồn trú ở vùng biên ải xa xôi lại có mặt ở giữa vùng đồng bằng ven biển này, mà còn được tạc vào bia đá bằng chữ Nho, để ở sân một ngôi đình đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia, rất tôn nghiêm, thờ bốn vị Đại vương Thượng đẳng thần gồm có Thành hoàng làng và ba vị quan thời Trần, có công lớn trong ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông?

- Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, khí thế của dân ta nói chung và trai tráng nói riêng sôi nổi lắm, hào hùng lắm, chứ đâu lại có cái tâm trạng u uất, buồn thảm như anh lính thú kia?

- Tại sao lại là ba mươi năm? Ai đi lính suốt ba mươi năm được? Và nếu người nào đó "theo đuổi binh nghiệp" suốt cả cuộc đời như vậy chắc phải là "sĩ quan chuyên nghiệp" (như cách nói bây giờ) và hẳn phải làm quan to lắm? Nếu đã làm quan đến mức "to lắm" tại sao lại có tâm trạng buồn thảm, lại có khát vọng tự do đến thế (vẫn là những hiểu biết đã được học trước kia)?

Những suy nghĩ này đeo đẳng tôi.

Đầu xuân Tân Mão 2011, nhân đi cùng Đoàn nghệ thuật Hoa Tràng An thuộc Trung tâm Văn hóa người cao tuổi Việt Nam về phục vụ bà con xã Thụy Hồng, tôi đã có dịp tìm hiểu thêm về vấn đề trên.

Tìm gặp lại cụ già hôm trước, được biết cụ tên là Nguyễn Duy Cuông, nhà giáo về hưu đã lâu. Cụ Cuông rất giỏi chữ Nho.

Khi hỏi về bài thơ trên bia đá ở sân đình, cụ cho biết:

Đây là bài thơ được chép nguyên văn từ trong Thần phả của làng có tên là "Thần phả ký Lưu Đồn".

Người khởi ghi "Thần phả" này là Quốc sư - Phó sư - Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền, con út của Trưởng binh Long thành - Phò mã Nguyễn Liêu công tự Trung Chính và Công chúa Quỳnh Hoa thời nhà Trần.

Trưởng binh Long thành - Phò mã Nguyễn Liêu công và Công chúa Quỳnh Hoa sinh hạ được bảy người con trai, sau này đều là những Tướng quân tài ba của nhà Trần, nổi tiếng nhất là Tướng quân Nguyễn Khoái, Nguyễn Địa Nô...

Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền là người văn võ toàn tài. Trong thời gian kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông lần thứ hai, lần thứ ba, ông chỉ huy đội Long binh, Hổ binh coi bốn tiền đồn để bảo vệ căn cứ Lưu Đồn, đảm bảo an ninh cho triều đình và bộ máy chỉ đạo kháng chiến. Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba, ông được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ đi giao hòa với nhà Nguyên. Ông được phong Quốc sư. Sau này, khi Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi Vua, về tu ở chùa Yên Tử, ông trụ trì và tu ở chùa Nam Triều tự Lưu Đồn cho đến lúc mất. Ông không lập gia đình.

Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền bắt đầu viết "Thần phả ký Lưu Đồn" và "Gia phả dòng họ Nguyễn Duy" từ năm 1258 là năm ông cùng cha và Tướng quân Dương Mãnh Đạt vâng mệnh triều đình về xây dựng ấp Vạn An (phủ Thiên Trường) thành căn cứ thủ hiểm giữ nước. Từ đó ấp Vạn An được đổi tên thành Lưu Đồn.

"Thần phả ký Lưu Đồn" có thể coi là cuốn sử viết về ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Trong này Tướng quân Nguyễn Phúc Hiền ghi chép tỉ mỉ những sự kiện, sự việc diễn ra trong ba cuộc kháng chiến, về các vị tướng, các trận đánh...

Là người đầu tiên viết "Thần phả ký Lưu Đồn", trong đó có bài thơ này, vậy phải chăng Nguyễn Phúc Hiền là tác giả bài thơ "Trấn thủ Lưu Đồn" (bản B)?

Ta thử phân tích, xem xét trên một vài phương diện.

1. Về hai chữ "lưu đồn"

Từ "lưu đồn" (trong bản A) hẳn là từ ghép rút gọn của cụm từ "lưu quân đồn trú". Anh lính thú từ biệt vợ con, gia đình, quê hương lên đóng quân ở một cái đồn nào đó trên vùng biên ải với niên hạn ba năm (như kiểu nghĩa vụ bây giờ). Nói cho hay, cho lãng mạn, cho văn vẻ một chút thì gọi là trấn thủ lưu đồn.

Từ "Lưu Đồn" của bài thơ trong "Thần phả ký Lưu Đồn" (bản B) thì khác.

Như trên đã nói, khi đưa quân về xây dựng ấp Vạn An thành căn cứ thủ hiểm, triều đình đã đổi tên Vạn An thành Lưu Đồn. Căn cứ được gọi là "Cung Trấn Vương dã ngoại Lưu Đồn".

Trong số các câu đối thờ ở Nam Triều tự có câu:

Kiếp Bạc hữu sơn giai kiếm khí
Lưu Đồn cứ địa thủ cơ đồ.

Hoặc bài thơ Trần Nhân Tông viết khi từ bỏ ngôi vua về tu ở chùa Yên Tử sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba cũng có câu: "Tôi nay trấn thủ Lưu Đồn/ Quy đầu Phật cảnh tu chùa Hội Long...". Các văn cảnh nêu trên cho thấy "Lưu Đồn" là danh từ riêng, tên địa danh, chứ không phải là động từ như ở bản A, mặc dù cách viết của chữ Nho không phân biệt chữ viết hoa với chữ viết thường.

2. "Ba năm" hay "ba mươi năm":

"Ba năm trấn thủ lưu đồn" (bản A) là niên hạn đồn trú trên biên ải của một anh lính thú (như lời các thầy cô trước đây vẫn giảng).

"Ba mươi năm trấn thủ Lưu Đồn" (bản B) là lời tự bạch của một chủ thể. Chủ thể này đã gắn liền sự nghiệp của mình ở Lưu Đồn với thời gian là ba mươi năm (điều này ứng với các số liệu về cuộc đời của Nguyễn Phúc Hiền).

Vậy, liệu đã có thể có đủ căn cứ để nói Nguyễn Phúc Hiền là tác giả bài "Trấn thủ Lưu Đồn" (bản B)?

Vấn đề là ở chỗ hai bài thơ "giống nhau về nội dung, câu chữ một cách kỳ lạ" cứ như là cùng một khuôn vậy. Sự khác nhau vài chi tiết nhỏ ở câu thứ tư không quan trọng, có thể chấp nhận được, vì đấy chỉ là cách dùng từ trong lúc dịch từ chữ Nho ra chữ Quốc ngữ. Duy chỉ có một chỗ khác nhau nhưng lại là cái khác nhau lớn nhất, cơ bản nhất. Đó là "Ba năm..." và "Ba mươi năm...".

Nếu hai bản "cùng một khuôn" thì bản nào là "bản chính", bản nào là "dị bản"? Bản nào có trước, bản nào có sau?

Có thể xảy ra một tình huống giả định: Chính Nguyễn Phúc Hiền cho phổ biến bài này để giáo dục, động viên, nhắc nhở quân, dân về thời kỳ oanh liệt, gian khổ vừa qua. Quá trình lưu truyền trong dân gian, bài thơ bị "tam sao thất bản", để rồi xảy ra điều như tình huống đã nêu trên. Vì thế, từ một bài thơ chữ Nho, không rõ thể thơ, đã được cắt gọt dần theo thể lục bát cho dễ đọc, dễ nhớ. Phải chăng đây cũng là một cơ sở để nói "Ba mươi năm..." có trước bài "Ba năm..."?

Nếu bài "Trấn thủ Lưu Đồn" (bản B) của Nguyễn Phúc Hiền là bài thơ phản ánh mặt nào đó của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông bằng hình tượng văn học thì ta cần phải có cách nhìn khác, cách hiểu khác, cách lý giải khác cho nội dung bài thơ chứ không thể giữ cách nhìn, cách hiểu, cách lý giải vốn có như đối với bài "Trấn thủ lưu đồn" (bản A khuyết danh) về thân phận anh lính thú được.

Việc này xin nhường lại các nhà giáo, các nhà bình giảng, nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử

Lê Đình Lai
.
.