Cô đặc và luễnh loãng

Thứ Bảy, 27/06/2020, 07:57
Nếu có một trường phái văn chương căn cứ trên mật độ ý nghĩa của tác phẩm thì ta có thể chia ra làm hai dạng: văn chương cô đặc và văn chương luễnh loãng.


Văn chương cô đặc, xưa nay có nhiều, ví dụ như thơ Đường. Nhà thơ Thanh Tịnh đã từng nói: “Cơm nhiều mà máu ít, dâu nhiều mà tơ ít, ấy là thơ Đường”. Nghĩa là muốn nhấn mạnh sự cô đọng hàm súc của nghệ thuật, có khi chỉ vài chữ, vài câu mà ý nghĩa viết ra đến mấy chục trang giấy vẫn chưa hết.

Từ ngữ được chắt lọc, tinh luyện công phu, không thể bỏ đi từ nào và cũng khó thêm vào những từ khác. Đó là thứ văn chương cô đặc như keo, thả vào nước là tỏa ra nhuốm màu một khối. Thể thơ Haiku của Nhật cũng vậy, chỉ có vài câu mà ở những bài xuất sắc, ý thơ tỏa ra mênh mông ở sự liên tưởng và dư âm.

Ngoài cái khuôn khổ về thể loại buộc người viết phải tuân theo nguyên tắc kiệm lời tối đa thì sự rèn luyện về nghệ thuật, ý tưởng và suy ngẫm đóng vai trò quyết định trong chất lượng tác phẩm. Lời thơ đã hết từ lâu mà ý thơ và trường liên tưởng vẫn mở ra một khoảng vời vợi, mênh mang.

Đây là bài thơ “Tĩnh dạ tư” (Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh) của Lý Bạch:

Đầu giường ánh trăng rọi,
Mặt đất như phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.

(Bản dịch của Nam Trân)

Chỉ đọc chậm và suy nghĩ một chút đã thấy ngay bài thơ xứng đáng là kiệt tác thơ Đường với sự cô đọng và hàm súc rất cao, chỉ có mấy chục chữ mà nói được rất nhiều điều.

Thế giới văn xuôi, cũng có những bậc thầy mẫu mực về cô đặc. Ta có thể kể tên J. Borges. Borges tin rằng một truyện ngắn có thể không thừa một dấu phẩy, ví dụ như truyện của Kipling. Chính vì quan niệm như vậy nên Borges không/không thể viết tiểu thuyết vì ông muốn kiểm soát từng chữ một, từng dấu phẩy. Borges tự thú nhận rằng trong tiểu thuyết ông bị choáng ngợp bởi không gian và quá nhiều nhân vật.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan và nhà văn J. Borges.

Cũng vì quan niệm như vậy nên văn chương của Borges rất tinh luyện về từ ngữ và ý tưởng cùng một dung lượng vừa phải. Vì sự công phu nghề nghiệp như vậy nên Borges là một trong những nhân vật hiếm hoi khi tác phẩm vừa được công bố đã được xếp ngay vào hàng kinh điển.

Chekhov cũng có thể coi như một ví dụ tiêu biểu của trường phái cô đọng, các truyện của ông cơ bản đều ngắn nhưng ý nghĩa của chúng lại rộng mở, giống như một phiên bản ngụ ngôn về triết lí nhân sinh và muôn mặt đời sống xã hội.

Các nhà văn Việt cũng nhiều người là những ví dụ ở cả hai trường phái, ví dụ như các truyện ngắn của Nam Cao, Vũ Công Hoan khá cô đọng và dồn nén, hầu như các tình tiết, ý nghĩa đều rất tập trung để phục vụ cho ý tưởng của câu chuyện, ít chi tiết rườm. Một người có kiểu văn lòng thòng là Lê Lựu, nhiều người cho rằng văn của Lê Lựu rậm rạp, nhiều ý, nhiều từ, thậm chí “phạt” đi một mảng cũng không ảnh hưởng mấy tới diễn tiến và nội dung mạch truyện.

Một cây bút lão thành có nhiều tác phẩm xuất sắc gần đây như Nguyễn Xuân Khánh tôi cũng thấy đôi lúc ông viết quá dài và thừa mứa chữ nghĩa. Những cuốn như “Đội gạo lên chùa” hay “Mẫu thượng ngàn” đều gần ngàn trang in. Tất nhiên với mỗi giai đoạn sẽ có những cách thức và ý tưởng khác nhau nhưng tôi thích Nguyễn Xuân Khánh ở giai đoạn trước với những “Miền hoang tưởng” và “Chuyện ngõ nghèo” với sự cô đọng và phiêu lưu nhiều hơn.

Tất nhiên nói thế không có nghĩa là viết ngắn, viết gọn sẽ hay hơn viết dài, viết rườm. Dostoevsky thường viết rất dài và nhiều trữ tình ngoại đề, khi một tuyến truyện đang phát triển theo một hướng, ông sẵn sàng dừng phắt lại, phát triển truyện theo một hướng khác dài hàng trăm trang rồi mới đủng đỉnh quay lại mạch ban đầu. “Anh em nhà Karamazov” là một ví dụ tiêu biểu, ở kiệt tác lớn nhất của Dostoevsky này, người đọc hiện đại phải hết sức kiên nhẫn để theo dõi các mạch truyện xen ngang.

Tôi mạnh dạn mà nói rằng, nếu bây giờ có một người viết y như kiểu của Dostoevsky, dài, rườm rà và chen ngang dọc như thế thì việc chinh phục độc giả là rất khó khăn. Cái thời của những tác phẩm kì vĩ mang quá nhiều tầng lớp có vẻ đã qua rồi. Bây giờ, liệu chúng ta có đủ thời gian và lòng kiên nhẫn để nhấm nháp những tác phẩm dày hàng ngàn trang pha trộn rất nhiều những pha ngang dọc của các nhà văn hiện đại nữa không?

Nói như thế, không có nghĩa rồi phản bác kiểu văn rậm rạp nhiều chữ, nhiều ý đan xen, văn chương không có một hình mẫu cố định nào buộc người viết phải tuân theo. Nếu có một trường phái nào đó thì đó chỉ là các chiều hướng được ưa thích hoặc phù hợp với thời đại hoặc tâm thế bạn đọc. Ngày trước con người ít bận rộn và hạn chế phương tiện giải trí nên người ta sẵn sàng chinh phục những cuốn tiểu thuyết dày hoặc nhiều bộ.

Bây giờ xu hướng ngắn gọn có vẻ chiếm ưu thế để tiết kiệm thời gian, công sức và đa dạng các loại hình giải trí. Rất nhiều bạn bè của tôi thường nói rằng sau khi đọc xong những pho tiểu thuyết dày họ thường mở một tiệc nhỏ để ăn mừng, bởi vì trong xã hội ai cũng gấp gáp vội vã thế này, chinh phục được một pho tiểu thuyết ngàn trang chẳng phải là một kì tích nho nhỏ đó sao?

Nhưng nói đi thì phải nói lại, những bộ tiểu thuyết dày cộm nhiều tập hấp dẫn vẫn được công chúng săn đón và sẵn sàng dành thời gian đọc chúng. Ví như bộ truyện “Harry Porter” của K. Rowling hay “Trò chơi vương quyền” của R.Martin hoặc các tiểu thuyết của Dan Brown bán rất chạy, khi dựng thành phim vẫn thu hút rất đông công chúng. Và ngay cả những cuốn tiểu thuyết dày gần ngàn trang của Nguyễn Xuân Khánh như “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” vẫn được tái bản nhiều lần và giành được sự yêu mến của bạn đọc.

Cũng phải nói thêm một điều nữa, ngắn không nhất thiết đồng nghĩa với súc tích hay cô đọng. Có nhiều tác phẩm rất ngắn mà tính cô đọng rất yếu. Câu chữ rườm rà, loãng nhạt, lặp lại, ý nghĩa cũng mỏng manh, hạn hẹp, thậm chí tên tiêu đề tác phẩm, ý tưởng quá rộng rãi so với dung lượng tác phẩm. Y như một gã lớn tồng ngồng vẫn mặc bộ quần áo của trẻ con, nhìn kĩ thì thấy hở chỗ này, thiếu chỗ kia mà vẫn muốn ra bộ đã trưởng thành.

Cô đặc là sự dồn nén câu chữ và ý tưởng. Từ ngữ, chi tiết nào cũng được mang một nhiệm vụ, thông điệp nhất định, kể cả các dấu câu cũng dự phần vào quá trình đó. Cả tác phẩm là một kết cấu chặt chẽ và tinh luyện, không có từ thừa, ý thừa, các dấu câu cũng được đặt ở những vị trí rất chuẩn xác hoặc mang ý đồ riêng, tác phẩm hướng đến sự toàn bích ở từng chi tiết nhỏ.

Nhưng làm thế nào biết được tác phẩm có tính cô đặc hay loãng nhạt. Cách thức test chúng rất đơn giản. Nếu cắt đi cả đoạn hoặc vài câu mà tổng thể tác phẩm không suy chuyển hoặc không giảm hấp dẫn chút nào thì có thể tác phẩm đó đang ở trạng thái dư thừa, luễnh loãng. Còn khi cẳt bỏ một đoạn hoặc vài câu thậm chí chỉ một từ, lập tức tác phẩm bị xộc xệch, thiếu hoàn thiện, chuyển sang một hướng khác hoặc giảm hấp dẫn thì báo hiệu nó đang ở trạng thái cô đặc.

Những tác phẩm dày dặn câu chữ cũng có thể cũng có tính chất cô đọng khi người ta công phu và tâm huyết làm nó. Nhân việc này tôi lại nhớ nhân vật Lã Bất Vi nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa đã nuôi hàng nghìn môn khách trong nhà, toàn là những người tài giỏi trong thiên hạ rồi yêu cầu soạn ra bộ “Lã thị Xuân Thu” thật hoàn hảo. Lã Bất Vi cho công bố bộ sách đó ở ngoài cổng thành và tuyên bố sẽ thưởng ngàn vàng cho bất cứ ai thay đổi được một từ nào trong bộ sách.

Rốt cục là không ai thay đổi nổi một từ trong bộ sách hơn hai mươi vạn chữ, một sự hoàn hảo hiếm có. Nhưng đứng ở một điểm nhìn của một người hậu thế đầy tính hoài nghi, tôi vẫn đưa ra hai giả thuyết. Một là bộ sách ấy hoàn mĩ đến tuyệt độ, hai là thiên hạ sợ oai phong trùm thiên hạ của Lã Bất Vi mà không ai dám thò bút sửa một từ nào!

Nhưng cô đặc hay luễnh loãng cũng là đặc tính riêng của từng người viết văn. Có người viết nắn nót từng từ, từng câu, một ngày viết được vài ba đoạn đã là ưng ý lắm rồi, người khác thì tuôn ào ào như nước chảy, ngày được mấy chục trang. Sự dồn nén hay thả rông tùy thuộc vào mỗi tác phẩm, không phải thứ nào cũng giống nhau, khi thì cần thật cô đọng hàm súc, khi thì có thể nới tay một chút. Nhưng nói như thế tôi cũng không đồng tình với sự ba phải, thể nào cũng được.

Văn chương vốn là thứ nghệ thuật sự đòi hỏi rèn luyện và công phu rất định, những thứ quá dễ dãi, nhạt nhẽo khó trở thành những sản phẩm có chất lượng hoặc có sức sống lâu bền. Nếu có thể dự đoán một một xu hướng phát triển thì tôi tin rằng văn chương cô đọng và hàm súc sẽ ngày càng thắng thế, vì nó phù hợp với xu hướng thời đại và nhu cầu của con người mong muốn sự tinh xảo hoàn mĩ và cũng có ít thời gian nữa!


Uông Triều
.
.