Có chăng lệ “tam tứ bất khả” dưới triều Nguyễn

Thứ Hai, 24/06/2019, 15:07
Từ lâu, trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử triều Nguyễn, khi bàn về tổ chức triều đình, người ta thường nhắc đến điều gọi là "lệ bất khả", phổ biến nhất là bất khả Trạng nguyên, bất khả Hoàng hậu và bất khả Tể tướng...


Một số bài viết còn thêm cả bất khả vương tước, bất khả Đông cung Thái tử nữa! Điều đáng nói là trong khi triều Nguyễn có một Quốc sử quán làm việc thật hiệu quả, đã cho ra đời những bộ sử đồ sộ, thì không thấy ai viện dẫn một chỉ dụ nào của các vua Nguyễn quy định những điều bất khả đó.

Bất khả trạng Nguyên

Điều rõ ràng là dưới triều Nguyễn, không hề có Trạng nguyên, vốn là người được xếp hạng cao nhất trong số các Tiến sĩ dự kỳ thi Đình (hay còn gọi là Điện thí) dưới thời Trần (1225-1400). Triều Gia Long (1802-1820), trong điều kiện mới thống nhất đất nước, khoa cử chủ yếu chỉ có thi Hương để chọn Cử nhân (Hương cống) và Tú tài (Sinh đồ). Phải đến triều Minh Mạng (1820-1841), việc học hành, thi cử mới có quy củ.

Ngoài kỳ thi Hương, triều đình còn tổ chức thi Hội để lấy Tiến sĩ và thi Đình để xếp hạng các ông Nghè. Vào thời kỳ này (và suốt các triều vua Nguyễn sau đó), những tân khoa Tiến sĩ dự kỳ thi Đình được xếp theo giáp đệ, gồm có ba giáp gọi là tam giáp, như sau:

 Đệ nhất giáp gồm:

- Đệ nhất giáp, đệ nhất danh Tiến sĩ cập đệ (thời Trần là Trạng nguyên)

- Đệ nhất giáp, đệ nhị danh Tiến sĩ cập đệ (thời Trần là Bảng nhãn)

- Đệ nhất giáp, đệ tam danh tiến sĩ cập đệ (thời Trần là Thám hoa)

Đệ nhị giáp gọi là Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân hay Tiến sĩ Hoàng giáp

Đệ tam giáp gọi là Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (dân gian gọi chung là ông Nghè)

Vua Minh Mạng được phong Hoàng Thái Tử năm1816.

Sự xếp hạng Tiến sĩ trong kỳ thi Đình theo giáp đệ như trên không phải là sáng kiến đầu tiên của triều Nguyễn nhằm "né tránh" danh hiệu Trạng nguyên hay hạ thấp địa vị xã hội của người được xếp hạng cao nhất, mà việc làm này đã được thực hiện từ thời nhà Trần, trước khi có danh hiệu Trạng nguyên.

- Thời vua Trần Thái tông, năm 1232, triều đình mở kỳ thi Thái học sinh "cho Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ đệ nhất giáp; Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ đệ nhị giáp, Trần Chu Phổ đỗ đệ tam giáp theo từng bậc..." (Ngô Thì Sĩ - Đại Việt sử ký tiền biên - NXB Khoa học xã hội - Hà Nội - 1997 - trang 326). Theo sử thần Ngô Thì Sĩ, "…phép khoa cử của nước ta chia ra giáp đệ bắt đầu từ đấy" (Sđd - trang 326)

- Năm 1247, thời Trần Thái tông, "…thi Đại tỵ để chọn kẻ sĩ, cho Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng La Ma đỗ Thám hoa lang" (sđd - trang 336).

Đấy là danh hiệu Trạng nguyên đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta. Danh hiệu này xuất hiện 15 năm sau cách xếp hạng theo giáp đệ và tồn tại suốt các kỳ thi Đình tổ chức dưới thời Trần. Nhưng sau đó, gần như trong suốt thời Lê, mô hình giáp đệ được áp dụng trở lại:

- Năm 1442, tháng ba, đời vua Lê Thái tông"… cho bọn Nguyễn Trực, Nguyễn Như Đỗ, Lương Như Hộc, ba người đỗ Tiến sĩ cập đệ (tức đệ nhất giáp - LN), bọn Trần Văn Huy 7 người đỗ Tiến sĩ xuất thân (tức đệ nhị giáp - LN), bọn Ngô Sĩ Liên 23 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân ((tức đệ tam giáp - LN)" (Đại Việt sử ký toàn thư tập III - NXB Khoa học xã hội- Hà Nội 1972 - trang 130)

- Năm 1499, đời vua Lê Hiến tông, …"…Cho Đỗ Lý Khiêm, Lương Đắc Bằng, Nguyễn Khắc Kiệm, ba người đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ; bọn Hoàng Trưng, Nguyễn Hằng, 24 người đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân..." (ĐVSKTT tập IV- NXB KHXH- Hà Nội 1973 - trang 15-16).

- Năm 1739, đời vua Lê Ý tông, "…tháng năm thi Đình, lấy Trịnh Tuệ… đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (Trạng nguyên); Nguyễn Quốc Hiệu đỗ Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (Thám hoa)…" (ĐVSKTT tập I Bản kỷ tục biên - NXB KHXH - Hà Nội 1982 - trang 223).

Xem như trên, có thể thấy rằng cách thức xếp hạng Tiến sĩ trong kỳ thi Đình theo giáp đệ đã xuất hiện trước khi có danh hiệu Trạng nguyên và không có gì khác biệt giữa hai cách gọi trên. Vì thế, việc triều Nguyễn áp dụng hình thức giáp đệ trong kỳ thi Đình mà không chọn Trạng nguyên là một việc làm hết sức bình thường, không xuất phát từ một lệ "bất khả" nào cả.

Bất khả hoàng hậu

Các triều Đinh, Tiền Lê, Lý là thời đại "bùng nổ" ngôi vị Hoàng hậu. Năm 970, vua Đinh Tiên hoàng lập 5 hoàng hậu: Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cồ Việt, Ca Ông (Ngô Thì Sĩ - sđd -trang 153); năm 982, vua Lê Đại Hành cũng theo gương đó, lập 5 bà: Đại Thắng Minh Hoàng hậu (nguyên là Dương Hoàng hậu thời vua Đinh Tiên hoàng), Phụng Càn Chí Lý Hoàng hậu, Thuận Thành Minh Đạo Hoàng hậu, Trinh Quốc Hoàng hậu và Phạm Hoàng hậu (Ngô Thì Sĩ - sđd - trang 167-168). Vua Lý Thái Tổ còn đi xa hơn, năm 1010, lập 6 Hoàng hậu, đến năm 1016 lại lập thêm ba Hoàng hậu (Phan Huy Chú - Lịch triều hiến chương loại chí tập II - Lễ nghi chí- NXB KHXH - Hà Nội 1992 - trang 110).

Dưới triều Nguyễn, vị vua khai sáng là Gia Long có một Hoàng hậu: Thừa Thiên Cao Hoàng hậu là mẹ Hoàng thái tử Cảnh, được tấn phong năm 1806. Từ đời vua Minh Mạng đến vua Khải Định (1916-1925), không thấy có ngôi vị Hoàng hậu, các bà vợ vua chỉ được xếp vào hạng Phi, Tần, trên cùng là Hoàng Quý phi. Hạng Phi có hai bậc, hạng Tần có 3 bậc, bậc 6 là Tiệp dư, bậc 7 là Quý nhân, bậc 8 là Mỹ nhân, bậc 9 là Tài nhân (Đại Nam thực lục chính biên- tập XXVII- NXB KHXH - Hà Nội 1973 - trang 230). Phải chăng những người theo thuyết "bất khả Hoàng hậu" đã dựa vào đây để biện minh cho lập luận của mình? Tuy nhiên, không thấy ai giải thích lý do vì sao đã có lệ "bất khả Hoàng hậu" mà đời vua đầu triều Nguyễn (Gia Long) đã tấn phong Hoàng hậu và đời vua cuối triều Nguyễn (Bảo Đại) cũng có một Hoàng hậu (Nam Phương).

Mặt khác, sự viện dẫn những dòng sử liệu dưới đây của sử quán triều Nguyễn đủ minh chứng cho tính phi thực của lệ "bất khả Hoàng hậu":

- Sách Minh Mệnh chính yếu, quyển 4, tập 1, chép:"…Nay châm chước đời xưa và đời nay, đặt vị Quý phi, Thần phi vào bậc nhất…. .trên bậc nhất đặt một vị Hoàng quý phi, để giúp Hoàng hậu điều khiển chính sự trong cung…". (NXB Thuận Hóa - Huế 1994 - trang 195).

- Sách "Đại Nam điển lệ toát yếu" (NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1993), trang 317, dành hẳn khoản 183 để định các nghi thức "tuyên sách văn lập Hoàng hậu"..

Như vậy, trong chính sử triều Nguyễn, Hoàng hậu là ngôi vị không hề bị phủ nhận, không tuyên phong Hoàng hậu không phát xuất từ một lệ nào cả. Vua Bảo Đại vẫn đường hoàng tấn phong Nam Phương Hoàng hậu mà đâu cần một sự phá lệ nào.

Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan.

Bất khả tể tướng

Trong lịch sử Trung Quốc, chức Tể tướng có quyền hạn như Thủ tướng ngày nay, chẳng hạn như Tể tướng Vương An Thạch đời Tống. Về mặt chính danh, trong suốt chiều dài lịch sử, nước ta chưa hề có chức danh Tể tướng, mà mỗi triều đại đặt ra một chức có quyền hạn tương đương Tể tướng, ví dụ đời Lý có chức Phụ quốc Thái úy, đời Trần có Tả Hữu Tướng quốc, đời Lê có Bình chương Tướng quốc.

Đời Nguyễn, 4 quan Tứ trụ gồm: Cần chánh điện đại học sĩ, Văn minh điện đại học sĩ, Võ hiển điện đại học sĩ và Đông các đại học sĩ không có thực quyền, thường kiêm nhiệm Thượng thư hay Phụ chánh đại thần nên không thể xem họ như Tể tướng.

Như vậy việc triều Nguyễn không đặt ra danh hiệu Tể tướng, như các triều vua trước đã không đặt, là một điều bình thường, không có cơ sở nào để khoác cho nó cụm từ "bất khả" cả.

Bất khả vương tước

Tước vương là tước xếp trên cả 5 tước Công -  Hầu - Bá - Tử - Nam và thường dành cho các Hoàng tử và Hoàng thân trong triều. Song dưới triều Nguyễn, từ đời Gia Long đến đời Thiệu Trị, hầu như không có vị Hoàng tử hay Hoàng thân nào được phong tước vương hết. Vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi chỉ giữ tước Trường Khánh công, vua Tự Đức cũng vậy, chỉ giữ tước Phước Tuy công. Phải chăng vì vậy mà có sự suy diễn về lệ "bất khả vương tước"?

Thật ra, những ai suy diễn điều này đã quên rằng dưới triều Tự Đức và những triều sau đó, ngoài nhiều người được truy phong tước vương sau khi chết, những người được phong tước vương ngay khi còn sống không phải là ít. Trong số này có thể kể Tuy Lý vương Miên Trinh, Thọ Xuân vương Miên Định, An Thành vương Miên Lịch (người bị vua Thành Thái nhắm bắn vào năm 1907 khi đang đang làm Chủ tịch Tôn nhơn phủ)… đều là con trai vua Minh Mạng.

Bất khả đông cung thái tử

- Tháng ba âm lịch năm 1816, vua Gia Long "bèn triệu Thượng thư Lại bộ là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết "lập hoàng tử Hiệu, làm Hoàng thái tử'" (Đại Nam thực lục - tập Một - NXB Giáo dục - Hà Nội 2002, trang 920), rồi ngay sau đó "đúc ấn sách vàng cho Hoàng thái tử" (trang 921), "chế mũ áo và đồ lễ bộ cho Hoàng thái tử" (trang 921)

- Năm 1922, trước khi ngự du nước Pháp, vua Khải Định tấn phong con trai là Vĩnh Thụy làm Hoàng thái tử

- Năm 1939, vua Bảo Đại phong con trai mới 3 tuổi là Bảo Long là Hoàng thái tử

Như vậy, thực tế lịch sử cho thấy thời nhà Nguyễn chẳng có gì là bất khả cả! Có chăng, những lệ ấy chỉ nằm trong óc tưởng tượng của một số người.

Lê Nguyễn
.
.