Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Thứ Ba, 16/08/2016, 08:10
Mấy ngày trước, bà con bán bún bò Huế chắc được phen náo loạn bởi cái thông tin bán tín bán nghi rằng có thể họ sẽ không được bán cái món ăn truyền thống ấy nữa, hoặc nếu có bán, thì phải đổi tên nó đi, vì UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đăng ký độc quyền nhãn hiệu Bún bò Huế rồi. Nhưng qua khá nhiều bài phân tích có chuyên môn về pháp lý của những luật sư có uy tín, cộng đồng đã có thể an tâm vì UBND tỉnh Thừa thiên - Huế chỉ sở hữu độc quyền cái logo "Bún bò Huế" mà họ mang đi đăng ký sở hữu trí tuệ mà thôi. Còn thực tế, họ không có quyền độc quyền "Bún bò Huế" cả về khái niệm lẫn bản chất, cả về nội dung lẫn hình thức.

Câu chuyện lùm xùm gây khó hiểu ấy thực ra để lại khá nhiều thông điệp quan trọng mà chúng ta hoàn toàn có thể rút ra bài học cho chính mình. Thứ nhất, chúng ta nhận thấy rất rõ rằng mức độ hiểu biết về pháp luật của cộng đồng đang như thế nào. Ngay cả nhiều nhà báo lành nghề cũng không nắm hết được những khía cạnh pháp lý cơ bản nhất của Luật Sở hữu trí tuệ và họ buộc phải tham khảo các luật gia để có đáp án chính xác nhất trong các bài viết của mình.

Vậy thì trường hợp những người dân bình thường, trình độ học vấn có hạn, mối quan hệ cũng không đa dạng, làm sao họ có thể nắm rõ được việc mình tiếp tục bán "Bún bò Huế" có vi phạm gì so với các quy định mới mẻ của UBND tỉnh hay không. Trong hoàn cảnh đó, bản thân những cán bộ của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng không nắm chắc bản chất vấn đề, và do đó, cách họ lý giải cho dân chúng càng khiến thông tin rối rắm hơn. Suy cho cùng, chỉ có dân là thiệt, khi họ phải đột nhiên sống trong hoang mang, sự hoang mang không đáng có.

Thứ hai, việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thực tế là một việc nên làm, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù địa phương. Nó như một dạng định vị thương hiệu trên thị trường, để phân biệt với các đối thủ cạnh tranh vẫn đang cố tình đánh lẫn mình vào các thương hiệu có uy tín.

Ví dụ như bưởi Đoan Hùng, xoài cát Hoà Lộc… chẳng hạn. Đó là những thương phẩm có truyền thống và rất cần được đăng ký nhãn hiệu để bảo vệ mình và cũng để chứng minh sự khác biệt của mình với những nhãn hiệu cùng chủng loại khác. Song, dường như ở Việt Nam chưa mấy nơi nghĩ tới chuyện thực hiện đăng ký nhãn hiệu như thế, dù đó là một việc rất cần làm và lẽ ra phải làm từ lâu rồi.

Cuối cùng, và là quan trọng nhất, vẫn liên quan đến chuyện đăng ký nhãn hiệu. Sự việc diễn ra ở Huế cho thấy một chi tiết khá nực cười. Đó chính là việc UBND đã hăng hái thực hiện một việc không thuộc vào trách nhiệm của họ và có thể nói là dù cho đăng ký nhãn hiệu là việc cần làm nhưng cách đăng ký của UBND Thừa Thiên - Huế là động tác thừa. Việc đăng ký nhãn hiệu cho một thương phẩm trên thị trường thường thuộc về một tổ chức kinh tế hoặc thuộc về hiệp hội nếu như trường hợp nhãn hiệu được đăng ký là đại diện cho một sản phẩm truyền thống của một vùng, một làng nghề.

Cơ quan hành chính công không phải là đơn vị đi đăng ký một nhãn hiệu với mục đích "bao trùm" như thế, nhất là khi ba chữ "Bún bò Huế" kia được thể hiện trong một logo mới toanh, chưa quen thuộc với người tiêu dùng, và không đại diện cho một sản phẩm kinh doanh của một đơn vị kinh doanh cụ thể nào. Giả sử, UBND Thừa Thiên - Huế có bán bún bò ngon tuyệt vời, nổi tiếng lừng danh ở canteen của mình thì họ có thể đăng ký một nhãn hiệu để định vị sản phẩm, kiểu như nhãn hiệu "Bún bò Ủy ban" cho dễ nhớ, dễ gần chẳng hạn.

Đằng này, họ đăng ký một logo mà chức năng duy nhất của nó là ai muốn dùng logo ấy đều phải xin phép đơn vị chủ sở hữu, tức UBND, trong khi bản thân các hộ kinh doanh "Bún bò Huế" hoàn toàn có khả năng tạo ra một logo riêng biệt, với tên gọi riêng biệt và cũng có thể được đăng ký nhãn hiệu một cách hợp pháp. Như vậy, hiệu qủa cuối cùng của nhãn hiệu mà UBND Thừa Thiên - Huế đã đăng ký có thể nói là con số không.

Cái logo chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng cuối cùng, xoay quanh nó, chuyện không nhỏ chút nào. Nó còn chỉ ra thêm một nhức nhối chung trong hệ thống hành chính công còn nhiều bất cập của Việt Nam hôm nay. Đó là đang tồn tại thực trạng ở nhiều cơ quan nhà nước, việc cần được làm thì không làm và việc vô bổ thì lại đang được miệt mài "sáng tạo" ra, như thể là một phát kiến mới, ý tưởng mới, tư duy mới…

Hà Quang Minh
.
.