Chuyện bia rượu và... xe
- Ùn ùn nhập viện do lạm dụng bia rượu: Thấy... quan tài nhưng chưa đổ lệ!?
- Đừng để bia rượu bào mòn sức khỏe và nhân cách
- Đàn ông Việt "nát" bia rượu cỡ nào?
Ở nông thôn thì đám hỉ đám hiếu, ở thành phố thì các "bãi nhậu" hoặc nhà hàng. Chiều chiều ta hay gặp những tiếng hô "Một hai ba zô, một hai ba zô". Thú thật tôi không thể nào tiêu hóa nổi cái kiểu chụm vào nhau rồi hô như thế. Mà, cái kiểu hô ấy, nó không phải tự phát, nó được cả một số cuộc họp rồi tổ chức liên hoan của các tổ chức, nhất là các bạn trẻ hưởng ứng.
Rất nhiều lần tôi chứng kiến những bóng áo xanh chụm lại hô vang điều này. Mà không chỉ hô một lần, còn lặp lại nhiều lần cho nó... máu. Có thể đây là một cách tập hợp, một cách "truyền lửa", nhưng cách này có vẻ không hợp nữa rồi. Đi đám cưới cũng thế, sợ nhất là một ông miệng cười cười, tay bưng ly bia hoặc rượu sang... mời cả bàn. Và kiên nhẫn đứng chờ cả bàn uống xong, bắt tay từng người rồi... lại sang bàn khác.
Bạn tôi dạy ở Đại học quốc gia Lào, một hôm nửa đêm gọi điện thoại từ Viêng Chăn về thảng thốt: Văn hóa nhậu Việt Nam đã sang Lào rồi ông ơi. Ấy là một nhóm công nhân có, kỹ sư có... sang làm cái sân vận động cho Lào nhân dịp SEA Game và họ nhậu, họ cũng chụm lại và... 1, 2, 3 dô. Anh bạn bảo, chết mất, xấu hổ vô cùng. Lào họ có "văn hóa" nhậu nhẹt như ta đâu?
Bia, rượu quá đà là nguồn cơn của những tai họa. |
Là trở lại cái vụ chị Nga ở thành phố Hồ Chí Minh vừa bị bắt vì gây ra vụ tai nạn giao thông khủng khiếp, một người chết tại chỗ, người bị thương la liệt, thì nguyên nhân ban đầu cũng là do... nhậu. Trước khi gây tai nạn, chị này đã uống rượu ở nhà hàng của mình.
Chả phải ngẫu nhiên mà người ta đã cấm tiệt, bằng luật, không cho người điều khiển ôtô có một giọt nào trong người khi lái. Cũng là người biết lái xe và cũng từng lái lúc đã có... tí ti, tôi biết, có tí cồn vào lái rất "lụa", bởi anh... không nhát tay. Nhưng cái chỉ số an toàn vì thế cũng... thấp hơn.
Xử lý các tình huống sẽ lúng túng, mà ở trường hợp cụ thể của chị Nga, chị khai là do quai giày cao gót vướng vào chân phanh. Phải còn xác minh, nhưng nếu đúng như thế thì, nếu không nhậu rồi, cách xử lý nó sẽ khác. Có thể chị sẽ không phóng nhanh khi tới ngã tư đèn đỏ, và khi ấy có thể nhẹ nhàng kéo phanh tay giảm đà lao của xe rất nhiều...
Tôi từng đi nước ngoài, và thấy, ngoại trừ một số nước châu Âu cho bia rượu thoải mái, còn đa phần là cấm. Và vì thế, nếu đi theo nhóm bạn, thì trong va li của các ông đàn ông bao giờ cũng có... rượu. Mang đi để uống. Singapore, Mã Lai, Thái Lan, Ấn Độ, Nepal... uống được tí rượu là trần ai khoai cũ, và cực đắt. Còn mình mang đi, thì mỗi lần vào nhà hàng lại phải chắt ra chai nhựa, giả làm nước lọc, xuống rót vào ly cối, chuyền nhau uống và không được... khà. Rượu khà trà chép chép mà không được khà thì quả là... chán thật. Nhưng thói quen mỗi bữa ăn làm vài ly nó có từ thời... các cụ, nên thành quen, giờ có hẳn thành ngữ... đưa cay.
Nền nông nghiệp lúa nước, làm gạo mong đủ ăn, còn thức ăn thì... tùy, được chăng hay chớ, có gì ăn nấy... đã sinh ra cái sự "khôn ngoan" người Việt là... đánh lừa cái lưỡi (chữ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm). Ớt đã đành, rượu cũng là một cách đánh lừa vị giác, kích thích cảm giác ăn ngon khi... ít thức ăn. Chả thế mà các quý ông ngày xưa (giờ vẫn còn một số) trước bữa ăn thì được nhâm nhi trước cút rượu với lạc rang, hoặc một thứ gì đấy hết sức tiện nhẹ. Xong rồi mới mang cơm canh lên, và xong. Thói quen này triệt tiêu dần theo đường Nam tiến, bởi đến miền Trung thì họ vừa nhậu vừa ăn và vào miền Nam thì... ăn no rồi nhậu...
Tất cả thói quen nhậu nhẹt của dân ta đều bắt nguồn từ thuở... đường làng. Say là men theo bờ rào mà về, trừ một ông, là ông Chí, say lại lần xuống bến sông và gặp... Nở. Nhưng là tại bởi Chí là Chí, còn đàn ông Việt, nhất là ở nông thôn, say là men bờ rào về nhà mình, đố ông nào dám trái. Và kể cả ở nông thôn thời ấy thì khi ra đường, họ vẫn phải cầm theo bó đuốc, để thấy đường, để... tránh mấy ông say, và mấy ông say cũng nhập nhọa thấy họ mà tránh.
Giờ đường to oạch. Giờ xe vun vút. Giờ động cơ thay chân người. Thế nhưng có một thứ chưa được thay, chưa chứ không phải không, ấy là thói quen uống rượu, uống đến say, say mới sướng, say mới không phí rượu. Và cái nạn ép nhau uống. Sau đấy là phóng xe về. Giờ người đi bộ hết sức thiểu số so với người đi xe máy, ôtô.
Mới đây tôi lái xe chở cả nhà xuyên Việt, ghé nhà người quen trên đường chơi, và được mời ăn cơm, uống bia. Mọi người uống, riêng tôi thì không. Chuyện ấy bình thường. Nhưng có mấy anh bạn ở một trung tâm đào tạo lái xe thì quá... quý tôi, nên cứ mời, cố mời bằng được. Một mặt tôi kiên định từ chối, mặt khác, bồi một câu khiến các bạn ấy bỏ hẳn sự nhiệt tình mời... nguyên lon: Các ông dạy lái xe mà lại cứ cố mời người chuẩn bị lái xe tiếp uống là sao? Thế là bẽn lẽn: Chúng em xin lỗi bác...