Chuyện bé xé ra to

Thứ Sáu, 13/05/2016, 08:05
NSND Lan Hương, người cả cuộc đời tham gia nghệ thuật chưa từng một lần dính scandal, bỗng dưng hoạ vô đơn chí phải gánh lấy bão dư luận khi một nhà báo có tên trong cùng chuyến hải hành ra Trường Sa dự kiến của chị đã tung lên trang cá nhân những thông tin kèm đánh giá chủ quan về việc chị bỏ dở cuộc hành trình đó ở phút chót, khi tàu chuẩn bị rời cảng. Và dư luận, như quán tính hồn nhiên của nó bao nhiêu năm nay, đã lập tức lao vào mổ xẻ Lan Hương dựa trên mấy điểm chính yếu: cảnh vẻ; danh hiệu NSND có xứng đáng và quy chụp thái độ của chị như kẻ đào ngũ.


"Tìm hiểu cho kỹ đã. Giết người", đó là câu cảm thán mà một đồng nghiệp làng báo đã chia sẻ trên trang cá nhân khi đọc những dòng tin thoá mạ Lan Hương. Phải thừa nhận rằng, cơn bão dư luận có khả năng giết người thực sự, đặc biệt là với những người tâm lý thiếu vững vàng, chưa bao giờ phải đối diện một cuộc đấu tố tập thể kinh hoàng như thế trên mạng xã hội. Và cơn đấu tố đó vẫn chưa dứt, nó khiến cho nhiều người vốn không muốn nhắc đến chuyện của Lan Hương để "bé xé ra to" cũng phải lên tiếng.

Đơn giản, họ sợ hãi cái dư luận kinh khủng hơn tòa án kia, dư luận mang định kiến và một mối hằn thù vô hình nào đó chỉ luôn chực chờ có một ai để xả ra cho bõ bực, sẽ có thể mang lại một bi kịch cho "Cô gái Hà Nội".

Thực tế, để trách Lan Hương thì lúc nào cũng có cái lý cả bởi nếu muốn tham gia một hành trình, ta nên tìm hiểu cho kỹ xem liệu mình có thể đáp ứng nổi với khó khăn của hành trình ấy hay không. Song, bất kỳ cái lý nào cũng không thể thay thế cho sự thật, sự thật mà chỉ có Lan Hương và một vài người trên chuyến hải hành đó chứng kiến, ở đúng khoảnh khắc đó, khoảnh khắc Lan Hương quyết định bỏ cuộc.

Hôm chủ nhật trước, 8/5, ở Đà Nẵng có cuộc thi Iron Man, với 3 chặng đua bao gồm bơi 1,9 km; đạp xe 90 km và chạy bộ 21 km liên tiếp nhau trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Đó là một thách thức kinh khủng với những người tham gia, thậm chí là cả những người đã luyện tập cả năm trời để cho cuộc đua này. 1,9 km bơi trên biển không có nghĩa là ta sẽ chỉ bơi 1,9 km đường chim bay ấy mà có thể ta sẽ phải bơi một quãng đường dài hơn.

Ngay sau đó, sẽ là đạp xe 90 km rồi chạy bộ 21 km cuối cùng. Chắc chắn sẽ có những người bỏ cuộc giữa chừng, bởi sức họ không thể kham nổi. Song, chẳng ai coi thường những người bỏ cuộc đó cả. Đơn giản, chúng ta không khoác lên cuộc đua kia hai chữ "ái quốc" như cái cách chúng ta chụp lên Lan Hương khi chị lên cơn suyễn và tim thì vẫn còn trong trạng thái chưa biết có thể phát bệnh lúc nào.

Lan Hương bỏ cuộc chính là hành động đánh đổi một cách mạo hiểm giữa uy tín bao nhiêu năm của mình để lấy sự an toàn, không chỉ cho bản thân, mà còn cho cả những người trên cùng chuyến đi. Chẳng ai muốn nửa chừng có người bị cấp cứu, và sẽ phải tốn một đống tiền để trực thăng cứu nạn bay ra đưa về đất liền. Và giả như Lan Hương đánh liều lên tàu, để rồi tình huống cấp cứu ấy xảy ra, sẽ lại có dư luận mỉa  mai rằng: "Yếu thì cứ ở nhà, tranh suất đi với người khác làm gì".

Cái lưỡi không xương mười đường lắt léo. Đằng nào chả bị vạ thị phi, thà chấp nhận bị ném đá là "hèn nhát"; "trưởng giả" còn hơn là để rồi vẫn bị ném đá vì lẽ khác và lại còn ảnh hưởng tới cả một tập thể đi bên cạnh mình.

Các cụ nói, "ốm tha - già thải". Vậy mà cộng đồng kia nào có tha cho người "ốm" và bỏ qua cho một người "già"!

Trường Sa vẫn cần Lan Hương, và Lan Hương cũng có những cách khác để "tới" Trường Sa chứ không phải quyết định dấn thân khi biết mình bất khả. Cộng đồng chúng ta cũng vậy thôi. Trường Sa cần chúng ta, nhưng không phải cần những kẻ chỉ ham rủa xả…

Văn Đoàn
.
.