Chữ nghĩa đường phố

Chủ Nhật, 18/12/2016, 08:03
Nhờ sự phát triển của công nghệ mà ngày nay, bộ mặt những cửa hàng, cửa hiệu đã khác hẳn, đẹp lên rất nhiều với những gam màu lạ mắt đan chen cùng các góc độ ánh sáng phản chiếu khiến ta thêm cảm giác tự hào về sự thay đổi ngỡ đến chóng mặt. 


Nhưng rồi chúng ta chững lại như đang nhìn bức tranh đẹp bỗng gặp phải một hạt cát nhỏ làm nhói mắt. Đó là khi ta nhìn thấy những hàng chữ trên những biển nhỏ, khi thì treo trên thân cây, khi thì đứng trên một cái khung nhỏ để ngay ngắn trên hè phố hoặc được đóng lên trước, trong một cửa hiệu nào đó... Nó rất quen thuộc với nhiều người bằng hàng chữ “Cấm không được…” , nào là “Cấm không được đỗ xe ở đây”, nào là “Khu vực cấm không được bán hàng”, rồi “Chỗ này cấm không được đổ rác”…

Chuyện này đã nói nhiều rồi mà sao vẫn cứ tồn tại. “Cấm không được” nghĩa là “được”. Phủ định của phủ định là khẳng định mà. Đáng tiếc là vì muốn nhấn mạnh nên người ta đã viết một cách “quá đầy đủ” như thế, không ngờ nghĩa của nó lại đảo ngược.

Ở thành phố, chuyện cấm cái này cấm cái khác là đương nhiên, nơi đất chật người đông, tất cả phải đi vào qui chế một cách nghiêm ngặt chứ không phải sống dễ dàng như ở thôn quê. Nhưng cứ dùng nhiều chữ “cấm” quá thì cũng không nên.

Một tấm biển quảng cáo trên đường phố Hà Nội.

Tôi có đem chuyện này ra nói với một số người. Có người nói rằng dùng chữ “cấm” nghe nó ra lệnh dứt khoát hơn. Nhưng ra lệnh hay không là điều không quan trọng. Quan trọng là hiệu quả. Có khi nhẹ nhàng mà lại hóa hay. Tôi thấy ở một số nơi từ “cấm” đã thay bằng từ khác như “Vui lòng không hút thuốc lá”, hoặc “Cảm phiền, không vứt rác ra sàn”..., đọc lên rất nhẹ nhàng khiến người ta dễ nghe hơn. Ở đây rõ ràng là nó có cái tế nhị của lời ăn tiếng nói.

Trên các bảng tên đường, tên phố đâu đó vẫn có những chỗ sai. Nhất là hiểu sai đi đến viết sai tên các danh nhân. Trên một tuyến phố dài mang tên Đại Cồ Việt và Trần Khát Chân vẫn thấy có cửa hàng đề là Đại Cổ Việt, lại có quán đề là Trần Khắc Chân… Nhiều người không hiểu hết chữ Cồ mà cứ nghĩ là Cổ. Có một nơi trên đường Trường Chinh lại đề là Trường Trinh.

Đường phố mở ra, nhiều quán xá mới mọc lên, đáng kể nhất là các quán ăn, quán nhậu, giải khát. Nào là bia hơi, nào là cơm văn phòng, nào là cà phê – trái cây… Và có lẽ vì thế mà trên các bảng đề ở những nơi này không những nét chữ loằng ngoằng, cẩu thả mà sai về chính tả chiếm tỉ lệ nhiều nhất.

Chẳng hạn như bánh chưng rán thì viết là “bánh trưng rán”, rượu ngâm thuốc thì đề là “riệu ngâm thuốc”, món mới mực một nắng thì viết “món mới mực một lắng”, rồi thì những món lai tiếng nước ngoài cũng được “xứ ta hóa” rất nhanh và rất thiếu chính xác như bánh mì pa-tê thì đề là bánh mì “ba-tê”, món dăm-bông thì đề là “răm- bông”.

Đang bị cuốn hút bởi mùi thơm bún chả, bỗng thấy bảng đề “bún chả - nem dán” thì tự nhiên như bị xốc, từ “nem rán” sang “nem dán” cảm xúc ẩm thực khác hẳn, cảm thấy như trong nem có con gián!!! Ngày sắp tết có nơi bán lá dong để gói bánh chưng lại viết là bán “lá rong”….

Vào các tỉnh ở phía Nam thấy có nơi dùng quá nhiều từ địa phương như bán lốp xe thì đề là “bán vỏ xe”; khám bệnh thì đề là “khám bịnh”… Việc dùng từ như thế không có gì sai, nói lên bản sắc của vùng miền, nhưng nếu dùng nhiều quá thì cũng dễ làm cho du khách nhiều khi bỡ ngỡ.

Điều đáng nói là một số trường hợp đề bảng theo âm của địa phương nên dẫn đến sai. Ví dụ có nơi đề “Báng đấc liên hệ điên thoại…”. Nghĩ một lúc mới hiểu ra là “bán đất”, nói theo âm địa phương đã thành “báng đấc”, hoặc “trung tâm nâng cao trình độ Anh văng” (Anh văn), nghe thật lạ tai, khi hiểu ra thì không thể nhịn được cười.

Lại nhớ một chuyện mà trước đây chừng hơn mười năm tôi đã nghe có người kể. Một du khách nước ngoài sau khi về nước đã kể cho bạn mình nghe về một quán thịt chó rất ngon ở Việt Nam, có cái tên là “CAM ĐAI”. Thì ra cái quán ấy nằm bên một cái biển được đề bằng hai chữ cấm đái không có dấu.

Chuyện chữ nghĩa đường phố thì còn rất nhiều. Điều đáng nói là người ở phố vốn chữ nghĩa so với mặt bằng chung thì cao hơn. Vậy mà cứ để diễn đi diễn lại sự sai sót trên. Có người cho đó là chuyện nhỏ. Nó nhỏ thật nhưng không được bỏ qua. Vì nó cũng như cái răng, cái tóc của bộ mặt phố phường, nó cũng là biểu hiện một phần của trình độ dân trí. Đọc những cái biển trên phố hay hay không?

Sai ít, sai nhiều đều cho người ta có những cảm nhận sâu xa trong nhận thức văn hóa. Vì vậy tuy nhỏ nhưng mỗi chúng ta có ý thức quan tâm, góp phần làm cho cách viết trên các biển đề ở phố không những đúng mà còn hay, tạo nét đẹp trong tâm trí mọi người.

Phạm Văn Thạch
.
.