Chủ nghĩa cá nhân – “thứ vi trùng rất độc”!
- Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ vụ lợi, "lợi ích nhóm"
- Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân - biểu hiện tập trung của suy thoái đạo đức
- Tổng Bí thư: Đấu tranh mạnh mẽ chống chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm1
Thực tiễn cho thấy, ở bất kỳ nơi nào chủ nghĩa cá nhân phát triển mạnh thì đều dẫn tới hậu quả tiêu cực, khó lường. Trong lĩnh vực chuyên ngành văn học nghệ thuật càng thể hiện rõ rệt.
Vì sao vậy? Vì khác nhiều ngành nghề, người nghệ sỹ sáng tạo ra tác phẩm bằng cái tôi cá nhân. Cái tôi phải hằn rõ mới có thể làm nên cái cá biệt, cái riêng, vốn là những tiền đề cơ bản để tạo ra bản sắc. Mà với một tác phẩm nghệ thuật, nếu không có bản sắc sẽ thiếu sức sống, ít giá trị.
Một nền văn hóa giàu bản sắc cố nhiên vừa là sự tổng cộng số học, vừa là sự tích hợp, tiếp biến của nhiều tác phẩm có bản sắc. Nói tổng cộng số học là nói về hình thức, cái thấy được; nói sự tích hợp, tiếp biến là nói về giá trị nội dung (nhất là giá trị văn hóa). Các tác phẩm lớn luôn có sức ảnh hưởng, chi phối, thậm chí trở thành "mẫu gốc" vượt cả không gian và thời gian.
Nhìn ở góc độ nào cũng thấy sự tối cần thiết của cá tính nghệ sỹ, vì nếu thiếu không thể có tác phẩm giá trị. Dễ thấy những nghệ sỹ lớn trước hết là những cá tính độc đáo.
Nghệ sỹ vẫn là con người, phải sống với đời thực, phải sinh hoạt, học tập, quan hệ xã hội… nhưng thiên chức của anh ta là tạo ra "cuộc sống thứ hai", tức tác phẩm. Như vậy anh ta phải sống, phải "đi, về" giữa hai thế giới, thế giới của đời thực và thế giới trong tưởng tượng với bao những nhân vật, hình tượng, chi tiết... Người ta hay dùng các từ "phân thân", "hóa thân", "nhập thân"… khi nói về quá trình sáng tạo là vì vậy.
Dựa vào đặc trưng này, tâm lý học nghệ thuật hiện đại cho rằng nghệ sỹ dễ sa vào tình trạng đa nhân cách, thất thường, dễ ảo tưởng, hay "xúc động", cực đoan,… Đây sẽ là điểm yếu khi có người không làm chủ được mình, dễ bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo, lừa gạt… Nếu nghệ sỹ không tỉnh táo, nhà quản lý lại nhìn nhận đơn giản, một chiều sẽ dễ đẩy vấn đề càng đi về phía tiêu cực, có hại…
Chủ nghĩa cá nhân - “thứ vi trùng rất độc” (nguồn ảnh internet). |
1.Con người văn hóa - theo quan niệm của triết học văn hóa đương đại như một cây xanh cắm ba chùm rễ sâu vào ba mảnh đất văn hóa: cuộc sống lao động của quần chúng nhân dân; văn hóa dân tộc; văn hóa nhân loại. Một tác phẩm lớn luôn mang giá trị phổ quát, phải nói lên được mẫu số chung của văn hóa nhân loại, dân tộc và con người. Nghệ thuật là quá trình kiến tạo và kiến giải các mã văn hóa nên nhà nghệ sỹ phải hút dưỡng chất văn hóa từ ba mảnh đất trên mới có thể làm dày thêm các mã, tức làm lớn tác phẩm về ý nghĩa, giá trị. Tác phẩm nghệ thuật luôn thoát thai từ cái nôi cuộc sống nhân dân. Đấy là quy luật. Không như một quan niệm cho rằng không cần đi vào cuộc sống miễn là nghệ sỹ có tưởng tượng tốt.
Một biểu hiện rõ nhất của chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực văn nghệ ở bất kỳ thời nào là thoát ly cuộc sống, xa lạ với tư tưởng, tâm hồn, cách nghĩ, cách cảm của người lao động. Cá biệt lại có những suy nghĩ viết để nổi danh, có tên tuổi, muốn thế phải "gây hấn", phải viết ngược, phải tạo ra scandal để gây chú ý. Chả khác gì cô gái không đẹp phải tự "lộ hàng" quảng cáo "đóng đinh" vào mắt người yếu bóng vía…!!!
Cũng vì "ăn xổi" mà "tác phẩm" không chịu kế thừa tinh hoa truyền thống, không chịu tiếp thu giá trị văn hóa nhân loại nên thiếu chiều sâu, hàm lượng văn hóa thấp, nhạt nhẽo. Nhưng vì sao vẫn có người đọc? Vì gợi vào tâm lý thích cái lạ, cái bản năng của số ít độc giả, hoặc thủ thuật câu khách, quảng bá giật gân…
2. Cây xanh bao giờ cũng phải quang hợp ánh mặt trời. Con người cũng vậy, luôn phải hấp thụ những ánh sáng lý tưởng mới, tiến bộ. Con người nghệ sỹ càng phải thế, phải luôn trau dồi tư tưởng chính trị. Đây cũng chính là một tiền đề sáng tạo vì tư tưởng sẽ đẻ ra ý tưởng và kích hoạt cảm hứng. Vấn đề là tư tưởng gì mà thôi.
Thực ra mỗi nghệ sỹ đều sáng tạo theo một tư tưởng nào đó, nhất là với các nghệ sỹ lớn thì càng rõ. Nếu tư tưởng này phù hợp với tư tưởng thời đại thì quá trình sáng tạo càng thuận lợi. Thế nên việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị với mỗi nghệ sỹ là rất quan trọng. Xét về bản chất thì hình tượng nghệ thuật luôn là sự cụ thể hóa, vật chất hóa của tư tưởng. Một cô Kiều là hiện thân của tư tưởng Nguyễn Du. Đi ngược lại hoặc mơ hồ, nhầm lẫn con đường tư tưởng làm sao có thể tạo ra hình tượng đúng đắn, chân chính?
Cũng dễ hiểu, có nghệ sỹ tài năng trong quá khứ nhưng do bị chi phối của cái tôi cá nhân mà ngày một xa rời lợi ích nhân dân, khư khư tự ôm lấy cái quan niệm cực đoan, ích kỷ, độc đoán, không chịu mở lòng hòa vào thế giới anh em, đồng chí, cùng lo, cùng vui với số phận đất nước, cứ tách ra, đi riêng, thậm chí đi ngược.
Tư tưởng, quan niệm là vấn đề gốc rễ, vì gốc không vững nên có trường hợp ngả theo xu hướng ngoại lai đã lạc hậu với thiên hạ, xa lạ với văn hóa Việt, lại đem về "lai ghép" thành ra hỗn độn, tối tăm. Đây không chỉ là quan niệm mà còn là nhận thức và tri thức về văn hóa và thời đại. Ví dụ do không hiểu lịch sử, trường phái, ý thức của xu hướng hậu hiện đại mà có người không lọc ra tiếp thu hạt nhân tích cực mà "bứng" cả cái cũ, cái lạ (không phải mới) tiêu cực rồi "sáng tác"… Đây là sự thiếu tỉnh táo, có thể do quá say mê, do cảm tính yêu thích, ưa khám phá thử nghiệm, không chịu đọc rộng, nhất là tham khảo sự phân tích của dư luận tiến bộ nước ngoài.
3. Nghệ sỹ luôn sống trong cái tôi cô đơn, cô đơn để suy ngẫm, để tưởng tượng không chỉ về cái tốt, tích cực mà cả cái xấu, cái thấp hèn, tiêu cực. Vì sứ mệnh của nghệ thuật chân chính vẫn phải sáng tạo về cái xấu để người đọc hiểu mà tránh xa nó, tiêu diệt nó. Có khi vì sống quá sâu với nhân vật mà có nghệ sỹ phát ngôn không phải cho cá nhân mình mà nói thay cho nhân vật (xấu), nên dễ gây ngộ nhận. Trường hợp này rất cần sự thông cảm, thể tất với đặc thù sáng tạo. Nhưng khi cái tôi bị đẩy đến cực đoan, vượt ngưỡng, thì một hạn chế của số người này là quá đề cao cá nhân, chỉ mình là "nhất" rồi coi thường, coi rẻ sản phẩm nghệ thuật cũng như nhân cách đồng nghiệp. Thế là dẫn tới quan hệ "cánh hẩu" khen vống những ai hợp mình, vùi xuống bùn kẻ khác mình, có khi "không ăn được thì đạp đổ". Nguy hiểm hơn là có người như vậy lại là thành viên trong hội đồng tuyển chọn, xét duyệt sẽ dẫn tới sự thiếu công bằng, gây ra dư luận không tốt…
Với họ, sự khen chê chẳng qua cũng vì thỏa mãn cá nhân mình, để làm nổi cá nhân mình. Nguyên nhân của trường hợp này, ngoài sự quá lớn của cái tôi thì còn là do ít hiểu biết về sự mênh mông vô tận của tri thức nhân loại. "Ếch ngồi đáy giếng" là thế, chỉ nhìn thấy bầu trời bằng cái miệng giếng mà thôi! Lẽ ra, hơn mọi tầng lớp khác, văn nghệ sỹ phải là những người chịu khó học tập, lao động nhiều nhất, am hiểu nhiều nhất, có vậy mới sáng tạo ra được một "cuộc sống thứ hai" sống động, giàu ý nghĩa.
Về giải pháp, tự thân nội dung vấn đề đã bao hàm, để rõ hơn, thiển nghĩ xin lưu ý:
Một là, rất cần tôn trọng sự tự do sáng tạo nhưng phải đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sỹ. Điều này không hề mâu thuẫn. Lịch sử nghệ thuật cho thấy, các nghệ sỹ lớn luôn tự do sáng tạo theo một xu hướng, trường phái nhất định. Sáng tạo theo tư tưởng Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sáng tạo theo tinh thần nhân văn, tiến bộ, hoàn toàn hợp với quy luật tư tưởng và tình cảm của nghệ thuật. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo vì mục đích vì nước vì dân.
Tư tưởng sẽ chuyển hóa để rồi trở thành máu thịt tác phẩm. Để có tư tưởng phải là quá trình lâu dài từ thấu hiểu (nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (tình cảm) vào hình tượng rồi truyền cảm (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận. Do vậy không chỉ làm hình thức, qua loa. Nếu đọc các bản thu hoạch cá nhân ở mỗi cơ quan văn nghệ sẽ thấy gần như giống nhau (?), trong khi đó, tình cảm là lĩnh vực tinh thần tế vi, cá nhân, riêng biệt, làm gì có chuyện ai giống ai!?
Hai là, nên tổ chức các chuyến đi sâu vào thực tế, người nghệ sỹ sẽ được hiểu kỹ hơn một mảng đời sống, sẽ có những vui buồn thật sự, cảm thông và chia sẻ với người lao động. Nghệ sỹ chỉ có thể kiến trúc mô hình và xây dựng tác phẩm từ mô hình và chất liệu ngoài cuộc sống.
Ba là, luật hóa xuất bản, thể chế hóa dưới luật một cách cụ thể về trách nhiệm để tránh đăng tải những văn hóa phẩm kém chất lượng.
Bốn là, tăng cường hơn nữa sự định hướng của các cơ quan quản lý (vụ, hội đồng) và tiếng nói chuyên môn, chuyên gia cao (viện, trường đại học). Những nơi đó đóng vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa của văn nghệ sỹ về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ, đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng.