Chữ - phương tiện hay mục đích của thơ?

Thứ Tư, 15/03/2006, 08:14

Có bao nhiêu nhà thơ thì sẽ có bấy nhiêu quan niệm về thơ, lối làm thơ, cách viết thơ. Mỗi khi người làm thơ ngồi đối diện trước trang giấy là đối diện với cảm xúc, suy tư và những trăn trở của cá nhân mình.

Dùng ngôn ngữ để biểu đạt điều mình muốn nói với bạn đọc là con đường hiển nhiên của người viết. Mỗi người sẽ đi “nhặt” những chữ của đời sống sẵn có và sắp xếp lại theo cách của riêng mình thông qua sự mách bảo của trái tim, cảm xúc và tài năng. Tuy nhiên, trong nền thơ ca đương đại của chúng ta hôm nay xuất hiện nhiều lối làm thơ, nhiều quan niệm về chữ trong thơ khác hẳn nhau. Nhiều nhà thơ (đặc biệt một số nhà thơ trẻ) thường xem thơ như một trò chơi của các con chữ. Họ cách tân, làm mới trong cách biểu đạt khác lạ của chính mình.

Song không phải sự cách tân, làm mới nào cũng thành công, cũng mang lại hiệu quả thẩm mỹ cũng như giá trị nghệ thuật đối với bạn đọc. Một số trường hợp như ta đã thấy, chữ của người làm thơ không bay lên từ tâm hồn, cảm xúc mà lại được “nhào nặn” bằng trí thông minh, sự lập dị của người viết. Rốt cuộc, nhà thơ có thể được chú ý bởi sự lạ, nhưng sự đồng cảm từ phía bạn đọc lại không được bao nhiêu. Và câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu một tác phẩm văn học nghệ thuật không chia sẻ được gì với công chúng, không có con đường để đi tới trái tim công chúng thì tác phẩm ấy có giá trị gì?

Với băn khoăn ấy, trong bài viết này, chúng tôi xin trích ý kiến của các nhà thơ Đỗ Bạch Mai, Trần Ninh Hồ, Tuyết Nga xung quanh câu hỏi: “Chữ là phương tiện hay mục đích của thơ?”. 

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai: “Thơ phải có sự vật vã từ trái tim”

Để có được một bài thơ, và bài thơ đó đến được với sự cảm thông và chia sẻ của công chúng, chắc chắn người làm thơ sẽ phải đánh vật với câu chữ, thậm chí với từng con chữ. Nói như vậy nhưng không có nghĩa chữ là mục đích của người làm thơ. Theo tôi, chữ chỉ là phương tiện mà người làm thơ sử dụng trong khi làm thơ.

Nhà thơ Đỗ Bạch Mai.

Việc làm thơ của nhà thơ cũng giống như quá trình chưng cất rượu. Để có được rượu phải có gạo, và người thợ tài hoa đã lựa chọn gạo, cùng với quá trình chưng cất bởi tâm hồn nhà thơ sẽ tạo ra những bài thơ. Nên ai đó đã từng nói thơ là một thứ rượu của tâm hồn. Để có được kết quả là một bài thơ, theo tôi yếu tố tâm hồn, yếu tố cuộc đời của nhà thơ là quan trọng nhất. Phải bắt đầu từ những hối thúc của tâm hồn. Với riêng tôi, những câu thơ được ngân lên là bởi những vật vã rất riêng tư trong tâm hồn mình. Khi viết được ra những câu thơ cũng giống như thể một sự giải thoát. Và khi đã viết ra được rồi tôi lại có nhu cầu muốn được chia sẻ, giãi bày với mọi người.

Để những bài thơ của mình đến với công chúng không bị xem là dễ dãi, tôi phải ngồi xem lại từng con chữ viết ra, mà trước đó nó là một dòng chảy ào ạt tuôn trào từ phía trái tim mình. Không ai biết được rằng những tác phẩm thơ của mình sẽ đi đến đâu trong dòng chảy của thời gian. Nhưng có một điều không thể khác, rằng khi song hành cùng với thơ ca, tôi ý thức được rằng để có được những bài thơ hay phải có sự trả giá của cuộc đời, phải có sự vật vã từ chính trái tim người làm thơ.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: “Xin nhặt lấy những từ đơn giản nhất”.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ.

Nhằm nhấn mạnh vai trò của chữ trong thơ, nhiều nhà thơ đã từng cho rằng: “Thơ là... chữ”, “Nhà thơ phải là một cu-ly chữ”, hay “Giá trị của chữ với thơ nhiều khi không chỉ là ngữ nghĩa...”. Trong những bài thơ hay chúng ta thường gặp những chữ rất thần, đến mức trong giới “thôi-xao” đã từng có một trò chơi rất thú vị là “thả chữ” để so tài cao thấp giữa các nhà thơ (ví dụ trong truyện ngắn “Thả thơ” của cụ Nguyễn Tuân. L.Tônxtôi, ngay  với văn xuôi ông đã từng nói đại ý rằng: “Trong mọi loại ngôn ngữ, để chỉ vật và việc (cảnh, sắc, mùi, vị...) thường là có tới dăm bảy chữ để biểu đạt, nhưng nhiệm vụ của nhà văn là phải tìm được một chữ chính xác nhất, gợi cảm nhất”.--PageBreak--

Tuy nhiên, trong tổng thể nghiệp văn chương, chữ bao giờ cũng đến sau những suy nghĩ và cảm xúc. Chính suy nghĩ và cảm xúc đã “gọi” chữ đến. Nguyễn Công Trứ từng viết: “Ngồi rồi lại trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”. Cái chữ “tênh” để nói một nỗi buồn chênh vênh đến mất trọng lượng kia là đã được chính nỗi buồn của cụ Nguyễn Công Trứ gọi đến. Hay trong câu thơ: “Ve kêu rừng phách đổ vàng” (Tố Hữu) thì chữ “đổ” ở đây là do cảm giác bàng hoàng đến đột nhiên của việc “thu hoá” đất trời gọi đến.

Vì thế, về mặt “trật tự triết học”, chữ hầu hết là đứng ở vị trí phương tiện chứ ít khi là mục đích. Nói như Viên Mai, nhà thơ, nhà phê bình văn học đời Thanh, Trung Quốc, tuy có vẻ hơi cực đoan nhưng về cơ bản là rất đúng, rằng: “Trong thơ, ý tình là chủ, chữ là đầy tớ. Khi chủ đi vắng thì đầy tớ mặc đẹp để làm gì?”. Cụ thể là trong những câu thơ hay nhất của các bậc thi hào, thi bá như Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm... nếu chỉ kể về chữ thì có lẽ chúng ta cũng có đủ chữ như các ngài. Chỉ có duy nhất một điều khác, ấy là sức nghĩ nào, cảm xúc nào mới có khả năng “gọi” chữ đến, hút chữ đến theo cái nhịp điệu quyến rũ kỳ diệu của cảm xúc cho thành những câu thơ đó mà thôi.

Maiacốpxki thì táo tợn hơn, ông nói: “Nếu trong lòng đã có điều cần nói thì chúng ta có thể viết bằng một cái... chổi cũng được”. Theo tôi, có một điều rất đáng lưu ý, đấy sẽ là việc quan trọng nhất khi sửa thơ để vươn tới sự hoàn chỉnh, hoàn mỹ cho tác phẩm thơ. Đôi khi sửa được một chữ hay, cả câu thơ bật sáng. Trong lúc làm thơ, tôi chủ trương rằng: “Xin nhặt lấy những từ đơn giản nhất/ Trong mênh mông hỗn độn những ngôn từ/ Sự đơn - giản- trong - veo sẽ làm nên trật tự/ Cái trật - tự - dịu – dàng – thăm - thẳm của thi ca”.

Nhà thơ Tuyết Nga: “Chữ không nói mà tạo ra điều nhà thơ muốn nói”

Với tôi, chữ vừa là phương tiện, vừa là mục đích của thơ. Không thể nào tách biệt rành rẽ như những quan niệm vừa được nhắc đến. Hãy thử đọc những câu thơ sau của nhà thơ Lê Đạt, một thi sĩ được mệnh danh là “phu chữ”: “Em về trắng đầy cong khung nhớ / Mưa mấy mùa mây mấy độ thu / Vườn thức một mùi hoa đi vắng/ Em ở đây mà em ở đâu/ Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu”. Dù ông có phản đối thì tôi vẫn cho rằng câu chữ chỉ có thể đến sau khi hồn ông đã ăm ắp nỗi niềm kia.

Nhà thơ Tuyết Nga.

Và hãy thử đọc những câu thơ này của nhà thơ Trần Dần: “Hãy trữ đau thương cho mãn hạn làm người”, “Mưa rơi không cần phiên dịch”, “Tôi khóc những người bay không có chân trời / và lại khóc những chân trời không có người bay”. Nếu không có những con chữ như đang nổi gân lên kia, liệu những nhịp đập của trái tim gân guốc ấy có gây được ấn tượng mạnh, có sức ám ảnh người đọc lâu dài đến thế không?

Thử đọc thêm câu thơ nữa của nhà thơ Lê Đạt: “Những chiếc hôn gửi đi biền biệt phù sa/ đất hẹn má mùa nắng lạ / vườn đồi ai nhặt lá ô môi”. Rõ ràng cái địa chỉ mà những nụ hôn muốn tới, cái miền đất lạ chỉ mới được tạo ra bằng chữ của Lê Đạt, không phải là cái gì xa xôi mà chính là cái miền riêng vừa hoang vu vừa tươi xanh nơi tâm hồn thi sĩ.

Tôi luôn nghĩ các nhà thơ tìm đến trang giấy vì có những điều muốn nói và một chữ cũng có thể giúp nói lên được mọi sự. Trong thơ chữ có linh hồn. Vang âm của chữ vọng ra từ chính tâm hồn nhà thơ. Chữ không nói mà tạo ra ra cái điều nhà thơ muốn nói. Nếu không có lao động thích đáng đối với chữ, sẽ không có thơ. Nhưng cũng sẽ không có thơ, nếu ta chỉ một mực đào bới chữ. Coi chữ là mục đích, thơ sẽ tít mít. Coi chữ là phương tiện, thơ sẽ tầm thường.

Chữ mãi mãi vừa là mục đích vừa là phương tiện của thơ
Thành Duy
.
.