Chờ đợi đầu tư cho Docudrama

Thứ Năm, 06/02/2020, 08:28
Đúng ngày 24/01/2020, Netflix chính thức phát hành "Rise of Empires: Ottoman" (RoE: Ottoman - Sự trỗi dậy của những đế chế: Ottoman) và ngay lập tức, khá nhiều người xem Netflix đã bỏ thời gian để ngốn bằng sạch 6 tập của serie này...


Và cũng chỉ sau đó 1 tuần, trên các diễn đàn bắt đầu xuất hiện câu hỏi "Liệu mùa 2 của serie này có được ra mắt tiếp tục hay không?" và "Bao giờ thì mùa 2 lên sóng?".

Những thông tin xoay quanh "RoE: Ottoman" có thể khiến chúng ta nghĩ đây là một serie phim truyền hình dài tập có sức hấp dẫn lớn mới khiến người xem quan tâm đến thế. Song, thực tế "RoE: Ottoman" không phải là một bộ phim truyền hình dài tập thông thường. Nó thuộc thể loại Docudrama, một thể loại khá mới mẻ trong khoảng vài thập niên trở lại đây và hiện nay đang cực kỳ hút khách. 

Chính vì sự hút khách của nó mà các nhà phát hành theo hình thức xem trực tuyến như Netflix rất mặn mà với việc tham gia vào đầu tư chung hoặc mua lại quyền phát hành của những docudrama như thế.

Docudrama là từ viết tắt của documentary (phim tài liệu) và drama (phim truyền hình dài tập). Chính cái danh từ docudrama đó đã có thể giải thích hết về thể loại này. Thực chất, đó là những phim tài liệu nhưng được sản xuất trên hình thức kết hợp với phim truyền hình. Tức là thay vì sử dụng tư liệu khô cứng kiểu truyền thống, các dữ kiện, sự kiện sẽ được điện ảnh hoá để thu hút người xem. Và với "RoE: Ottoman", sức hấp dẫn nằm ở chỗ các phân đoạn lý giải, dẫn dắt của các nhà khoa học được cắt gọn, tinh giản. 

Trong khi đó, các sự kiện lịch sử xảy ra được điện ảnh hoá với tất cả những công cụ kỹ thuật điện ảnh hiện đại hôm nay. Chính vì vậy, "RoE: Ottoman" đã vượt ra khỏi tầm vóc thông thường của một cuốn phim tài liệu phổ biến thường thức lịch sử để mô tả lại lịch sử bằng điện ảnh. 

Hình ảnh các trận chiến thời trung cổ trong docudrama này hấp dẫn không khác gì những phim bom tấn Hollywood và diễn xuất của dàn diễn viên cũng chẳng kém gì các tài tử lừng danh. 

Và chỉ cần qua 6 tập phim của mùa đầu, mỗi tập dài 45 phút, người xem nắm bắt rất cơ bản tiến trình lên ngôi của Mehmed II và 2 tháng kéo dài của cuộc tấn công lịch sử vào Constantinople năm 1453, cuộc tấn công đã thay đổi hoàn toàn cục diện lịch sử loài người.

Từ câu chuyện của các docudrama kể trên, ở thời điểm đầu năm mới này, chúng ta cũng bắt đầu nên đặt ra vấn đề "Việt Nam rất cần sự đầu tư cho những docudrama liên quan đến lịch sử của dân tộc". 

Nguồn đầu tư này chắc chắn là không nhỏ nhưng nếu biết kết hợp tốt giữa ngân sách nhà nước cho khoa học với các nguồn xã hội hoá, chuyện giới thiệu ít nhất 1 bộ docudrama khoảng 6-10 tập mỗi năm là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được.

Về nguồn ngân sách nhà nước, thực chất chỉ cần sử dụng chính các nguồn ngân sách đã và đang được cấp lãng phí cho nhiều đề tài khoa học vô bổ, mang tính báo cáo cho có để đầu tư cho các docudrama này là đã đủ một phần đáng kể. 

Song song đó, ở nguồn xã hội hoá, trong xu thế nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đang muốn sử dụng văn hoá như một kênh để phát triển nhận diện thương hiệu, phát triển hình ảnh đảm nhận trách nhiệm xã hội của nhãn hàng, huy động họ là một việc không khó, nếu như những nhà sản xuất thuyết phục được họ về tính hiệu quả của quảng bá thông qua các dự án docudrama. 

Đặc biệt là các địa phương có các danh thắng gắn liền với các sự kiện lịch sử lý thú. Thay vì tổ chức các festival tốn tiền và loè loẹt với hiệu ứng chỉ kéo dài một tuần, kêu gọi đầu tư chung sản xuất docudrama để có thể giới thiệu mình ra thế giới chắc chắn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Thế giới đã đi trên đôi bánh xe docudrama quá lâu và Việt Nam không thể lạc hậu ở mảng văn hoá đại chúng này, một mảng rất gắn liền với công nghiệp văn hoá. Và ở giai đoạn các nền tảng như Netflix, Apple TV, Fim+… đang nở rộ như hiện nay, cơ hội cho docudrama Việt là rất lớn. Mà trước một cơ hội lớn như thế, nhập cuộc muộn phút nào là thiệt thòi thêm phút đó. 

Hơn thế nữa, với docudrama, có thể đó là nghĩa vụ của thế hệ đi trước khi tình trạng "quên" lịch sử Việt đang là một thực tế đáng buồn của thế hệ trẻ nhiều năm qua.

Văn Đoàn
.
.