Chiếm dụng văn hoá

Thứ Năm, 24/10/2019, 08:35
Chiếm dụng văn hoá là gì. Đó chính là hành động sử dụng các yếu tố văn hoá của những nền văn hoá khác, dân tộc khác của một cá nhân hay một nhóm nào đó... 

Trong vô vàn những thông tin gây sóng cộng đồng, vụ việc nữ ca sỹ nhạc đồng quê Kacey Musgraves (Mỹ) mặc chiếc áo dài Việt Nam mà không mặc quần đã trở nên lọt thỏm trong dư luận như thể đá ném ao bèo. Nhưng vụ việc ấy cũng gây được chút ít tranh cãi và vượt trên tất cả, nó cần được nhắc lại để suy ngẫm về thái độ của người Việt nói chung trước những hành vi tương tự.

Người nổi tiếng nhất chỉ trích Kacey Musgraves chính là nữ diễn viên Ngô Thanh Vân, hơi "hăng say" quá nên mất tỉnh táo nhất định. Cô quá quyết liệt bảo vệ tấm áo dài truyền thống nên đã "report" bức ảnh Kacey Musgraves khoe hông và đùi trong tà áo dài Việt Nam. Thực tế, Vân hoàn toàn có quyền chỉ trích hành vi của Kacey Musgraves. Nhưng kích động người hâm mộ của mình báo cáo lên facebook về một nội dung thực chất không vi phạm quy tắc của facebook là điều hơi quá đà. Riêng việc bày tỏ một thái độ bảo vệ văn hoá truyền thống của Việt Nam như Ngô Thanh Vân đã có là rất đáng trân trọng.

Trớ trêu là bắt đầu có những cá nhân, mà mỉa mai thay rất đông trong số họ lại là đấng mày râu, lại sử dụng chất liệu này để công kích Ngô Thanh Vân. Họ lập luận kiểu "Trung Quốc đang xâm phạm bãi Tư Chính thì không lên án, sợ hãi im thin thít trong khi một cô ca sỹ ở tận đẩu tận đâu thì lại rất hăng hái chỉ trích".

Điều đáng ngại nhất không phải là những cách hành xử, tranh luận rất "phi dân chủ, phi tự do", mạo danh dân chủ và tự do mà là vấn đề sự hiểu biết của nhiều người Việt về cái gọi là "chiếm dụng văn hoá" hình như đang rất hạn chế. Hành vi sử dụng áo dài đầy tranh cãi của Kacey Musgraves ở buổi biểu diễn hôm 11-10 tại Texas vừa rồi chính là một dạng chiếm dụng văn hoá. Chính giới bình luận phương Tây (như CNN, Insider…) cũng đều cáo buộc Kacey Musgraves như thế.

Chiếm dụng văn hoá là gì. Đó chính là hành động sử dụng các yếu tố văn hoá của những nền văn hoá khác, dân tộc khác của một cá nhân hay một nhóm nào đó. Chiếm dụng văn hoá đặc biệt sẽ gây nên tranh cãi, dễ bị chỉ trích nếu như kẻ chiếm dụng đại diện cho một nền văn hoá lớn và đối tượng bị chiếm dụng là những nền văn hoá thiểu số hơn. Hành vi chiếm dụng văn hoá hoàn toàn khác với tiếp biến hoặc đồng hoá văn hoá. Thực tế, xu hướng chiếm dụng văn hoá của những nhân vật nổi tiếng Tây phương hiện nay thực sự đang rất phổ biến.

Kacey Musgraves mặc áo dài và không mặc quần (chỉ mặc quần lót) để khoe hông và đùi. Ở phần trên, cô ta lại đội một chiếc tikka của Ấn độ, thứ trang sức chỉ dành cho cô dâu khi về nhà chồng. Sự kết hợp thập cẩm này có thể được nhìn nhận là đẹp bởi một thiểu số rất nhỏ ở những cộng đồng bản địa là chủ nhân của yếu tố văn hoá mà Kacey đã chiếm dụng (Việt Nam và Ấn độ).

Còn nhìn chung, nó để lại một sự khó chịu rất lớn với những người trân trọng bản sắc và đừng vội cho rằng số lượng người không lên tiếng đồng nghĩa với số lượng người đồng ý với Kacey Musgraves.

Thực chất, Kacey có thích văn hoá Việt hay không? Rất khó trả lời. Cô ta sử dụng tà áo dài không hẳn vì yêu thích nó mà chỉ vì một yếu tố duy nhất mà giới giải trí luôn hướng tới "làm mới và lạ". Mục đích đó là vô cùng cá nhân. Sử dụng yếu tố văn hoá truyền thống của dân tộc khác để làm mới và lạ cho riêng mình là đáng bị chỉ trích.

Ngay cả ở Mỹ, việc hoá trang thành người da đỏ bằng mũ lông chim truyền thống của họ ở mỗi mùa Halloween cũng vẫn còn gây tranh cãi rất lớn. Vậy thì vì lý do gì mà có nhiều người Việt lại thản nhiên bảo vệ Kacey khi cô ta đang chiếm dụng văn hoá truyền thống của dân tộc mình?

Nhìn một người nước ngoài mặc bộ đồ thuần Việt và trân trọng nó, chúng ta hẳn sẽ cảm thấy vui thích. Nhưng nếu người nước ngoài lại khiến bộ đồ thuần Việt trở nên kệch cỡm, có lẽ chúng ta cũng cần phải bày tỏ quan điểm. Đặc biệt là khi hành vi đó để phục vụ lợi ích riêng, nó phải được xem là chiếm dụng văn hoá.

Thử đặt lại câu hỏi cho những ai bênh vực Kacey Musgraves. Nếu không phải là Kacey mà là Ngô Thanh Vân mặc áo dài không quần, họ sẽ nói thế nào về hành vi ấy? Đừng vội thấy "Tây" mà cho rằng đó là chuẩn mực vì thực ra, chuẩn mực văn hoá còn phải được xét đến môi trường văn hoá mà nó thuộc về.

Văn Đoàn
.
.