"Chê" như một thói quen

Thứ Bảy, 03/09/2016, 10:52
Có vẻ như càng ngày, các cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam càng gặp nhiều sóng gió và thị phi thì phải. Từ chuyện thí sinh dùng "răng giả" bị loại cho tới chuyện "ông sao" Bi Rain bỏ cuộc gặp gỡ báo chí đã được sắp xếp chu đáo. 


Tất nhiên, chúng ta không thể trách Bi Rain kiêu căng, ngạo mạn hay thiếu mềm mại trong quan hệ xã giao bởi đơn giản, anh ta và ê kíp của anh ta làm theo hợp đồng. Có trách là trách Ban Tổ chức, những người đã mời anh ta một cách quá trọng vọng, tạo cho anh ta một vị thế để kiêu ngạo như thế. Cái gì cũng vậy thôi, khi ta đã thỏa hiệp và trở nên yếu thế trên bàn đàm phán, đối tác tất nhiên tận dụng cơ hội bởi họ có quyền, thứ quyền được quy định bằng văn bản đàng hoàng.

Nhưng chuyện đáng nói nhất phải là phản ứng của cộng đồng sau khi Đỗ Mỹ Linh đăng quang Hoa hậu 2016. Nó không khác gì phản ứng quen thuộc của những lần thi hoa hậu trước đó. Cứ một gương mặt nào đăng quang là lập tức nhận được những lời chê bai từ cộng đồng, mà đáng ngạc nhiên nhất là chê hoa hậu... xấu.

Có một sự thực chúng ta đều phải thừa nhận với nhau rằng, nhiều người khi đăng quang hoa hậu, nhan sắc của họ lúc đó có vẻ không thuyết phục ngay được công chúng, nhưng chỉ sau một thời gian đội vương miện, họ càng ngày càng đẹp lộng lẫy hơn, xứng đáng là một hoa hậu đúng nghĩa. Và chính những ai chê bai họ cũng lập tức quên ngay mình đã từng buông lời thế nào, để rồi trầm trồ trước một vẻ đẹp, thậm chí còn bênh vực một cách đầy thiên vị khi nhan sắc ấy gặp một sự cố nào đó ngoài đời.

Có thể nói, những phản ứng tâm lý đó đến từ sự không thỏa mãn của công chúng nói chung với các cuộc thi hoa hậu, những sự kiện năm nào cũng để lại một vài vết gợm lùm xùm khiến người ta khó có thể tin vào một kết quả trong sáng, minh bạch cũng như những cách xây dựng hình tượng thí sinh chân thực và tự nhiên. Nhưng chúng ta không thể đổ lỗi cho chuyện đó để biện minh cho một hành vi kém văn hoá bậc nhất, là bỉ bai sắc đẹp của phụ nữ, và để cho hành vi đó nghiễm nhiên được tồn tại như một chuyện bình thường trong đời sống.

Đúng là không thể hiểu nổi tại sao giữa thời hiện đại này, ở thế kỷ XXI này, với sự tiếp cận với thế giới văn minh một cách dễ dàng như thế này mà lại tồn tại cách hành xử "hoang dã" đến thế. Phải chăng, vì mạng xã hội vẫn bị coi là ảo, là nơi giấu giếm được nhân thân và không phải lộ diện một các rõ ràng, người ta dễ dàng thực thi những hành vi, buông ra những nhận xét mất lịch sự một cách dễ dàng? Dường như không phải thế. Mạng xã hội có thể là ảo, nhưng nó lại rất thật vì nó khiến người ta quá dễ bộc lộ thói xấu của mình. 

Văn Đoàn
.
.