Chạy lũ

Thứ Sáu, 30/10/2020, 16:13
Cảnh chạy lũ tương tự mọi năm, đầy những cảnh dở khóc dở mếu. Trông ai cũng tá hỏa, mệt bã và sẵn sàng cáu bẳn. Chạy đến xoắn quẩy thế mà vẫn không kịp. Nhoáng cái nước đã vào tới sân, ngấp nghé ngoi lên thềm.


Nắng bể đầu, cây cỏ gà vẫn chỉ phơn phớt héo ở viền lá. Mẹ bảo, cỏ gà mọc loang cả làng đầy nước, năm nay lũ sẽ to lắm. Nghe thế, biết thế, tôi lại không tin là thế. 

Ra Hà Nội, tôi lững thững đón cái nắng vàng, gió hanh giàn giụa khắp triền phố. Cái bụng vẫn chưa hết vân vi về cây cỏ gà đổi màu trắng ở xứ "chảo lửa túi mưa". 

Mỗi dịp Trung Thu về, trẻ con làng tôi lại hí hởi đi nhận vắt xôi, gói bim bim. Mọi năm, cứ sát dịp này mây ở làng thâm ngoét như môi của người rít thuốc tỳ tỳ. Gió lành lạnh, mênh mang buồn như đôi mắt xơ gầy, tan tác của đàn bà góa. 

Hết Rằm. Trăng teo dần còn một vệt mỏng. Sao ở đâu ùa về, rải lăm dăm như đá bị xe lu quần qua quần lại. Một mùa thu vời vợi, văn vắt vây lấy khu làng quạnh quẽ, tiếng gà trưa không đủ làm gió và lá cùng xao xác.

Nắng lắm thì mưa nhiều. Mưa tuôn. Mưa xối. Mưa dúi nhụi những mái tranh nát núa, mốc mủng. Mưa chui qua lỗ ngói vỡ, thả từng giọt a xít rát bỏng xuống vạt giường mủn mọt. Làng đổ ra đường, chạy tới chạy lui về phía cái khe Rò có cây đa to bằng ba gốc xà cừ già cỗi. Đợi mãi, cũng có tin báo về. 

Thằng Sỹ con mụ Ngải hớt hải ôm con chó ướt sũng về loan báo "nước lút khe Rò rồi, lụt to rồi". Làng tôi xưa nay không cần ti vi hay đài đóm để hóng tin bão lũ vì hễ nghe có tiếng sấm, vài tia chớp bắn ra là mất điện toàn làng. Ai nấy đều nhìn mực nước khe Rò để phán đoán dù khe bây giờ và ngày ấy độ nông sâu đã thay đổi. Khe Rò mà lút thì chần chờ gì mà không chạy lũ. 

Mưa phủ một màn trắng xóa. Mới ba giờ chiều làng đã tranh sáng tranh tối như cái lúc chập choạng. Ánh sáng yếu đi, nó lỉm dần trước sân nhà vi vút gió. Gió gào rú, vật qua vật về hàng mía vừa trổ lóng. Chốc sau, gió mệt thì mía cũng bổ nhào, bổ vật ra tứ phía. Trời tạnh mưa. Gió ri rỉ từng cơn rồi lồng lên như bà đẻ bị cơn co thúc xuống cửa mình. Mưa còn hay ngớt, gió ở lại hay đã cuốn xéo nẻo nào làng không quan tâm nữa. Ai nấy huých nhau chạy lũ.

Cảnh chạy lũ tương tự mọi năm, đầy những cảnh dở khóc dở mếu. Trông ai cũng tá hỏa, mệt bã và sẵn sàng cáu bẳn. Chạy đến xoắn quẩy thế mà vẫn không kịp. Nhoáng cái nước đã vào tới sân, ngấp nghé ngoi lên thềm. Tôi cố vớt lấy cuộc điện thoại trước khi mất liên lạc. 

Mẹ nói như hét vào tai tôi. "Mi tin tau chưa? Thấy bụi tre trổ hoa, tau đã nghi nghi rồi…". Mẹ nói có thế rồi máy tự ngắt, bỏ lại tôi giữa liêu xiêu gió lá. Tôi đoán mẹ đang cõng lúa quăng lên nóc "chạn". Nhà chả có chỗ nào cao bằng cái trần gỗ và cũng chẳng có cái gì đáng giá bằng ngần đó. Tôi sốt ruột, sôi bụng vì lo lắng. Hình ảnh những ngày tháo chạy ở quê lại hiện về, thắt nghẹt ở cuống cổ.

Thế nước đang lên thì lấy gì ngăn nổi? Chỉ có rừng nhưng rừng đã ngủ kỹ. Đêm đen, ánh nến lả đi trước luồng gió ngỗ ngược. Tiếng kêu cứu từng nhát, từng nhát bổ xuống mênh mông nước rồi tắt bặt. Lúc sau, cả làng kêu cứu, râm ran như bầy dế dàn đồng ca trên đồng vắng. Giờ ai bơi được thì bơi, không biết bơi thì ở yên đợi ứng cứu. Nước đã băng qua đường Hồ Chí Minh, còn gì nữa mà ở lại vớt vát. Ai nấy mau chóng kết bè chuối, ván gỗ cố men lên phía đường mòn. Lên tới nơi, thả bớt người rồi quay về đón nốt số còn lại. 

Đêm đó, mụ Tân "dở" vì nán lại cứu con lợn mẹ mà cả người lẫn lợn uống no nước. Làng vớt kịp đưa mụ lên thuyền, ấn vài ấn cho phì nước ra, nghe tin con lợn trôi về hố bom cuối làng mụ lại ngất. 

Ai vớt được con gì nho nhỏ còn thoi thóp thở thì đem đi cứu. Không sống nổi thì vặt lông, mổ bụng, nướng lên cứu đói cho cả làng. Dầm nước cả ngày, ai cũng mềm như cần nhúng lẩu. Trẻ con môi mày nhạt nhếch vì đói. Trông đứa nào cũng nhão, dão như dây thun ngâm dầu chỉ cần búng cái thì đứt đôi.

Tảng sáng, tiếng kêu cứu vãn dần, ánh đèn pin chỉ còn lác đác vài đốm nhỏ. Tài xế mắc kẹt trên đường mở đèn pha, rọi cho làng chạy lũ. Mưa vẫn dằng dai. Làng dựng lán, phủ bạt vênh vẹo trên cái sân khấu mà văn công, đoàn xiếc vẫn hay về diễn. 

Từ trên cao, tôi nhìn về làng. Ánh sáng đùng đục chảy loang tầm mắt, làng hiện ra một màu bùn lạnh lẽo và tan hoang. Tất cả chìm dưới biển nước, đâu đó lấp ló vài ba nóc nhà đang rướn lên trước khi bị nuốt chửng. Lại có tin xả đập, xả lũ ở đâu dội về. Làng ngao ngán, ngồi bó gối bó cả tâm tư. 

Vẫn biết, lũ đến hẹn lại về nhưng chẳng ai biết chạy lối nào để thoát khỏi nó thật êm thấm, bớt mất mát. "Thôi, lên được đây là sống rồi", làng cả nói cả cười như ngô nổ trong nồi đậy nắp. Các chị đỏ lửa nấu cháo. Củi ướt, khói hoen ố thêm hàm răng xỉn màu mủ chuối. Các mẹ cho con bú, cái rét của mưa gió thấm vào môi em bé làm thâm thêm quầng vú nhằng nhịt gân.

Lũ thi gan với dân làng, ngâm nga đúng năm ngày mới rút đôi phân gọi là có rút. Mưa vẫn kéo rê không ngớt. Làng hết cái ăn, bơ phờ ngồi chờ cứu trợ. Đêm loang lổ màu mực mài, nước bắt đầu rút. Làng chụm đầu ngồi bên đống lửa bê bết bùn đất. Họ kể nhau nghe nhà đã trôi những gì, lượm lặt được thứ gì. Trôi gì thì trôi, làng không trôi người nào là hạnh phúc.

Nước rút. Nhà trồi lên, đường hiển hiện ra. Người người rẽ nước lội lần về. Rắn chết vắt xác qua bờ rào. Con chim rét rụt lưỡi, co quắp trên cành bưởi gai góc. Nắng không đủ hồi sinh chút hơi tàn cho vô số sinh mạng nhỏ nhoi. 

Lũ dữ đi qua, khơi xa đã có cơn bão mới đang lừ lừ tiến về. Thiên tai đánh vu hồi, đánh cấp tập không năm nào bỏ quên dải đất nghèo khó. Lũ đi để lại một lớp thực dưỡng óng ả, mịn mờ nhưng tanh tao, bẩn bựa. Bà con lại lầm lũi đạp lên lầy lội mà sống. 

Tháng Mười, thóc mọc mầm phơi đầy ngõ. Tóc tiên nở rợp chân rào, sắc tím man mác buồn dự báo về những cơn mưa rông dài, những cơn bão tìm về đất liền để quăng quật và tan biến. Làng ở đó, vẫn lấy mực nước khe Rò để dự báo lũ. Tôi ở đây, nương vào làn gió thu thiu thắt để nhớ về lũ quê mà cay xè, đau đáu…

Trang Thụy
.
.