Chất thơ trong ảnh nghệ thuật Việt Nam

Thứ Bảy, 18/08/2018, 08:09
Xưa nay, khi nói đến ảnh nghệ thuật ta thường hay nghĩ đến những tấm ảnh chụp phong cảnh ghi lại một vẻ đẹp yên bình của làng quê dân dã, một vẻ đẹp mơ màng đượm chút man mác của cảnh sơn thủy hữu tình với sông nước mây trời, hay sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, hoặc vẻ đẹp không lẫn trộn được của đồng quê Nam Bộ....


Và cũng không ít người lúng túng trong sự phán quyết của hai từ "nghệ thuật" trước những bức ảnh phản ánh cái bộn bề của đời sống, cái nhịp điệu công nghiệp của thời đại ngày nay với những máy móc, sắt thép...

Cuộc sống là sự chuyển động và biến ảo khôn cùng của thiên nhiên và con người trong guồng quay vô cùng vô tận của thời gian. Có những điều là vĩnh cửu, có tính quy luật; có những điều chỉ xảy ra trong một không gian, thời gian nhất định, thậm chí vô cùng ngắn ngủi... Nhiếp ảnh nhờ tính đặc trưng của mình đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật làm rung động lòng người - ghi được những thời khắc quý giá của cuộc sống.

Tác phẩm “Thăm vó” của Nguyễn Huy Hoàng.

Becton- Bailơ, nhà lý luận nhiếp ảnh nổi tiếng người Đức nói: "Bản chất của nghệ thuật là việc thơ hóa cuộc sống một cách có thẩm mỹ, là sự bổ sung thêm một nội dung có trí tuệ...". Lâu nay chúng ta đã quá quen với cách nghĩ, cách nhìn "thơ hóa" đối với các tác phẩm ảnh, điều này trở nên bình thường trong đời sống nhiếp ảnh. Cái bình thường ấy ngự trị trong các cuộc thi ảnh, ngự trị trong suy nghĩ của đa số quần chúng đã ghi lại cảm tưởng của mình trong nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật.

Điều cần bàn đến và lý giải ở đây là: Chất thơ trong ảnh nghệ thuật là gì? Có một ranh giới, chuẩn mực nào để phân định giá trị một bức ảnh là giàu chất thơ hay ít chất thơ...? Chất thơ có phải là một phẩm chất hay giá trị trường tồn của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam...?

Từ khi con người biết sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong đời sống xã hội cho đến nay, có biết bao nhiêu định nghĩa, kiến giải về thơ. Mọi ý kiến đều đúng mà vẫn chưa thấu. Bởi thơ là cái vượt lên trên và lớn hơn những khuôn mẫu của câu chữ chứa đựng để nói về nó. Cho nên tìm đến cội nguồn chính là đi tìm một tư duy logic, khách quan trong nghệ thuật - ở đây là nghệ thuật nhiếp ảnh.

Người nghệ sĩ khi thu vào khuôn hình cảnh sắc của thiên nhiên hay con người, đều có sự rung cảm khác nhau trước cảnh vật, tùy theo thị cảm thẩm mỹ của mỗi người. Bức ảnh là sản phẩm cụ thể của sự rung cảm được "nhào nặn" qua một quy trình kỹ thuật liên hoàn khá phức tạp và ngặt nghèo.

Ai cũng biết kỹ thuật hiện đại đóng vai trò hết sức quan trọng trong nhiếp ảnh. Nhưng kỹ thuật dù hiện đại đến đâu cũng không thể và không bao giờ sản sinh, thay thế nghệ thuật; mà chỉ bổ sung và làm tăng thêm tính hiệu quả của nghệ thuật, trên cơ sở của những ý tưởng nghệ thuật của người nghệ sĩ nhiếp ảnh được thực hiện.

Từ những rung cảm có chắt lọc được triển khai trên khuôn hình, với sự chọn lọc về bố cục, đường nét, ánh sáng và sự sắp xếp các mảng khối, đậm nhạt, sắc màu khác nhau cùng khoảnh khắc bấm máy... mà cấu thành một bức ảnh có ngôn ngữ, hình tượng, mang tính biểu đạt đặc trưng và đầy ý nghĩa về một điều gì đấy! Một tác phẩm ảnh nghệ thuật như vậy ra đời là sự kết tinh của rất nhiều yếu tố khác nhau.

Quá trình thai nghén, ấp ủ những ý tưởng nhiều khi rất công phu, lâu dài; nhưng cũng nhiều khi chỉ xảy ra trong một khoảnh khắc bấm máy mà nếu bỏ lỡ không bao giờ có được; do đó, yếu tố đầu tiên để làm nên tác phẩm phải là sự rung cảm của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống, trước cái đẹp. Bức ảnh giàu cảm xúc, giàu trí tuệ, sâu sắc hay khô khan, nông cạn hay hời hợt, hoàn toàn phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người. Chất thơ trong ảnh do vậy không phải là sự ngẫu nhiên chộp bắt được bằng máy móc.

Trước khi có dáng nét cụ thể và gợi cảm nó đã được manh nha trong tư duy người nghệ sĩ. Có thể thấy chất thơ trong ảnh chính là cách nhìn thiên nhiên và cuộc sống của người nghệ sĩ nhiếp ảnh được biểu hiện thông qua ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Cũng như một bài thơ hay, cho dù có phân định đến rạch ròi, cái hay nhiều khi chỉ cảm nhận được mà khó lý giải được. Một bức ảnh giàu chất thơ, trước hết bức ảnh đó phải hoàn hảo về mặt kỹ thuật. Và, điều cốt yếu tạo nên phẩm chất nghệ thuật chính là những ý tưởng, những cảm xúc mà tác giả muốn thể hiện ở vào đỉnh điểm của sự nắm bắt "cái thần" của hình tượng nhiếp ảnh.

Chất thơ trong tác phẩm là sự phản ánh trung thành, rõ nét nhất “cái tôi trữ tình" của người nghệ sĩ; qua đó thấy rõ phong cách của người cầm máy. Vẫn chỉ là Hồ Gươm của bao đời nay, vậy mà từng người có cách khai thác khác nhau, để rồi chúng ta giật mình ngỡ ngàng trước những góc độ lạ, cách nhìn mới, nét đẹp mới...

Chất thơ trong những ảnh về Hồ Gươm được biểu hiện bởi những rung cảm khác nhau, từ hoài niệm sang suy tưởng đến tâm trạng, hay hiện thực tràn trề, sống động... Như vậy có thể thấy: Một bức ảnh thức dậy trong tâm hồn con người những cảm xúc trong sáng, bay bổng hòa nhập với một trạng thái tình cảm nào đấy, và trở thành tiếng nói đồng điệu giữa nghệ sĩ với cuộc sống, đó chính là một bài thơ được "viết" thành công bằng ống kính nhiếp ảnh.

Song ảnh nghệ thuật nhất thiết phải có chất thơ không?

Thực tế sáng tạo của nhiếp ảnh đã ghi nhận nhiều bức ảnh có giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc nhưng không chứa đựng chút ít chất thơ nào cả. Những tác phẩm như vậy có giá trị nhưng khó đi vào lòng người. Thế nhưng, mọi bức ảnh đều cố sao diễn đạt được phẩm chất "thơ hóa" thì sẽ trở nên nhàm chán và máy móc...

Tác phẩm “Thanh bình” của Ngô Dư

Chất thơ được lan tỏa, thăng hoa bởi khởi nguồn của một trạng thái tâm lý thẩm mỹ trong sáng cùng một tư duy sâu sắc được hòa đồng với cảm xúc tinh tế, sẽ tạo nên những ấn tượng khó phai và bền chặt trong tâm khảm con người - nhất là đối với cách cảm, cách nghĩ của người Á Đông.

Ở nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật hiển nhiên là những tác phẩm giàu chất thơ được người xem ưa thích hơn (ảnh phong cảnh và cuộc sống).

Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm chủ quan của người nghệ sĩ, nó mang dấu ấn tư duy, tâm trạng, cảm xúc của người chụp và đối tượng chụp. Nghệ sĩ Võ An Ninh suốt đời cầm máy rung cảm với cái đẹp của tạo hóa. Đối tượng tìm kiếm, say mê của ông là thiên nhiên, phong cảnh muôn hình muôn vẻ vô cùng giàu chất thơ của đất nước. Võ An Ninh là nghệ sĩ lớn về phong cảnh. Ảnh của ông như những bài thơ có sự hàm súc mà tinh tế, dồn nén mà mênh mông...

Ai chẳng đã một lần rung cảm với cái đẹp đầy thi vị khi xem những bức ảnh phong cảnh nổi tiếng của đất nước ta, hay sự liên tưởng được chắp cánh từ sự thụ cảm những ý tưởng nghệ thuật mà tác giả diễn trình bằng ánh sáng, sắc màu, bố cục... trên tờ giấy ảnh.

Chẳng những người trong nước, cả người nước ngoài cũng rất yêu chuộng ảnh của Việt Nam; cũng như người Việt Nam thưởng lãm ảnh đẹp của các nước. Như vậy, nhiếp ảnh hay đang bàn ở đây là ảnh nghệ thuật không có sự phân định biên giới. 

Một bức ảnh có giá trị nghệ thuật có thể đến mọi nơi trên thế giới, đến với mọi người; bởi rõ ràng nó phù hợp với một tâm trạng nào đó, cảm thụ thẩm mỹ nào đó của người yêu thích. Trong các trạng thái tình cảm thì cái "tôi" lãng mạn, trữ tình là cái dễ tạo nên sự đồng điệu giữa con người với con người. Điều này minh chứng cho sự lưu giữ và lắng đọng của những bức ảnh giàu chất thơ trong lòng người.

Nếu như thưởng thức nghệ thuật là quyền của tất cả mọi người được vươn tới cái đẹp, thì những người làm nghệ thuật (lý luận, phê bình và sáng tác) cũng không nên quy chụp hay bày vẽ cho nghệ thuật nhiếp ảnh phải mang những "tính" này, "tính" kia, thì mới sang, mới oai và thời thượng... Bởi những "tính" đó đều là sự vay mượn của ngành nghệ thuật khác. Và, buồn thay nhiều khi sự vay mượn ấy lại được mang ra làm "hệ quy chiếu" cho nghệ thuật nhiếp ảnh.

Sự trường tồn của mỗi tác phẩm ảnh, hay một nền nhiếp ảnh sẽ trải qua sự sàng lọc của thời gian để thẩm định và đánh giá. Một bức ảnh sẽ sống mãi khi nó "nói" được cái cốt lõi của cuộc sống, đó là sự nhân văn.

Chất thơ chính là một phẩm chất nổi bật của ảnh nghệ thuật Việt Nam. Vô thức hay hữu thức người nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam từ trước đến nay vẫn đang sáng tạo nghiêng về xu hướng này.

Nhưng có lẽ cái chất thơ ấy đang mai một dần trong ảnh nghệ thuật Việt Nam, khi nhiếp ảnh đứng trước cuộc sống đầy phức tạp, thực dụng và sự dễ dãi trong cảm xúc, suy nghĩ của không ít người cầm máy hôm nay.

Cao Minh
.
.