Chậm lại một phút

Thứ Năm, 09/02/2017, 08:34
Tết Đinh Dậu trôi qua có khá nhiều sự lạ mà một trong những sự lạ nhất chính là những cơn mưa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tết thường là lúc đã vào mùa khô.Vậy mà từ 28 tháng Chạp tới mùng 6 tháng Giêng, đã có những cơn mưa bất thường, thậm chí là mưa lớn.Điều đó cho thấy vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu thực sự rất đáng lo ngại, đặc biệt là ở những quốc gia mà ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn nạn.


Cũng trong Tết Đinh Dậu, có một sự lạ khác đang khiến nhiều người tranh cãi, một sự lạ trong đời sống văn hóa, môi trường văn hoá.Đó chính là việc cách tân chiếc áo dài, để thay vì mặc với quần truyền thống hay phá cách một chút thì nhiều người mặc với váy.

Khen có, chê có, thậm chí tranh luận nảy lửa cũng có.Và ngay trong một gia đình thôi cũng có nhiều quan điểm trái ngược quanh cái áo dài ấy. Đơn cử như gia đình tôi chẳng hạn. Trong khi tôi thấy bình thường, không có gì đáng bàn thì vợ tôi lại kịch liệt phản đối kiểu áo dài cách tân ấy.

Thực chất, nếu chúng ta nhìn vào các tấm ảnh chụp những phụ nữ mặc áo dài kiểu cách tân Đinh Dậu kia, chúng ta sẽ nhận ra rằng có nhiều người mặc rất đẹp và không ít người mặc rất tức cười.

Vậy thì, nếu ta chỉ nhìn vào những người... "tức cười", ta sẽ chống đối nó kịch liệt, và cho rằng đấy là một cách tân xuẩn ngốc và phá hoại. Ngược lại, nếu ta nhìn vào những bức ảnh đẹp, những người mặc thực sự đẹp, quyến rũ, ta sẽ cảm giác rằng đây là một cách tân sáng tạo, một cách tân đáng tưởng thưởng.

Hoá ra, quan điểm đúng nghĩa như từ ấy thể hiện, là được đánh giá từ góc quan sát của chủ thể và khó có thể có một quan điểm toàn cảnh nếu chủ thể chủ quan, giữ khư khư góc nhìn của mình, nhất là khi chủ thể ấy lại quá vội vàng khi mới vừa lướt qua quan sát đã vội có ý kiến ngay.

Chuyện quan điểm tranh luận từ kiểu áo dài cách tân kia cũng giống y hệt như chuyện người ta đang cãi vã nhau về chuyện nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương. Khi mới nghe đến "đề xuất" của Bộ Nội vụ thôi, nhiều người chưa kịp rời vị trí quan sát của mình đã vội phán xét, thậm chí sử dụng cả những ngôn từ rất nặng nề để mỉa mai, dè bỉu, chỉ trích. Nhưng cuối cùng, thực sự câu chuyện nghỉ lễ ấy là gì?

Bộ Nội vụ đề xuất 2 phương án: 1 là nghỉ 4 ngày với điều kiện đổi 1 ngày nghỉ lấy 1 ngày đi làm bù ở tuần trước hoặc sau đó và 2 là vẫn  chỉ nghĩ lễ 1 ngày mà thôi. Phương án của Bộ Nội vụ đưa ra là để lựa chọn và lựa chọn nào cũng có lý lẽ cả.

Thực sự, việc đổi 1 ngày nghỉ lấy ngày đi làm vào thứ Bảy tuần trước hoặc sau đó cho phép người lao động có một chuỗi 4 ngày, giúp họ có thể lên kế hoạch từ bây giờ cho một kỳ nghỉ ngắn cùng gia đình. Và kỳ nghỉ ngắn ấy cũng mang lại lợi ích của nó, đặc biệt là ở khâu kích thích nhu cầu chi tiêu, mua sắm cho các ngành dịch vụ, giải trí, du lịch.

Song, cuối cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã quyết định bác bỏ phương án đổi ngày nghỉ. Như vậy, những người sớm chỉ trích "đề xuất" của Bộ Nội vụ đã "việt vị".Và tại sao họ việt vị? Dễ hiểu, họ vội vã quá, họ ham chỉ trích quá, họ quên mất một điều rất quan trọng rằng trước khi bàn về vấn đề nào đó, ta phải chuẩn bị thật đủ dữ kiện, thông tin và đa dạng hóa góc nhìn của mình.

Năm Đinh Dậu này được xem là một năm hứa hẹn nhiều biến động lớn trên thế giới.Chính vì thế, chúng ta cũng cần phải hiểu rằng đã đến lúc mình phải rút kinh nghiệm những năm cũ, đặc biệt là kinh nghiệm tranh luận.

Chúng ta cần phải chậm lại một phút, chậm lại để nhìn nhiều góc hơn, chậm lại để thu thập đầy đủ thông tin hơn và chậm lại để tự răn mình rằng vấn đề nào mình nên tham gia, vấn đề nào mình nên lặng yên lắng nghe. Đó chính là cách tốt nhất để tránh làm nảy sinh thêm các hỗn loạn xã hội, tránh làm nảy sinh thêm những giây phút phí phạm vào những cuộc cãi vã vô bổ, những giây phút mà lẽ ra, nếu ta lao động, ta sẽ nhận về được một giá trị nào đó.

Văn Đoàn
.
.