Chạm đáy

Thứ Năm, 18/04/2019, 07:46
Thực sự, đề tài về xã hội đen, về thế giới ngầm chưa bao giờ hết dư địa phát triển để những đạo diễn, biên kịch không còn khả năng khai thác. Bản thân các nội dung về thế giới này cũng rất hấp dẫn những người xem bởi nó rất gần với xã hội, nếu không nói là có rất nhiều bộ phim vô cùng chân thực...


"Web drama về xã đoàn: Từ Thập Tam muội, Vi Cá tiền truyện đến Thập Tứ cô nương - Chưa bao giờ hết hot". Đó là một cái tên của một bài viết trên một tờ báo điện tử (SaoStar) và nó cho thấy tất cả sự thật về thị hiếu của người xem các nội dung trên youtube và các nền tảng VOD (video on demand - video theo yêu cầu) hiện nay. Và nó bóc tách luôn lý do vì sao những hình mẫu 'xã hội đen 4.0' như kiểu Khá Bảnh, Huấn Hoa Hồng, Dương Minh Tuyền… lại trở nên phổ biến thế.

Thực sự, đề tài về xã hội đen, về thế giới ngầm chưa bao giờ hết dư địa phát triển để những đạo diễn, biên kịch không còn khả năng khai thác. Bản thân các nội dung về thế giới này cũng rất hấp dẫn những người xem bởi nó rất gần với xã hội, nếu không nói là có rất nhiều bộ phim vô cùng chân thực.

Đơn cử, các thế hệ trước đã từng mê mẩn với "Bạch Tuộc", với "Bố Già"… và ở thời đại này, những bộ phim kiểu như "Broad Walk Empire" hay "Peaky Blinders" cũng đang rất thu hút người hâm mộ đề tài về xã hội ngầm. Song, nếu mang những sản phẩm ấy ra để làm viện dẫn so sánh, làm điểm tựa cho sự tồn tại nghiễm nhiên và thậm chí còn được ngợi khen như những cái tên trên tựa đề bài báo điện tử ở đoạn mở đầu thì rõ ràng đó là một so sánh, biện minh đầy khiên cưỡng.

Không thể phủ nhận rằng, chính những nhân vật giải trí có tiếng tăm, các đơn vị làm nội dung được tiếng nghiêm túc hiện nay đang "trưng trổ" hình ảnh xã hội đen đầy thấp kém để câu khách. Rất nhiều ca sỹ, như T.H, D.M…, thường xuyên 'khoe' khả năng hành xử như giang hồ của mình trên cả mạng xã hội lẫn sản phẩm họ phát hành ra công chúng.

Đơn cử như "Chị Mười Ba - phần kết cho Thập Tam Muội", một sản phẩm điện ảnh của Thu Trang - Tiến Luật chẳng hạn. Cái biệt danh Thập tam muội thực ra cũng là sự sao chép lại từ một nhân vật trong chuỗi phim Hong Kong thời thập niên 1990 có tên "Người trong giang hồ".

Và ngay cả cách dùng danh từ ám chỉ các băng nhóm là "xã đoàn" cũng sao chép 100% từ lối dùng từ của chuỗi phim Hong Kong ấy. Và khi một sản phẩm sao chép như thế được ngợi khen trên các trang báo điện tử một cách có định hướng theo kiểu PR, nó sẽ làm cho người xem cảm thấy việc theo dõi, đề cao các nội dung nhố nhăng kiểu Khá Bảnh là quá bình thường.

Có thể nói, trong lịch sử loài người, việc thần tượng hoá những nhân vật ngoài vòng pháp luật không phải là hiện tượng lạ. Trong văn học, thực chất những Robin Hood, 108 anh hùng Lương Sơn Bạc… dù có mục đích hành động là "cướp của nhà giàu chia cho người nghèo" đi chăng nữa thì họ vẫn là lục lâm thảo khấu. Rồi sau này, trong điện ảnh, những tác phẩm kiểu "Ocean 11" hay "Italian Job" cũng đều đề cao những nhân vật có hành vi phạm pháp.

Song, dù sao, trong nghệ thuật, thứ được tôn vinh trong các tác phẩm ấy là khí phách, là tinh thần trượng nghĩa, là sự thông minh tài trí. Còn hôm nay, những ca ngợi trong các sản phẩm về thế giới ngầm chỉ đơn thuần là vì "đó là xã hội đen, là thứ có khả năng câu khách rất cao".

Thậm chí, nhiều nội dung trên youtube còn lôi kéo khán giả hưởng ứng những hình ảnh mang tính chất lưu manh chứ không phải là tinh thần giang hồ nghĩa hiệp như nhiều tác phẩm xưa nay vẫn từng.

Điều đó cho thấy thực sự thị hiếu số đông hôm nay đã chạm đáy. Nếu các thế hệ trước mê thích một sản phẩm, tác phẩm về xã hội đen, chúng ta có thể kiếm tìm ra được những nguyên nhân chung rất lành mạnh, rất con người thì ở thế hệ này, chúng ta khó có thể nào gạn ra được một chút nguyên nhân nào tương tự. Và chỉ cần một ví dụ về chuyện nam ca sỹ T.H từng đăng đàn trên facebook dọa "bắn nát sọ" một ai đó là chúng ta đã đủ hiểu sự xuống cấp đến chạm đáy của thị hiếu bây giờ là đáng ngại đến nhường nào.

Văn Đoàn
.
.