Cây gậy huyền diệu

Thứ Bảy, 11/01/2020, 07:59
Một câu chuyện ngụ ngôn triết lý về đời người: Con gì buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân, buổi chiều đi ba chân. Đáp: Con người. Thì ra đời người là một hành trình đi. Còn nhỏ thì “đi” bằng cách bò; lớn lên thì đi một cách đích thực, mạnh mẽ, khoẻ khoắn; về già cũng đi nhưng phải chống gậy. Cây gậy quen thuộc và gắn bó với bất cứ ai...

Vị Hoàng đế có cậy vương trượng biểu tượng cho quyền lực. Vị Thống chế có cây gậy chỉ huy. Kẻ ăn mày cũng dùng, “tay bị, tay gậy…”. Nhân vật Tôn Ngộ Không trong “Tây du ký” gắn liền với cây gậy Như Ý, nếu thiếu nó sẽ chẳng đánh được yêu tinh… Thời hiện đại người ta hay nhắc tới hình ảnh “cây gậy và củ cà rốt” mang tính biểu tượng cho kiểu chính sách ngoại giao của các nước lớn nhằm chi phối các nước nhỏ. “Cây gậy” biểu tượng cho sự trừng phạt, đe doạ; “củ cà rốt” tượng trưng cho quyền lợi, ban phát…

Những năm trước ai lên Yên Tử cầu Phật cũng thấy hai bên đường bắt đầu lên núi có cả hàng đống gậy. Người ta dùng gậy đi cho chắc chắn vững vàng hơn. Ai đã từng lội suối dữ thấy cây gậy cần đến mức nào, để dò và dọn đường, để kéo đồng đội, để làm vũ khí đuổi rắn rết… Cây gậy quen thuộc đi vào miền văn hoá, trở thành biểu tượng cho mọi tôn giáo, mọi cộng đồng rồi trở thành một trong những mẫu gốc phổ quát nhất của văn hoá nên thành ra lạ lẫm.

Vương trượng của Hoàng gia Anh.

Theo thần thoại cổ Hy Lạp, vị thần Esculape - ông tổ ngành y dược - gặp một con rắn, bèn đưa gậy ra, con rắn bò lên quấn vào gậy. Thần đập gậy xuống đất để giết rắn. Ngay lúc đó một con rắn khác bò tới, miệng ngậm thảo dược cứu con rắn kia. Từ đấy ông đi tìm kiếm các loại cây cỏ trên núi để chữa bệnh cứu người. Về sau nhân loại biết ơn mà thờ thần Esculape luôn cầm một chiếc gậy bằng gỗ cây nguyệt quế có một con rắn quấn chung quanh.

Cũng theo truyền thuyết Hy Lạp, cây gậy còn phát ra lửa do thần Hermes cầm hai cây gậy đập vào nhau. Lửa này là lửa trần thế mang ý nghĩa phát minh, tìm tòi khác với ý nghĩa ngọn lửa biểu tượng cho cuộc sống văn minh khi thần Promêtê đánh cắp từ trên trời giúp người dân dưới hạ giới thoát khỏi cảnh hoang dã mông muội tối tăm.

Theo truyền thuyết đạo Thiên Chúa, Thánh Giôdép vốn xuất thân là một người thợ mộc, sau này lấy Mari làm vợ. Thời Mari còn thiếu nữ có rất nhiều chàng trai đến dạm hỏi. Nhà Mari chọn rể bằng cách cho các chàng trai đặt một chiếc gậy của mình vào chung một chỗ, gậy của ai nở hoa thì người đó sẽ được lấy Mari.

Chiếc gậy của chàng thợ mộc Giôdép nở hoa... Họ cưới nhau, Mari được thần Gabrien báo cho biết nàng sẽ sinh ra Jêxu là con của Thượng đế và sẽ là Chúa Cứu thế. Chàng Jôdép thì mơ thấy mình được trao nhiệm vụ giữ Mari làm vợ còn Jêxu sẽ là con nuôi. Mari là mẹ nhưng vẫn là đồng trinh, sau này được con chiên luôn ngưỡng mộ gọi là Đức Mẹ Đồng Trinh Mari... Truyền thuyết để lại cho nhân loại bài học về tình yêu đích thực, chung thuỷ, hy sinh trọn vẹn vì nhau thì có khô rắn như cây gậy cũng nở hoa sự sống!

Truyền thuyết về nhà lãnh tụ tôn giáo Moes (cũng là nhà tiên tri) gắn liền với hình tượng cây gậy. Khi Moes đến vùng Marah thì thấy dân chúng phải dùng nguồn nước đắng, ông bèn lấy cây gậy ném xuống, nước hoá ngọt. Khi đến vùng Rephidim khô hạn đào sâu mãi vẫn không có nước, Moes liền lấy gậy đập vào một tảng đá, nước tuôn ra như xối. Như vậy cây gậy của Moes biểu trưng cho sức mạnh bắt thiên nhiên phải phục vụ con người.

Cây gậy Như Ý của Tôn Ngộ Không có hai đầu bịt vàng, nặng một vạn ba ngàn năm trăm cân có thể to nhỏ dài ngắn theo ý chủ, khi to nhất làm cột chống trời, lúc nhỏ nhất chỉ bằng cái kim giắt ở tai. Tại sao không phải số khác mà là 13500? Nó ứng với quan niệm nhà Phật một ngày người ta hít thở dài 13500 lần  (thở ngắn thì 84000 lần).

Gậy Như Ý là vật báu của vua biển Long Vương nên Ngộ Không luôn giữ gậy ở trong vành tai. Vì ngũ quan trên mặt người tương ứng với ngũ hành, tai thuộc hành thuỷ (mắt là mộc, lưỡi là hỏa, miệng là thổ, mũi là kim)… Thế là cây gậy Như Ý này ngoài chức năng vũ khí trừ diệt yêu ma còn biểu hiện đời sống văn hoá của con người.

Trong truyền thuyết Trung Hoa cổ thì dịp Tết Nguyên đán, người ta để cây gậy bằng gỗ cây đào trước cửa nhà nhằm mục đích xua đuổi tà ma. Những ông Tiên (Đạo giáo) thường cầm gậy đỏ có bảy hoặc chín đốt tượng trưng cho các cửa ải mà người thụ pháp vượt qua mới được thụ phong giáo lý.

Trong nhiều truyện cổ của ta thời trung đại cũng có biểu tượng này nhưng hầu hết gắn với các tôn giáo. Truyện “Thiền sư Tịnh Giới” kể khi đi quyên góp tiền của đúc chuông quý thì trời đổ mưa, thiền sư liền đứng giữa sân chỉ gậy lên trời và trừng mắt nhìn lên. Một lúc sau mưa tạnh, trời sáng.

“Truyện Man Nương” kể vào năm đại hạn Man Nương đem cây gậy (được nhà sư Đồ-Lê cho) vẩy trên đất, phút chốc nước tuôn ra như suối chảy. Chàng trai nghèo khó Chử Đồng Tử được tiên ông tặng cho cái nón và gậy. Chàng cắm gậy và úp nón vào đầu gậy thì tự nhiên nhà cửa phố phường hiện lên (truyện “Đầm Nhất Dạ Trạch”). Từ Đạo Hạnh khi tu hành đắc đạo liền cầm cây gậy mà ném xuống dòng nước. Gậy trôi ngược rồi dừng lại ở cầu Tây Dương. Ông biết đã đủ phép để đánh thắng kẻ giết cha mình là Đại Điên (truyện “Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không”)…

Như vậy cây gậy, với thiền sư thì là bùa phép để ngăn mưa cản gió (thiền sư Tịnh Giới); với dân nghèo tốt bụng gậy là phương tiện cứu người, giúp người, mang hạnh phúc, may mắn đến cho người (Man Nương, Chử Đồng Tử); với đạo sỹ là tín hiệu thông linh báo điều hằng mong mỏi (Từ Đạo Hạnh)…

Tranh vẽ Thánh Gióng nhổ tre làm gậy đuổi giặc Ân.

Trong văn hoá Việt Nam, hình tượng cây gậy với tư cách là một biểu tượng giàu có và sâu sắc ý nghĩa nhất là cây gậy đuổi giặc của Thánh Gióng. Nó chứng minh một cách sống động tinh thần quật khởi không chịu làm nô lệ của người dân Việt. Gậy sắt gẫy, Gióng nhổ tre, tức là lại có tiếp hàng triệu, hàng triệu những cây gậy khác để đuổi giặc xâm lăng. Quả vậy, những thế hệ tiếp sau Gióng lại dùng gậy tre, gậy tầm vông…để giành lại độc lập tự do.

Cây gậy trong văn hoá truyền thống Hàn Quốc mang một nét bản sắc rất riêng. Ở các ngôi làng cổ xưa người ta luôn dựng một cây gậy (sotdae) ở đầu làng, tượng trưng cho thần bảo hộ và cũng là cột cây số làm ranh giới làng nọ với làng kia. Vì nhà cổ làm bằng gỗ dễ xảy ra hoả hoạn nên cây gậy này còn mang ý nghĩa ngăn thần lửa. Người ta thường treo hình con vịt lên đầu gậy với ý vịt gắn liền với nước, tượng trưng cho nước mà nước thì kỵ hoả (thuỷ khắc hoả)…

Trong nhiều nền văn hoá thảo nguyên, gậy là biểu tượng của người đỡ đầu, người thầy với mẫu gốc ban đầu là người chăn cừu/dê luôn cầm cái gậy để hướng con vật đi đúng hướng. Tương tự, người trò có nghe/làm theo hướng dẫn của thầy mới trưởng thành. Như vậy gậy là biểu trưng cho sự dẫn lối chỉ đường (ngày nay cảnh sát có “gậy giao thông”).

Có lẽ từ ý nghĩa dẫn lối này mà nhiều người hiểu chính sách “cây gậy và củ cà rốt” theo hướng khác: người ta treo củ cà rốt vào đầu gậy rồi buộc trên đầu con lạc đà, con vật tội nghiệp cứ hướng theo củ cà rốt mà đi, tưởng rằng sắp có miếng ăn ngon nên cứ đi, đi mãi… Tức là chính sách “đánh lừa” độc ác, thâm hiểm…

Ở xã hội Hy Lạp cổ, gậy là biểu trưng cho nội dung giảng dạy của các giáo sư: cầm gậy đỏ biểu trưng cho người anh hùng khi giảng về trường ca “Iliad”, cầm gậy vàng biểu trưng cho cuộc hành trình của Ulysse trên biển khi giảng về “Odysses”.

Qua những giới thiệu khảo lược trên cho thấy, gậy là biểu tượng văn hoá đặc sắc của nhân loại. Nhưng biểu tượng này lại phái sinh từ “mẫu gốc” là biểu tượng “cây” (gậy thường làm từ cây) vốn là biểu tượng lớn có trong mọi tôn giáo, mọi cộng đồng. Như cây bồ đề trong Phật giáo, cây Đời trong truyền thuyết Kitô giáo. Rồi cây sồi, cây tùng, cây ô liu, cây đa… Tất cả đều có chung đặc điểm là bề thế vững chãi và sống rất thọ để trở thành Cây Vũ trụ, Cây Ánh sáng… ôm chứa rất nhiều mã.

Đẻ ra từ “mẫu gốc” nhưng biểu tượng cây gậy tự nó đã tạo ra một đời sống mới, một hệ thống mã mới và càng ngày càng giàu có thêm. Nhưng vẫn giữ nét nghĩa từ mẫu gốc, “cây” là vật trung gian nối đất và trời thì “gậy” cũng thường đứng thẳng: cây trượng của nhà vua, gậy của thiền sư chỉ thẳng lên trời, của Chử Đồng Tử cắm xuống đất… Đứng thẳng để biểu hiện quyền lực (chống trời) và được tiếp thêm sức mạnh từ cả trời và đất!

Nguyễn Thanh Tú
.
.