Cây cầu đặc biệt "Từ thi ca đến hội họa"
Mối giao hòa giữa thi ca và hội họa
Cuốn sách "Đặng Đình Hưng - Một bến lạ" gồm 6 tác phẩm thơ, hơn 20 tác phẩm hội họa và những bài bình luận về thơ và ký ức về cuộc đời cố tác giả của các nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình Hoàng Cầm, Hoàng Hưng, Thuỵ Khuê, Đỗ Lai Thuý Nguyễn Thụy Kha... Cùng với sự ra mắt cuốn sách là triển lãm tranh của Đặng Đình Hưng mang tên "Một bến lạ: Hình chữ" diễn ra từ ngày 28-12-2020 đến hết 28-2-2021.
Buổi lễ ra mắt sách "Đặng Đình Hưng - Một bến lạ" trở nên đặc biệt vì diễn ra với phần trình diễn ngâm thơ, biểu diễn piano với cảm hứng từ thơ Đặng Đình Hưng do các nghệ sĩ Giang Trang, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc và NSND Đặng Thái Sơn - con trai của nhà thơ Đặng Đình Hưng - trình bày.
Từ trái sang phải: Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tại buổi tọa đàm "Từ thi ca đến hội họa". |
Triển lãm "Về bến lạ" của Lê Thiết Cương diễn ra từ ngày 12-3 đến ngày 4-4 và tọa đàm "Từ thơ ca đến hội họa" là một hoạt động song hành đáng chú ý vì nó đã gợi mở ra một góc nhìn khác về những tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ thơ. Các tác phẩm ấy không còn chỉ đơn thuần là một tác phẩm minh họa cho thơ, mà còn có một đời sống độc lập, mang đến một đời sống thứ hai cho tác phẩm thơ.
Tại buổi tọa đàm này, diễn giả Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thụy Kha và Lê Thiết Cương đã chia sẻ những câu chuyện về mối giao hòa giữa thi ca và hội họa từ cổ xưa đến nay. Đồng thời họ còn chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân về mối liên hệ này trong các tác phẩm của mình.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Trong bài thơ chứa đựng bức tranh và trong bức tranh chứa đựng bài thơ. Giữa chúng có cái gì đó trộn lẫn nhau, tương tác, chuyển động liên tục. Hội họa và thi ca tuy hai mà một, cái này gợi mở cho cái kia, không có cái nào làm chính hay làm nền. Thi và họa tách biệt nhau về ngôn ngữ nghệ thuật nhưng sự cộng hưởng sẽ tạo nên chuyển động của cảm xúc, tư tưởng và thông điệp...".
Có lẽ chính vì thế, trong triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều là "Người thổi sáo", đã có rất nhiều tác phẩm được vẽ nên từ những bài thơ đã được ra mắt trước đó của ông. Điều này đã khiến cho độc giả yêu thơ thích thú còn người xem tranh thì chắc hẳn sẽ tò mò muốn tìm đọc văn bản thơ của tác phẩm nghệ thuật đó.
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: "Qua bức tranh, bài thơ ấy sẽ được dài rộng ra, sẽ sống thêm một đời sống khác, một đời sống bằng hình khối, màu sắc mà chỉ hội họa mới tạo ra được!".
Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, nhưng bức tranh vẽ trên những cảm hứng từ những bài thơ, câu thơ của ông có thể coi là "văn bản thứ hai" của bài thơ đó. Vì thế, chỉ nên gọi các tác phẩm của ông là "lấy cảm hứng từ thơ" chứ không phải "minh họa cho thơ" bởi vì mỗi loại hình đều mang một ngôn ngữ nghệ thuật riêng. Chính vì "lấy cảm hứng từ thơ" nên các tác phẩm hội họa của Lê Thiết Cương có cuộc sống độc lập và dường như ông luôn hướng tới điều này.
Ông cũng đưa ra nhận định rằng, hội họa sẽ chết yểu nếu chỉ sống "đời sống tầm gửi" vào thi ca. Theo chia sẻ của họa sĩ Lê Thiết Cương, sắp tới ông sẽ có một triển lãm tranh lấy cảm hứng từ ca từ đầy chất thơ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và trong năm 2022, ông cũng sẽ trưng bày các tác phẩm trên gốm lấy cảm hứng từ truyện Kiều mà ông đã tham gia vẽ trước đó trong một dự án vẽ minh họa truyện Kiều trong một ấn bản đặc biệt của Đông A Books.
Cây cầu đặc biệt từ thi ca đến hội họa
Nếu chịu khó quan sát có thể thấy, đối với các tập thơ được chủ nhân làm cẩn thận, kỹ lưỡng và cầu toàn, sẽ thấy họ thường tìm tới các họa sĩ để vẽ bìa, vẽ minh họa. Điều này thực sự không phải ai cũng làm được, nhưng quả thật cầm trên tay một tập thơ có minh họa của họa sĩ, bao giờ cũng có một cảm nhận khác biệt.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, hồi giữa năm 2014, nhà thơ Du Tử Lê đã từ Mỹ về và có buổi giới thiệu, ra mắt, giao lưu với độc giả TP Hồ Chí Minh và Hà Nội nhân dịp ra mắt tập thơ "Giỏ hoa thời mới lớn" của ông. Tập thơ này được họa sĩ Lê Thiết Cương vẽ bìa cùng một số minh họa cho các bài thơ. Trong tập thơ cũng in một số minh họa và các tác phẩm hội họa của Du Tử Lê, giống như là "phiên bản nghệ thuật thứ 2" của thơ ông.
Một tác phẩm trong triển lãm "Về bến lạ" của họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Theo quan sát của phóng viên, có lẽ đây chính là tập thơ đánh dấu rõ nét nhất sự phối hợp ăn ý, mối liên hệ đặc biệt giữa hội họa và thi ca và làm tiền đề cho sự ra đời của nhiều tác phẩm thơ có sự tham gia của hội họa sau này như "Kiều", "Lục Vân Tiên" hay một số tác phẩm văn xuôi khác như "Bố già"của Mario Puzo, "Người kép già" của Kim Lân...
Đặc biệt, với kiệt tác "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhiều thế hệ họa sĩ vẽ minh họa. Đến nay, người ta vẫn còn nhắc nhớ tới 11 họa sĩ Tô Ngọc Vân, Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn... từ những năm 1940 đã thực hiện 11 bức tranh in trong "Tập văn học kỷ niệm Nguyễn Du". Sau này, vào năm 1992, NXB Văn hóa - Thông tin có in "Kiều" với minh họa của các họa sĩ Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái…
Sang đầu thế kỷ 21, các họa sĩ đương đại như Nguyễn Quân, Thành Chương, Đinh Quân, Đỗ Hoàng Tường, Phan Cẩm Thượng, Đặng Xuân Hòa... cũng đã có bộ minh họa "Truyện Kiều" mang dấu ấn riêng và đã được in trong cuốn "Truyện Kiều" do NXB Văn học và Đông A xuất bản năm 2017.
Họa sĩ Lê Thiết Cương từng chia sẻ về các tác phẩm hội họa lấy cảm hứng từ truyện Kiều một cách đầy say mê: "Cái hay ở đây là, trong hội họa nói chung, họa sĩ có thể sáng tác theo bất kỳ cảm hứng nào, nhưng riêng với tranh Kiều, thì cảm hứng, cách tiếp nhận cũng như năng lực sáng tạo phải tinh tường hơn những người khác. Và minh họa đó phải gắn bó với nội dung của câu Kiều mà tác giả lựa chọn để vẽ và viết bên dưới bức tranh. Minh họa đó còn phải mang đậm cá tính, phong cách của họa sĩ...".
Bằng tài năng của mình, mỗi họa sĩ đã có cách riêng để đọc, nhìn và vẽ các nhân vật trong "Truyện Kiều" hay những tác phẩm thơ ca khác nữa. Qua đó để lại những "dấu ấn thế hệ", dấu ấn cá nhân của mình. Và theo cách này, hội họa đã thực sự khiến "Truyện Kiều", "Lục Vân Tiên" vốn ăn sâu vào tâm thức người Việt bằng thi ca hoặc bất kỳ một tác phẩm thơ nào khác lại có thêm một đời sống khác đầy màu sắc, cảm hứng và đem một mĩ cảm mới cho thi ca như cách một số họa sĩ đương đại đang hướng đến.