Cây bút tuổi 20 và hành trình tìm về nguồn cội

Thứ Hai, 17/09/2018, 07:15
Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 đang bước dần về chặng cuối. 20 tác phẩm xuất sắc lọt vào chung khảo đã lộ diện và cho thấy những mảng màu tươi mới, đầy hoài bão của tuổi trẻ. Đặc biệt, nhiều ngòi bút chọn trầm tích nguồn cội làm cảm hứng, làm chất liệu để khai phá bản thân và tri ân tiền nhân.


Chất liệu lịch sử, văn hóa dân gian lên ngôi

Điều vui mừng nhất với ban tổ chức đó chính là lượng tác phẩm chọn đề tài lịch sử, văn hóa dân gian năm nay khá phong phú và chắc tay. Lọt vào top 20 chung khảo có nhiều tác phẩm như thế. Nếu “Trăng trong cõi” của tác giả Phạm Thúy Quỳnh mở ra cái nhìn khác về vị vua Lê Long Đĩnh, vẽ nên câu chuyện cuộc đời đầy biến động của Bá Đa Lộc... thì “Yagon – Những kẻ vô cảm” của Phạm Bá Diệp lại lấy tín ngưỡng thờ Mẫu và truyền thuyết dân gian làm trọng tâm cho câu chuyện ly kỳ.

Cùng khai thác thể loại xuyên không nhưng “Những đứa con cổ tích” của tác giả Bạch Đằng là chuyện một nữ sinh bị lạc về thế giới cổ tích Việt Nam, còn “Nhân gian nằm nghiêng” của Đặng Hằng lại mang nhiều màu sắc giả sử khi lấy bối cảnh cuộc kháng chiến vệ quốc thế kỷ XIII của nhân dân Đại Việt và phỏng dựng nét đẹp văn hóa dân gian ngày nay đã ít nhiều mai một.

Các tác giả trẻ của cuộc thi khẳng định bút lực và sức sáng tạo dồi dào, giàu tính thể nghiệm.

Càng vui mừng hơn khi chủ nhân của loạt tác phẩm đáng gờm trên đều là những gương mặt rất trẻ thuộc thế hệ 9x, thậm chí có người còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Phạm Bá Diệp từng gây chú ý ở cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 5 (2014) khi đoạt giải khuyến khích với tác phẩm kỳ ảo (fantasy) “Urem – Người đang mơ”.

Cách đây ba năm, anh từng cho biết mình rất trăn trở trước loạt câu hỏi cật vấn: Mình lấy nền văn hóa nào để xây dựng thế giới kỳ ảo trong “Urem – Người đang mơ” ngoài một mớ thập cẩm lộn xộn từ game, “Tam quốc chí”...?  Tại sao phương Tây dùng rất nhiều thần thoại, yếu tố văn hóa của nước họ để làm nên những trang văn fantasy hấp dẫn mà văn chương fantasy Việt không làm được?

Thực tế, văn chương fantasy Việt vẫn chạy theo xứ người, mang đậm nền tảng văn hóa, lịch sử, kho tàng văn học châu Âu như cách học làm sang mà bỏ quên kho tàng văn hóa cha ông. Bản sắc dân tộc trong fantasy Việt gần như là con số 0 trong khi nền văn hóa, lịch sử, kho tàng văn học dân gian của ta đa đạng và hấp dẫn không thua kém. Phải chăng nó quá khó?

Và để đi tìm câu trả lời, Diệp bắt tay viết “Yagon – Những kẻ vô cảm” để tôn vinh đạo Mẫu cũng như các truyền thuyết dân gian rất đẹp của dân tộc.

Với Phạm Thúy Quỳnh, khai thác cách nhìn mới về vị vua Lê Long Đĩnh là một thử thách vừa khó khăn lại vừa thú vị. Bởi đọc sách lịch sử, cô được biết đây là vị hôn quân vô cùng tàn bạo, lấy việc tra tấn kẻ khác làm vui, hoang dâm vô độ. Tuy nhiên càng đọc kỹ về giai đoạn ông trị vì, Quỳnh nhận thấy nhiều điểm bí ẩn, mâu thuẫn cần lật lại nên cô càng muốn tìm hiểu và thể hiện cách nhìn của mình về vị vua này.

Quỳnh cho biết: “Với người trẻ như tôi, viết về đề tài lịch sử khá khó. Để đầu tư nghiêm túc cho việc viết lách và bổ trợ tư liệu lịch sử chân xác, ngoài việc tham khảo sách báo, tôi còn tìm đến các nhà nghiên cứu lịch sử như nhà nghiên cứu Trần Quang Đức”.

Riêng tác giả Đặng Hằng, cô viết “Những đứa con cổ tích” bởi luôn thường trực ý nghĩ: đằng sau những câu chuyện cổ tích đó là gì? Cuộc đời nhân vật sẽ đi về đâu? “Trên hết, tôi vẫn cho rằng ở thời đại hiện nay, một số tình tiết và cái kết của truyện cổ tích không còn phù hợp nữa.

Ví dụ như truyện “Tấm Cám”, cứ mỗi lần Tấm bị ức hiếp là cô ngồi khóc cho Bụt hiện lên, hay cái kết Tấm giết Cám làm mắm rồi gửi mẹ kế ăn khiến nhiều người trẻ hôm nay không chấp nhận. Tôi muốn dùng những nhân vật cổ tích quen thuộc để gửi gắm thông điệp khác cũng như gợi lại kho tàng cổ tích mà nhiều người quên lãng” – cô tâm sự.

Lâu nay, lịch sử và văn hóa dân tộc bị coi là đề tài, chất liệu chông gai với giới cầm bút. Người ta mặc định những tác giả lão làng, nhiều trải nghiệm, giàu kiến thức mới có đủ “nội công thâm hậu” khai thác dòng văn chương này. Nhìn về mặt bằng chung, các tác giả trẻ chủ yếu khai thác dòng truyện ngôn tình hay chuyện hiện thực đời thường, tản văn hay du ký.

Vậy mà ở cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 với chủ đề “Viết về cuộc sống với những suy nghĩ, ước mơ, hành động của giới trẻ” lại có thể nhận thấy loạt tín hiệu vui khi những người trẻ không ngại ngần đối đầu với thử thách khó và thể hiện lòng trân quý, gìn giữ nguồn cội, di sản cha ông. Bởi trong họ luôn thường trực lòng tự hào dân tộc và khát khao truyền tải nó bằng sắc màu trẻ trung lên từng trang viết.

Táo bạo tính thể nghiệm

Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6 do Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Trẻ và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức. Phát động từ tháng 12-2015 đến tháng 5-2018, cuộc thi nhận được hơn 450 tác phẩm – số lượng vượt xa so với mùa trước. Dự kiến, lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào tháng 1-2019.

Mặc dù cuộc thi không giới hạn độ tuổi nhưng hơn 50%  tác giả tham dự thuộc thế hệ 9x. Tuổi còn trẻ nhưng bút lực của họ vô cùng dồi dào. Do đó, không ngạc nhiên khi 10 trong số 20 tác phẩm lọt vào chung khảo là sáng tác đầu tay của thế hệ này.

Một số tác phẩm lọt vào top 20 chung khảo cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 6.

Có thể kể đến như “Tự nhiên say” của Phát Dương, “Sau những ngày mưa” của “Phạm Thu Hà”, “Trăng trong cõi” của Phạm Thúy Quỳnh, “Nhân gian nằm nghiêng” của Đặng Hằng, “Wittenstein của thiên đường đen” của Maik Cây... Tuổi trẻ dám nghĩ dám làm đã mang đến những thể nghiệm vô cùng bất ngờ từ đề tài, giọng văn, bút pháp lẫn cách nhìn lạ lẫm với những chất liệu tưởng như đã cũ.

Nhà báo Dương Thành Truyền, Trưởng ban tổ chức cuộc thi ví nội dung của 20 tác phẩm (17 truyện dài và 3 tập truyện ngắn) như một khối lập phương ba chiều phản ánh góc nhìn thẳng thắn, mạnh mẽ và đầy cảm xúc của người trẻ hôm nay.

Với chiều rộng, từ cận cảnh là những lát cắt của cuộc sống thường ngày với yêu thương và trăn trở, với đồng cảm và khổ đau, với niềm vui và nỗi buồn... cho đến những vấn đề của nhân sinh, của thế giới như: nỗi đau chiến tranh, thân phận con người, khác biệt và định kiến văn hóa, ô nhiễm môi trường, sự sống và cái chết...

Với chiều sâu là khát khao cháy bỏng đi trả lời cho những câu hỏi từ bên trong có ý nghĩa triết lý: Ta là ai? Cuộc đời ta có ý nghĩa gì? Thế giới trước mắt ta vì sao như thế?.... Và đó cũng là hành trình khám phá bản ngã với những tù túng, dồn nén, chất chứa trước những đổi thay của lòng người và muôn vàn định kiến của xã hội, cùng những khát khao, hoài bão và tinh thần gánh vác của người mong làm nên nghiệp lớn. Với chiều dài là dòng thời gian nối liền quá khứ với hôm nay và ngày mai, có cái là cái hôm qua có thể đếm được bằng năm bằng tháng trong ký ức và kỷ niệm của mỗi đời người, nhưng cũng có cái phải đo bằng ngàn năm trong thang độ giá trị được khắc tạc từ văn hóa, từ lịch sử dân tộc.

Về bút pháp, các tác giả gây “ngạc nhiên chưa” cho độc giả với những trang viết đẹp, cuốn hút, có phong cách riêng hiện đại và mới mẻ. Đó là lối kể chuyện đa dạng, sinh động với chuyện thực, với dụ ngôn, với truyện nối truyện, truyện trong truyện, với chuyện mà không có chuyện...

Đó là sức tưởng tượng và tái tạo không giới hạn trộn lẫn cái thực với cái phi thực, cái kỳ ảo với viễn tưởng, đảo chiều không gian và thời gian, biến cái cũ mòn thành cái mới lạ, biến một sắc màu hoặc hình ảnh thành một nhân vật...

Đáng nể phục khi những kiến thức phong phú và tinh tế về kiến trúc, thời trang, hội họa, âm nhạc, văn hóa dân gian... được truyền tải trên trang sách rất tự nhiên với công tác tư liệu được xử lý cẩn trọng, chuẩn xác.

Là thành viên Hội đồng giám khảo (gồm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn Phan Hồn Nhiên, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn), PGS.TS Nguyễn Thành Thi nhận định những tác phẩm trên sẽ góp phần quan trọng vào dòng chảy văn học đương đại. Nội lực của họ đang khẳng định tiếng nói mạnh mẽ và sự sáng tạo không giới hạn của những cây bút trẻ thời đại mới.

Quỳnh Nga
.
.