Cảnh giác với tính hai mặt của thông tin

Thứ Bảy, 16/01/2016, 08:00
Trên mạng xã hội mới lưu truyền một bức ảnh chụp sợi xích sắt hoen gỉ với lời bình khá hài hước có nội dung đại khái là "hoen gỉ là quá trình oxy hoá. Sắt còn thế này, huống chi là phổi của bạn". Đi kèm bức ảnh đó cũng là nhiều lời bình hài hước không kém, kiểu như "phổi mà oxy hoá thì kiểu gì cũng chết, không 60 năm thì cũng 70 năm nữa. Nhưng ngừng thở thì sẽ chết ngay". Sự hài hước của bức ảnh cùng những lời bình đó thực ra là để đáp lại một thông tin "kinh khủng" của tuần qua, thông tin về viên dầu cá ăn mòn cả bọt biển.


Ngay sau khi thông tin viên dầu cá ăn mòn bọt biển kia trở nên nóng sốt trên mạng xã hội, rất may là cơ quan chức năng (Bộ Y tế) đã lên tiếng cùng với chứng minh mang tính khoa học cụ thể nhưng rất dễ hiểu. Chính bởi thế, một trào lưu tẩy chay dầu cá đã không xảy ra do thói quen nhanh chóng lưu truyền những thông tin mà chính bản thân người lưu truyền cũng không có chút am hiểu nào về nội dung mà mình đang lan truyền một cách đầy hứng khởi ấy.

Thực tế, đời sống xã hội Việt Nam hiện nay có rất nhiều "viên dầu cá ăn mòn" như thế đang tồn tại. Nó không ăn mòn bọt biển mà nó ăn mòn niềm tin, ăn mòn nhân cách của con người nhờ vào sự tò mò và hăng hái quá mức của cả một cộng đồng.

Ảnh minh họa.

Hãy thử một lần mở facebook lên và theo dõi tất cả những gì bạn bè của chúng ta chia sẻ trong một ngày, chúng ta sẽ không khó để tìm ra một từ khoá vô cùng hấp dẫn là "kinh ngạc phương pháp chữa bệnh ABC nhờ vào loại thuốc đơn giản dễ kiếm XYZ". Người ta chia sẻ công khai các thông tin dạng đó mà chưa hề có bất kỳ kiểm chứng, điểm tựa khoa học nào cả và bất chấp việc nó có lợi thực sự hay không chứ đừng nói đến chuyện có hại.

Không ai nghĩ rằng trong hàng trăm người đọc chia sẻ của mình, sẽ có người tin vào thông tin mình chia sẻ chỉ bởi vì đối với họ, mình là người có uy tín. Và khi đưa người khác vào một niềm tin mù quáng, mơ hồ, chúng ta đã trở thành người có lỗi dù cái lỗi đó nhiều khi chỉ là vô tình và xuất phát cũng từ lòng tốt. Song, lòng tốt thay được khoa học. Lòng tốt càng không thế chỗ được cho sự thật. Lòng tốt chỉ để đối xử với nhau chứ không phải là phương thuốc, biện pháp thần kỳ.

Thông tin là thứ vô cùng quan trọng đối với đời sống con người và mỗi ngày, mỗi người đều có nhu cầu tiếp nhận thông tin để xử trí trong đời sống một cách phù hợp hơn. Đời sống vốn dĩ biến động hàng giây, bởi thế thông tin cập nhật là thứ giúp con người ta đối phó được với biến động ấy nên nhu cầu thông tin là vô cùng lớn.

Song, thông tin cũng có hai mặt của nó. Có thông tin mang lại sự tích cực và cũng có thông tin mang lại sự tiêu cực, thậm chí có thể bị coi là thuốc độc. Và khi một thông tin chưa được thẩm định rõ ràng lại được chúng ta hăng hái lan truyền ở thời đại kỹ thuật số hỗ trợ tối đa như hiện nay, sức phá hủy của độc dược thông tin sẽ ngày càng phát tác kinh hoàng hơn.

Quá trình trao đổi thông tin giữa con người với nhau có thể được coi như một người là bộ phận phát sóng và một người là bộ phận tiếp sóng. Sự lệch pha sẽ khiến không thể tiếp nhận được thông tin của nhau. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta cần phải tự tạo ra sự lệch pha bằng cách tự đặt cho mình một bộ lọc thông tin tự động. Không thể thoải mái chia sẻ bất kỳ điều gì mà mình chưa nắm rõ bởi đó là sự chia sẻ vô trách nhiệm. Ngay cả khi nhận ra thông tin mình chia sẻ là sai lệch và có đính chính lại đi nữa, chúng ta cũng đã quá muộn so với mức độ phát tán của nó. Bởi những người dễ dàng tiếp nhận độc dược thông tin từ chúng ta đã có thể tạo ra một trạm phát sóng mới, với rất nhiều trạm thu sóng mới là vệ tinh của mình.

Trong phim hoạt hình Madagascar có một cảnh rất thú vị. Đó là khi chú sư tử Alex truyền tin cho các chú khỉ đang nắm tay nhau để kéo Alex đu lên máy bay rằng "hãy đi khỏi đây ngay" thì qua mỗi chú khỉ, thông điệp cuối cùng đã được truyền tải lên cabin là "hãy lao vào cái đập nước", tức là trái ngược hoàn toàn. Đó chính là minh họa thú vị nhất cho cái gọi là tin đồn thất thiệt, tam sao thất bản. Và điều đó cũng nhắc nhở chúng ta thêm rằng, ở thời đại này, khi chúng ta chấp nhận làm một người truyền tin, ta càng phải hiểu rằng rất có khả năng, ta sẽ truyền tải một thứ khác với phiên bản gốc hoàn toàn, tức là biến từ một thông tin vô hại, thậm chí là có lợi, trở thành một thông tin độc dược để rồi trong những người phải "uống" liều độc dược ấy, rất có thể sẽ có người thân của mình.

Hà Quang Minh
.
.