Cần nhân lên "năng lượng tích cực"

Thứ Năm, 29/12/2016, 12:03
Tuần vừa rồi khởi đầu bằng câu chuyện không thể không nhắc lại, liên quan đến tội phạm ấu dâm Hồng Quang Minh (nghệ danh Minh béo). 


Sẽ chẳng có gì là ồn ào nếu Hồng Quang Minh không xuất thân từ nghề diễn viên và bởi thế, cái cách một bộ phận báo chí đưa tin đã khiến dư luận bức xúc và giới biểu diễn bị mang tiếng, ảnh hưởng rất nặng nề chỉ vì một cá thể dị biệt.

Điều đó cũng giống như việc mỗi chúng ta là đại diện cho một đơn vị, cơ quan, tổ chức nào đó mà chúng ta không ý thức được rằng, chính mình cũng là một hình ảnh đại diện của đơn vị, cơ quan, tổ chức ấy và do đó, ta có những hành động ngoài đời sống làm ảnh hưởng đến cả uy tín tập thể. Và câu chuyện Hồng Quang Minh cùng một bộ phận báo chí kia đã khiến dư luận vốn dĩ đã nhiều định kiến, nhìn vào nghề biểu diễn cũng như ngành báo chí với con mắt tiêu cực hơn.

Câu chuyện kế tiếp của tuần chính là bài báo nói về "người cha từng là đại gia đi nhặt rác nuôi ba đứa con nhỏ" nghe rất thương cảm. Nhiều người đã vội vã có ý, thậm chí có hành động ủng hộ cho người cha gà trống nuôi con đó. Nhưng chỉ ngay sau đó một ngày, mạng xã hội đã minh chứng điều ngược lại.

Đó là một thành niên bị nghi ngờ đang dính hậu quả tâm thần của việc sử dụng chất kích thích và có hành vi bạo hành gia đình với chính đứa con gái ba tuổi của mình. Thế là lập tức nổi lên một làn sóng căm phẫn, trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra của ngày hôm trước. Thậm chí, có cả một video đặc tả lại một thanh niên "nhân danh cái đúng" đã đánh người cha đồi bại kia.

Tất cả các sự kiện trong chuỗi dữ liệu đó bỗng khiến người xem hoang mang, không biết tin vào điều gì nữa. Tất nhiên, "thủ phạm" mà dư luận chỉ ra lại là báo chí. Lại một lần nữa, một cá nhân lá cải đã khiến cả một ngành nghề sạch sẽ bị mang tiếng và bị nhìn bằng con mắt tiêu cực.

Nhưng rất may cho đời, ở đêm cuối cùng của tuần, đêm Giáng sinh, đã có một sự kiện tích cực xảy ra. Ca sỹ Mỹ Tâm trên đường đi diễn về, ngang qua một sân khấu của người khiếm thị. Sân khấu ấy vắng tanh, không một khán giả, và người khiếm thị vẫn hát, kiên nhẫn mong đợi phép màu của lòng nhân ái. Mỹ Tâm lập tức cho quay xe lại, lên sân khấu hát chung với người khiếm thị ấy và sức hút ngôi sao của cô đã bỗng chốc biến sân khấu không khán giả kia có được những khán giả của mình.

Đó là một hình ảnh đẹp, như thần thoại với giấc mơ cổ tích về một ông già Noel mang lại những điều diệu kỳ cho trần thế, một hình ảnh mà chúng ta tưởng như chỉ tồn tại trong phim Hollywood mà thôi. Ngay ngày hôm sau, hàng trăm ngàn lượt chia sẻ đều nhắc đến cái tên Mỹ Tâm sau một hành động đầy nhân bản của cô ca sỹ có cái tên nói lên cái tâm đẹp.

Ngay sau chia sẻ về Mỹ Tâm tràn ngập trên mạng xã hội, tôi nhận được tin nhắn của một nhạc sỹ trẻ. Cậu ấy thống nhất với tôi rằng "Anh em ta phải kêu gọi đồng nghiệp lao động, ra sản phẩm, kiếm tìm những tiến bộ tích cực bởi chỉ có hành động tích cực mới có thể khiến người ta nghĩ về showbiz bằng con mắt thiện cảm". Đó chính là cách "tiếp thị" cho cái thiện thay vì chỉ chửi bới, rủa xả cái ác, một phản ứng bình thường nhưng cũng có cái hại là nó lan tỏa những hình ảnh tiêu cực (vì mỗi lần phê phán, chửi bới lại là một lần cái ác, cái xấu được kể lại) ở thời đại thông tin điện tử này.

Và chính câu chuyện của Mỹ Tâm cùng sự chia sẻ của người nhạc sỹ trẻ đã để lại một suy ngẫm rất sâu sắc trong tôi. Đó chính là chúng ta cần phải tập quen việc lan tỏa các hành vi tích cực hơn là các hành vi tiêu cực (dù là ta chỉ trích chúng đi nữa). Đơn giản, năng lượng tích cực là thứ xã hội luôn cần, và phải nhân lên sức mạnh của năng lượng đó, ngõ hầu tạo ra một xã hội tích cực và có niềm tin thực sự.

Người ta từng nói, tâm lý có thể lây lan. Vậy thì đã đến lúc chúng ta phải tạo ra một "bệnh lây" tâm lý mới, đó "lây" những năng lượng tích cực, phát tán nó, để xã hội này còn được nhìn vào bằng con mắt của niềm tin, và nhân bản, và thiện tính.

Hà Quang Minh
.
.