Cần một không gian tương tác

Thứ Năm, 11/07/2019, 08:56
Dự án Music Home của Truyền hình FPT đã đi đến số thứ 8, với nhân vật chính là ca sỹ Thu Phương, và tạo được nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả...


Với số mở màn là Uyên Linh, kéo qua những Phan Mạnh Quỳnh, Trọng Hiếu, Bùi Lan Hương, Bùi Anh Tuấn… Music Home đã thuyết phục khán giả bởi sự tự nhiên, chất lượng của âm nhạc “thật” chứ không phải thứ đu bám xu thời (gọi là “đu trend”) vốn dĩ bạo phát nhưng cũng chóng tàn. Dự án ấy đã tạo ra một “không gian” âm nhạc rất riêng, có tâm, có tầm và mỗi tối thứ Sáu của tuần cuối tháng, khán giả lại hồi hợp mong đợi một gương mặt mới, một buổi trình diễn mới.

Music Home dự kiến còn 4 số nữa sẽ kết thúc mùa đầu tiên và nhiều khán giả đã bắt đầu đặt câu hỏi, liệu năm sau Truyền hình FPT có tiếp tục dự án này với những nghệ sỹ khác?

Cái cách nhà tổ chức cho phép người dùng được lựa chọn góc máy để xem được nhiều góc độ của buổi diễn trực tiếp, đồng thời phát miễn phí cả trên Youtube đã tạo ra điểm khác biệt rất lớn so với đầy rẫy các chương trình trực tiếp trên internet hiện nay. Điểm tích cực ấy là đáng ghi nhận, nhưng đằng sau nó để lại một câu hỏi: Liệu các dự án âm nhạc livestream kiểu này có làm cho các buổi trình diễn sân khấu ngày càng chịu áp lực khó khăn hơn trong thời đại công nghiệp âm nhạc đang gặp đầy thử thách như hôm nay?

Phải thừa nhận, livestream trực tiếp buổi diễn đã không còn là thứ mới mẻ ở trên thế giới nữa. Thực tế, từ năm 1993, khi internet còn chưa bùng nổ và vẫn còn khá mới mẻ trên toàn cầu, ban nhạc Severe Tire Damage đã thử nghiệm buổi diễn livestream từ studio của họ và đó được coi là buổi biểu diễn livestream đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp âm nhạc. Và đến năm 2009, nền tảng có tên Livestream.com (được xây dựng bởi công ty cùng tên ở New York) đã bắt đầu mở toang cánh cửa trình diễn online bằng cách phát trực tiếp các buổi diễn của Foo Fighters, David Gray…

Kéo theo đó, khi Youtube và Facebook trở thành “đế chế”, việc truyền trực tiếp các buổi diễn ngày càng nở rộ hơn. Nhiều nghệ sỹ đã thành danh nhờ diễn trực tiếp từ phòng khách của mình như trường hợp của Tash Sultana (New Zealand). Cũng nhiều nghệ sỹ thành danh bắt vào xu thế và truyền trực tiếp các buổi diễn như Damien Rice với dự án “Trên du thuyền”. Song, tất cả đều có chung một điểm: Khi đã diễn trên sân khấu, họ lại không livestream và ngược lại.

Sở dĩ, họ đặt ra và tuân theo quy tắc ấy là bởi họ không muốn việc diễn trực tiếp trên internet làm ảnh hưởng đến các buổi diễn bán vé của mình. Và đây chính là vướng mắc mà Music Home đang gặp phải. Các buổi diễn truyền trực tiếp của họ không bán vé nhưng vẫn có khán giả và khá buồn là khán giả tại khán phòng đã bị tước đi khả năng tương tác cùng một không gian âm nhạc với nghệ sỹ, điều quý giá nhất của các buổi trình diễn sân khấu.

Vì lý do kỹ thuật, khán giả tại khán phòng thay vì nghe nhạc qua loa lớn sẽ được nghe qua tai nghe (head phone). Nghệ sỹ chơi trên sân khấu cũng không nghe được mình và đồng nghiệp trình diễn ra sao qua loa lớn như lệ thường mà chỉ có nghe qua tai nghe kiểm tra (in-ear). Hãy tưởng tượng sự kỳ dị đến mức nào nếu ta đến xem 1 buổi trình diễn mà ở đó gần như không hề có âm thanh vang lên. Có thể nói, không gian âm nhạc (ambience) đã hoàn toàn bị khai tử.

Ai cũng hiểu, nếu để không gian âm nhạc ấy tồn tại, tạo ra sự tương tác đa chiều giữa các nghệ sỹ với khán giả, âm thanh truyền dẫn lên internet sẽ khó mà sạch sẽ, đẹp đẽ như cách làm của Music Home hiện tại.

Nhưng hãy thử hình dung, bản thân khán giả xem tại nhà, qua internet, cũng là thưởng thức cá nhân với đòi hỏi về âm thanh không quá lớn như khán giả ra sân khấu. Vây thì tại sao Music Home phải lo ngại về chất lượng âm thanh đến khán giả cá nhân hơn là chất lượng về không gian âm nhạc của sân khấu cũng như niềm hứng khởi trong tương tác thực sự giữa nghệ sỹ và khán giả?

Hi vọng rằng Music Home sẽ là một dự án đường dài và chuyển tải được cả những cảm xúc còn thô ráp của khán phòng có không gian tương tác thay vì chọn hướng an toàn mà thiếu cảm xúc như hiện nay. Khi đó, thứ âm nhạc mà họ mang tới cho khán giả sẽ tuyệt vời hơn, sẽ thật hơn bất chấp nó có vài hạt sạn về âm thanh đi chăng nữa.

Văn Đoàn
.
.