Ca sĩ hát sai lời: Chỉ trích hay cho qua?

Thứ Bảy, 30/03/2019, 08:00
Vụ việc ca sĩ Đức Tuấn bị tố hát sai lời “Hoa trinh nữ” mới đây đã ngã ngũ khi các con nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xác nhận chính cha mình sửa lời. Thế nhưng, từ vụ việc này, ngẫm lại mới thấy hiện tượng ca sĩ hát sai lời trong nhạc Việt diễn ra nhan nhản đến nỗi cha đẻ ca khúc phải lên tiếng gay gắt. 


Từ hát nhầm đến bịa lời

Ngoài dàn ca sĩ trẻ, danh sách ca sĩ hát sai lời có không ít ngôi sao gạo cội như: Mỹ Linh, Hồng Nhung, Khánh Ly, Hương Lan, Quang Dũng…  Điều đáng bực mình là ca khúc bị hát sai tập trung phần nhiều ở các ca khúc quen thuộc, nằm lòng bao thế hệ.

Mới đây, trong đêm nhạc “Mùa xuân nho nhỏ” diễn ra tại Hà Nội, ca sĩ Hồng Nhung cười ngượng nghịu xin lỗi khán giả vì hát nhầm lời phần một và phần hai “Làng quan họ quê tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. Cô cam kết với khán giả sẽ tự trừ tiền cátxê vì sự cố đáng tiếc này.

Ca sĩ Quang Dũng cũng từng làm khán giả khó chịu khi thể hiện ca khúc “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn. Câu “còn nhớ phương nào hoa đã rơi” bị anh hát thành “còn nhớ hôm nào hoa đã rơi”. Trong số các diva, Mỹ Linh dính phốt hát nhầm lời khá nhiều.

Khi trình bày ca khúc “Dư âm” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, chị biến cụm từ “đẹp bao giấc mơ” thành “đẹp như giấc mơ”, “gieo muôn ý thơ” thành “soi bao ý thơ”, "đưa anh tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên đàn” thành “đưa em tới cõi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng".

Rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị hát sai lời.

Nhạc sĩ có số ca khúc bị hát sai nhiều nhất là Trịnh Công Sơn. Nhiều ca sĩ thừa nhận, nhạc của ông nhiều đoạn na ná giống nhau nên nếu không tập trung thì rất dễ nhầm. Sự cố Mỹ Linh từng hát sai bài “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” là một ví dụ. Khi thể hiện đoạn bốn, Mỹ Linh hát nhầm sang đoạn hai và tự bịa phần lời mới: "Tôi đợi em về bàn chân quen quá/ Thảm lá me vàng lại bước qua" bị hát thành "Tôi đợi em về bàn chân quen lối/ Thảm lá reo mừng tựa vẫy tay"…

Mỗi lần nhắc đến bài “Điệu buồn phương Nam” do ca sĩ Hương Lan thể hiện, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tỏ ra rất bực mình bởi cái sai lâu ngày trở thành... cái đúng. Ngay câu mở đầu “Về phương Nam lắng nghe cung đàn/ Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng” đã sai lời. “Tôi viết “Thao thức vọng dưới trăng mơ màng” mà không hiểu sao Hương Lan hát thành “thổn thức”.

“Thổn thức” và “thao thức” chỉ hai trạng thái hoàn toàn khác nhau.  Hương Lan là danh ca, lại hát vậy nên về sau thế hệ ca sĩ đàn em cứ a dua bắt chước bài “tủ” của đàn chị, dần dà người ta mặc định “thổn thức” mới là đúng” - ông bức xúc.

Rất nhiều bài hát bị “lộng giả thành chân” kiểu đó. Ca khúc nổi tiếng “Quê hương tuổi thơ tôi” (Từ Huy) có câu “bắt cá giữa đường”. Nhưng nhiều ca sĩ không hiểu hoàn cảnh sáng tác và ngụ ý tác giả nên tự ý sửa thành “bắt cá giữa đồng” để nghe có vẻ hợp lý hơn.

Ca khúc “Chiếc vòng cầu hôn” của Trần Tiến hay bị hát sai nhất ở câu "Nhớ chiếc hôn đầu tiên em chưa dành cho anh". Ca sĩ thường biến tấu “chưa” thành “không” làm đảo lộn hoàn toàn ý nghĩa, nội dung và cảm xúc bài hát. Hay như câu ca rất hay, rất gợi “Cho nhau chắt hết thơ ngây” trong “Vũng lầy của chúng ta” của nhạc sĩ Lê Uyên Phương bị hát ra rả thành “Cho nhau chất ngất thơ ngây”.

Các trường hợp trên ít ra vẫn chưa để lại hậu quả nghiêm trọng như một số trường hợp sau đây. Nói về bài “Xin lỗi tình yêu”, nhạc sĩ Minh Nhiên cho biết: “Khi viết câu “Mưa ướt vai anh hay nước mắt em”, tôi đang hình dung đến hình ảnh cô gái đang tựa vào vai chàng trai khóc, vai áo chàng trai bị ướt đẫm nước mắt mà ngỡ như mưa thấm ướt. Nhưng rất nhiều ca sĩ hát thành “Mưa ướt vai em hay nước mắt em” khiến nội dung lạc quẻ và trở nên vô lý”.

Thậm chí, có cô ca sĩ khiến khán giả ôm bụng cười bò khi hát “Em đi qua chuyến đò, thấy con trâu đang nằm ngủ” trong khi lời hát đúng là “Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ” (Biết đâu nguồn cội, Trịnh Công Sơn).

Cần trung tâm lưu trữ và phổ biến bản gốc bài hát

Nhiều người cho rằng hát sai lời chỉ là chuyện nhỏ, có thể xuề xòa bỏ qua. Đơn cử cho suy nghĩ này là nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Cường, Hồ Hoài Anh, Thanh Tùng… “Tôi thấy việc ca sĩ hát sai lời là bình thường. Bản thân tôi, nhiều khi còn không nhớ hết lời sáng tác của mình. 50 năm nay tôi sáng tác, chưa bao giờ có văn bản cho mọi người hát, người ta yêu nhạc tôi cứ hát truyền miệng nên khó mà chính xác. Với tôi, không quan trọng hát đúng hay sai. Quan trọng là hát hay!” – Trần Tiến bộc bạch.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường thậm chí còn để ca sĩ tha hồ tự biên tự diễn, thậm chí có lần ông rối rít cảm ơn vì “được” ca sĩ sửa lời. Ông kể: “Khi hát “Đàn cầm dây vũ dây văn”, Tùng Dương bỏ đi của tôi một chữ “chăng”, nhưng đem đến hiệu quả bất ngờ vô cùng”. Tuy nhiên, trường hợp hát sai mà nâng tầm ca khúc như Tùng Dương cực kỳ hy hữu. Số nhạc sĩ dễ tính như vậy cũng không phải là nhiều.

Đa phần, các tác giả cực kỳ bức xúc trước việc đứa con tinh thần mình “mang nặng đẻ đau”, chắt lọc những ca từ tinh túy bị người khác làm méo mó, biến dạng. Kỹ tính nhất phải kể đến nhạc sĩ Phú Quang, Phó Đức Phương, Phan Huỳnh Điểu…

Sinh thời, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm niệm: “Chỉ một chữ “đắt” cũng khiến người nghe lên chín tầng mây, nâng tầm cả ca khúc. Nên tôi không thể chấp nhận nổi việc người ta tự ý sửa lung tung”. Nguy hiểm hơn khi người hát sai là những diva, divo. Họ khiến thế hệ đàn em coi đó là chuẩn mực và cứ thế “tam sao thất bản” dài dài.

Danh ca Phương Dung cho biết: "Khi nghe đồng nghiệp hoặc các ca sĩ trẻ hát sai, tôi cảm thấy rất bức xúc bởi lời bài hát là đứa con tinh thần, là cả một quá trình trải nghiệm người nhạc sĩ mới viết ra được nên chúng ta cần hát đúng. Đó cũng là cách chúng ta tôn trọng ca khúc và người viết, tôn trọng khán giả".

Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp ca sĩ hát sai lời vì đãng trí, tình trạng sức khỏe kém. Ca sĩ Khánh Ly thừa nhận, càng về già, bà càng hát sai nhiều ca khúc của tri kỷ Trịnh Công Sơn bởi trí nhớ kém. Hoặc cách đây chưa lâu, trong đêm hội ngộ các diva, Như Quỳnh khiến khán giả thất vọng vì liên tục nhầm lời bài “tủ” “Duyên phận” khi song ca với Tâm Đoan.

Sau này, nhờ đồng nghiệp tiết lộ đàn chị bị mất ngủ thường xuyên, sức khỏe giảm sút thì người ta mới vỡ lẽ mà thông cảm cho Như Quỳnh. Nếu hát sai lời do đãng trí, ca sĩ có cách ứng xử khéo léo cũng được người hâm mộ dễ dàng cho qua.

Trong đêm nhạc cuối tháng 1 vừa qua tại Hà Nội, ca sĩ Hồng Nhung xin lỗi khán giả vì hát nhầm lời “Làng quan họ quê tôi”.

Vài lần không may hát nhầm, sự bông đùa tinh nghịch, tự trách phạt mình nghiêm túc kèm lời xin lỗi chân thành ngay tại sân khấu, Hồng Nhung và Mỹ Tâm được khán giả vui vẻ xí xóa. Về sau, họ đều cố gắng không lặp lại sự cố.

Ngày nay, đa phần ca sĩ hát sai lời do họ chạy show quá nhiều, không chịu tập luyện kỹ hoặc có thể do chủ quan, ẩu tả. Hát đúng hay sai lời không chỉ thể hiện trách nhiệm nghề nghiệp mà còn phô bày phông văn hóa của người ca sĩ. Hát sai, chứng tỏ họ không am hiểu, mơ hồ kiến thức, thông điệp lẫn tâm tình mà tác giả gửi gắm.

Trong vụ việc của ca sĩ Đức Tuấn, anh đã cẩn thận chọn bản thu của chính tác giả “Hoa trinh nữ” để thể hiện lại. Riêng ca sĩ Ánh Tuyết, mỗi lần chị hát bài nào, gần như đều phải tìm đến tận tác giả trao đổi, tìm hiểu kỹ lưỡng hoàn cảnh ra đời mỗi bài.

Với những từ ngữ khó hiểu, chị nhờ họ giảng giải. Cảm được tâm tình mà nhạc sĩ gửi gắm, chị mới thể hiện bài hát một cách nhập tâm, biểu cảm, truyền tải cái hồn bài hát đến công chúng. Tuy nhiên, theo ca sĩ Hồng Nhung, không phải ai cũng có cơ hội được gặp tác giả để hiểu rõ ý nghĩa ca từ trong bài hát, nên việc hát sai lời mà không hề hay biết là chuyện khó tránh khỏi.

Hiện nay, vẫn chưa có một trung tâm nào lưu giữ và phổ biến nguồn văn bản gốc bài hát để các ca sĩ lấy đó làm chuẩn mực. Nếu ca sĩ trẻ lấy nguồn tràn lan trên mạng thì những ca sĩ gạo cội thường lấy văn bản bài hát từ những tuyển tập chép nhạc. Trong khi những tuyển tập này thường do nhà xuất bản thu thập và lắm khi sao chép nhiều nguồn mà không phải văn bản gốc của nhạc sĩ.

Phan Thi Uyên
.
.