"Sự cố" bài phỏng vấn nhầm nhà thơ Hữu Thỉnh

Bút sa không chỉ... gà chết!

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:00
Câu chuyện đạo thơ làm dậy sóng dư luận vừa qua trên văn đàn Việt Nam chừng đã khép lại. Thế nhưng trên một tờ báo điện tử bỗng xuất hiện bài phỏng vấn nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, với những lời lẽ bênh vực tác giả đạo thơ vốn là con của người bạn thơ cùng thế hệ ông.
Vậy là trên các trang mạng lại "nổi sóng" chỉ trích nhà thơ Hữu Thỉnh bằng những lời lẽ cay nghiệt, tất nhiên họ không quên quay lại chửi tiếp "tác giả" vụ đạo thơ dù người phụ nữ này đã hai lần... xin lỗi.

Chỉ một thời gian ngắn sau, bài phỏng vấn nhà thơ Hữu Thỉnh đã bị rút khỏi trang báo điện tử nói trên, nhưng các trang vốn lấy lại bài này vẫn tiếp tục xuất hiện những lời chỉ trích nặng nề của cộng đồng mạng. Gần ba ngày sau xuất hiện bài báo "nóng" ấy, mọi người mới té ngửa khi biết rằng bài phỏng vấn do một cô phóng viên trẻ thực hiện không phải phỏng vấn nhà thơ Hữu Thỉnh mà là phỏng vấn nhầm một nhà báo có tên Huy Thịnh, nghĩa là tên phát âm gần giống với tên của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Vài người tự trọng, lỡ nặng lời với nhà thơ Hữu Thỉnh, đã lên tiếng xin lỗi ông trên diễn đàn của mình; còn phần lớn những kẻ "theo đóm ăn tàn" thì im bặt, phớt lờ như họ thích chửi ai thì chửi, xong rồi thôi, không chút trách nhiệm nào đối với người bị hại.

Việc cô phóng viên trẻ của tờ báo điện tử thực hiện bài phỏng vấn nhầm trên thật đáng trách vì đã khơi mào dư luận thêm một lần nữa "trút" tức giận và sự cay nghiệt cho cả người đạo thơ và nhà thơ Hữu Thỉnh.

Một nhà báo khi tác nghiệp, đặc biệt là trước những vấn đề nóng và nhạy cảm, cần hết sức cẩn trọng trong từng thao tác, con chữ viết ra trên văn bản; đồng thời những người có trách nhiệm trong Ban Biên tập cần phải biên tập, kiểm định kỹ trước khi cho đăng trên mặt báo, dù là báo điện tử hoặc báo giấy. Càng phải cẩn trọng hơn nữa khi phỏng vấn, ghi chép một nhân vật có trọng trách đối với xã hội như nhà thơ Hữu Thỉnh trước một vấn đề mà dư luận xã hội đang rất quan tâm.

Trong làng báo nước ta từng xảy ra không ít sự cố nghề nghiệp tương tự. Nhân một sự kiện bóng đá quốc tế, một nhà báo thể thao có chút tiếng tăm ở TP Hồ Chí Minh đã thực hiện một bài phỏng vấn thủ môn huyền thoại Lev Yashin của Liên Xô (cũ) đăng trên một tờ báo lớn, trong khi thủ thành xuất sắc nhất thế giới mọi thời đại này đã qua đời trước đó cả chục năm. Tất nhiên cái sự bịa đặt ấy hoàn toàn "việt vị", trở thành trò cười mãi mãi cho làng báo và những người yêu bóng đá. Còn trong làng báo viết về văn hoá văn nghệ thì càng xảy ra nhiều sự cố hơn.

Một cô phóng viên trẻ đi "tán hươu tán vượn" một vài cây bút trẻ sau một hội nghị viết văn trẻ tại TP Hồ Chí Minh, về dựng nên một bài phỏng vấn dài đả kích hội nghị theo cách nhìn chủ quan của cô đăng trên một tờ báo văn nghệ. Các cây bút trẻ tức giận viết bài phản ứng mạnh mẽ, vì họ không hề được đặt vấn đề phỏng vấn và những phát biểu ấy không phải của họ mà sao "nhét vào mồm" họ?!

Chuyện tương tự như vậy không ít. Có những phóng viên gọi điện thoại phỏng vấn qua loa nhân vật vài câu rồi về bịa nên một bài phỏng vấn "hoành tráng", mà trong đó chủ yếu là ý kiến chủ quan của phóng viên "bắt" nhân vật của mình phát biểu "khống" trong khi nhân vật chẳng hề nói gì, để rồi bị phản ứng, báo phải đính chính, phóng viên phải bị kỷ luật…

Người xưa nói "bút sa gà chết". Giữa thời đại bùng nổ thông tin ngày nay, với người làm báo, bút sa không chỉ... gà chết. Một nhạc sĩ trẻ tài năng tại TP Hồ Chí Minh từng tự vẫn chết oan ức vì không chịu nổi áp lực khi bị một số tờ báo liên kết "đánh hội đồng" là nỗi đau mà những người trong cuộc còn ám ảnh. Đó là chưa kể những hệ luỵ gây ra cho không ít người từ mạng xã hội khi bị tung tin thất thiệt, tung hình ảnh phản cảm, cùng những bình luận ác ý dồn con người đến đường cùng.

Một khi các diễn đàn mạng xã hội chưa được các cơ quan chức năng quản lý thực sự chặt chẽ, thì các nhà báo và những tờ báo chính thống cần hết sức cẩn trọng, chuẩn mực trong thông tin. Đó là trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp cần có của người làm báo. Sự cố "phỏng vấn" nhà thơ Hữu Thỉnh về việc đạo thơ là bài học mới nhất cho những người cầm bút tử tế, nhất là những cây viết trẻ mới bước vào nghề báo. Đồng thời, qua đó còn cho thấy facebook bên cạnh những mặt thông tin xã hội tích cực thì ẩn chứa nhiều nguy cơ tai hại, mà ở đó những kẻ cơ hội biến nó thành một thứ "vũ khí" có thể gây "sát thương" danh dự người khác một cách đầy ác ý!

Văn Đức
.
.