Bước chậm giữa mùa xuân

Thứ Tư, 10/02/2021, 12:19
Sống ở thành phố nhộn nhịp, mọi thứ đều trôi qua rất nhanh. Nỗi buồn trôi qua rất nhanh, niềm vui trôi qua rất nhanh, kỷ niệm cũng trôi qua rất nhanh. Không còn sự hớn hở trẻ thơ để mong mùa xuân áo mới, nhưng đôi khi bất giác tôi cứ tự hỏi, nếu một năm không có dăm ba ngày Tết thì sẽ ra sao nhỉ?


Chắc chắn những ganh đua danh lợi sẽ làm chúng ta kiệt sức và cằn cỗi. Quan trọng hơn, nếu không có dịp Tết nhiều hồi tưởng, nhiều mong ngóng, có lẽ chính tôi sẽ lãng quên nhiều điều đáng nhớ trong đời mình!

Tính đến mùa xuân Tân Sửu 2021, tôi đã sống ở chung cư nhỏ này được hai thập niên. Khi tôi mới dọn tới, chung cư vừa mới xây xong còn thơm mùi sơn vướng vất trên mỗi bức tường, vậy mà giờ đây đã thấy dấu vết cũ kỹ bủa vây từng khung cửa. 

Chung cư vốn dành cho diện tái định cư Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nên được xếp loại bình dân về tiêu chuẩn nhà ở đô thị. Mỗi căn hộ khép kín một tâm sự riêng, đặc thù cho kiểu cư trú công nghiệp. Hầu hết mọi người đều gặp nhau, chào nhau, quen nhau nơi cầu thang chung. 

Tôi thầm biết ơn cái cầu thang dài và sâu, bởi nếu thay bằng thang máy, có lẽ tôi không có chút cảm thông nào đối với những mảnh đời xung quanh. Cầu thang dẫn lên năm tầng lầu, giúp tôi hạnh ngộ bao nhiêu khuôn mặt, giúp tôi chứng kiến bao nhiêu số phận.

Cầu thang ở một khu chung cư cũ.

Mỗi ngày, những bàn chân xôn xao lên xuống cầu thang cứ òa vào nhau, tạo nên thứ hợp âm ồn ã và náo nhiệt. Thế nhưng, lúc cơn gió cuối tháng Chạp bớt thổi hun hút báo hiệu mùa xuân đang đến gần, thì tiếng động từ nhịp bước láng giềng của tôi thưa thớt hẳn. Họ trở lại quê cũ sum vầy cố nhân, họ ba lô du lịch phương xa, hoặc họ không ra khỏi nhà vì không phải đến công sở, không phải đến trường lớp. Sự yên ắng bất chợt làm tôi xao xác những ý nghĩ bâng khuâng. 

Thật kỳ lạ, chính trong im lặng, tôi bỗng nhận ra nhiều điều thú vị về những con người hàng ngày vẫn di chuyển trên từng bậc thang chung cư. 

Nhắm mắt lại, tôi mường tượng rất rõ, tiếng bước chân rộn rã của bé Na ở tầng ba có thói quen vừa đi vừa nhảy, tiếng bước chân vội vàng của bà Tư ở tầng bốn thường cuống cuồng cho kịp buổi chợ, tiếng bước chân chắc nịch của ông Bảy ở tầng năm với thân hình bệ vệ lúc nào cũng như thở gấp... 

Hình như cầu thang chung cư ngày thường không bao giờ có những bước chân thong thả! Tôi tin vậy, vì chỉ có những ngày Tết thì tôi mới nghe được chính bàn chân của tôi khẽ khàng lên từng bậc thang.

Cầu thang chung cư nối tầng nọ với tầng kia, tiếp giáp mỗi tầng có một hàng lang hẹp. Không ai màng chú tâm khoảng hành lang ấy có gì đặc biệt. Người xuống người lên cứ thoăn thoắt, không gian của hành lang thỉnh thoảng rơi vài lời ừ hử, vài cái nhoẻn cười hoặc vài cái gật đầu của lối sinh hoạt hối hả thời hội nhập. Tuy nhiên, tròn hai thập niên gắn bó với chung cư, tôi nhận ra khi có một dáng người đứng lại ở hành lang thì sẽ có một việc phải bận lòng. 

Tôi nhớ mãi hình ảnh một cụ già từ nông thôn lên thành phố thăm con. Căn hộ của con cụ già đối diện với căn hộ của tôi. Mỗi chiều, sau khi dọn dẹp trong căn hộ, cụ già lại xách chổi quét cả hành lang. Nền nếp quê kiểng của cụ già khiến tôi và nhiều người chột dạ vì sự hờ hững ngự trị nơi mỗi người. Ngừng tay chổi cặm cụi và nhẫn nại, cụ già đứng ở hành lang, vui vẻ hỏi han từng người lớn, ân cần nhắc nhở từng đứa trẻ. 

Sự hiện diện của cụ già như một sợi dây kết nối chân tình, những người trong chung cư trở nên chan hòa hơn, cởi mở hơn, thân ái hơn. Trước khi quay về ruộng vườn, cụ già sang chào từ giã tôi. Chỉ một buổi trò chuyện, tôi đâm xấu hổ cho bản thân. Cụ già nói cho tôi nghe vanh vách hoàn cảnh của hầu hết các gia đình trong chung cư. Ai đang mắc bạo bệnh, ai đang lo con hư, ai đang sợ nợ nần, ai đang cần tương trợ... 

Thú thực, cụ già kể đến đâu thì tôi ngớ ra đến đó. Cụ già ở chung cư hai tuần mà rành rẽ mọi người hơn tôi ở chung cư hai mươi năm. Tôi ái ngại cho sự vô tình của mình đối với láng giềng. Lúc tạm biệt, cụ già nắc nỏm: “Sài Gòn thật đẹp phải không chú! Cao ốc ở Sài Gòn đèn điện thật đẹp, con người ở Sài Gòn quần áo cũng thật đẹp!”. 

Khoảnh khắc ấy, tôi không dám nhìn thẳng khuôn mặt chất phác của cụ già, tôi cũng không dám nhìn thẳng ánh mắt đôn hậu của cụ già, tôi đã cúi đầu ngượng ngùng. 

Khoảng khắc ấy, tôi cũng không đủ dũng cảm để chính miệng thừa nhận với cụ già rằng, con người ở Sài Gòn như tôi chưa thật đẹp đâu, vì trái tim tôi chứa đầy sự chai lỳ, chứa đầy sự ích kỷ, chứa đầy sự nhỏ nhen. Và cụ già dung mạo khắc khổ nhưng tâm hồn độ lượng đã dạy tôi cách chia sẻ hạnh phúc, để tôi ghi vào ký ức mình hai câu chuyện không thể nào quên nơi cầu thang chung cư.

Câu chuyện thứ nhất: Cầu thang chung cư vốn có bề ngang khiêm tốn, rất khó vận chuyển đồ đạc cồng kềnh. Một buổi sáng, tôi đi làm muộn. Vừa khóa cửa đã thấy hành lang trước nhà kẹt cứng người sốt ruột chen lấn. Thì ra có mấy người đang gắng sức khiêng cái đàn piano. Loại nhạc cụ này không những hoành tráng mà còn dễ hư hỏng. Chỉ cần bất cẩn sẽ nứt vỡ ngay lập tức. 

Tôi nhận ra chủ nhân của cái đàn piano là anh Nam ở tầng năm. Anh Nam loay hoay hướng dẫn nhóm thanh niên nhấc đầu phải, hạ đầu trái cái đàn piano, còn con anh là cu Tèo lần khần bám sau lưng cha. Vợ chồng anh Nam có một tiệm buôn bán hàng điện tử, kinh tế tạm ổn. Cu Tèo là đứa con duy nhất nên rất được bố mẹ chăm chút. 

Cu Tèo có năng khiếu âm nhạc nên vợ chồng anh Nam sắm cái đàn piano cho con chơi. Có lần anh Nam khoe cu Tèo đã chơi được mấy giai điệu của Chopin, tôi cổ vũ biết đâu mai mốt cháu nó cũng tài nghệ như Đặng Thái Sơn thì nở mặt nở mày cả chung cư. Bữa đó anh Nam rạng rỡ lắm, còn hôm nay anh Nam có vẻ ủ rũ và mỏi mệt. 

Tôi hỏi, anh Nam không trả lời, nhưng cu Tèo bảo: “Nhà cháu đang khó khăn, phải bán cái đàn piano cho người ta rồi!”. Tôi vỗ vai an ủi cu Tèo. Trông cu Tèo buồn lắm, như sắp mất một người bạn vậy. Cái đàn piano phải khiêng xuống từng tầng, rồi đặt ở hành lang để tìm giải pháp tối ưu khiêng xuống tầng kế tiếp. 

Cứ đặt lại một tầng thì cu Tèo lại chạy đến sờ cái đàn piano và nhìn anh Nam cầu khẩn: “Đừng bán được không ba!”. Và khi cái đàn piano chuyển xuống đất an toàn thì cu Tèo bật khóc, còn đôi mắt anh Nam đỏ hoe. Rõ ràng anh Nam không nỡ tước đoạt sở thích của cu Tèo, nhưng cuộc đời không êm ái như bản sonate dịu dàng. Từ đó, tôi chỉ gặp cu Tèo tha thẩn một mình mà không còn nghe những giọt đàn thánh thót loang trong đêm chung cư bình yên nữa!

Câu chuyện thứ hai: Khác với ngã rẽ túng thiếu đột ngột của gia đình anh Nam, ở tầng hai chung cư có gia đình chị Thục càng ngày càng sung túc. Trớ trêu thay, khi vợ chồng chị Thục bày tỏ dự định sẽ mua nhà biệt lập thì mâu thuẫn phát sinh. Tiếng cãi vã chát chúa mỗi tối xảy ra thường xuyên, mà người ngoài không cách nào khuyên giải được. 

Vợ chồng chị Thục quyết định ly dị, chị ở lại chung cư cùng hai đứa con. Tôi không am tường tính cách của chồng chị Thục, nhưng hơn một lần thấy anh đùa giỡn với hai đứa con rất ấm áp. Chuyện tốt xấu của anh, tôi không bàn, nhưng tôi vẫn đinh ninh anh là một người cha thương con. Thôi đành phó mặc chuyện người lớn, nhưng hai đứa trẻ thì tội nghiệp lắm. Chúng nó không lý giải được sự tan đàn xẻ nghé. 

Ngày nào cũng như ngày nào, trời chạng vạng lại thấy đứa chị 7 tuổi dắt đứa em 4 tuổi ra đứng ở cầu thang đợi cha tan ca. Tôi không khỏi xót xa khi nhìn thấy hai cái bóng bé bỏng và hiu hắt nhạt nhòa dưới ánh điện chung cư. 

Có lần tôi về khuya, không thấy hai đứa trẻ đứng ở cầu thang, nhưng lại thấy chồng cũ của chị Thục dừng xe dưới lề đường đối diện chung cư và đăm đắm trông lên cửa sổ căn hộ ngày xưa. Có lẽ anh hy vọng nhìn được hai đứa con của anh lấp ló đâu đó ngoài lan can, hoặc anh phấp phỏng hai đứa con của anh tình cờ nhìn xuống và phát hiện cha mình đang vẫy tay âu yếm.

Cầu thang chung cư những ngày Tết thường vắng vẻ. Bước chậm từng bậc cầu thang cũng ngẫm ngợi được không ít ơn nghĩa trên đời. Thế nhưng, ở cầu thang chung cư còn có một người lặng lẽ hơn tôi. Đó là ông Chín ở tầng bốn. Vợ mất sớm, ông Chín gà trống nuôi một người con gái. Cách đây mấy năm, con gái xinh đẹp của ông Chín được một đại gia hỏi cưới. 

Vậy mà sự may mắn cũng có màu sắc khó lường. Vị đại gia kia ghé vào căn hộ của ông Chín một lần duy nhất vào ngày hỏi cưới, sau đó chỉ đậu xe hơi rất xa để con gái ông hàng tháng mang một khoản tiền cấp dưỡng lên cho ông. Dúi cái phong bì vào tay bố, hỏi đáp dăm câu ngắn ngủi, rồi cô con gái  hấp tấp quay lại chốn hào môn sâu như biển, còn riêng ông Chín lầm lũi cô quạnh vào ra. Ngày Tết, ông Chín hay đứng bần thần ở cầu thang chung cư với khắc khoải đợi mong...

Lê Thiếu Nhơn
.
.