Bóng dáng cố tri hay Đạo làm bạn trong thi ca

Thứ Bảy, 10/08/2019, 08:05
Tình bạn mãi là một giá trị vĩnh cửu, nó được thử thách để vượt lên trên mọi khoảng cách của không gian và thời gian, có thể sưởi ấm và nâng đỡ con người...

Người ta sinh ra ở trên đời, ngoài ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột thịt và họ hàng, ai mà lại không có những người bạn. Lúc nhỏ thì có bạn trong làng xóm, cùng khu phố, lớn lên thì có bạn học, bạn đồng môn; khi đi làm thì có bạn đồng nghiệp, sinh hoạt thêm trong tổ chức nào lại có thể có bạn ở tổ chức đó.

Nhưng số lượng rốt cuộc chẳng bằng chất lượng, việc giao du có thể rộng rãi nhưng rồi đọng lại chỉ cần vài người gọi là thâm giao thân tình, tri âm tri kỷ. Cổ nhân có câu: "Trong thiên hạ, được một tri kỷ có thể không ân hận rồi" (U mộng ảnh).

1.Không phải ngẫu nhiên mà biết bao giai tác của cổ kim đã viết về tình bạn, lưu lại cho hậu thế muôn đời. Trong "33 khúc vui của Kim Thánh Thán", có tới 7 khúc liên quan tới những người bạn, là những sự sẻ chia vừa thân tình chân thành, vừa hào sảng khí khái của kẻ sĩ. Đó là các khúc 2, 5, 14, 15, 21, 23, 26.

Xin được trích một khúc tiêu biểu: "Một ông bạn cách biệt mười năm, chiều tối bỗng tới nhà. Mở cửa, vái nhau xong, chưa kịp hỏi han đi đường thủy hay đường bộ, cũng chưa kịp mời bạn ngồi ở giường hay ở ghế, vội vào trong bếp, hỏi nhỏ vợ: "Bà có sẵn đấu rượu như bà Đông Pha không?".

Vợ vui vẻ gỡ cây trâm vàng đem đổi rượu. Tính ra đãi bạn được ba ngày. Chẳng cũng khoái ư?" (khúc 2). Một danh sĩ đời Thanh là Trương Trào sống liền ngay sau Kim Thánh Thán cũng dành những lời thật đẹp và chí tình về bằng hữu: "Mây được mặt trời treo vào rồi mới thành ráng, suối treo vào đá rồi mới thành thác. Cũng là vật đó mà gửi vào một cái khác thì lại có tên khác. Cho nên cái đạo bạn bè rất đáng quý (...).

Nói chuyện với bạn uyên bác như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bạn nghiên cẩn đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc tiểu thuyết truyền kì. Tìm tri kỉ trong chỗ bạn bè là việc dễ, tìm tri kỉ trong chỗ thê thiếp là việc khó, tìm tri kỉ trong chỗ vua tôi lại càng khó nhất" ("U mộng ảnh" - Nguyễn Hiến Lê dịch).

2. Văn chương Việt Nam từ cổ điển đến hiện đại đã có bao tác phẩm nổi tiếng về tình bạn. Nếu xét theo thứ tự thời gian, tác phẩm viết về tình bạn sớm nhất cần phải kể đến có lẽ chính là truyện thơ Nôm khuyết danh "Lưu Bình - Dương Lễ", gồm 788 câu lục bát. Tác phẩm đã được chuyển thể thành các vở chèo, tuồng, kịch, nhiều lần được trình diễn trên các sân khấu lớn cũng như truyền hình.

Truyện kể rằng, thuở thiếu thời, Lưu Bình nhà giàu đã cưu mang Dương Lễ nhà nghèo, mang bạn về để cùng ăn cùng học. Đến khi đi thi, do Lưu Bình cậy giàu, lười biếng ham chơi nên thi trượt, còn Dương Lễ thì đỗ Trạng nguyên. Lưu Bình sau này càng lúc càng sa sút, gia sản khánh kiệt, mới tìm tới Dương Lễ xin giúp đỡ, nào ngờ Dương Lễ dọn cơm với đĩa cà thâm để đãi, lộ rõ ý khinh bạc.

Bình tủi nhục ra về, trên đường vào quán trọ gặp được nàng Châu Long khuyên giải, hẹn lo liệu mọi việc để chàng tiếp tục đèn sách, khi nào thi đỗ mới tính việc vợ chồng. Châu Long theo Lưu Bình về nhà, hàng ngày chăm lo cơm nước, động viên Bình học.

Lưu Bình ráng sức học, đến khoa thi đỗ Trạng nguyên, nhưng trở về nhà thì nàng Châu Long đã biến mất. Bình vừa lo lắng, vừa đau khổ nhớ thương, vừa buồn bực, bèn tìm đến chỗ Dương Lễ định mắng mấy câu cho hả giận ngày xưa. Bỗng đâu thấy Dương Lễ bước ra tươi cười đón tiếp, rồi nàng Châu Long ra chào. Lúc ấy Bình mới rõ Châu Long là vợ lẽ của Dương Lễ, được Lễ sai đi giúp bạn cho bạn thành tài; việc tiếp đón bằng bữa cơm đạm bạc khi xưa mang mục đích khích tướng mà thôi.

Con người ta trong những lúc khó khăn gian nan nhất của cuộc đời, thay vì nghĩ đến mẹ cha, anh em ruột thịt, họ có thể nghĩ đến bạn hữu, đem những điều khó nói giãi bày thổ lộ với bạn mình. Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV đã viết tới hai bài thơ mang nhan đề Ký hữu (Gửi bạn): “Loạn hậu thân bằng lạc diệp không/ Thiên biên thư tín đoạn thu hồng/ Cố viên quy mộng tam canh vũ/ Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng” (Sau loạn bà con bạn bè thưa thớt như lá rụng/ Bên trời vắng bóng chim hồng mùa thu đưa thư/ Suốt ba canh mưa ta mộng về vườn cũ/ Ngâm thơ trong quán khách, tiếng dế rộn bốn phía tường).

Sau Nguyễn Trãi ba thế kỷ, đại thi hào Nguyễn Du cũng có hai bài thơ với tựa đề “Ký hữu”: “Đêm nay ngàn hồng bóng trăng thanh/ Nghìn dặm Tràng An một mảnh tình/ Ngọc phác không gìn nguyên diện mục/ Thân đời khéo buộc nẻo công danh/ Công hầu cốt ấy đâu sanh sẵn/ Hươu vượn duyên kia quyết để dành/ Thong thả kìa ai song bắc tựa/ Chuyện ngoài chẳng bợn chút hư linh” (Quách Tấn dịch)

Khi ở cách xa nhau, ngoài việc tâm sự những điều sâu kín, các nhà Nho của ta khi xưa cũng không ngần ngại tỏ bày nỗi nhớ, mong bạn phương xa hiểu lòng mình: “Ta nhớ người xa cách núi sông/ Người xa, xa lắm, nhớ ta không?/ Sao đang vui vẻ ra buồn bã/ Vừa mới quen nhau đã lạ lùng/ Lúc nhớ nhớ cùng trong mộng tưởng/ Khi riêng, riêng cả đến tình chung/ Tương tư lọ phải là trai gái/ Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng” ("Nhớ bạn" - Tú Xương). Lúc ở gần nhau, tình bạn đích thực vượt lên trên mọi lễ nghi giao tiếp thông thường, vượt lên mọi điều kiện cầu kỳ của vật chất: “Đã bấy lâu nay bác tới nhà/ Trẻ thời đi vắng chợ thời xa/ Ao sâu nước cả khôn chài cá/ Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà/ Cải chửa ra cây cà mới nụ/ Bầu vừa rụng rốn mướp đương hoa/ Đầu trò tiếp khách trầu không có/ Bác đến chơi đây, ta với ta” ("Khách đến chơi nhà" - Nguyễn Khuyến).

Kho tàng Đường thi còn lưu lại nhiều bài thơ tiễn bạn nổi tiếng, nằm trong thi đề tống biệt vốn khá phổ biến của thời kỳ này. Có thể kể đến các bài như: “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” và “Tuyên Châu Tạ Diễu lâu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân” của Lý Bạch, “Lâm Giang tống Hạ Chiêm” của Bạch Cư Dị, “Nam Hành biệt đệ” của Vi Thừa Khánh... Xin đơn cử một bài: “Bi quân lão biệt lệ triêm cân/ Thất thập vô gia vạn lí nhân/ Sầu kiến chu hành phong hựu khởi/ Bạch đầu lãng lí bạch đầu nhân” (Muôn dặm thương anh, lệ biệt sầu/ Bảy mươi tuổi tác cửa nhà đâu/ Buồn trông ngọn gió theo thuyền nổi/ Sóng bạc đầu quanh khách bạc đầu).

Trở lại với thơ Việt, thời kỳ Thơ Mới cũng có những thi phẩm đặc sắc, là nỗi nhớ bạn đã đi vào trong mộng tưởng, để những cơn mơ cũng khắc khoải một tên người: “Ơi Lệ Thanh! Ơi Lệ Thanh!/ Một giấc trưa nay gặp lại mình/ Nhan sắc châu pha màu phú quý/ Tài hoa bút trổ nét tinh anh/ Rượu tràn thú cũ say sưa chuyện/ Hương tạ trời cao bát ngát tình/ Tôi khóc tôi cười vang cả mộng/ Nhớ thương đưa lạc gió qua mành” ("Mộng thấy Hàn Mạc Tử" - Quách Tấn).

Xót xa hơn nữa là bài thơ của Bích Khê gửi Hàn Mặc Tử, khi cả hai đều thân lâm trọng bệnh, và thật đáng tiếc khi Hàn không kịp đọc bài thơ này của Bích Khê trước khi từ giã cõi đời. Tôi tưởng như nhiều người có thể rớt nước mắt khi đọc hai đoạn thoại giả tưởng này trong thi phẩm: "Anh ơi từ đâu đến?/ Em buồn em đang bệnh/ Anh ơi sao ra hai/ Huyền hồ trong phôi thai/ Hóa thân trong phương phi?/ Người em rày mệt quá/ Mà rày gặp cố tri/ Hai tay đây ra rã/ Dìu lấy cùng nhau đi!"/ Lời nức ra hơi hương/ Dìu dịu tỏa trong buồng/ "Anh ơi tôi mới đến/ Là hiện thân của bệnh/ Quằn quại đau xót xa/ Máu mủ nhìn không ra!/ Giờ phương phi phương phi!/ Là hình thơ tinh vi/ Là ý thơ quy y/ Mướt trong màu tuyết vẽ!/ Hai ta đều quạnh quẽ/ Đứt ruột nhớ thương nhau/ Nấn ná sẽ lìa nhau /Chiêm bao còn thấy nhau" (Hàn Mạc Tử).

3. Khi một trong hai người phải giã từ cõi thế, thơ Việt lưu lại cho đời sau nhiều bài thơ khóc bạn, viếng bạn lay động lòng người, từ “Khóc Dương Khuê” của Nguyễn Khuyến tới “Viếng bạn” của Hoàng Lộc, rồi “Diệu ơi Diệu đã về yên tịnh” của Huy Cận sau này. Nhưng tôi muốn viết ra đây một câu đối viếng bạn, khóc bạn thật đặc biệt. Đó là câu đối của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu viếng Cao Bá Quát khi bạn mình chịu thảm án tru di do tội khởi nghĩa chống lại triều đình:

“Ta tai quán cổ tài danh, nan đệ nan huynh, bất thế ngẫu sinh hoàn ngẫu tử/

Dĩ hỹ đáo đầu sự thế, khả liên khả ố, hỗn trần lưu xú diệc lưu phương” (Thương thay tài điệu tót vời, khó anh khó em, một cặp cùng sinh lại cùng thác/ Thôi nhỉ sự cơ đến vậy, đáng thương đáng ghét, nghìn năm dây xấu cũng dây thơm).

Tình bạn mãi là một giá trị vĩnh cửu, nó được thử thách để vượt lên trên mọi khoảng cách của không gian và thời gian, có thể sưởi ấm và nâng đỡ con người. Có khi nào ta thảng thốt nhớ về bóng dáng một cố tri, hãy đọc lại những vần thơ của Đinh Thị Thu Vân: “Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại/ Bạn bè ơi khi ấy có còn nhau/ Cơn lốc đời đưa đẩy bạn về đâu/ Ta ngoái lại tìm nhau e mất dấu/ Ta ngoái lại tìm nhau mong ẩn náu/ Góc bạn bè êm ấm cảm thông ơi/ Ta ngoái lại rã rời đôi cánh mỏi/ Góc bạn bè tin cậy bớt chơi vơi”.

Và có khi nào ta định trốn vào ái tình để quên đi bằng hữu, thì hãy nhớ đến bốn câu thơ cuối của thi sĩ Trần Lê Văn trong bài "Bạn": “Tình bạn không là đám cháy/ Rừng rực như tình gái trai/ Đấy là ngọn lửa sưởi ấm/ Đời ta những tháng năm dài”.
Đỗ Anh Vũ
.
.