Bội thực phim, cẩn thận “rác” văn hóa

Thứ Sáu, 19/01/2018, 08:03
Thắng lợi về doanh thu của những phim như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh", "Em chưa 18"… mấy năm gần đây đã khiến thị trường điện ảnh Việt trở nên sôi động hơn hẳn. Sự sôi động tất nhiên luôn mang lại cho chúng ta cảm giác tích cực, nhưng có lẽ, không nên quên rằng cái gì cũng có hai mặt của nó, và đằng sau lớp vỏ tích cực kia vẫn là một nguy cơ tiềm ẩn rất lớn, đủ có thể khiến Điện ảnh Việt thêm lần nữa bị tổn thương. 

Theo ước tính, năm 2018, cả thị trường điện ảnh Việt có khoảng 60 phim được làm mới. Đó thực sự là một "kỷ lục" đáng ngại bởi, dù là nghệ thuật đi nữa, điện ảnh vẫn không thể nằm ngoài quy luật thị trường. Khi mà lượng cung vượt quá cầu, chắc chắn sẽ có không ít nhà đầu tư phải chịu lỗ nặng, bởi ngoài chuyện chinh phục khán giả, giải quyết sức ép cạnh tranh trong bối cảnh thị trường rạp chiếu phim Việt Nam đang nằm trong tay vài "con cá lớn" là một bài toán cực khó, nếu không nói là bài toán không thể tìm đáp án.

Trong bối cảnh dư thừa phim như trên, đã có thông tin được tiết lộ rằng, các nhà sản xuất hiện thời đã phải chủ động dời lại lịch ra mắt phim của mình (dự kiến trong năm 2018) từ 6 tháng tới 1 năm. Điều đó có nghĩa là, nhiều bộ phim lẽ ra được nhắm cho thị trường 2018 cuối cùng đã phải đẩy sang năm 2019 mới được phát hành để tránh lỗ do cạnh tranh quá khắc nghiệt và lượng phim dư thừa quá lớn.

Song, dời lịch chiếu lại từ 6 tháng đến 1 năm có phải là giải pháp hay không, nếu như trong 1 năm trước mắt, lại có thêm những dự án phim được bấm máy? Lúc ấy tình trạng bội thực phim sẽ vẫn còn ở năm 2019, thậm chí có thể còn kéo dài tới 2020.

Trong một chia sẻ trên facebook cá nhân của mình, nhạc sỹ Đức Trí, người đã tham gia làm nhạc cho khoảng 3-4 dự án phim trong năm 2017 đã lo ngại đánh giá rằng tình hình hiện thời rất có khả năng sẽ giống như thời đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời ấy, điện ảnh ăn khách và người người làm phim, nhà nhà làm phim. Thậm chí, nhiều nhà buôn dư tiền cũng lao vào đầu tư phim, bất chấp hiểu biết hạn chế về thị trường điện ảnh. Nhưng thiệt hại kinh tế không là gì so với tổn hại văn hoá. Sự xuất hiện tràn lan của phim mì ăn liền đã khiến điện ảnh Việt chỉ hồi phục trở lại được khoảng chục năm về trước mà thôi.

Hiện tại, cũng khá nhiều dự án phim được đầu tư bởi giới doanh nhân vốn dĩ không nắm rõ về điện ảnh. Chính vì sự thừa thãi những dự án phim được thực hiện theo kiểu dễ dãi, với suy nghĩ chỉ cần một vài ngôi sao có sức hút bán vé là đủ sinh lãi, thị trường điện ảnh bỗng phải nhận về rất nhiều "rác" văn hoá, những bộ phim vô bổ, nhàn nhạt, rẻ tiền và thậm chí là nhảm nhí.

Trước mắt, dịp Tết Nguyên đán, dịp của phim hài, đã có tới 4 phim ra mắt là "789 Mười", "Về quê ăn Tết", "Đích tôn độc đắc" và "Siêu sao siêu ngố". Chính vì 4 phim trên cùng ra mắt dịp Tết, phim "Tháng năm rực rỡ" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã phải dời lịch chiếu sang tháng 3. Đó là còn chưa kể phim "Yêu em bất chấp", dự kiến ra mắt 29 Tết (dịp Valentine) nhưng phải lùi lại vì chưa xong kịp phần hậu kỳ. Và một đạo diễn giấu tên đã nhận xét rằng "dời là đúng vì thực ra, Tết không phải là dịp cho những phim tử tế, đàng hoàng". Mặc định, phim Tết luôn chỉ cần hài, thậm chí là hài nhảm.

Nhưng liệu những phim không chiếu Tết có đảm bảo không nhảm nhí? Chúng ta không thể khẳng định rằng, tất cả những phim không chiếu dịp Tết đều đàng hoàng, tử tế, sạch sẽ. Vẫn còn rất nhiều "rác" văn hoá được xả ra thị trường điện ảnh và nguy hiểm hơn là khi chúng tạo nên sự dư thừa trên thị trường, chúng đã làm hạn hẹp không gian sinh tồn của những phim chất lượng, được đầu tư kỹ lưỡng với những người giàu chuyên môn thực thụ.

Làm phim không dễ, làm phim có lãi càng không dễ. Nhưng có vẻ, nhiều người nghĩ đến làm phim là nghĩ đến lợi nhuận hứa hẹn thì phải? Và họ đã tham gia làm tổn thương thị trường Điện ảnh Việt, một thị trường mới vừa hồi sinh và đang rất cần tạo ra sức đề kháng mạnh mẽ cho riêng mình.

Văn Đoàn
.
.