Bó tay với sai phạm?

Thứ Năm, 14/05/2020, 08:19
Không ai chấp nhận khi cán bộ, công chức làm sai lại lấy ngân sách ra trả, xử lý kỷ luật xong để đó, khi mà những người phải chịu trách nhiệm hiện vẫn chưa bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật thì lòng dân vẫn sẽ chưa yên. Lẽ nào chúng ta lại bó tay với sai phạm?

Từ việc người dân xã Thiệu Công, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa khiếu kiện phức tạp, kéo dài, vượt cấp gây mất an ninh trật tự tại địa phương, để khắc phục sai phạm của cán bộ thời kỳ trước, UBND huyện Thiệu Hoá đã cho UBND xã Thiệu Công tạm ứng 3,1 tỷ đồng ngân sách dự phòng để trả nợ cho dân rồi sau đó sẽ thu của những cá nhân sai phạm trả lại cho huyện. Tuy nhiên, số tiền này không được UBND xã Thiệu Công trả lại theo đúng cam kết.

Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND xã Thiệu Công khẩn trương làm hồ sơ gửi Kho bạc để trả cho ngân sách huyện 3,1 tỷ đồng trước ngày 15-4-2020. Nếu quá thời gian trên, xã Thiệu Công không trả, UBND huyện sẽ khởi kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa án để giải quyết.

Bối rối trước nguy cơ bị kiện, ông Trịnh Duy Sở, Chủ tịch UBND xã Thiệu Công phân trần: "Đúng là xã đang nợ UBND huyện số tiền hơn 3,1 tỷ đồng nhiều tháng qua nhưng không có tiền để hoàn trả. Số tiền vay này để giải quyết khoản tiền mà lãnh đạo xã tiền nhiệm thu trái quy định của người dân. Tuy nhiên, sau khi trả nợ, xã không đòi được tiền của những lãnh đạo trước nên không có tiền để trả cho huyện…

Nếu biết sự việc như thế này, lúc đó chúng tôi cũng không xin huyện ứng tiền để trả cho dân. Nếu có bị kỷ luật người đứng đầu vì việc này tôi cũng xin chịu. TAND huyện Thiệu Hóa và TAND tỉnh Thanh Hóa đều không thụ lý, giải quyết vì cho rằng đây không phải là vụ án dân sự. Anh em chúng tôi cũng hết cách rồi" - ông Sở phân trần.

Nguyên nhân của lùm xùm này bắt nguồn từ sai phạm của hàng loạt cán bộ xã Thiệu Công giai đoạn 1997 - 2006 đã thu tiền trái phép của dân, nhưng một thời gian dài không được phát hiện, xử lý dẫn tới việc xã Thiệu Công trở thành điểm đen về sai phạm. Liên quan đến vụ việc sai phạm về đất đai tại xã Thiệu Công, Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã thi hành kỷ luật 9 cán bộ, đảng viên.

Trong đó, khai trừ Đảng 4 cán bộ, cảnh cáo 4 người và cách hết các chức vụ trong Đảng 1 người. Chính quyền thì bất lực vì những người sai phạm đã về hưu, một số tuổi già, sức yếu, bệnh tật không có điều kiện để khắc phục hậu quả. UBND xã làm đơn kiện những vị cán bộ đó ra tòa nhằm đòi nợ, nhưng Tòa án huyện không thụ lý vì lý do thiếu căn cứ, kiện ra Tòa án tỉnh thì cũng bị trả về. Pháp luật cũng bó tay vì theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì các hành vi phạm tội của các cá nhân nói trên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Để giải quyết dứt điểm việc khiếu kiện kéo dài của người dân xã Thiệu Công, UBND huyện tạm ứng ra, xã lấy hơn 3,1 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng của huyện để chi trả cho dân. Như vậy là sử dụng ngân sách để trả nợ cho việc làm sai của cá nhân thì quả là điều khó hiểu?

Chúng ta đều biết, dự phòng ngân sách Nhà nước được sử dụng để chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu đói; nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ cần thiết khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách cấp mình mà chưa được dự toán;...

Việc UBND xã Thiệu Công đã có văn bản (được sự thống nhất giữa ba bên là Đảng ủy, HĐND, UBND xã) trình Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa xin vay 3,1 tỷ đồng từ ngân sách huyện là đúng luật. Tuy nhiên, với tên gọi hình thức là thỏa thuận ba bên không có căn cứ theo luật, đồng thời UBND xã Thiệu Công phải giải trình và đưa ra được các căn cứ thỏa mãn trường hợp thiếu hụt tạm thời ngân sách. Chứ nếu vay để chi trả cho dân vì lý do cán bộ, công chức của xã trước đó làm sai thì không thể chấp nhận được.

Việc huyện tạm ứng, cho xã vay đúng hay sai thì phải chờ vào kết luận của các cơ quan chức năng, nhưng chúng ta thấy ngay rằng cách giải quyết của huyện Thiệu Hóa đã khiến vụ việc càng thêm phức tạp, vụ kiện trước chưa xong lại chuẩn bị ra toà vụ sau. Nếu diễn tiến sự việc đúng như lời ông Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa thì UBND huyện sẽ khởi kiện UBND xã Thiệu Công ra Tòa án để giải quyết.

Tuy nhiên, chưa rõ cơ chế và cơ sở pháp lý để UBND huyện Thiệu Hóa có thể khởi kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa án để giải quyết vụ việc này, khi mà đây không phải vụ án dân sự, không phải vụ án hành chính hay thương mại… Tòa án không có căn cứ để thụ lý. Không biết rồi vụ việc sẽ đi đến đâu, vì việc "bi hài" này chưa từng có trong tiền lệ và có lẽ sẽ được ghi vào lịch sử quản lý Nhà nước ở Việt Nam.

Không ai chấp nhận khi cán bộ, công chức làm sai lại lấy ngân sách ra trả, xử lý kỷ luật xong để đó, khi mà những người phải chịu trách nhiệm hiện vẫn chưa bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật thì lòng dân vẫn sẽ chưa yên. Lẽ nào chúng ta lại bó tay với sai phạm?

Cù Tất Dũng
.
.