Biểu tượng “trăng” – Một đối sánh mở

Thứ Năm, 01/10/2020, 15:48
Biểu tượng “trăng” trong kho tàng văn hóa nhân loại giàu có tới mức có thể làm cả một thư viện riêng. Thực hiện luận án về biểu tượng này người ta thường chỉ khảo sát trong một thể loại, một giai đoạn của một vùng văn hóa nhất định nào đó.


Là một mẫu gốc vĩ đại đến nỗi, nói như Nam Cao: Trăng là bầu vú mộng tròn đầy mà thi sỹ bao đời nay mơn man. Hàn Mặc Tử còn khẳng quyết mạnh mẽ: “Chỉ có trăng sao là bất diệt/ Cái gì khác nữa thảy đi qua”...Tuy ở trên trời nhưng trăng lại mọc ở mọi nền văn hóa và tỏa ánh sáng hạnh phúc lung linh tới mọi người. Sung sướng đến đau khổ, tất nhiên, phải là những người làm thơ!!!

Tranh minh họa cảnh Hậu Nghệ bắn Mặt trời.

Cũng tận hôm nay người ta mới khẳng định sự chi phối ảnh hưởng khá mạnh của từ trường mặt trăng với trường sinh học của con người. Hơn nữa, sự ảnh hưởng này cũng thay đổi theo chu kỳ tròn khuyết của trăng. Lời hát “Sao anh lại ngỏ lời yêu em vào một đêm trăng khuyết...”, đến một ngày nào đó sẽ được lý giải bằng khoa học là tốt hay xấu. Mặt trăng đã tạo nên thủy triều, một quy luật tự nhiên lớn thì rất có thể nó ảnh hưởng đến nhiều sự vật hiện tượng trên trái đất, trong đó hẳn có tình yêu...

Có một mẫu số chung là tất cả mọi cộng đồng đều quan niệm “trăng” âm tính, giới nữ, hiền hòa...và rất gợi tình. Không nên hiểu dung tục là chỉ gợi tình yêu mà trăng còn dễ tác động vào tâm trạng gợi những cảm xúc thiêng liêng, cao cả, hướng thượng...Trong văn học thế giới, hầu như rất ít những trang văn tả cảnh bạo liệt máu me dưới ánh trăng.

Do can hệ trực tiếp đến thời tiết, thời vụ trong cuộc sống nên khái niệm “tuần trăng/tuần con nước” rất gần gũi với những người đi biển hoặc đánh cá nơi sông ngòi. Vì họ biết được quy luật thời điểm nào trăng tròn trăng khuyết thì thuận lợi, thậm chí có đi làm cũng thất bại. Hình như câu của các cụ ta có lý: “Trai mồng Một, gái hôm Rằm”. Đẻ con gái vào đêm trăng tròn “viên mãn” thì sẽ được nhờ, con gái không chỉ đẹp mà còn lấy được chồng giàu...vv. Tín ngưỡng này có lẽ tiếp biến từ Phật giáo.

Xuất phát từ thực tế cuộc đời Đức Phật gắn liền với những đêm trăng tròn. Ngài chào đời vào đêm tháng tư trăng tròn, xuất gia vào đêm trăng tròn tháng hai, thành đạo vào đêm trăng tròn cuối năm nên Ngày Rằm trở nên rất có ý nghĩa với Phật giáo, do vậy cũng thường là ngày tổ chức các lễ trọng. 

Không chỉ vậy hình tượng “trăng” như là một mô hình vũ trụ chứng minh quan niệm của nhà Phật. Nếu mặt trời là bất biến thì mặt trăng là một quá trình “luân hồi”, “giải thoát” có sinh có diệt, có tròn đầy có vơi khuyết, có tối có sáng... Nhịp tuần hoàn của trăng chính là nhịp điệu sự sống. 

Cũng vì thế mà huyền thoại Phật giáo tất yếu có những tích đậm chất giáo lý như “sự tích thỏ ngọc”. Khi mất mùa, đói kém, lại gặp tiết giá lạnh, loài vật rủ nhau đốt lửa sưởi ấm. Con vật nào cũng đói cồn cào. Tình xót thương lớn đến mức khiến con thỏ đáng kính tự nhảy vào lửa làm chín thân thể mình để đồng loại ăn cho đỡ đói. Đức Phật đi qua cảm động. Ngài nhặt xương thỏ hóa phép nó sống lại trong hình hài ngọc quý rồi đưa lên cung Quảng Hàn làm tấm gương soi cho triệu triệu tín đồ...

Mặt trăng trong huyền thoại phương Đông cổ có tích “Hằng Nga - Hậu Nghệ” là hai vợ chồng thần thánh trên giời. Mười con trai ngỗ nghịch của Ngọc Hoàng biến thành mười mặt trời làm cho mặt đất bốc lửa. Không dạy bảo được, Ngọc Hoàng nhờ Hậu Nghệ giúp. Với tài thiện xạ, Hậu Nghệ bắn hạ chín mặt trời. Thấy chín người con mình chết oan, Ngọc Hoàng nổi giận đày Hằng Nga - Hậu Nghệ xuống hạ giới. Hậu Nghệ xin Tây Vương Mẫu viên thuốc thần bất tử. Hằng Nga vô tình, lẽ ra chỉ ăn nửa viên nhưng lại nuốt cả thành ra thuốc làm cho Hằng Nga bay lên cung trăng và bất tử ở đấy.

Như vậy “trăng” không còn là hiện tượng thiên nhiên thông thường mà còn là biểu tượng cho sự bất tử, cho tình nghĩa, cho sự hy sinh, cho quy luật của sự sống...

Nữ thần Dian.

Một truyền thuyết La Mã kể thuở hồng hoang còn chưa có ngày và đêm, và các vị thần ở trên đỉnh Ôlanhpơ vẫn mỗi người một công việc. Thần Tình yêu Êrôx vẫn luôn bay ngang dọc trên trời. Thần là một đứa trẻ ba tuổi có cánh và luôn sẵn bộ cung tên vàng. Chàng trai cô gái nào đến tuổi cập kê mà được mũi tên của thần bắn vào tim thì người đó sẽ thổn thức sung sướng vì mình sẽ được yêu. 

Một hôm thần Tình yêu mới chợt nghĩ sao không “xe duyên” vợ chồng cho Thần Mặt trăng dịu dàng với Thần Mặt trời mạnh mẽ. Nghĩ là làm, thần giương cung tên. Mũi tên tình yêu đã trúng trái tim Thần Mặt trăng. Nàng rạo rực: Ôi, sao cuộc đời đáng yêu thế!!! Thần quay lại giương cung hướng về phía Thần Mặt trời. Nhưng vì mới ba tuổi mải ăn mải chơi, mũi tên oan nghiệt trúng ngay vào trán. Thần Mặt trời giận dữ: kẻ nào dám bắn ta! Khi biết đó là mũi tên Tình yêu của vị thần khả kính, Thần nguôi giận phần nào nhưng máu trên trán vẫn phun ra loang đỏ cả người. Đã thế lại cô nàng Mặt trăng cứ đến gần ve vãn. Thần tức mình bỏ đi trong sự giận dữ, nóng nảy...

Nhưng đấy lại là cái hồng phúc cho văn minh nhân loại. Thần Mặt Trăng đuổi theo Tình yêu. Thần Mặt trời chạy trốn tình yêu. Thế mới làm ra ngày và đêm. Từ đấy, con cháu Thần Tình yêu, như cô Kiều và chàng Kim Trọng của cụ Nguyễn Du chỉ ngửa mặt lên Thần Mặt trăng mà “một lời song song” thề non hẹn biển. Hình như không có ai thề nguyền tình yêu dưới ánh mặt trời...!!!

Người La Mã cổ gọi Thần Mặt trăng là Nữ thần Diana, mà “diana” cũng có nghĩa là “thiên thần”. Diana lại còn là Nữ thần săn bắn tượng trưng cho sự sinh sản. Là nữ thần săn bắn nhưng nàng chỉ giết những con vật nào làm ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển các loài động vật khác. Nàng yêu động vật đến mức hiểu tiếng nói của chúng. Nàng thề suốt đời đồng trinh để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ những con vật đáng yêu. Thế nên Nữ thần được tôn kính gần như tuyệt đối trong văn hóa cổ La Mã. 

Huyền thoại này ngả bóng sang khu vườn văn hóa Hy Lạp để rồi khúc xạ thành một câu chuyện khác nhưng ý nghĩa tôn kính vẫn giữ nguyên: Diana là con gái của Jupiter (vua của các vị thần), là em ruột của Apollo, thần Mặt trời. Lớn lên dù cực kỳ xinh đẹp nhưng Diana quyết độc thân, làm bạn với thiên nhiên. Jupiter cho Diana bộ cung tên thần thánh và nói: Anh con là thần Mặt trời. Vậy con làm thần Mặt Trăng để soi sáng ban đêm. Bộ cung tên sẽ giúp con giữ mình...

Văn học nhân loại vẫn có hiện tượng huyền thoại hóa lịch sử hoặc ngược lại làm hậu thế băn khoăn không biết đó là sự thật hay hư cấu. Đây là một trường hợp. Năm 339 TCN, dưới quyền chỉ huy của Vua Phillip II (cha Alexander Đại đế), quân đội Macedonia nhiều lần bao vây đánh Byzantium (nay là thủ đô Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ), thủ phủ của Đế quốc La Mã, nhưng đều thất bại. 

Một đêm, họ quyết định lợi dụng đêm tối làm cuộc đột kích bất ngờ. Nhưng tự nhiên trên bầu trời bỗng xuất hiện một vầng trăng lưỡi liềm rực sáng. Thành ra kế hoạch của quân xâm lược thất bại thảm hại. Chẳng cần thêu dệt, mọi người tin ngay vầng trăng đó là hiện thân của nữ thần Mặt trăng Diana. Biết ơn Nữ thần, từ đấy, nhân dân Byzantium lấy hình trăng lưỡi liềm làm biểu tượng cho thành phố của họ!

Với văn minh nông nghiệp phương Đông thì Mặt trăng vừa được bình dân hóa, vừa được thiêng hóa mà rõ nhất là bộ lịch Âm (dựa theo sự tính toán chu kỳ của Mặt trăng). Bình dân ở chỗ, ngày xưa dù không biết chữ nhưng ai cũng có thể tính được thời điểm/thời vụ...Thiêng hóa ở chỗ có “ngày lành tháng tốt”, có ngày Tết, ngày Lễ...Ví như ngày Rằm Trung thu.

Nhiều sách cổ nói Tết Trung thu có từ thời vua Duệ Tôn (thời Đường), ngày đó vua được tiên đưa lên “cung trăng” chơi. Đó là nơi tiên ở với những tiên nữ nhan sắc  cực kỳ xinh đẹp, nhảy những điệu múa vô cùng mê ly mời gọi…Tất nhiên không thể thiếu rượu ngon và biết bao nhiêu là hoa quả, bánh kẹo chỉ trên giời mới có...Trở về hạ giới vua nhớ lại mà dạy mọi người làm theo... Hạt nhân ý nghĩa của tích này là một khát vọng thật đẹp: con người phải sống sung sướng như tiên!

Hình ảnh Tết Trung thu ở ta được in khắc trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Nghĩa là đã có từ rất lâu. Theo sử sách, năm 1121 (đời Lý), Tết Trung thu được tổ chức ở Thăng Long có các trò vui như đua thuyền, múa rối nước, rước đèn...Thực ra đêm Trung thu là múa lân chứ không phải sư tử. Con “Lân” trong văn hóa Việt không có thật, là biểu tượng cho may mắn, thịnh vượng. Múa lân là cầu mong thịnh vượng, may mắn, tốt lành!

Nguyễn Thanh Tú
.
.