Bị "hành" bởi trò chơi

Thứ Sáu, 26/08/2016, 07:38
Olympic Rio 2016 chuyển giao lại "ngọn lửa" cho Tokyo 2020 bằng một hình ảnh khá lý thú. Đó chính là hình ảnh nhân vật Super Mario quen thuộc của trò chơi video game cùng tên, được đóng vai bởi chính Thủ tướng Nhật - ông Shinzo Abe - giữa sân vận động Rio de Janeiro. 


Hình ảnh ấy khiến nhiều người ngạc nhiên lý thú, phải bật cười sảng khoái vì tính sáng tạo và sự bất ngờ do chính BTC và ông Abe đã mang lại. Và nó cũng khiến chúng ta nhớ về Nhật Bản với một sự kính trọng đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ suốt bao nhiêu năm qua khi những nỗ lực ấy đã cho một kết quả tích cực rõ rệt.

Tại sao không phải là samurai, không phải là võ sỹ sumo, không phải là những nhân vật trong Noh hay Kabuki mà lại là Super Mario nhỉ? Đơn giản, video game đã không chỉ còn là những trò chơi điện tử đơn thuần nữa.

Cùng với anime (hoạt họa) và manga (truyện tranh), video game đã định danh văn hoá Nhật Bản trên toàn cầu. Những nhân vật của những hoạt họa, truyện tranh, video game của Nhật đã trở nên phổ biến, được coi là thần tượng yêu thích của nhiều lớp thiếu niên kể từ thập niên 80 tới nay. Đó chính là lý do để Super Mario, hoá thân dưới ông Shinzo Abe, đã trang trọng nhận bàn giao của thành phố Rio de Janiero trong buổi bế mạc Olympic nhiều sắc màu.

Nhắc đến những biểu tượng văn hoá Nhật Bản, chúng ta chợt nhớ đến Pokemon, con thú nhỏ mà hàng triệu lượt người đang săn lùng như hôm nay. Việt Nam không là ngoại lệ. Thanh thiếu niên Việt Nam cũng giống như thanh thiếu niên ở nhiều nơi trên thế giới, cũng tụ tập ở những địa điểm công cộng để "săn Pokemon" một cách đầy say mê.

Song, mọi chuyện dường như đã không chỉ dừng lại ở mức độ bình thường đó mà đã đi quá giới hạn thực sự. Những bức ảnh được san sẻ trên mạng xã hội về mấy ngày mưa bão vừa qua, thanh niên Việt Nam mặc áo mưa, cầm ô đứng giữa trời mưa bão bắt pokemon đã khiến chúng ta rùng mình. Có gì đó rất khác trong những hình ảnh ấy. Nó đã không còn là say mê một trò chơi nữa rồi mà bắt đầu trở nên mê muội một cách xuẩn ngốc.

Câu hỏi lớn ở đây là tại sao cũng yêu mến những nét đặc trưng văn hóa đương đại Nhật Bản như vậy mà những bạn trẻ nước ngoài không mê muội đến mức như thế? Câu trả lời thực sự quá đơn giản. Trong một xã hội có mặt bằng, nền tảng văn hoá vững chắc, con người ta không dễ gì trở thành nô lệ cho một trò chơi mà thay vào đó, họ vẫn luôn giữ vững vai trò chủ nhân của trò chơi ấy. Còn ở Việt Nam thì sao? Chúng ta quá dễ dàng trở thành nô lệ cho một sản phẩm nào đó, một cách tự nguyện, và phi ý thức.

Người phương Tây rất lạ, có những người đã vào tuổi 40 nhưng vẫn thích sưu tầm những hình nộm siêu nhân như ngày họ còn thơ bé. Số đó hiếm hoi nhưng cơ bản, dù vậy, họ vẫn biết đặt các ưu tiên trong cuộc sống để hiểu rằng thứ để tiêu khiển luôn chỉ để tiêu khiển.

Với họ, họ chơi trò chơi chứ không để trò chơi "chơi" lại mình. Còn ở Việt Nam hôm nay thì ngược lại hoàn toàn. Và cũng đừng trách thanh thiếu niên dù họ chiếm đa số trong những kẻ kỳ dị ấy. Đơn giản, hãy dừng lại giữa một công viên nào đó, và bạn sẽ thấy, có cả những người trung niên vội vội vàng vàng dừng lại bắt một con pokemon như thể đó là một cơ hội đổi đời mà vuột một lần là mãi mãi.

Văn Đoàn
.
.