Bệnh "xin ý kiến" và "đúng quy trình"

Thứ Bảy, 17/12/2016, 08:01
Mặc dù diễn ra quá chậm, nhưng dù sao việc xây dựng Chính phủ điện tử đã giảm thiểu rất nhiều thời gian khi cán bộ thay vì phải đi giao ban, họp hành, tốn kém chi phí giao thông, ăn ở thì lên trang điện tử lấy thông tin, giao lưu trực tuyến là xong… Riêng bệnh "xin ý kiến và đúng quy trình" thì chưa thuyên giảm được mấy...


Gần hai thập niên loay hoay, lúng túng, quá trình xây dựng Chính phủ điện tử cũng đã hoàn tất. Chính phủ mà mọi hoạt động của nhà nước được thay đổi theo một khái niệm hoàn toàn mới, chính phủ đó gần và thuận lợi với công dân hơn, bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mọi quan hệ giữa chính phủ và công dân bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với chính phủ; một chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Mặc dù diễn ra quá chậm, nhưng dù sao việc xây dựng Chính phủ điện tử đã giảm thiểu rất nhiều thời gian khi cán bộ thay vì phải đi giao ban, họp hành, tốn kém chi phí giao thông, ăn ở thì lên trang điện tử lấy thông tin, giao lưu trực tuyến là xong… Riêng bệnh "xin ý kiến và đúng quy trình" thì chưa thuyên giảm được mấy. Hình như nó đã thành bệnh kinh niên từ bao năm nay, thấm vào trong tư duy trì trệ lười biếng, ỷ lại của lãnh đạo, công chức. Trong một thế giới chuyển biến từng ngày, "thời gian là tiền bạc", nếu không sớm thay đổi sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước.

Tôi có anh bạn từng làm Bí thư Tỉnh ủy của một tỉnh nọ gần hai khóa. Trong lúc nâng lên, đặt xuống hơi "tây tây" men rượu khi bạn bè hỏi: "Điều gì ông thấy sợ nhất khi làm lãnh đạo?". Anh thực lòng nói: "Sợ nhất bệnh họp và bệnh xin ý kiến". Vì sao ư?

Các bạn tính hộ tôi xem: Mỗi tháng làm việc từ 24 - 26 ngày, chỉ đọc công văn giấy tờ trên gửi về, dưới trình lên cũng đủ hoa mắt. Hồi còn học ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nếu tôi nhớ không nhầm thì hằng tháng các cơ quan tỉnh trung bình nhận được chừng 8.000 văn bản các loại từ các cơ quan Trung ương, đồng thời cũng phát đi chừng nấy văn bản xuống cấp dưới và các địa phương?

Thế mà ngày nào cũng có giấy mời dự các cuộc họp lớn nhỏ. Từ sơ kết, tổng kết, nhận huân Huy chương, Bằng khen, khởi công và nghiệm thu công trình, dự án vv… Cuộc nào cũng quan trọng, đều gửi đích danh Bí thư, Chủ tịch đến dự mới "oai".

Ảnh có tính chất minh họa. (Nguồn: Internet).

Để qua truyền hình, báo chí mới phô trương được thành tích của mình cho các đơn vị khác và nhân dân biết. Đi nơi này, không đến nơi kia thì ỳ xèo cho rằng bên trọng, bên khinh. Một tỉnh có hàng chục huyện trở lên, bao nhiêu ban ngành đoàn thể, các hội làm vườn, người mù tàn tật, chất độc da cam… Rồi còn việc đón đoàn Trung ương xuống thăm và làm việc với địa phương trong tỉnh. Thế là hết tháng, còn được mấy thời gian mà nghiên cứu, chỉ đạo triển khai chủ trương, chính sách, chỉ thị của cấp trên và xây dựng chính sách đặc thù của địa phương?

Tôi chêm vào: "Ấy là chưa kể vài chuyến đi thăm thú, thư giãn ở nước ngoài và các tỉnh bạn để "học hỏi kinh nghiệm mà chẳng áp dụng được gì" nữa chứ?". Anh bạn "lãnh đạo" của tôi cười xòa thân thiện. Khi đã về làm thường dân mới được sống thật, nói thật, gần gũi quần chúng như thế - chứ khi còn đương chức thì kín cổng, cao tuờng, canh gác kỹ khó mà gặp được. Thế mới gọi là "quan cách" - tức là đã làm quan phải có khoảng cách với thường dân?

Trong cuộc họp giao ban đánh giá tình hình kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu trời về bệnh "xin ý kiến chỉ đạo, đùn đẩy công việc" lên cơ quan Chính phủ. Đã phân cấp và quy định thẩm quyền giải quyết các lĩnh vực cho UBND tỉnh nhưng các Phó Thủ tướng, Thủ tướng vẫn nhận được nhiều văn bản trình lên xin ý kiến. Như vậy "bệnh xin ý kiến" vẫn chưa chuyển được bao nhiêu? Từ đó nhìn ra, trong cơ chế bộ máy nhà nước hiện nay, bệnh này cũng phổ biến trong các cơ quan quyền lực cao nhất.

 Căn nguyên của thứ bệnh này từ đâu? Mới nhìn dễ lầm tưởng là cấp dưới rất tôn trọng cấp trên? Nhưng thực chất là vấn đề cán bộ lãnh đạo các cấp ỷ vào cấp trên, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm. Nói thẳng ra là sự yếu kém, không quyết đoán, sợ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp nên mới xảy ra chuyện "xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên". Vì sao năng lực cán bộ lãnh đạo yếu kém?

Vì từ khâu tuyển vào, thăng chức, đề bạt, bổ nhiệm… không chọn người tài mà chọn người nhà, người thân, người cùng "cánh hẩu" - dù những thành phần này không có chuyên môn nghiệp vụ, chưa trải qua kinh nghiệm thực tiễn, thiếu đạo đức, bản lĩnh lãnh đạo và không có uy tín trong cơ quan, đơn vị. Do đó loại cán bộ lãnh đạo này không nắm vững và hiểu thấu đáo các chủ trương, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật, quy định, quy chế… nên luôn lo sợ sai sót, không tự tin giải quyết các vấn đề, công việc được giao phó.

Thế thì tốt nhất là cứ "xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên" cho "ăn chắc", lại đỡ tốn công tìm tòi các văn bản liên quan phức tạp. Đỡ đau đầu, lo lắng? Đó là thứ quan lãnh đạo đã yếu kém lại lười biếng, quen "ăn sẵn", không chịu học tập, nghiên cứu  nâng cao kiến thức, trình độ để đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Trong cơ quan bộ, ngành tương đương - tầng lớp trung gian như dân thường gọi là cấp Cục, Vụ, Viện, Ban (Đảng - có vai trò rất quan trọng. Bởi họ nhận chỉ đạo của cấp trên và trực tiếp soạn thảo các loại văn bản: Từ chủ trương, chính sách, thông tư, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật… của Đảng và Nhà nước. Và người soạn thảo là chuyên viên, công chức phải ký nháy, ký tắt dưới dòng cuối cùng văn bản để có cơ sở truy cứu trách nhiệm, đổ lỗi nếu có sai sót xảy ra, hay bị cấp trên chất vấn?

Văn bản trình lên cấp trên thứ tự từ Thứ trưởng, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng được phân công phụ trách rồi lên Thủ tướng. Nếu cấp trên không vững chuyên môn, không xem xét kỹ, thiếu trách nhiệm, chỉ sửa vài từ ngữ rồi ký trình tiếp… khi ban hành có sai sót sẽ gây tác hại to lớn trong thực tiễn, tổn thất cho các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước. Ngay các văn bản đã ban hành cũng phải thường xuyên kiểm tra khi đã đi vào cuộc sống để đối chiếu xem sơ hở, có hiệu quả với thực tiễn không?

Nếu cứ ngồi trên bàn giấy ung dung vì đã có văn bản hướng dẫn, khi xảy ra sự cố mới điều chỉnh, bổ sung thì đã quá muộn. Thế mới có chuyện thực hiện "đúng quy trình" vẫn xảy ra các sự cố trầm trọng như loạt cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm tại Bộ Công thương thời ông Vũ Huy Hoàng làm bộ trưởng.

Mặt khác, nhiều khi cán bộ lãnh đạo không phải do nhận thức yếu kém, chưa đầy đủ vấn đề. Họ thừa biết, nhưng do muốn ăn đút lót, biếu xén, móc ngoặc với nhau để trục lợi nên tìm kẽ hở văn bản -  hoặc táo tợn hơn là chế biến thêm ngoài quy chế, quy định mà không báo cáo với cấp trên. Thế mới có chuyện vừa qua, mánh lới này bị "lật tẩy".

Một loạt cán bộ lãnh đạo từ ông Phó Trưởng ban Thường trực đến lãnh đạo cấp vụ, chuyên viên, công chức liên quan của Ban Tổ chức Trung ương bị kỷ luật. Thật may nếu báo chí không phát hiện ra vụ Trịnh Xuân Thanh từ chiếc xe tiền tỷ anh ta chơi ngông, đánh bóng cá nhân thì anh ta còn leo cao, tiến xa nữa. Đấy là ví dụ tiêu biểu nhất về việc "bổ nhiệm đúng quy trình"; "cháy nhà mới ra mặt chuột".

Qua sự kiện đó cho thấy, trong nhiều sự việc, cơ quan chức năng luôn bị động giải quyết "chuyện đã rồi". Các cụ xưa gọi là "vuốt đuôi lươn". Thế là Bộ Nội vụ và cơ quan liên quan mới cuống lên xem lại các văn bản để sửa sai, điều chỉnh, bổ sung nhằm lấp kín các kẽ hở dễ bị lợi dụng. Điều đó càng cho thấy các quy định, quy trình quan liêu soạn trên bàn giấy xa rời thực tiễn, không còn phù hợp với thực tiễn?

Sinh thời, Bác Hồ đã nhấn mạnh việc thành bại trong công tác cách mạng  trước hết từ cán bộ mà ra. Cán bộ giỏi thì thành công to và ngược lại. Nếu có đội ngũ cán bộ lãnh đạo thông thạo việc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm chính, hết lòng vì dân, đặt quyền lợi của đất nước trên lợi ích cá nhân chắc chắn sẽ không có những sai phạm nghiêm trọng đã và đang xảy ra. Một nền hành chính minh bạch, trong sạch sẽ không có chỗ cho những kẻ cơ hội, tham nhũng, buôn bán quyền lực có cơ sống sót.

Trong bối cảnh thế giới chuyển động từng giờ, thách thức và cơ hội đan xen, nếu còn những rơi rớt của cơ chế "xin - cho"; không có đội ngũ lãnh đạo, chuyên gia giỏi có tầm quốc tế thì đừng hy vọng cải tiến, cải tổ, cơ cấu lại nền kinh tế; đừng hy vọng nắm bắt được thời cơ và hội nhập sâu vào quốc tế để mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân và đất nước - mà có khi ngược lại, biến đất nước thành sân chơi cho các quốc gia - còn mình thì thua "chỏng gọng" ngay trên sân nhà…

Đinh Đức Cần
.
.