Bệnh sính nghệ danh ngoại

Thứ Sáu, 11/03/2011, 08:28
Những người tổ chức "Album Vàng" quyết định giới thiệu tên tuổi ca sĩ góp mặt trong chương trình bằng nghệ danh thuần Việt như Nguyễn Tuấn Anh (thay cho Wanbi Tuấn Anh), Trúc Lân (thay cho Nathan Lee) đã khiến giới nghệ sĩ phải ngạc nhiên khó xử, còn khán giả thì ngạc nhiên thú vị...

Lâu nay dư luận đã không mấy đồng tình với chuyện nghệ sĩ lấy nghệ danh nửa giống Tây nửa giống Tàu, nhưng về mặt luật pháp thì vẫn chưa có văn bản nào qui định cụ thể. Cách làm của ê-kíp thực hiện "Album Vàng" rất đáng để những cơ quan quản lý văn hóa tham khảo và có cách giải quyết hợp tình hợp lý.

Chọn lựa nghệ danh có thể xem như một quyền lợi của giới nghệ sĩ. Có người vì tên gọi trên giấy khai sinh không được đắc dụng lắm, có người vì một kỷ niệm tạc dạ hay một gửi gắm ân nghĩa nhất định, đã xuất hiện trước công chúng với nghệ danh nào đó. Công chúng có thể nhìn vào nghệ danh để phán đoán về năng lực thẩm mỹ hoặc quan điểm cống hiến của nghệ sĩ. Tuy nhiên, cái nghệ danh dù bay bổng hay nồng nàn như thế nào cũng không thể thay thế cho cái tài, cái tình của nghệ sĩ trong sự nghiệp nghệ thuật. Không vì bất cứ nghệ danh nào mà ca sĩ hát dở được xem như ca sĩ hát hay, mà cũng không vì bất cứ nghệ danh nào mà diễn viên bình thường được xem như diễn viên xuất sắc. Hơn nữa, không vì nghệ danh không mang yếu tố Việt Nam mà đẳng cấp của nghệ sĩ bỗng dưng mang tầm quốc tế. Mặt khác, nói ra tương đối phũ phàng, điểm danh những nghệ sĩ hàng đầu nước ta hiện nay đều không thấy nghệ danh ngoại nào.

Theo sự phát triển trăm hồng ngàn tía của đời sống nghệ thuật, các loại nghệ danh lạ lẫm thi nhau xuất hiện. Na ná Tàu thì có Ưng Hoàng Phúc, Vân Quang Long hoặc Nhất Thiên Bảo. Từa tựa Tây thì có Baby J hoặc Akira Phan. Và nửa ngoại nửa nội thì có Noo Phước Thịnh hoặc BB Phạm. Có lẽ đó là cách tạo sự chú ý được nghệ sĩ coi như hữu hiệu cho quá trình chinh phục giới mộ điệu mà chưa kịp chuẩn bị đầy đủ bản lĩnh nghệ thuật chăng? Nếu trách móc hay phê phán thì e rằng quá khắt khe với nghệ sĩ, chỉ xin nhắc vài ví dụ nho nhỏ. Khi vào chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2004, nhiều người khuyên thí sinh Nguyễn Thị Huyền nên đổi thành Nguyễn Thu Huyền cho sang trọng, nhưng Nguyễn Thị Huyền kiên quyết giữ tên cha mẹ đặt cho, kết quả nhan sắc của cô vẫn đăng quang và tỏa sáng đến hôm nay. Tuy tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thanh, nhưng ca sĩ Khánh Ngọc được yêu thích nhờ giọng hát chứ đâu phải nhờ nghệ danh. Còn diễn viên Lý Nhã Kỳ quen thuộc với người dân khắp nơi nhờ những vai diễn trên phim và những hoạt động từ thiện, chứ đâu phải do chối từ... tên thật Trần Thanh Nhàn!

Đã có đâu đây quan niệm, bây giờ hội nhập toàn cầu, nghệ sĩ cũng cần có nghệ danh dễ nhớ dễ gọi với bạn bè thế giới. Không phải hoàn toàn vô lý, nhưng những nghệ sĩ Việt Nam được đánh giá cao tại vài quốc gia khác như Đặng Thái Sơn hay Đặng Nhật Minh có cần nghệ danh ngoại đâu. Xin các nghệ sĩ có khát vọng vươn ra biển lớn hãy yên tâm, khi nào rèn luyện được tài năng vượt trội như Thành Long (tên khai sinh là Trần Cảng Sinh) thì lấy thêm nghệ danh Jackie Chan cũng chưa muộn!

Lê Thiếu Nhơn
.
.