Bên trong và khoảng khuất của biệt phủ

Thứ Hai, 13/11/2017, 08:01
Từ khi những biệt Phủ xuất hiện, dư luận cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi: Ai là người sống trong các biệt Phủ? Tiền bạc từ đâu mà họ xây được biệt Phủ? Đương nhiên sống trong đó phải là người giàu có dư tiền bạc - thậm chí rất nhiều tiền vàng...


Biệt phủ xưa và nay

Nói tới khái niệm Phủ trong quan niệm của người dân là hai nơi có công năng khác nhau: 1. Phủ là nơi làm việc của Quan Tuần phủ thời phong kiến - tương đương với Chủ tịch UBND tỉnh ngày nay - nơi cơ quan hành chính thực thi luật lệ của một tỉnh. 2. Phủ là không gian tôn giáo linh thiêng - nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng xã hội để mọi người đến cầu khấn (Phủ Dày ở Nam Định, Phủ Tây Hồ Hà Nội v.v...).

Phủ loại thứ nhất rất oai nghiêm, có lính canh bảo vệ, nên chẳng ai muốn vào cái nơi đáng sợ ấy - khi người dân có oan sai, khiếu kiện việc gì mới đến cửa quan. Khi được gọi lên "hầu quan", người dân nem nép, trong lòng lo lắng vì người ngồi bên trong tòa hành chính là người đầy thế lực, có quyền sinh quyền sát số mạng họ.

Tôi không nhớ rõ lắm anh Pha hay chị Dậu khi vào cửa quan sợ quá lúng túng không biết để cái nón mê của mình (nón mất vành, rách và méo mó) vào đâu? Tâm lý tự ti của người dân lam lũ xưa là hậu quả của 1.000 năm phong kiến nhà Hán và gần trăm năm thực dân Pháp đô hộ. Tâm lý ấy vẫn tồn tại đến tận bây giờ - ở không ít nơi cán bộ hống hách, hạch sách nên dân rất ngại đến phường, quận?

Phủ loại thứ hai nghiêm trang chứ không oai nghiêm. Khi người dân đến phải ăn mặc kín đáo, sạch sẽ; nói năng nhỏ nhẹ, đi lại nhẹ nhàng với thái độ tôn kính. Vì bên trong là nơi thờ tự những bậc thánh thần, thế lực siêu nhiên có quyền năng chi phối cuộc đời - thậm chí là sự sống, cái chết (thánh vật) của họ. Nghèo khó, đau ốm, oan ức, hoạn nạn, lỗi lầm… đều có thể đến cầu thánh thần phù hộ độ trì giải oan, xá tội; cầu sức khỏe, bình an, con cái lớn khôn thành đạt, làm ăn tấn tới… Phủ loại này mang nặng tính tâm linh.

Dư luận xôn xao về ngôi "biệt phủ" hoành tráng, nằm giữa rừng cây xanh ven sông, luôn đóng kín cửa ở Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.

Ấy vậy mà hơn chục năm lại đây, nhiều người lạm dụng khái niệm Phủ. Xây cất những tòa nhà to lớn, hoành tráng rồi tự xưng danh là... Phủ. Thôi thì đủ các kiểu cách kỳ lạ. Cái thì bắt chước các đình chùa xưa, cũng mái cong, mái đao lợp ngói vảy cá; cái thì chóp nhọn như nhà thờ thiên chúa giáo; cái thì mái vòm chóp quả lê quả táo như các thánh đường hồi giáo. Các công trình phụ trợ xung quanh mới đồ sộ vẽ vời ghê gớm: Từ nhà từ đường để thờ tự, nhà sinh hoạt, khu vui chơi ngắm cảnh có cả cầu Kiều cong cong vắt qua hồ nước, hoa thơm cỏ lạ, cây trồng đều cỡ vài trăm triệu đến tiền tỷ… trên khu đất rộng hàng vạn mét vuông.

Quy mô và độ hoành tráng vượt xa các Phủ ngày xưa, và hơn cả trụ sở làm việc của Tỉnh trưởng ngày nay. Các "Phủ" này hoàn toàn xa lạ, chẳng liên quan gì tới công năng như hai loại Phủ nói trên. Người sở hữu nó là cá nhân, chỉ phục vụ cho riêng chủ nhân và gia đình họ, đồng thời có ý muốn khoe với thiên hạ về sự thành đạt, giàu có của mình.

Mới nhất gần đây là phủ của ông Giám đốc sở Tài nguyên môi trường Yên Bái (em ruột bà Bí thư tỉnh ủy Yên Bái). Trước nữa là biệt Phủ của đại gia vàng trên chót vót đỉnh đèo Hải Vân, của Trịnh Xuân Thanh trên núi Tam Đảo… và nhiều biệt thự to đùng không kém biệt Phủ của các quan to khắp Bắc, Trung, Nam không khó tìm.

Bên trong biệt phủ

Từ khi những biệt Phủ xuất hiện, dư luận cũng bắt đầu đặt ra câu hỏi: Ai là người sống trong các biệt Phủ? Tiền bạc từ đâu mà họ xây được biệt Phủ? Đương nhiên sống trong đó phải là người giàu có dư tiền bạc - thậm chí rất nhiều tiền vàng.

Người sống trong đó về tổng quát chia ra hai nhóm: 1. Họ là nhóm người có vị trí, thế lực chính trị, nắm giữ những vị trí, lĩnh vực liên quan tới kinh tế và chính trị để lợi dụng, câu kết với bên ngoài nhằm tham nhũng trục lợi cá nhân; là các phần tử phất lên nhờ làm ăn phi pháp; các đại gia ngân hàng, là đám buôn bán ma túy (như tên tội phạm người H'Mông Tàng Keng Nam), hàng lậu, hàng giả… mà báo chí đã liên tục phát hiện và luật pháp đã và đang thực thi qua các vụ án nổi đình đám. 2. Các doanh nhân làm ăn chính đáng, sản xuất kinh doanh giỏi.

Với nhóm người thứ 2 khỏi phải nói nhiều. Sự giàu có của họ là kết quả của trí tuệ, công sức, mồ hôi nước mắt mới có được. Điểm đáng quý, đáng trân trọng là họ không chỉ nghĩ và làm giàu cho riêng mình mà có những đóng góp đáng kể cùng nhà nước, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc như: xóa đói giảm nghèo, ứng cứu lũ lụt thiên tai, công tác từ thiện, hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, người tàn tật, giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động thất nghiệp…

Dù có làm nhà to, biệt phủ của họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng bởi tài năng thực sự, công sức, thành quả lao động chân chính của mình. Họ là những người có tư cách đạo đức, có tấm lòng nhân ái được cả xã hội yêu mến, trân trọng và biết ơn.

Loại người thứ nhất thì chắc chắn xã hội không dành cho sự tôn trọng - mà ngược lại bị lên án, phỉ nhổ. Họ là công bộc của dân nhưng không đủ nhân cách đạo đức của người công dân chân chính. Với họ, lòng tự trọng, sự hổ thẹn, sự khiêm tốn là thứ xa xỉ, họ luôn vênh váo ta đây hơn người. Họ là những kẻ háo danh, coi trọng vật chất, tự huyễn hoặc mình rằng có biệt phủ to đồng nghĩa với tầm vóc họ trong xã hội rất to.

Do trình độ văn hóa thấp, họ không hiểu được biệt Phủ, ngôi nhà to không làm nên giá trị con người, giá trị văn hóa của xã hội, cho một quốc gia dân tộc. Ngày xưa Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sống trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ - thậm chí lều cỏ - không chỉ làm nên giá trị văn hóa dân tộc, mà còn có sức lan tỏa ở tầm quốc tế, được nhân loại tôn vinh.

Khoảng khuất của biệt phủ

Tự thân những biệt phủ và chủ nhân của nó đã thể hiện sự méo mó về thẩm mỹ, văn hóa, xuống cấp về đạo đức. Nó là kết quả của một quá trình lâu dài. Thứ văn hóa phô trương, coi trọng hình thức đâu đâu cũng có thể nhìn thấy: trong giáo dục, khoa học nhân văn (phong Giáo sư, Tiến sỹ tràn lan), trong sản xuất, công tác, phong trào thi đua, hoạt động xã hội.

Đó là thứ "văn hóa bệnh tật" như loại vi rút nguy hiểm có sức lây nhiễm siêu tốc - đặc biệt đối với lớp trẻ. Nếu không sớm giáo dục, chấn chỉnh, sửa những sai sót, nó sẽ phá hỏng xã hội và con người. Đó là một bộ phận người nhìn đâu cũng thấy tham nhũng (không to thì nhỏ), làm ăn gian dối, buôn gian bán lận, trốn thuế, lừa đảo… nhờ đó mà giàu có.

Tham nhũng, buôn gian bán lận, dối trá để kiếm tiền, làm giàu bất chính của những kẻ bất tài, trình độ kém, nhưng nhờ chạy chọt quyền chức, lợi dụng quyền chức mà có được khối tài sản khổng lồ. Họ là nhóm người "bệnh hoạn" về đạo đức, văn hóa, đang cổ súy cho lớp trẻ sẵn sàng làm bất cứ việc gì, bất cứ cách nào để có tiền.

Trên thực tế đã chứng minh, từ các vụ án kinh tế hàng nghìn tỷ đồng, buôn bán bằng học thức giả, thuốc giả, lụa giả, thực phẩm bẩn… cốt là mang lại tiền bạc, lợi ích cho mình - còn hậu họa mà họ gây ra cho xã hội thế nào không cần quan tâm suy nghĩ.

Ta đang sống trong một xã hội mà sự xuống cấp đạo đức mang tính phổ biến. Nguyên nhân sâu xa cho sự xuống cấp đạo đức trên phải kể đến  nền giáo dục. Một thời gian quá lâu trong nhiều thập kỷ, giáo dục chỉ chú trọng, ganh đua về kết quả học tập của học sinh mà quên đi giáo dục nhân cách, đạo đức con người. Giáo dục con người mới là điều chính yếu của một nền giáo dục có văn hóa.

Chúng ta đã quen với bệnh thành tích mà bao nhiêu lần cố sửa vẫn chưa sửa được. Một nền giáo dục thiếu trung thực, chệch hướng sẽ đẻ ra những con người dối trá, gian lận là hệ quả tất yếu. Đạo đức con người là vấn đề cốt lõi của giáo dục làm nên một xã hội minh bạch, lành mạnh và phát triển. Những người tài mà không có đức lại đặt ở vị trí, lĩnh vực quan trọng, quyền chức càng to thì những hành động, việc làm sai trái của họ gây thiệt hại càng lớn, sức tàn xã hội phá càng ghê gớm.

Để chữa những bệnh tật, lệch lạc, điều chỉnh về đạo đức, văn hóa đưa vào nền nếp, chuẩn mực, thực chất - không chỉ có nhà nước, các cấp chính quyền - mà phải là cả hệ thống chính trị, cả mọi tầng lớp nhân dân chung tay mới có thể làm được. Mừng thay khi những kẻ ngồi trong các biệt phủ, biệt thự đang lần lượt phơi mặt trước bàn dân thiên hạ qua các vụ án lớn gần đây. Điều chúng ta mong muốn đang hé mở, thắp lên hy vọng về một xã hội minh bạch, phát triển, văn minh.

Lưu Chí Thiện
.
.