Bây giờ tôi lại đến đây...

Thứ Hai, 17/05/2010, 14:05
Nhân đọc bài thơ "Mùa hè trên vạt cỏ" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều).

Bây giờ tôi lại đến đây
Dưới vòm cây cũ rung đầy tiếng ve
Ngồi trên vạt cỏ lặng nghe
Bàn chân thuở ấy vọng về hè ơi
Nhớ thời phượng cháy trong tôi
Tiếng ve nhiều quá rối bời tóc em
Nhớ thời hè chẳng lặng êm
Cả trên đôi cánh chuồn mềm gió trưa 

Nhớ thời trong buổi tiễn đưa
Tiếng bom lẫn tiếng sấm mưa cuối ngày
Từ trên vạt cỏ xanh này
Nụ hôn cùng với vết giày đi xa 

Bao mùa hè đã trôi qua
Đời ve lột xác để mà gọi nhau
Có gì như một nỗi đau
Cứa trên lá cỏ gãy nhàu trưa nay. 

Bây giờ tôi lại đến đây
Đi tìm em của những ngày chiến tranh
Tìm trên vạt cỏ xanh xanh
Có dăm vỏ lạc yên lành nằm mơ 

Bao người lại đến bây giờ
Để ngồi lên cỏ sững sờ mê say
Em ơi mỗi cuộc đời này
Nụ hôn cùng với vết giày mãi in

Dưới bài thơ, tức là sau cái "dấu giày mãi in" ấy, tác giả có ghi thêm một dòng: Công viên Lênin 1985. Hẳn những kỷ niệm ban đầu anh gắn với công viên này khi nó còn tên gọi công viên Thống Nhất kia.

Thuở ấy, nhiều đôi trai gái đã đưa nhau vào đây và công viên được xem là môi trường đẹp cho những biểu hiện tình yêu. Những câu hát "Nhớ về Hà Nội" của Hoàng Hiệp vẫn còn lưu giữ cho chúng ta những nét son tươi: Nhớ những công viên vừa mới xây/ Bước chân em chưa mòn lối. Công viên vừa mới xây, nhưng cái chính là tình yêu cũng vừa mới xây, nên bước chân họ còn đầy e ấp (thơ Nguyễn Duy: Em đi tiễn bước chân gìn giữ lắm). Và bởi thế, tiếng bước chân đồng thời cũng là tiếng vọng đầu tiên trong trái tim nhà thơ khi anh hồi cố lại "một thời":

Bàn chân thuở ấy vọng về hè ơi
Đó là một thời thực sự chẳng yên bình:
Tiếng bom lẫn tiếng sấm mưa cuối ngày


Một thời với những sắc màu ám ảnh trong tâm trí người đi:

Nhớ thời phượng cháy trong tôi
Những âm thanh làm thảng thốt lòng người ở:
Tiếng ve nhiều quá rối bời tóc em

Những cánh chuồn mỏng manh mà nặng trĩu dự cảm "thời tiết", là bóng dáng của những lo âu:

Nhớ thời hè chẳng lặng êm
Cả trên đôi cánh chuồn mềm gió trưa

Chia tay nhau trong bối cảnh đất nước chiến tranh, hẳn mọi sự đều phải diễn ra thật khẩn trương. Nhà thơ nhớ lại từ đây:

Từ trên vạt cỏ xanh này
Nụ hôn cùng với vết giày đi xa

Phải chăng câu hỏi sẽ được đặt ra: "Nụ hôn" và "vết giày", tất cả chỉ có thế thôi ư? Có thể diễn biến cuộc chia tay còn nhiều hơn, nhưng tác giả chỉ muốn nhắc, muốn nhớ đến hai chi tiết ấy. Cuộc chia tay trong bài thơ "Tình ca nhỏ ở Plôđip", Nicôla Ghiden (nhà thơ Cuba) cũng kết thúc bằng chi tiết:

Một cánh tay ngà một nét hôn thôi
Và không gì nữa

Vả chăng, còn gì nữa kia chứ: Nụ hôn in dấu lên môi/ Vết giày in dấu xuống nơi hẹn hò. Một cái hôn tạm biệt (có thể là vĩnh viễn), một dấu giày để lại ở đây, cũng như một cái hôn nồng nàn, một cánh tay quàng âu yếm trong thơ Ghiden đều là những ấn tượng không thể phai mờ trong tâm trí tác giả. Bởi vậy mà hôm nay, khi đặt chân lên thảm cỏ công viên, trong sự tái sinh tìm kiếm: Đời ve lột xác để mà gọi nhau, anh không khỏi xa xót:

Có gì như một nỗi đau
Cứa trên lá cỏ gãy nhàu trưa nay

Anh muốn gửi tới người năm nao:

Em ơi mỗi cuộc đời này
Nụ hôn cùng với vết giày mãi in

Ta hiểu: Thảm cỏ bây giờ không lưu lại được vết giày, nhưng những thảm cỏ xanh trong tâm hồn đôi lứa buổi ấy sẽ mãi mãi còn lưu dấu vết cuộc chia ly. Đất giữ gìn cho cỏ/ Cỏ giữ gìn cho tôi (thơ Thạch Quỳ). Chúng tôi cũng như nhà thơ, dù đau xót vẫn luôn tin vào điều ấy.

"Mùa hè trên vạt cỏ" là một trong hai bài lục bát Nguyễn Quang Thiều đưa vào tập "Ngôi nhà mười bảy tuổi". Nói chung, anh ít viết thể thơ này, nhưng theo tôi "quan sát" thì khi đã viết anh viết rất chắc. Bằng chứng là cả hai bài trong tập thơ tôi vừa nhắc ("Mùa hè trên vạt cỏ" và "Bây giờ đang cuối mùa đông") đều có thể xếp vào loại thơ hay. Tôi vốn là người viết nhiều về tiếng ve, mà khi gặp những câu:

Bao mùa hè đã trôi qua
Đời ve lột xác để mà gọi nhau

cũng không khỏi giật mình. Giật mình như chính một lần tôi đọc được câu thơ Nguyễn Trác khi anh nói về tiếng ếch: Và ếch nhái vẫn như muôn thuở/ Gọi nhau mà không thấy mặt nhau. 

Bài thơ của Nguyễn Quang Thiều bất giác làm tôi nhớ tới Xuân Diệu khi từng có lần ông nhắc nhở anh em làm thơ trẻ: Nên vỡ lòng lót dạ bằng những vần điệu truyền thống (như bát cơm cho ấm bụng) rồi sau có "nem công chả phượng"... thơ tự do có vần và thơ tự do không vần, thì tùy

Hà Khải Hưng
.
.