Bảo vệ di sản: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Thứ Năm, 23/07/2020, 15:08
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc nhà thờ Bùi Chu cuối cùng cũng đã bị hạ giải sau nhiều lần trì hoãn. Cùng thời điểm đó, công trình sai phạm trên đỉnh Mã Pì Lèng mang tên Panorama cũng đang được tháo dỡ bớt 1 tầng nổi trên mặt đất. Hai câu chuyện buồn liên quan đến di sản này, một lần nữa trở thành hồi chuông cảnh báo hiện tượng "mất bò mới lo làm chuồng" trong công tác bảo vệ di sản văn hóa ở Việt Nam.


Ngậm ngùi nhìn di sản biến mất?

Theo thông tin từ báo chí, việc hạ giải nhà thờ Bùi Chu đã diễn ra vào sáng 17-7-2020 sau nhiều lần trì hoãn và nỗ lực tìm phương cách "giải cứu" từ các kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, giới họa sĩ... Ai cũng ngậm ngùi, tiếc nuối cho một công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc chứa đựng trong nó cả một câu chuyện đẹp về văn hóa - lịch sử ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ cuối cùng đã chỉ còn lại trong ký ức. 

Thực tế, các công trình liên quan đến tôn giáo như nhà thờ Bùi Chu khi chưa được công nhận là Di sản văn hóa thì không chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản. Bởi thế, việc giữ lại hay hạ giải nhà thờ chỉ phụ thuộc vào nguyện vọng của giáo dân và những người đứng đầu giáo phận đó mà thôi. 

Và điều này hẳn khiến nhiều người tiếc nuối, bởi lẽ nếu một công trình kiến trúc đặc sắc như nhà thờ Bùi Chu được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia, thì việc tu sửa nhà thờ làm sao để bà con giáo dân hành lễ được an toàn mà vẫn giữ lại được một công trình mang dấu ấn thời gian - dẫu là một việc làm khó khăn - nhưng chắc hẳn sẽ tìm ra cách giải quyết. 

Đây quả là một kết cục buồn cho những người quan tâm đến việc bảo vệ di sản, nhưng đồng thời cũng là một bài học đắt giá cho công tác quản lý - bảo vệ di sản ở Việt Nam. Sẽ còn nhiều công trình có giá trị như nhà thờ Bùi Chu vĩnh viễn mất đi, nếu công tác bảo vệ di sản không được làm kịp thời, giống như câu chuyện "mất bò mới lo làm chuồng" mà dân gian vẫn kể.

Nhà thờ Bùi Chu có tuổi đời 135 năm bắt đầu được tháo dỡ từ hôm 17-7-2020.

Thời gian qua, công chúng cũng tỏ ra hết sức quan tâm đến việc hơn 600m tranh tường thuộc con đường gốm sứ Hà Nội cũng sẽ bị phá dỡ để phục vụ cho việc mở rộng tuyến đường của thành phố. 

Nhiều ý kiến băn khoăn tiếc nuối, những chia sẻ đau đáu tâm tư của họa sĩ Thu Thủy - mẹ đẻ của con đường gốm sứ - khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối, xót xa. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có giải pháp nào khả quan được đưa ra để bảo tồn đoạn đường gốm sứ vốn đã khiến bộ mặt của đoạn đê Yên Phụ thay đổi từ khi nó xuất hiện 10 năm nay và được tổ chức Guinness thế giới ghi nhận là "Bức tranh gốm sứ dài nhất thế giới". 

Đây cũng là một kết cục đáng buồn trong câu chuyện mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển vốn luôn song hành tồn tại trong đời sống, đó là: nhiều khi người ta phải cay đắng, ngậm ngùi nhìn một di sản hay công trình văn hóa biến mất... Giá như thành phố có những quy hoạch kiến trúc - giao thông đô thị sớm hơn, có tầm "nhìn xa trông rộng" hơn, thì chắc hẳn những chuyện buồn như thế này sẽ không tái diễn.

Số phận chìm nổi của 2 bức phù điêu

Không chỉ buồn vì hơn 600m con đường gốm sứ sắp bị xóa sổ, cuối năm 2019, dư luận, báo chí và giới họa sĩ từng lên tiếng mạnh mẽ phản đối việc 2 bức tranh tường thuộc dòng tranh nghệ thuật hoành tráng có lịch sử gần 40 năm và chứa đựng một phần ký ức của Hà Nội nằm ở ngã tư chợ Mơ (mặt phố Minh Khai cắt Bạch Mai), có khả năng bị đập bỏ vì nằm trong khu vực khoanh đỏ của dự án đường vành đai 2, đoạn qua Bạch Mai - Minh Khai. 

Ra đời trong những năm 80 của thế kỷ trước, 2 tác phẩm hiếm hoi còn lại do họa sĩ tranh cổ động nổi tiếng Trường Sinh thực hiện bằng 2 loại chất liệu khác nhau: một bức là tranh ghép gốm làm năm 1981 có hình cô gái, bức còn lại là phù điêu về sự đoàn kết Công - Nông - Trí làm năm 1983. Nó cũng là chứng tích nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử mà chúng ta quen gọi là "thời kỳ bao cấp" - giai đoạn vẫn khiến giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử và thế giới quan tâm đến vẫn tìm hiểu.

Trước những băn khoăn của dư luận, giới mỹ thuật và các nhà khoa học, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã tiến hành gặp gỡ gia đình họa sĩ Trường Sinh để bàn thảo giải pháp bảo tồn hai bức tranh quý này. Thế nhưng, không giống như mong đợi, một thời gian sau đại diện gia đình họa sĩ Trường Sinh lại nhận được thông báo là phải tự di dời bức tranh cổ động của cha mình nếu muốn lưu giữ, nếu không sẽ bị phá dỡ chỉ vì một lý do là 2 bức tranh này không nằm trong danh mục kiểm kê di tích của thành phố. 

Và cuối cùng, gia đình con trai họa sĩ Trường Sinh là ông Trường Thành đã tháo dỡ được bức tranh gốm về bảo quản tại gia đình vào tháng 2-2020. Còn bức tranh cổ động trát vữa thẳng vào tường thì gia đình không đủ năng lực để thực hiện, vì nếu muốn bảo quản thì phải tiến hành cắt và di dời cả một mảng tường lớn. Bởi thế, bức tranh cổ động kém may mắn này đã bị phá dỡ một phần vào hồi cuối tháng 3 vừa qua, khiến dư luận một lần nữa dậy sóng. 

Nhưng vẫn còn may mắn ở chỗ, khi sự việc này được dư luận xới lên, gia đình cố họa sĩ Trường Sinh đã nhận được lời ngỏ ý giúp đỡ của ông Martin Rama - Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông Martin Rama bày tỏ sẽ cùng bạn bè tài trợ toàn bộ kinh phí cho phần còn lại của bức tranh cũng như phần kinh phí cho việc khôi phục phần tác phẩm đã bị phá dỡ.

Cùng với các cộng sự người Việt Nam, ông Martin Rama đã đề xuất ý kiến được đưa 2 bức tranh tường tới đặt tại đoạn đường Trần Quang Khải, gần cầu Long Biên và đề xuất này đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chấp thuận. Số phận chìm nổi của 2 bức phù điêu đã được giải cứu, quả thực là một tin vui, một sự khích lệ động viên không nhỏ đối với những người quan tâm đến mỹ thuật, di sản văn hóa của đất nước.

Cần những biện pháp mạnh tay

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ dư luận đã bức xúc ra sao khi lần đầu phát hiện công trình Panorama với 5 tầng giật cấp xuống triền núi và 2 tầng nổi trên mặt đất đột ngột mọc lên sừng sững như một lô cốt trên đỉnh Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, công trình này không phù hợp thậm chí là phá vỡ cảnh quan thiên nhiên nơi đây, vi phạm Luật Di sản và trái với các nội dung trong bản Quy hoạch tổng thể việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của cao nguyên đá Đồng Văn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó. 

Tuy nhiên, sự việc sau đó lại rơi vào im lặng, công trình Panorama được tỉnh Hà Giang xác nhận là sai phạm khi xây dựng trên đất nông nghiệp và vi phạm các quy định khác, nhưng không bị đình chỉ, mà vẫn mở cửa đón khách. Việc làm này một lần nữa khiến dư luận bức xúc và ngày 28-2-2020, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) phải có công văn yêu cầu Hà Giang nhanh chóng xử lý vấn đề này. 

Cuối cùng, một cuộc hội nghị đã được tổ chức hồi trung tuần tháng 3-2020 để lấy ý kiến các nhà quản lý, nghiên cứu di sản - văn hóa - kiến trúc và đi đến phương án cuối cùng là cắt bỏ 1 tầng nổi của tòa nhà và loại bỏ dịch vụ lưu trú, chỉ giữ lại dịch vụ tham quan, ngắm cảnh và tiếp tục có những chỉnh sửa cho phù hợp với cảnh quan nơi đây.

Tòa nhà mang tên Panorama trên đỉnh Mã Pì Lèng sẽ được tháo dỡ 1 tầng nổi và sửa sang cho phù hợp với cảnh quan để trở thành một điểm dừng chân cho du khách.

Dù hơi muộn, nhưng việc làm này cũng ít nhiều đã nhận được sự ủng hộ của dư luận, không thể để một công trình sai phạm ngang nhiên tồn tại như một "sự đã rồi" được. Bởi vì nó sẽ trở thành một tiền lệ xấu của việc "phạt cho tồn tại". Thực sự phải cần các biện pháp mạnh tay, có tính chất răn đe cho những người chỉ nhăm nhăm trục lợi trên di sản mà quên đi việc phải trân trọng, bảo vệ nguyên trạng cho bất kỳ di tích - di sản nào, dù đó là sản phẩm của tạo hóa thiên nhiên hay do bàn tay con người làm ra.

Nguyệt Hà
.
.