Bao giờ trời sáng?

Thứ Năm, 03/10/2019, 08:43
Mấy năm gần đây, chuyện phim Việt Nam phá vỡ kỷ lục phòng vé với doanh thu 100 tỷ đã trở thành thông tin gần như là "thường niên". Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc đang có sự "hửng sáng" thực sự với công nghiệp điện ảnh Việt Nam hay không?


Có thể nói là không bởi những trường hợp phim sản xuất ra có doanh thu lớn, có lãi lớn vẫn chỉ là số ít. Phần đông vẫn là những phim được sản xuất ra và gánh trên vai kỳ vọng rất lớn của nhà sản xuất nhưng rồi sau đó cũng là nỗi thất vọng lớn bởi những khoản lỗ không thể bù đắp.

Song, dù có khó khăn như vậy đi chăng nữa, làm phim vẫn là một khát vọng mà nhiều nhà sản xuất theo đuổi, bởi động lực từ những bộ phim bom tấn mang lại doanh thu kỷ lục là rất mạnh mẽ. Thực chất, những bộ phim thành công như thế chưa phải xuất sắc tới mức độ khó có thể vươn tới đối với những người làm nghề khác.

Lý do phim Việt chỉ là một giọng nói khiêm tốn, và yếu ớt, ở các Liên hoan phim uy tín tầm cỡ thế giới đã cho thấy điều đó. Và đó lại càng là lý do để những nhà sản xuất dốc tâm sức, tài lực vào đầu tư một bộ phim chất lượng hơn nữa với suy nghĩ đơn giản "phim mình chất lượng hơn, có đề tài hấp dẫn không kém, khả năng thành công như những phim kỷ lục doanh thu chắc chắn sẽ có".

Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ, công nghiệp điện ảnh không phải như thể thao đối kháng, nghĩa là ai mạnh hơn, thể hiện tốt hơn thì thắng. Công nghiệp điện ảnh còn cần được hỗ trợ bởi nhiều khía cạnh khác nữa, từ truyền thông đến chiến lược phát hành; từ khả năng bắt kịp xu hướng quan tâm cho tới cả yếu tố may mắn…

Nhiều phim rất tốt, nếu không nói là rất hay, nhưng chỉ sai lệch một ly trong một yếu tố phụ trợ quan trọng nào đó cũng đủ khiến chúng trở thành một thất bại thảm hại khi ra rạp. Và nói thẳng, ngay cả những đạo diễn từng làm phim doanh thu trăm tỷ cũng không dám mạnh dạn nói rằng có thể rút ra một công thức thành công để làm phim Việt.

Một ví dụ gần đây nhất chính là bộ phim độc lập có tên "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi". Phim được truyền thông rất tốt, đặc biệt là ở nền tảng mạng xã hội, một xu hướng truyền thông vô cùng hiệu quả những năm gần đây. Và sau đêm công chiếu đầu tiên, phim đã nhận được rất nhiều lời ngợi khen khách quan trên các trang cá nhân của nhiều người trong nghề cũng như cả các KOLs có uy tín. Vậy mà chỉ mới ra rạp được vài ngày, đã có thông tin phim sẽ không còn được chiếu nữa sau ngày 30/9.

Lý do rất đơn giản: nếu trong 3 ngày công chiếu đầu tiên, doanh thu không cho thấy khả năng phim có thể thu hút được sự quan tâm của khán giả mua vé, phim sẽ bị các rạp ngưng chiếu để nhường suất cho những sản phẩm điện ảnh có thể mang lại doanh thu tốt hơn.

Chính nhạc sỹ Phạm Hải Âu, người làm nhạc phim cho "Trời sáng rồi, ta ngủ đi thôi", cũng phải than thở trên trang cá nhân rằng "Nghe đâu thứ 2 tuần sau phim bị rút các suất chiếu khỏi rạp. Nhạc mình làm 8 tháng mà chỉ chiếu trong 3 ngày".

Đính kèm với than thở ấy là một poster mà dòng kêu gọi đại ý "Phim cần 150 ngàn người trẻ tiếp sức để được sống. Trời ơi, phim chưa muốn chết". Và "tiếp sức" ở đây chúng ta quá hiểu. Đó chính là hành động ra rạp mua vé xem phim để hi vọng phim còn được "chiến đấu" dài ngày ở các rạp.

Việc các rạp (hệ thống phát hành) chiếu rút các phim không có khả năng sinh doanh thu để nhường chỗ cho các phim có lợi nhuận là chuyện tất nhiên. Nhà đầu tư mở rạp để kinh doanh và không ai kinh doanh để rồi nhận lỗ với cái tiếng thơm là "ủng hộ nghệ thuật" cả.

Đặc biệt, các phim ít tính thương mại lại càng dễ có khả năng lỗ và bị rút khỏi rạp sớm hơn nữa. Nhưng nếu ủng hộ cách làm thẳng thừng và quá rạch ròi của các cụm rạp, điều đó có thể sẽ là yếu tố khiến các nhà đầu tư ngại "phim ảnh" hơn bởi tính rủi ro quá cao. Điều đó vô tình sẽ dẫn đến việc phim Việt sẽ ngày càng èo uột hơn, đặc biệt là khi phải cạnh tranh với toàn phim bom tấn nước ngoài. Như thế, điện ảnh Việt Nam sẽ ra sao và bao giờ "trời sáng" cho các sản phẩm điện ảnh thuần Việt?

 Nhiều người cho rằng cần phải có động thái từ một chính sách bảo hộ cụ thể để phim nghệ thuật có thể tồn tại trong sức ép chạy đua doanh thu của một thị trường luôn chuộng phim thương mại như hiện nay. Song, nếu có một động thái như thế, thứ nảy sinh còn phức tạp hơn là "lấy gì để làm thước đo phân biệt đâu là phim nghệ thuật và đâu là phim thương mại, giải trí đơn thuần". Không khéo, lúc ấy lại nảy sinh tiêu cực trong việc phân loại phim để lách kẽ hở chính sách bảo hộ.

Nhưng chính sách bảo hộ phim nội địa là một việc cần làm, thậm chí là phải làm mạnh mẽ bởi nó không đơn thuần là bảo vệ nhà đầu tư mà còn để bảo vệ văn hoá trước sự xâm thực của các sản phẩm nước ngoài. Quan trọng là bảo hộ như thế nào, có minh bạch và có khách quan hay không mà thôi. Và trước mắt, thuế có thể là một công cụ tốt để việc bảo hộ phim nội địa trong cuộc chiến ở các cụm rạp hôm nay.
Văn Đoàn
.
.