Bán kèm và chạy theo định hướng... số ít

Thứ Bảy, 28/05/2016, 08:31
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, người Hà Nội bắt đầu biết đến bia hơi. Ban đầu, để cho mọi người quen dần với thứ đồ uống có vị hơi đăng đắng này, các cửa hàng ăn uống quốc doanh bèn nghĩ ra "sáng kiến" bán 2 loại bia. Loại thứ nhất là bia thường với giá 1 hào/cốc. Loại thứ hai: Bia sirô với giá 1 hào rưỡi/cốc.


Về thực chất, bia sirô là bia hơi có pha si rô, uống rất ngọt, mà chỉ ở thời ấy mới có và chỉ ở thời ấy, người ta mới uống. Còn bây giờ, nếu cho không, người ta cũng không uống và nếu kể lại, chắc gì nhiều người đã tin.

Khi bắt đầu có nhiều người quen uống bia thì thứ đồ uống này lại hiếm. Thế là các cửa hàng ăn uống quốc doanh lại nghĩ ra "chiêu trò" mới: Ai muốn mua được 1 cốc bia phải mua kèm 1 gói lạc hoặc một đĩa nộm (ế). Hãy thử hình dung: Một người  muốn uống 5 cốc hoặc 10 cốc bia mà buộc phải nhắm hết 10 gói lạc hoặc 10 đĩa nộm, thì tình hình sẽ phức tạp đến mức nào? Chắc chắn có 3 tình huống xảy ra: Một, cố gắng ăn nó bằng hết; hai, mang nó về nhà; ba, vứt nó đi.

Ấy là chuyện "lạc kèm bia", "nộm kèm bia" của thời bao cấp, diễn ra đã lâu lắm rồi, ít ra cũng đã ngót nghét nửa thế kỷ.

Bìa các tập thơ được nhắc đến trong bài viết.

Đến thời kinh tế thị trường, mọi thứ hàng hóa đều ê hề và phải cạnh tranh đến mức quyết liệt, không ngờ cái sự bán kèm ấy vẫn chưa chịu dứt áo ra đi. Mà lại diễn ra trong địa hạt bán sách, thế mới lạ!

Cách nay dễ thường cũng đã đến trên dưới 20 năm, có một người (xin không được nhắc tên) bèn nghĩ ra trò bán sách bằng cách in các tập thơ có độ dày vào loại kỷ lục (thường xấp xỉ 1.000 hoặc trên 1.000 trang). Một khi sách có độ dày cao thì giá bìa của nó đương nhiên cũng cao, theo tỷ lệ thuận. Ở thời điểm đầu tiên, người này gọi những tập sách này là những tập thơ tuyển. Mọi tác giả, dù lớn hay nhỏ, dù hay hay dở, dù chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp… đều có một bài.

Nhiều người mới chân ướt chân ráo vào nghề, khi thấy tên mình được đứng cạnh những tên tuổi thơ, những đấng bậc thơ thì mừng lắm. Họ tự nguyện bỏ tiền ra mua những tuyển thơ này và mang về nhà như mang một niềm háo hức, một niềm hãnh diện vậy! Chuyện này chẳng khác gì chuyện một nhà thơ đã có tuổi, thơ làm mãi chẳng ra làm sao, khi có một bài thơ được phổ nhạc đã vội vàng tung lên Facebook một niềm vui và một niềm tin rất trẻ thơ: "Vậy là chỉ trong một đêm, tôi đã thành người khác. Vậy là từ nay, tôi đã nổi tiếng rồi!".

Nhân đây, cũng xin kể một chuyện vui vui. Có một ông yêu thơ, có lẽ vì trót mua nhầm loại sách trên đã dăm bảy năm, nên đã "sửa sai" bằng cách tặng tôi 2 tuyển thơ ế (mỗi tuyển 2 tập dày gần 2.000 trang), với lý do: "Vì ông cũng có thơ ở trong ấy". Tôi không nhận thì không đành, nhưng nhận rồi thì không biết xử lý chúng thế nào. Mà giữ nó, để trên giá sách, thì tôi không thiết.

Dịp ấy lại là dịp sắp đến Tết Nguyên đán, khi mang 4 cuốn sách thơ được đóng thành hai block có bao bì khá hoa hòe hoa sói về cơ quan, mấy đồng nghiệp của tôi cứ tưởng tôi được tặng 2 chai rượu cổ truyền hoặc hai chai rượu quý của Trung Quốc. Mấy đồng nghiệp của tôi bảo: "Kỳ này, chúng ta thả sức mà "nâng ly" mệt nghỉ!", rồi như thế trong "cái khó" mà "ló cái khôn", tôi nghĩ ngay đến việc mang tặng một người có thơ in ở trong ấy mà tiếc tiền không mua và một người rất thích thơ nhưng đọc thơ không hiểu gì. Vậy là tôi… thoát hiểm.

Cách nay 2 năm, một tuyển thơ, nếu tôi nhớ không nhầm là "Đánh gắc làm thơ mười thế kỷ", cũng được "chế" theo thể thức cũ và cũng dày cả nghìn trang. Còn vào Ngày thơ vừa rồi, nhà thơ M. nói với tôi: "Mình vừa mua hai cuốn thơ có độ dày đáng kể, mang tên "Bài ca thống nhất" với giá gần 2 triệu đồng. Mình mua không phải hoàn toàn vì mình có thơ trong ấy đâu, mà vì nhìn cái cảnh cái ông tự nhận là soạn giả, tự tuyển chọn, tự in, tự đi bán sách ấy... tự nhiên thấy thương quá! Ông hỏi vì sao ư? Vì cái vở diễn này đã lỗi thời quá rồi!". 

Năm 2009, "Hợp tuyển thơ Nguyễn Trãi" được ấn hành, dày trên 1.600 trang. Sách được in khổ lớn và được trình bày thưa thoáng đến mức khó có thể thưa thoáng hơn. Ví dụ: Một bài thơ ngắn (7 chữ, 8 câu) của Nguyễn Trãi cũng có thể kéo dài đến 3 trang (nguyên bản chữ Hán, phần dịch nghĩa, phần dịch thơ). Việc này nếu có thể cho qua, thì có một việc khác, rất khó cho qua. Ấ

y là việc người tuyển chọn đã cho in thêm vào "Hợp tuyển…" phần IV ("Thơ viết về Nguyễn Trãi") từ trang 1.165 đến trang 1.573 của các tác giả hiện đại. Nhiều người hỏi nhau: Mua sách này là để đọc, tìm hiểu thơ Nguyễn Trãi chứ đâu phải để đọc "Thơ viết về Nguyễn Trãi"? Vả chăng, nếu có in "Thơ viết về Nguyễn Trãi" thì nên in một tập riêng, sao lại in theo lối "tranh thủ"? Mà "tranh thủ" ai, chứ "tranh thủ" đến cả Cụ Nguyễn Trãi nữa, thì rất không nên.

Đã cả chục năm nay, một số cá nhân đứng ra mua giấy phép của một vài nhà xuất bản để ra tạp chí ở dạng trá hình. Thơ của ai (kể cả văn, cũng thế), chất lượng yếu kém cỡ nào mà không đụng chạm đến những gì thuộc diện cấm đoán, đều được in thả phanh với điều kiện kèm theo: Phải mua sách, ít thì 10 cuốn, nhiều thì vài chục cuốn. Trong trường hợp này, người ta gọi là hiện tượng nhận "nhuận bút ngược" (tác giả không có nhuận bút, phải bỏ tiền túi ra mua sách).

Nhưng cái sự "bán kèm", không chỉ dừng ở một số tuyển thơ như đã nêu ở trên. Một vài năm gần đây, có một tờ báo còn nghĩ ra việc in lịch để bàn có in một vài câu thơ vào đó để bán lịch.

Tôi biết có cả chục người phải bỏ ra bạc triệu để mua một chục hoặc vài chục lịch bàn vì đã nhận được lời nhắn nhe từ trước: "Sẽ in thơ của anh (hay chị), của ông (hay bà) vào đó với điều kiện phải mua một chục hoặc vài chục lịch bàn của chúng tôi". Tất nhiên, để thực hiện việc này cho tới nơi tới chốn, người làm ra lịch bàn kiểu trên đã chọn một ít câu thơ tử tế của một số tác giả tử tế theo kiểu "chim mồi" và kèm vào nhiều câu thơ không đâu vào đâu.

Mà không chỉ có lịch để bàn. Mới đây, tôi lại phát hiện ra trên lịch block, người ta cũng làm thế! Trên một lịch block của một nhà xuất bản quen thuộc và có tiếng hắn hoi, người ta đã cho in vào đó những câu thơ thường thường bậc trung, vô thưởng vô phạt.

Liên hệ với hiện tượng "lạc kèm bia", "nộm kèm bia", mới thấy: Thơ cũng đang bị "bán kèm" theo "định hướng" nhắm tới sự háo danh của người viết và chỉ nhắm vào số ít ngộ nhận để kiếm ăn.

Sự thương mại hóa đang phát huy tác dụng tối đa của nó.

Nhưng bất kỳ một loại hàng hóa nào, nếu chỉ nhắm tới khách hàng số ít, thì thử hỏi những người bán hàng kiểu này, đến bao giờ mới ngóc đầu lên được?

Ngọc Trân
.
.