Bạn có thể làm được!

Thứ Hai, 21/08/2017, 08:02
Là người làm công tác giáo dục, tôi đã nghe, đọc và tham dự nhiều hội thảo bàn về định hướng  “giáo dục phát triển năng lực” như một đổi mới quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục nước nhà. Nhưng thực sự tôi vẫn còn nhiều băn khoăn khi tác nghiệp. 


Thế nào là giáo dục phát triển năng lực? Phải chăng từ trước đến nay chúng ta chưa thực hiện điều này trong nền giáo dục của mình, khi Nguyễn Ngọc Ký có thể đến trường và viết bằng chân, và Trần Đăng Khoa làm thơ cùng với mũ rơm đi học? Lý thuyết thì thực sự là xu hướng thời đại không cần bàn cãi.

Nhưng để lấy ví dụ cho một hiệu trưởng hay giáo viên trường phổ thông là họ phải làm thế nào để thực hiện giáo dục theo định hướng phát triển năng lực ở trường hay lớp mình thì tôi thấy mình lúng túng. Khi đến Canada - một đối tác hiện có chương trình hợp tác với Học viện Quản lí giáo dục của ta thì thật tình cờ, không tìm mà gặp, tôi đã thấm thía một cách giản dị mà rõ ràng về giáo dục phát triển năng lực trong tình huống cụ thể.

Tôi có may mắn được tham dự chương trình Học cắm trại tại Prince Albert National Park (Công viên quốc gia mang tên hoàng tử Albert) của Trung tâm Anh ngữ Global Garthering Place (viết tắt là GGP - Nơi gặp gỡ toàn cầu). Sau một ngày đi đường trường, thay đổi thời tiết và lạ nhà, lại ngủ trong lều giữa trời và đất, có cả những bé mấy tháng tuổi còn bú sữa nên sáng ra đã nghe có tiếng khóc, tiếng vòi của chúng.

Nhưng chẳng hề gì. Đoàn vẫn lên đường đúng kế hoạch, sau bữa điểm tâm đã được Ban tổ chức dọn sẵn, có cả món nóng và món nguội, bánh trái và hoa quả. Mấy thiếu niên dậy sớm đã sửa soạn xong phần việc của mình, hăng hái tình nguyện giúp cho nhà bếp. Người ăn chay được nhường vào trước, rồi đến người ăn thịt, trong đó lại chia ra phần riêng của người ăn thịt giết mổ khi còn sống và người ăn thịt giết mổ khi con vật đã tắt thở…

Cô Afton - Trưởng đoàn và cũng là phụ trách của Trung tâm GGP đã đi lại xăm xắn, xem xét, cắt đặt từng việc và cùng bưng đồ đến từng bàn ăn, chờ cho mọi người ai cũng đầy đủ hết rồi cô mới cầm đến đĩa của mình, nên nếu là người ngoài, thật khó nhận ra cô là lãnh đạo.

Đi giữa đoàn người, theo sau các cô hướng dẫn viên xinh đẹp của “Công viên quốc gia mang tên hoàng tử Albert”, cô cũng rất bình dị với thân hình mảnh khảnh trong bộ đồ quần soóc, áo pul. Vậy mà hôm qua, ngay khi tới công viên, nhìn cô tay năm tay mười ôm cả đống vật liệu dùng cho việc cắm trại, phân phát cho từng gia đình và lại đến tận nơi giúp mọi người dựng trại mới phát hiện ra cô gái mảnh khảnh ấy khỏe hơn vóc vạc bên ngoài của cô rất nhiều.

Học sinh trung học tham gia trại hè truyền thống Kandalore - Canada-2017.

Hoạt động đầu tiên của buổi sáng là leo núi mà thực ra là khám phá những khu rừng của vườn quốc gia thì đúng hơn. Rừng xứ lạnh với thông và một loại cây chưa rõ tên, lá nhỏ, thân thẳng, cao mảnh dẻ như dáng cô Afton. Hầu hết bao phủ chỉ là một tầng thực vật nên khu rừng rất thoáng, chứ không rậm rịt nhiều tầng như rừng nhiệt đới. Không biết có phải vì như vậy mà từ tư duy cho đến cách diễn đạt và ngữ pháp trong ngôn ngữ của họ đều rất mạch lạc và thẳng thắn, rất rõ ràng giữa “có và “không…

Có hơn chục gia đình mà quả thật là cả thế giới cùng tụ hội với không chỉ vàng, đen, trắng… nước da mà cả sự đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa nữa! Ngoài hai em bé ẵm ngửa còn có rất nhiều trẻ con ở tầm tuổi mẫu giáo và tiểu học, các em đều tự đi với đủ loại giày dép khác nhau, từ giày da đến dép lê, mà chả có ai dắt tay hay bế, cõng... Cậu bé tầm ba tuổi đến từ Ấn Độ đi bên cậu bé chừng lên năm, lên sáu đến từ Ecuado. Hai bé vừa đi vừa đùa nghịch, cười nói ríu ran. Bỗng cậu bé hơn vấp chân, ngã lăn ra đất. Fasil - cậu thanh niên trẻ, một thành viên trong đoàn nhanh nhẹn tới gần, nhưng không đỡ, không xoa hay “đánh đất để làm hài lòng cậu bé, mà chỉ mỉm cười hỏi lớn “Are you ok? (Bạn ổn chứ?) với giọng vui vẻ đến nỗi chính cậu bé con sau khi tự mình đứng dậy đã không hờn dỗi, kêu ca điều gì mà còn bắt chước lặp lại với anh bạn lớn hơn của em “Anh có ổn không?!.

Sau khi lên rừng về thì Fasil đến từng lều thông báo mọi người sẵn sàng “xuống biển”, mà thực ra là hồ, nhưng quả thật là hồ rộng ngút tầm mắt, bờ này không thể nhìn tới bờ kia, nối liền với bầu trời xanh thắm, trên bờ lại có bãi cát trắng với cả trăm người nằm dài phơi nắng và thư giãn nên có cảm giác như là biển vậy. Các cô cậu bé con cũng thả sức vẫy vùng theo sở thích và năng lực của mình, dù đã biết bơi hay chưa. Tất nhiên là ngoài việc vùng nước trong giới hạn an toàn thì cha mẹ cũng luôn có trách nhiệm theo sát để các em luôn được tự do trong vùng kiểm soát.

Nhiệt độ ngoài trời lên tới 33 độ C, nhưng nước hồ vẫn còn khá lạnh. Tuy vậy, thật khó có thể rời hồ nước tự nhiên mát lạnh này mà lại không được một lần đắm mình trong làn nước trong xanh của nó. Nghĩ đến cách hướng dẫn đầy kiên nhẫn của  các cô Chelsea, Britney, tôi như được tiếp thêm sức mạnh. Trước hết phải bình tĩnh đã. Hơi thở phải đều. Khi không bị sự nóng vội và lo lắng làm cho rối loạn và nhầm lẫn, thì tự nhiên bạn sẽ nổi trên mặt nước và thấy mình nhẹ như một cánh hoa. Các em bé sớm được làm quen với nước theo cánh thức này càng dễ biết bơi. Và đặc biệt, sẽ có thể “bơi không sợ hãi!”.

Khoảng 10h sáng thì mọi người dỡ trại để chuẩn bị cho hoạt động bơi thuyền ca nô và thuyền độc mộc. Afton và Fasil cùng các nhân viên công viên đến từng lều, đặc biệt là các lều có trẻ con và phụ nữ để giúp đỡ. Lều của mẹ con Adriana gần như được tháo sau cùng. Bà nhân viên của công viên đã khá già, nhưng rất nhanh nhẹn và chuyên nghiệp. Khi bà đang gấp tấm vải trại thì cậu bé Gabriel muốn được thử sức. Chắc chắn là cậu chỉ làm cho công việc chậm hơn, vì đôi tay bé xíu của cậu không thể ôm được dù chỉ một góc vải lều. Nhưng bà đã vui vẻ vẫy tay cười thân thiện cùng Gabriel: “You can do it” (Cháu có thể làm được!).

Gabriel nhoẻn cười. Hai bàn tay nhỏ xíu của em trở nên hoạt bát và khéo léo hơn bình thường. Với sự khuyến khích đầy tin tưởng và sự giúp đỡ của bà nhân viên công viên cao tuổi, cậu bé Gabriel đã hoàn thành việc gấp tấm mền vải trại khá nặng và to lớn so với vóc dáng em. Em cùng bà chập hai đầu tấm vải. Lần một, lần hai, lần ba…. Rồi cũng hoàn thành. Em đặc biệt vui sướng vì đã cùng tham gia làm việc với người lớn và học được cách làm không mấy khó khăn. HƠN THẾ NỮA, EM SẼ LUÔN TIN LÀ EM LÀM ĐƯỢC…

Nhưng với những con thuyền độc mộc của người người bản địa và ca nô thì không phải là trò đùa! Song quả là những nhân viên của công ty không có vẻ né tránh nhiệm vụ khó khăn này. Không thấy ai nói rằng trẻ con thì sẽ không được bơi thuyền cũng như làm bất cứ việc gì vì nguy hiểm! Thậm chí họ còn có ưu tiên luyện tập cho bọn trẻ trước, đứa bé hơn sẽ được đi trước đứa lớn hơn!

Với tất cả sự kiên nhẫn và kinh nghiệm chứ không phải là sự chiếu lệ qua loa hay “làm phép để qua mặt trẻ em, mỗi lần thuyền hay ca nô cập bờ, có thể là rất lâu sau, đứa trẻ nào dù đang độ lớn 15 - 13 hay chỉ vừa ba tuổi đều đã được đích thân cầm lái sau khi đã được học kĩ cách cầm thế nào để thuyền khỏi lật, để có thể lướt đi trên mặt nước…

Không thể diễn tả hết niềm vui sướng trên gương mặt các em. Mà không chỉ các em. Ngay cả với những người lớn và rất lớn nữa. Có rất nhiều người chưa bao giờ cầm đến mái chèo và càng không biết sẽ đẩy nó đi thế nào. Thật kì lạ. Tất cả những huấn luyện viên du thuyền đều là những phụ nữ lớn tuổi mà ta quen gọi “bà già, và tất cả đều khỏe mạnh, dẻo dai không ngờ trong vóc dáng mong manh. Họ tự tay khiêng những chiếc thuyền xuống nước và miệt mài, bền bỉ trong việc giải thích hay thị phạm cho người học, dù đã quá cả giờ ăn trưa! Cái quy luật rất hiển nhiên của hiện tượng vật lý về lực đẩy lại được thấm thía qua trải nghiệm khi người ta tự rút ra được rằng; khi muốn sang trái thì mái chèo phải quạt về bên phải, khi muốn tiến lên phía trước thì mái chèo lại quạt về phía sau…

Và trên tất cả việc học được cách dựng hay tháo trại, cách nhóm lửa, nướng barbeque hay bơi thuyền, cái chính là các em đã có thể học cách làm mọi việc, luyện tập mọi kĩ năng mới mẻ với niềm tin vào bản thân rằng việc gì cũng có khả năng làm được…

Thế mới biết, khi người ta có được niềm tin là đã có được rất nhiều. Như cô bé tị nạn Syria từng được đón nhận và giúp đỡ đã ước mơ trở thành bác sĩ. Bây  giờ, việc chia sẻ và giúp đỡ cho người khác trong cộng đồng không chỉ là một điều luật về trách nhiệm công dân Canada, mà với cô đã thành lẽ tự nhiên, thành một nhu cầu, lẽ sống và niềm hạnh phúc…

Trong giờ học tiếng Anh, thầy Patton đã giải thích như thế về cụm từ “pay-it - forward” (trả ơn bằng cách cho đi)… Không chỉ trong bài học, trong mỗi việc làm, những người làm trong hệ thống giáo dục và xã hội nơi đây đã luôn khiến cho bất cứ ai được gặp gỡ hay huấn luyện bởi họ hiểu và tin rằng:  “YOU CAN DO IT” (Bạn có thể làm được!)… Giáo dục khai phóng hay định hướng phát triển năng lực chẳng là như vậy đấy sao?

Lê Thị Tuyết Hạnh
.
.