Bắc cầu dải yếm...

Thứ Năm, 30/07/2020, 15:06
Hầu hết thanh niên nông thôn Bắc Bộ ngày trước (1975) đều thuộc câu: “Ước gì sông hẹp một gang/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi”. Đây là lời của cô gái mạnh bạo, tinh nghịch mà vẫn có cái nồng nàn khao khát chứng tỏ câu ca dao mới ra đời. Chàng trai nào mà được đi cầu này chắc sẽ hạnh phúc nhất thế giới! “Dải yếm” là thế nào? Quan hệ gì với cái yếm? Và cái yếm có từ bao giờ? Thật không dễ trả lời...


Trong “Tam quốc” có chi tiết đáng chú ý: Khổng Minh trêu tức Tư Mã Ý bằng cách gửi cho Ý một hòm trang sức (khăn yếm), ý nói nhà ngươi là đàn bà rồi nên không dám ra đánh nhau một trận. Ý quyết chịu nhục chứ không giáp chiến để mắc mưu. Cuối cùng Ý thắng... 

Thực ra dịch “khăn yếm” hoặc “áo yếm” là dịch thoát từ hai chữ “cân quắc” có nghĩa là đồ trang sức nói chung của đàn bà chứ không cụ thể là khăn, áo hoặc yếm... 

Thực tế thời ấy, phụ nữ Tàu chưa trang phục “nội y”, chưa có “yếm”, chỉ có “khăn”, “áo”... Thời Hy Lạp cổ đại phụ nữ cũng chưa mặc áo lót, thường dùng lông cừu hoặc vải lanh để quấn quanh ngực. Đến thế kỷ thứ III phụ nữ La Mã mới dùng những dải băng quấn ngực khi chơi thể thao. Mãi tận năm 1914 chiếc áo lót hiện đại (gần như bây giờ) được cấp bằng sáng chế hẳn hoi cho một người tên là Caresse Crosby (Mỹ).

Trang phục “nội y” của phụ nữ thời Đế chế La Mã.

Ở nước ta thời Bà Triệu phụ nữ cũng chưa có áo lót. “Đại Nam quốc sử diễn ca” miêu tả: “Cửu – Chân có ả Triệu kiều/ Vú dài ba thước tài cao hơn người/ Gặp cơn thảo muội cơ trời/ Đem thân bồ liễu theo loài bồng tang...”. “Thiên nam ngữ lục” có tới 108 câu miêu tả chi tiết có phần rườm rà về nhân vật, tình huống. Bà Triệu hiện lên vừa dân giã vừa phi thường: “Mặt như vầng nguyệt mới lên/ Mắt sáng như đèn, má tựa lan gioi/ Vú dài ba thước lôi thôi/ Ngồi chấm đến đùi, cúi rủ đến chân./ Sức quẩy nổi vạc nghìn cân...”.  

Không chỉ ở hai diễn ca này mà các diễn ca khác cũng đều có chi tiết ấy để nhấn mạnh chất phi thường của nhân vật: “Vú dài ba thước vắt lưng” (Đại Nam sử ký quốc ngữ), “Vú dài ba thước quàng liền sau lưng” (Việt sử diễn âm), “Vắt hai vú lên voi cả thét” (Thiên Nam minh giám)... Như vậy, xét dưới góc độ trang phục thì rõ ràng phụ nữ thời Bà Triệu chưa có áo lót. Điều này phản biện ý kiến cho rằng thời Hùng Vương phụ nữ đã có “yếm”!?

Lần giở theo lịch sử văn học viết, đến “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” của Lê Thánh Tông, hình tượng người phụ nữ mới hiện rõ nét: “Răng đen cười hé nguyệt nga, lác ngờ hột đỗ/ Trán rộng vạch ngang vân trận, mẽ tựa hoa mai/ Nụ vàng giắt pha ngữ hạt trai/ Quạt ngọc điểm đồi mồi xương vích/ Biếc búp dong, tía rọc ráy, yếm chéo cánh, cạnh thêu/ Lục cổ vẹt, đỏ tiết dê, xống dang chân thắt đáy”. 

“Vân trận” tức chỉ mái tóc rẽ ngang như làn mây. “Nụ vàng” tức hoa tai vàng. “Đồi mồi xương vích” tả cái quạt đẹp, quý có hình vân rất đẹp của con đồi mồi, con vích ngoài biển. “Xống” tức váy (ngày nay vẫn có từ “áo xống” tức áo và váy). 

Lê Thánh Tông là vua mà tả “giới hoa nương” như thế chứng tỏ ông có tư tưởng tiến bộ, gần dân. Cái yếm được ông tả có hình “chéo cánh” với màu xanh biếc của búp dong hoặc màu tía của dọc ráy. Có lẽ “yếm” này là tiền đề để có “áo tứ thân” thời Nguyễn!?

Đến thơ Hồ Xuân Hương có hai câu rất sinh động: “Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long” (Thiếu nữ ngủ ngày). Hình tượng thật mời gọi nên “quân tử dùng dằng” là dễ hiểu!

Trong ca dao, hình tượng “dải yếm” ra đời muộn, nhưng vì hấp dẫn nên tần số xuất hiện mới dày đặc. Dễ thấy ngôn ngữ tả cái yếm rất gần với thời đương đại hôm nay. Hầu hết được miêu tả dưới cái nhìn tình tứ của người con trai: “Tấm yếm đào sao em khéo giữ màu/ Răng đen nhưng nhức, mái tóc đầu em hãy còn xanh/ Sao em ở vậy cho đành?”. Rõ là khéo tán. Nói “khéo giữ màu” là nói đến vật hoán dụ gần gũi nhất cũng là biểu tượng của người con gái còn trong trắng, tươi nguyên. 

Hầu như các thiếu nữ thời đó đều “đồng phục” với “yếm đào”: “Mỗi tranh vẽ một cô tiên/ Cô đàn cô sáo, cô gõ sênh tiền đẹp sao/ Cô nào yếm cũng lòng đào/ Cô nào mắt cũng như sao trên trời”. Dưới con mắt dân gian thì những thiếu nữ ấy là những tiên nữ. Chỉ tiên nữ mới ở trên trời. Thành ra cái yếm của họ được coi là vật của “tiên”. 

Xin trích một mảnh chèo để thấy cái “vật tiên” hấp dẫn thế nào. Một hội thoại giữa nhân vật Từ Thức (là thầy) với nhân vật Hề (trò) trong mảnh trò “Hề theo thầy”, trích trong “Từ Thức”: “Hề: Cái gì bằng quả ổi ở dưới mắt tiên thế kia/ Từ Thức: Cái mũi tiên/ Hề: Cái gì đo đỏ dưới mũi tiên kia/ Từ Thức: À, cái quạt tiên/ Hề: Cái quạt thì nom thấy rồi, nhưng cái gì ở trong cái quạt/ Từ Thức: Trong cái quạt là cái kiềng/ Hề: Gớm, đi với người ngu, tức thật, ở trong cái kiềng cơ/ Từ Thức: Trong cái kiềng là cái áo tiên/ Hề: Chỗ nói không nói, lại cứ đi nói đằng nào. Ở trong cái áo cơ/ Từ Thức: Trong cái áo là cái yếm tiên chứ gì/ Hề: Cái yếm thì ai không biết, ở trong cái yếm kia.../Hề: Thôi vứt đi rồi, thấy bảo ông học nhiều lắm...”. 

Ở đây là sự “lộn ngược” mối quan hệ thầy - trò vốn là một trong ba mối quan hệ cơ bản trong xã hội trung đại. Trò không những không thưa bẩm với thầy lại còn “truy” thầy, thậm chí mắng mỏ thầy (với người ngu), mỉa thầy (thấy bảo ông học nhiều lắm... ). Thầy lại ngược lại, mềm mỏng, nhẹ nhàng và có phần dớ dẩn!

Dải yếm đào...

Trong xã hội thời trung đại, cái yếm đào, ngoài là trang phục còn là vật làm duyên, để bóng gió: “Hỡi cô mặc áo yếm hồng/ Đi trong đám hội có chồng hay chưa?”. Để mời gọi, trao gửi: “Cô kia yếm trắng lòa lòa/ Lại đây đập đất trồng cà với anh/ Bao giờ cà chín cà xanh/ Anh cho một quả để dành mớm con”. Để tỏ sự nhớ nhung: “Mình về mình có nhớ chăng/ Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình/ Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao”. 

Còn lấy làm cớ để quen: “Thuyền anh ngược thác lên đây/ Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền”. Để làm “cầu nối”: “Ở gần mà chẳng sang chơi/ Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu/ Mồng tơi chẳng bắc được đâu/ Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang”. Để làm biểu tượng của tình yêu trai gái: “Trời mưa trời gió kìn kìn/ Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông”. Còn được dùng để giãi bày tiếc nuối: “Kiếp sau đừng hóa ra người/ Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân”...

Lạ nhất là có “cô yếm thắm” này: “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư/ Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu”.

Yếm thường có hai loại là yếm cổ xẻ (có chồng, tiện cho con bú) và yếm cổ viền (thiếu nữ). Con gái xinh lại mặc yếm thắm cổ viền hở lườn thì quá hấp dẫn: “Đàn ông đóng khố đuôi lươn/ Đàn bà mặc yếm hở lườn mới xinh”! Có thể giải thích bài ca dao sư ốm theo cách hiểu về màu sắc này: Cô yếm thắm đã xinh rồi lại còn “bỏ bùa” thì sư ốm là phải! 

Trong thế giới ca dao chỉ thấy thiếu mỗi yếm màu vàng, vì đó là màu hoàng tộc, đặc quyền của triều đình. Còn thì rất nhiều màu, xanh da trời (thiên thanh), hồng nhạt (cánh sen), hồ thủy (xanh biển), trắng, điều, bã trầu, hoa cà, nâu, nõn chuối, gốm...

Màu sắc yếm nói phần nào về hoàn cảnh: nông dân mặc yếm vải thô màu nâu. Con gái nhà gia giáo mặc yếm màu trang nhã, kín đáo. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Giải yếm là dây vải để thắt vòng quanh eo rồi thắt múi phía trước. Yếm thường được mặc cùng áo cánh hay áo dài, đội nón quai thao, khăn nhiễu hoặc khăn mỏ quạ.

Theo nhiều tư liệu thì vào thế kỷ XVIII - XIX có các loại, yếm hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét làm cổ, hai đầu đính mấu dây để buộc ra sau gáy. Yếm cổ xây khoét tròn. Yếm cổ nhạn khoét nhọn đầu hình chữ V xẻ sâu xuống. Hai góc hai bên yếm có dây (dải) để buộc ra sau lưng. 

Bài ca dao “Mười thương” phải có yếm: “Một thương tóc bỏ đuôi gà/ Hai thương ăn nói mặn mà có duyên/ Ba thương má lúm đồng tiền/ Bốn thương răng lánh hạt huyền kém thua/ Năm thương cổ yếm đeo bùa . . .”. “Bùa” ở đây không phải “bùa ngải” mà là “bùa” vừa làm duyên, theo tín ngưỡng để tránh ma tà gió độc...

Trước 1954 phụ nữ vẫn mặc yếm. Yếm đào trong thơ Nguyễn Nhược Pháp là yếm của cô gái cổ truyền nhưng ý nghĩ thì tân thời: “Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh áo the mới/ Tay cầm nón quai thao”. Đến “yếm” của Hoàng Cầm trong “Hội yếm bay” thì mới hẳn: “Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội/ Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi...” để “Yếm đào trút lại phía vô linh”!

Nguyễn Thanh Tú
.
.