Áo dài Việt đang đối diện những thách thức cách tân?

Thứ Năm, 14/03/2019, 08:48
Lễ hội Áo dài thành phố Hồ Chí Minh (TP Hồ Chí Minh) 2019 sẽ khép lại vào ngày 17-3, đã chứng minh đây là một hoạt động văn hóa được công chúng phương Nam ưa chuộng. Tuy nhiên, tôn vinh áo dài không thể trông chờ vào lễ hội thường niên!


Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế thời trang cho rằng, áo dài cũng đang đối diện với nhiều thách thức về cách  tân cho phù hợp với không gian hiện đại, vì vậy có rất nhiều việc cần làm để trang phục truyền thống này thực sự lan tỏa vẻ đẹp Việt!  

Nếu tính khởi điểm, mẫu áo dài Việt Nam đầu tiên xuất hiện năm 1932. Đó là mẫu áo dài do họa sĩ Nguyễn Cát Tường giới thiệu trên báo Phong Hóa. Lúc ấy, làn sóng áo kiểu xường xám bên Trung Quốc bắt đầu tràn sang Việt Nam, sự xuất hiện của chiếc áo dài như một liều thuốc kháng sinh của văn hóa mặc dành cho phụ nữ đô thị. Về sau, mẫu áo dài của họa sĩ Nguyễn Cát Tường được họa sĩ Lê Phổ tiếp tục hoàn thiện và có kiểu dáng hoàn chỉnh của chiếc áo dài Việt Nam lưu truyền đến hôm nay.

Trong hai chiếc áo được xem là truyền thống của phụ nữ Việt Nam, áo dài thông dụng và gần gũi hơn áo tứ thân. Cứ nhìn áo tứ thân xúng xính, thướt tha và vướng víu, càng thấy sự hiện đại của áo dài. Nền nã, quý phái và sang trọng, đó là những nét đẹp cộng hưởng trên chiếc áo dài. Phụ nữ Việt Nam khi khoác lên mình chiếc áo dài thì sự dịu dàng, quyến rũ như được nhân lên.

Áo dài cách tân.

Không thể nói khác hơn, áo dài đồng hành với nữ tính Á Đông! Diễn viên - Thạc sĩ Võ Sông Hương chia sẻ: “Đến giờ, tôi vẫn còn mê mẩn mỗi khi được ngắm một chiếc áo dài đẹp. Giống như thời học cấp II, tôi đã từng say sưa ngắm áo dài vẽ lan, vẽ trúc của hai cô giáo dạy văn và dạy môn kỹ thuật trong trường.

Nhiều lúc ngẫm nghĩ thấy các nhà thiết kế thời trang ở nước mình thật may mắn. Bởi lẽ, mỗi cái áo dài có thể là một bức tranh, một tác phẩm nghệ thuật cho họ tha hồ sáng tạo. Tuy nhiên, không hiểu sao, giữa muôn nghìn muôn vẻ  kiểu dáng và màu sắc, từ trước đến giờ, tôi vẫn thích nhất là bộ áo dài thuần trắng.

Khi còn làm chương trình “Nhịp cầu âm nhạc” của Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, có một dạo tôi chỉ mặc toàn áo trắng. Đến độ, có hôm, một chị trong Đài truyền hình bảo “Trông em giống nữ sinh quá!”, ý chê bai hơn là khen ngợi. …

Thật ra thì, bên cạnh việc thích màu trắng, trong tôi dường như đã xuất hiện cảm giác bão hoà về áo dài. Ở góc độ khán giả và hoàn toàn chủ quan, tôi có cảm giác các MC ngày nay chỉ chú tâm áo dài xanh đỏ mà chẳng mấy đầu tư cho nội dung lời nói của mình.

Và thật buồn cười khi biết có những bạn còn ngầm ganh nhau từng cái áo khi cùng xuất hiện trên sân khấu. Vì vậy, mỗi lần làm chương trình, việc sắm sửa, nghiên cứu một kiểu áo dài mới không làm tôi háo hức như trước kia, thậm chí có lúc còn thấy mệt mỏi và phiền toái. Cảm giác bão hòa còn đến trong tôi bởi lẽ áo dài đã xuất hiện quá nhiều, đi đâu cũng thấy. Từ các em học sinh đến các chị nhân viên, từ cô giáo đến các chị phục vụ nhà hàng…, ai cũng có thể mặc áo dài, ở bất cứ nơi đâu.

Thiết nghĩ, áo dài chỉ nên dành cho những dịp trang trọng như lễ Tết, cưới hỏi và chỉ nên dành cho những ngành nghề phù hợp và cần thiết như ngành giáo dục (trừ các em học sinh cấp 2), ngành giao tiếp quốc tế và biểu diễn. Có như thế, áo dài mới trở về đúng vị trí là trang phục truyền thống của dân tộc Việt, được trân trọng và nâng niu.

Tôi lại vu vơ ước gì được quay về những ngày xưa, khi mỗi lần thấy áo dài là mỗi lần rộn ràng vui với một sự kiện trọng đại. Bạn tôi nói tôi là người có nhiều mâu thuẫn, trong chuyện này có lẽ cũng vậy. Nhưng tất cả cũng chỉ vì: tình- yêu dành cho chiếc - áo - dài”.  

Áo dài Việt Nam đi trên phố khiến bao người ngơ ngẩn “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió nổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay”! Thế nhưng, làm sao để áo dài đồng hành vẻ đẹp phụ nữ Việt một cách nền nã và thanh lịch, hoàn toàn không đơn giản.

Nhà thiết kế Việt Hùng cho rằng: “Vẻ đẹp của chiếc áo dài là vẻ đẹp dung dị, vẻ đẹp nhẹ nhàng, vẻ đẹp kín đáo, vẻ đẹp gợi cảm. Do đó, mặc áo dài không nên gắn thêm màu mắt hoặc đeo quá nhiều trang sức! Theo tôi, hiện nay chúng ta chưa có sự tôn vinh những người có cống hiến cho chiếc áo dài. Trong những nhà thiết kế chuyên tâm với áo dài, anh Sỹ Hoàng rất giỏi về áo dài vẽ, còn chị Minh Hạnh quay về kiểu áo dài cổ điển.

Tuy nhiên, xu hướng hiện nay, công chúng yêu thích áo dài kết cườm, áo dài thêu và áo dài pha trộn giữa thêu và kết cườm. Mỗi năm, do nhu cầu từ khách hàng và các cuộc thi, tôi thiết kế khoảng 1000 mẫu áo dài.

Chính vì con số khá lớn này khiến tôi nhận thấy một điều đáng buồn nữa là chất liệu để may áo dài hiện nay của Việt Nam chỉ có lụa mà thôi. Các nhãn hiệu vải Việt chỉ hợp với đồng phục, chứ không thể tạo ra những chiếc áo dài độc đáo. Tôi cứ thầm mong một ngày nào đó, tôi không phải nhập vải Hàn Quốc để may áo dài nữa”.

Một khi đã trở thành thời trang, thì chiếc áo dài cũng bị vướng vào vòng cách tân khá lẩn quẩn. Không tính các họa tiết thêm thắt, riêng cái sự… dài của tà áo đã nảy sinh bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười. Lúc thì vạt áo dài trên gối, lúc thì vạt áo dài quá gối, lúc thì vạt áo dài…chấm gót. Không ai nói được là kiểu nào đẹp hơn kiểu nào, nhưng trước sự dài của chiếc áo dài, người mặc cần xem lại chiều cao bản thân nữa!

Nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh cho biết, bà cũng rất thích những tà áo dài phá cách đồng thời ủng hộ sự biến chuyển, vận động của nó như đã từng diễn ra trong lịch sử. Tuy nhiên, với riêng những mẫu áo dài được mặc cùng váy ngắn mà các bạn trẻ khoác lên mình thời gian qua thì bà vẫn chưa “cảm” được.

Với tư cách một người tâm huyết với sự hình thành và phát triển của chiếc áo dài, nhà thiết kế Sỹ Hoàng đưa ra góc nhìn khá thú vị: “Trong tác phẩm “Số đỏ”của Vũ Trọng Phụng, tác giả gọi chiếc áo dài cách tân này với cái tên "chiếc áo hờ hững" thì phần nào chúng ta hiểu được thời điểm đó, sự làm mới này nhận về nhiều ánh nhìn không đồng thuận. Khi đi về phương Nam, áo dài tiếp nhận thêm đường nét trang phục của người Chăm: thiết kế cổ áo hở, tà áo ngắn. Ở miền Nam, bà Trần Lệ Xuân là người lăng-xê phong trào áo dài hippy, midi nổi bật nhất.

Cho đến năm 1989, cuộc thi“Hoa hậu Áo dài” đầu tiên được diễn ra với danh hiệu Hoa hậu thuộc về Kiều Khanh, tà áo dài đã đẹp hơn theo đúng nghĩa đen. Hiện tại, bất cứ người phụ nữ hay đàn ông mặc áo dài, mọi người đều có ý thức điều chỉnh lời ăn tiếng nói, hành vi cử chỉ.

Các thí sinh dự thi Hoa hậu trong tà áo dài truyền thống.

Áo dài vô tri, vô giác nhưng nó mang một quy luật ngầm cho người mặc và người đối diện phải tự điều chỉnh bản thân để phù hợp hơn”. “Bản thân là một nhà thiết kế gắn bó với tà áo dài Việt, tôi rất vui nếu góp được công sức trong việc lan toả phong trào nam giới mặc áo dài. Bản thân áo dài nam giới có phải là quốc phục của đàn ông Việt Nam hay không vẫn còn nhận về nhiều ý kiến trái chiều nhưng tôi tin, nếu phong trào nam giới mặc áo dài được lan toả thì chỉ có đẹp hơn chứ không làm tệ hơn nét văn hoá vốn có của dân tộc…

Với tôi, người mặc và cả trang phục được chọn mặc phải mang tính phổ cập, phổ biến, thông dụng. Có thể dùng để đi chơi, đi làm hay trong những dịp lễ. Ngoài ra, nó vừa phải kế thừa được tính truyền thống, nhưng cũng vẫn phải phù hợp với thời đại. Dù khoác lên mình tà áo dài quen thuộc, nhưng người mặc phải cảm thấy dễ chịu, thoải mái, không bị bó buộc quá nhiều về chỉ số hình thể mà vẫn toát lên được vẻ đẹp riêng”.

Nhịp sống thế kỷ 21 chộn rộn và náo nhiệt, kỳ lạ thay, chiếc áo dài vẫn không bị đẩy ra khỏi bon chen sôi động. Áo dài có thể từ giã nón lá, nhưng sự nữ tính vẫn giữ nguyên. Hai nhạc sĩ Thanh Tùng và Từ Huy có lý khi viết: “Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố. Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó…”.

Không nghi ngờ gì nữa, có thể khẳng định, trong những sản vật làm nên văn hóa Việt, giá trị của chiếc áo dài là bất biến. Đã có bảo tàng áo dài và lễ hội áo dài, tại sao không có Ngày Áo Dài Việt Nam. Có hai cột mốc có thể chọn làm Ngày Áo dài Việt Nam, thứ nhất là ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, thứ hai là ngày phát hành số báo Phong Hóa in mẫu áo dài đầu tiên.

Tuy Hòa
.
.