Ánh trăng có mãi trong xanh?

Thứ Sáu, 24/08/2007, 17:16
Hình tượng “Trăng cứ tròn vành vạnh”, “Ánh trăng im phăng phắc” là hình ảnh quá khứ tốt đẹp cứ ám ảnh mọi người. Bài thơ tác giả viết cách đây ba thập niên nhưng vẫn đủ “cho ta giật mình”.

Bài thơ đầu tiên của Nguyễn Duy tôi đọc là “Chiều khẩu đội” đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1972.

Đây chưa phải là bài thơ hay. Nhưng tôi chú ý một cách nói riêng, cách nói tự nhiên gắn với đời thường mà sau này thành một nét trong phong cách thơ Nguyễn Duy: “Có người nói oan cho chiều là buồn”, và một cách tả mang dấu ấn tài hoa “Chiều bồn chồn chảy tím dòng sông”...

Rồi Nguyễn Duy đoạt giải nhất cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1972 - 1973. Nhà phê bình Hoài Thanh giới thiệu thơ anh. Anh trở thành nhà thơ được bạn đọc chờ đợi.

Trong chùm thơ được giải, mọi người chú ý đến chất dân dã trong những vần thơ lục bát của anh, và bài “Tre Việt Nam” trở thành tài sản có giá trong nền thơ, gắn liền với tên tuổi Nguyễn Duy, dẫu sau này anh có thêm nhiều bài thơ hay khác.

Chùm thơ được giải này cũng là khung chính của tập “Cát trắng”. Ngoài ra, còn dăm bảy bài nữa có thể nhận là của Nguyễn Duy.

Còn bốn phần năm số bài trong tập, chất Nguyễn Duy chỉ có ở từng câu, từng khổ, hoặc chỉ phảng phất mà thôi. Có thể gọi đó là những trang thơ nhật ký, nếu không đề tên Nguyễn Duy, thì dù là người đọc tinh cũng còn ngờ ngợ.

Trong nghệ thuật có điều không may cho những người mà tài năng bị phân tán thành nhiều tác phẩm trung bình, làm tác phẩm của họ bị quên hết.

Nhưng đó lại là điều may cho những người mà tài năng được dồn vào một vài tác phẩm đặc sắc, mọi người sẽ quên đi nhiều tác phẩm nhàn nhạt, non yếu của họ. Sau tập “Cát trắng”, Nguyễn Duy đứng ở vị thế thứ hai.

Sau đó Nguyễn Duy đã vượt lên. Tập “Ánh trăng” vững đều, tài năng bung nở. Nó chưa nằm trong số những tập hàng đầu, nhưng nền thơ ta cũng chưa có được nhiều tập như thế.

Nghĩa tình của Nguyễn Duy, cốt cách chính tạo nên phong cách thơ của anh thời kỳ này, tôi thấy đọng ở hai bài mang hai cái tên bâng quơ “Cầu Bố” và “Đò Lèn” viết về cha và bà ngoại. Đặc biệt là ở bài “Đò Lèn”. Đây là một trong rất ít bài thơ hay viết về tình bà cháu ở thơ ta. Nó hơn nhiều bài khác ở chỗ tự nhiên và hàm súc:

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm...
.....
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Bao nhiêu tình nghĩa trong từ thập thững ấy!

Sự tài hoa của anh thể hiện nổi bật trong các bài “Ánh trăng”, “Sông Thao”, “Đà Lạt một lần trăng”, “Ông già sông Hậu”. Trong đó “Ánh trăng” thể hiện sự trăn trở của anh trong cuộc sống.

Bài thơ xoáy vào lòng người đọc câu hỏi: Làm sao để sống được thăng bằng giữa quá khứ và hiện tại?

Hình tượng “Trăng cứ tròn vành vạnh”, “Ánh trăng im phăng phắc” là hình ảnh quá khứ tốt đẹp cứ ám ảnh mọi người. Bài thơ tác giả viết cách đây ba thập niên nhưng vẫn đủ “cho ta giật mình”.

Nhất là giữa lúc hai lối sống thực dụng và lối sống duy tâm linh đang đấu tranh quyết liệt để giành giật con người (theo tôi cả hai lối sống này đều thái quá).

Hai bài “Sông Thao” và “Đà Lạt một lần trăng” có một vị trí riêng. Anh viết trước thời “mở cửa”, nhưng anh đã phát hiện sự phong phú của tình cảm con người và nói bằng thơ, rất thơ sự phong phú ấy.

Nói ngay trong tình yêu. Con người càng đẹp khi họ giàu tình cảm. Ngoài tình yêu vợ chồng, con người có thể có tình yêu nam nữ khác một cách trong sáng.

Tất nhiên, tình cảm chỉ đẹp khi nó biểu hiện đúng mối quan hệ của nó. Đây là tình yêu của những người đã có gia đình riêng. Hai bài thơ này ngoài việc thể hiện được phong cách của tác giả, nó còn chất dân tộc, rất phương Đông:

Tôi nhìn em để không nói năng gì...
Em đưa tiễn, bước chân gìn giữ lắm...

(Sông Thao)

Hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói

(Đà Lạt một lần trăng)

Về đề tài này, cho đến nay, tôi vẫn thấy ít người công khai nói, và không ai nói hay được như anh.

Cũng trong bài “Đà Lạt một lần trăng”, có một câu thơ thể hiện tài năng của Nguyễn Duy trong miêu tả. Nói về sự vắng lặng yên tĩnh của không gian và của hồn người, ba nhà thơ đều nói về một chiếc lá rơi:

Lá vàng trước ngõ sẽ đưa vèo (Nguyễn Khuyến)

Ngoài thềm rơi cái lá đa
Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng
(Trần Đăng Khoa)

Nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi (Nguyễn Duy)

Tài năng của mỗi người trong từng câu thơ khác nhau, nhưng theo tôi đều là những câu thơ tài.--PageBreak--

Hai tập “Mẹ và em” và “Đãi cát tìm vàng”, xuất bản năm 1987, là những tập thơ tiếp tục giữ được chất lượng. Sau đó, thơ Nguyễn Duy bị phân tán dần.

Có thể là quan niệm về thơ của anh đổi khác. Người đọc thấy chất tài hoa của anh có phần phát triển, nhưng đôi khi thái quá không mực thước nữa. Vẫn thấy anh quý thơ, nhưng quý theo kiểu để chơi, để đùa.

Về nghệ thuật, đôi khi thấy tác giả múa, làm xiếc. Tất nhiên, biết đùa, biết chơi, biết múa, biết làm xiếc đều phải có tài.

Nhưng đối với thơ, những miếng võ ấy hình như chỉ là cái tài bề ngoài, sức mạnh thực sự của thơ vẫn là sự hồn nhiên chân chất (hồn nhiên không cùng nghĩa với mộc mạc, quê mùa. Có thể một cô gái phi-dê rất mốt vẫn cứ hồn nhiên. Chất hồn nhiên chủ yếu phát sinh từ trong hồn).

Tất nhiên, Nguyễn Duy vẫn có những câu thơ hay. Như khi anh viết về việc đưa hài cốt Vua Duy Tân về Huế:

Thế là đã trở về đây
Một linh hồn tận chân mây cuối trời...

Hay khi anh viết về thiên nhiên cây cỏ vẫn với tâm hồn thi sĩ - một cây đàn nhạy cảm, trong chùm thơ anh viết về cây quả:

Một mùa vải chín đi qua
Nghe tu hú động lòng ta bốn mùa

(Vải thiều)

v.v...

*

Những bài thơ hay của Nguyễn Duy có nhiều bài thơ lục bát. Hồn thơ Nguyễn Duy hợp với thể loại thơ này. Thơ lục bát của Nguyễn Duy đã có nhiều biến đổi để diễn đạt những nội dung mới.

Tuy nhiên, nhiều bài vẫn còn gượng, kể cả “Tre Việt Nam”, nhưng vẫn là thế mạnh của tác giả. Còn mạch thơ thời sự của Nguyễn Duy không thành công.

Thơ thời sự chỉ thành công khi nhà thơ dùng hình tượng để thể hiện những vấn đề thời sự, như một số bài thơ của Tố Hữu, Chế Lan Viên.

Còn khi tác giả dùng lời để diễn đạt, để bình luận thì sao bằng được những bài văn hùng biện? Những bài thơ “Trở lại khúc hát ru”, “Tìm thân nhân”, “Nhìn từ xa... Tổ quốc” của Nguyễn Duy không vượt được lên trên những hạn chế đó để thành thơ, tuy nó có gây được một tiếng vang nào đó.

Người đàn bà đẹp có nhiều dạng. Có người biết làm dáng, hơi điệu một chút thì càng thêm đẹp, thêm duyên. Nhưng nếu quá đi một chút thì sẽ trở thành õng ẹo, vô duyên, kệch cỡm. Một số bài thơ của Nguyễn Duy thời kỳ sau cứ gợi tôi nghĩ tới những người đàn bà thứ hai này:

Ối giời ơi... nõn nà ghê
Màu trong sạch đến khả nghi lạ thường

(Trắng... và trắng...)

Em ơi gió - gió cong queo
Hồn hoang hú dựng ngoằn ngoèo ruột gan

(Em ơi, gió...)

Giường bụi vãng lai chợ đài thọ Chí Phèo yêu Thị Nở
Phản hàng thịt tênh hênh nhằng nhịt vết dao nhờn nhợn mỡ

(Liền anh đi chợ)

Có thể là quan niệm thơ phải tiếp cận đời thường của tác giả. Nhưng Nguyễn Trãi cũng đời thường chứ khi tả cây chuối, Nguyễn Du đời thường khi tả Kiều tắm, Hồ Xuân Hương đời thường khi tả cái giếng, Nguyễn Khuyến đời thường khi tả ao thu... và chính Nguyễn Duy cũng đã đời thường từ hơn ba chục năm trước khi anh tả cây nấm hương: “Sống im lặng, đến tật cùng im lặng/ Mà tiếng thơm đi góc bể chân trời”.

Tôi yêu thơ Nguyễn Duy từ những bài thơ đầu tiên, những bài thơ chưa thật hay. Bây giờ, tôi vẫn yêu thơ anh. Thỉnh thoảng, lòng trống vắng, hẫng hụt một cái gì đấy man mác buồn, tôi lại thầm đọc “Thôi ta về với mình thôi/ Chân trời dành để chim trời nó bay”... (Đường xa), là lòng khuây khỏa lại.

Nhưng tôi yêu thơ anh, vừa yêu vừa lo lắng. Nếu ví thơ với ánh sáng, thì trong tôi, thơ Nguyễn Duy giống như ánh trăng, trong xanh ngọt ngào, nhưng giai đoạn sau có bị nhòe một chút... Có thể là do không khí môi trường chăng?

.
.